Sứ mệnh của Gioan Tẩy Giả

Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả gắn liền với Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Thật thế, ngay từ lúc Gioan được thụ thai trong lòng mẫu thân, ngài đã là vị Tiền Hô của Đức Giêsu: Sứ thần đã báo tin cho Đức Maria biết Gioan được thụ thai cách lạ lùng, như một dấu chỉ nói rằng “không có gì mà Thiên Chúa không làm được”

 Sứ mệnh của Gioan Tẩy Giả

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô 
Chúa Nhật XII TN, Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, 24/6/2012

Anh chị em thân mến!

Hôm nay, 24/6, chúng ta long trọng mừng Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngoài Đức Trinh Nữ Maria, chỉ có Gioan Tẩy Giả là vị thánh duy nhất được phụng vụ mừng kính ngày sinh, và phụng vụ cử hành Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, bởi vì ngày lễ này gắn liền với Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Thật thế, ngay từ lúc Gioan được thụ thai trong lòng mẫu thân, ngài đã là vị Tiền Hô của Đức Giêsu: Sứ thần đã báo tin cho Đức Maria biết Gioan được thụ thai cách lạ lùng, như một dấu chỉ nói rằng “không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc 1,37), sáu tháng trước phép lạ vĩ đại mang lại cho chúng ta ơn cứu độ, sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người được thực hiện bởi tác động của Chúa Thánh Thần. Bốn Tin Mừng đều làm nổi bật dung mạo của Gioan Tẩy Giả, với tư cách là vị Tiên tri kết thúc Cựu Ước, và khai mở Tân Ước, chỉ cho chúng ta thấy trong Đức Giêsu thành Nazareth Đấng Thiên Sai, là Đấng Được Thánh Hiến của Chúa. Thật thế, chính Đức Giêsu sẽ nói về Gioan Tẩy Giả bằng những từ sau đây: “Ngài là người được viết như sau: Này đây Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con để dọn đường cho con. Thật thế, ta nói với anh em, giữa những người con do người phụ nữ sinh ra, chưa có ai lớn hơn Gioan Tẩy Giả; thế nhưng, người nhỏ nhất trong Nước Trời lại lớn hơn ông” (Mt 11,10-11).

Thân phụ của Gioan là ông Dacaria, chồng bà Elisabeth, là chị họ Đức Maria, một tư tế thuộc nghi lễ Cựu Ước. Ông tỏ ra không tin, ngay sau khi Sứ thần báo cho biết ông sẽ làm cha, một điều mà ông không bao giờ hy vọng, và chính vì thế, ông bị câm cho đến ngày con trẻ được cắt bì, và trong ngày đó, cùng với vợ, ông đã đặt cho con trẻ tên mà Thiên Chúa đã chỉ định, tức là “Gioan”, có nghĩa là: “Chúa thi ân”. Được Thánh Thần thúc đẩy, Dacaria đã nói về sứ mệnh của con mình: “Và con, hỡi con trẻ, con sẽ được gọi là Tiên tri của Đấng Tối Cao, bởi vì con sẽ ra đi trước mặt Chúa, để dọn đường cho Ngài, để cho dân Chúa biết ơn cứu độ là được tha hết mọi tội khiên” (Lc 1,76-77). 30 năm sau, tất cả những điều trên đã được ứng nghiệm, khi Gioan bắt đầu làm phép rửa trên sông Jodan, kêu gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn, qua cử chỉ thống hối, để đón Đấng Thiên Sai nay đã gần kề, Đấng Thiên Sai mà Thiên Chúa mạc khải cho Gioan trong thời gian ông sống trong sa mạc Giuđê. Chính vì thế người ta gọi ông là “Baotixita”, nghĩa là “Người làm phép rửa” (x. Mt 3,1-6).

Một ngày kia, Đức Giêsu từ Nazareth đích thân đến xin ông làm phép rửa, đầu tiên Gioan từ chối, sau đó, ông bằng lòng và ông thấy Thánh Thần đậu xuống trên Đức Giêsu, và ông nghe tiếng Chúa Cha từ trời tuyên bố Đức Giêsu là Con của Ngài (x. Mt 3,13-17). Nhưng sứ mệnh của ông vẫn chưa kết thúc: ít lâu sau đó, ông cũng được mời gọi đi trước Đức Giêsu qua một cái chết dữ dằn. Gioan bị chặt đầu trong ngục của vua Hêrôđê, và như thế, ông đã hoàn toàn làm chứng cho Chiên Thiên Chúa, Đấng mà ông đã biết đầu tiên, và công khai giới thiệu cho mọi người.

Các bạn thân mến, Đức Trinh Nữ Maria đã giúp đỡ chị họ mình là bà Elisabeth, trong thời gian bà mang thai Gioan cho đến ngày lâm bồn. Ước gì Mẹ giúp tất cả mọi người đi theo Đức Giêsu, Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng mà Gioan Tẩy Giả đã loan báo, với lòng khiêm nhường sâu thẳm và nhiệt huyết của vị tiên tri.