Mỹ, Ấn Độ siết chặt hợp tác quốc phòng

Mỹ và Ấn Độ chính thức ký Toả thuận khung quốc phòng năm 2015 nhằm tăng cường quan hệ song phương trước những diễn biến phức tạp trong khu vực.

 

Mỹ, Ấn Độ siết chặt hợp tác quốc phòng

 

 

Mỹ và Ấn Độ chính thức ký Toả thuận khung quốc phòng năm 2015 nhằm tăng cường quan hệ song phương trước những diễn biến phức tạp trong khu vực.


 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar trước cuộc hội đàm hôm qua - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar
 trước cuộc hội đàm hôm qua – Ảnh: Reuters

Được ký ngày 3.6 tại New Delhi trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp nước chủ nhà Manohar Parrikar, thỏa thuận này được giới chức cấp cao 2 nước xem là bước đột phá nhằm đưa hợp tác quốc phòng song phương lên tầm cao mới.

Theo Hãng thông tấn PTI, ông Carter đang có chuyến thăm 3 ngày đến Ấn Độ, bắt đầu từ ngày 2.6, và có các cuộc hội đàm với Bộ trưởng Parrikar, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj, Cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval cũng như hội kiến Thủ tướng Narendra Modi.
Các nội dung đáng chú ý trong thỏa thuận hợp tác mới bao gồm bảo đảm an ninh biển, chia sẻ thông tin tình báo, đẩy mạnh tập trận chung và hợp tác chế tạo khí tài quân sự. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Carter cho biết trước mắt 2 nước sẽ hợp tác trong 2 dự án là sản xuất thiết bị bảo hộ cho binh sĩ chống vũ khí sinh hoá và chế tạo máy phát điện dùng trên chiến trường. “Chúng tôi cũng nỗ lực hướng tới hợp tác trong các dự án lớn hơn như động cơ máy bay và công nghệ tàu sân bay”, lãnh đạo Lầu Năm Góc tuyên bố.
Đài Deutsche Welle hôm 3.6 dẫn lời chuyên gia Ben Moores của tổ chức phân tích thông tin quân sự IHS nhận định Ấn Độ hiện có nguồn lực lớn hơn để chi cho những thiết bị cao cấp hơn từ Mỹ, đồng thời “cần thiết bị hiệu quả hơn để đối phó với một Trung Quốc gây lo ngại”. Cựu cố vấn tài chính của Bộ Quốc phòng Ấn Độ Amit Cowshish cho rằng sự hội tụ giữa chiến lược tái cân bằng tại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ và chính sách Hành động hướng đông của Ấn Độ “giúp 2 nước có quan hệ quốc phòng gần gũi hơn”.
Trong một động thái mang nhiều ý nghĩa, ông Carter bắt đầu chuyến công du Ấn Độ bằng việc thăm Bộ Tư lệnh hải quân miền đông Ấn Độ có phạm vi hoạt động bao gồm Biển Đông và eo biển Malacca.
Thỏa thuận với Ấn Độ là văn kiện hợp tác quốc phòng thứ hai liên tiếp được Mỹ ký với một nước trong khu vực nhân chuyến thăm khu vực của Bộ trưởng Carter sau Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam – Mỹ. Trong đó, hợp tác về an ninh biển và hợp tác chế tạo đều là những nội dung quan trọng.
Theo giới quan sát, điều này thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn của các nước về tình hình an ninh biển trong khu vực, nhất là tại Biển Đông. Cả Mỹ, Ấn Độ và nhiều bên khác vừa qua đều lên tiếng phản đối việc Trung Quốc xây đắp phi pháp, thậm chí triển khai vũ khí tại Trường Sa.
Ngày 3.6, Ngoại trưởng Úc Peter Varghese tiếp tục lên án “những hành vi khiêu khích và chèn ép gây ra mối đe doạ cho khu vực”, theo tờ Financial Review. Cùng ngày, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III lên đường thăm Nhật Bản và vấn đề Biển Đông dự kiến là một trong những chủ đề chính của cuộc hội đàm diễn ra hôm nay 4.6 giữa ông với Thủ tướng Shinzo Abe.

Trùng Quang