Phép lạ của tình yêu Chúa làm cho hạt giống nẩy mầm và lớn lên

Qua những hình ảnh của hai bài dụ ngôn được rút ra từ thế giới nông nghiệp, Chúa giới thiệu mầu nhiệm Lời Chúa và mầu nhiệm Nước Chúa, đồng thời, chỉ cho chúng ta thấy tại sao chúng ta hy vọng và dấn thân.

 Phép lạ của tình yêu Chúa làm cho hạt giống nẩy mầm và lớn lên

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô 
Chúa Nhật XI TN, 17/6/ 2012

Anh chị em thân mến,

Phụng vụ hôm nay đề nghị cho chúng ta hai bài dụ ngôn ngắn gọn của Đức Giêsu: dụ ngôn hạt giống lớn lên một mình và dụ ngôn hạt cải (x. Mc 4,26-34). Qua những hình ảnh được rút ra từ thế giới nông nghiệp, Chúa giới thiệu mầu nhiệm Lời Chúa và mầu nhiệm Nước Chúa, đồng thời, chỉ cho chúng ta thấy tại sao chúng ta hy vọng và dấn thân.

Trong dụ ngôn đầu tiên, chúng ta chú ý đến động lực của mùa gieo hạt: hạt giống được gieo vào lòng đất, dù cho người nông dân có ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và tự mình lớn lên. Con người gieo hạt giống hy vọng rằng công việc của mình sẽ không luống công. Thật thế, chính niềm hy vọng vào sức mạnh của hạt giống và chất lượng của mảnh đất đã nâng đỡ người nông dân trong lao động hằng ngày. Dụ ngôn này nhắc lại mầu nhiệm sáng tạo và cứu chuộc, mầu nhiệm công trình phong phú của Thiên Chúa trong lịch sử. Chính Ngài là Chúa tể của Vương quốc, còn con người là cộng tác viên khiêm nhường của Ngài, là người chiêm ngưỡng và mừng vui về hành động sáng tạo của Thiên Chúa, và kiên nhẫn mong chờ những thành quả của hành động sáng tạo đó. Mùa gặt sau cùng làm cho chúng ta nghĩ đến sự can thiệp mang tính quyết định của Thiên Chúa, khi thời gian đã chấm dứt, khi Ngài hoàn toàn thực hiện Vương quốc của Ngài. Thời gian hiện tại là một thời gian gieo hạt, và Chúa bảo đảm cho hạt giống lớn lên. Cũng thế, mỗi Kitô hữu biết mình phải làm tất cả những gì mình có thể, nhưng biết rằng kết quả sau cùng lệ thuộc vào Thiên Chúa: ý thức này nâng đỡ con người trong cố gắng của mỗi ngày, đặc biệt trong những tình huống khó khăn. Về vấn đề này, Thánh Inhatiô Loyola có viết như sau: “Bạn hãy hành động như thể tất cả đều lệ thuộc vào bạn, nhưng biết rằng, trong thực tế, tất cả lại lệ thuộc vào Thiên Chúa” (x. Pedro de Ribadeneira, Cuộc đời Thánh Inhatiô Loyola).

Dụ ngôn thứ hai cũng sử dụng hình ảnh hạt giống. Tuy nhiên, ở đây, ta muốn nói đến một hạt giống đặc biệt, hạt cải, được xem là hạt nhỏ nhất trong mọi loại hạt. Nhưng cho dù bé xíu, nó lại tràn đầy sự sống, từ hạt giống nẩy ra một mầm có khả năng đẩy đất sang một bên, vươn lên ánh sáng mặt trời và lớn lên cho đến khi trở thành “cây lớn nhất trong mọi loại cây trong vườn rau” (x. Mc 4,32): yếu đuối là sức mạnh của hạt giống, đẩy đất lên là sức mạnh của hạt giống. Và Nước Thiên Chúa cũng giống như thế: một thực tế, xét về mặt con người thật bé nhỏ, được bao gồm bởi những ai có tâm hồn nghèo nàn, bởi những ai không hề tin tưởng vào sức mạnh chẳng là gì của mình, nhưng tin tưởng vào sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, bởi những ai chẳng quan trọng gì trước mặt thế gian; thế nhưng, chính qua con người của họ, sức mạnh của Đức Kitô đã biểu hiện và biến đổi những gì có vẻ tầm thường, vô nghĩa.

Hình ảnh về hạt giống đặc biệt thân quen với Đức Giêsu, bởi vì nó diễn tả được mầu nhiệm Nước Chúa. Trong hai dụ ngôn hôm nay, hạt giống biểu thị một sự “tăng trưởng” và một sự “tương phản”: tăng trưởng nhờ một động lực được khắc ghi trong chính hạt giống, và tương phản nằm giữa kích thước bé nhỏ của hạt giống và sự cao cả của cái mà hạt giống sản sinh. Ta thấy sứ điệp quá rõ ràng: Ngay cả khi Nước Chúa đòi hỏi chúng ta cộng tác, nhưng trước tiên và trên hết, Nước Chúa là một hồng ân Chúa ban, một ân huệ đi trước con người và hành động của con người. Sức mạnh bé nhỏ của chúng ta, dầu cho bên ngoài là bất lực khi đối diện với những vấn nạn của trần gian này, nhưng nếu ngụp lặn trong sức mạnh của Thiên Chúa, thì nó sẽ không sợ gì những trở ngại, bởi vì nó chắc chắn rằng chiến thắng thuộc về Chúa. Đó là phép lạ của tình yêu Thiên Chúa làm cho mỗi hạt giống tốt lành được lan tràn trên mặt đất này nẩy mầm và lớn lên. Và kinh nghiệm của phép lạ tình yêu này làm cho chúng ta thêm lạc quan, dù cho có những khó khăn, những đau khổ và điều xấu chúng ta gặp trên đường đời. Hạt giống nẩy mầm và lớn lên, bởi vì chính tình yêu Thiên Chúa làm cho hạt giống lớn lên. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, như một “mảnh đất tốt”, đã đón nhận hạt giống Lời Chúa, củng cố trong tâm hồn chúng ta niềm tin và niềm hy vọng này.