“Chơi” với rủi ro

“Chơi” với rủi ro để có cơ hội phát triển. Các chuyên gia khuyến cáo nếu chậm thay đổi, doanh nghiệp VN sẽ không tận dụng được những cơ hội từ hội nhập.

 

“Chơi” với rủi ro 

 “Chơi” với rủi ro để có cơ hội phát triển. Các chuyên gia khuyến cáo nếu chậm thay đổi, doanh nghiệp VN sẽ không tận dụng được những cơ hội từ hội nhập.


 

 

Sản xuất tại Công ty cổ phần Garmex Saigon - Ảnh: T.V.N.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Garmex Saigon – Ảnh: T.V.N.

Ngày 13-5, tại hội nghị thông tin chuyên đề về Cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do được Đảng uỷ khối doanh nghiệp trung ương tổ chức, các chuyên gia khuyến cáo nếu chậm thay đổi, doanh nghiệp VN sẽ không tận dụng được những cơ hội từ hội nhập.

Ông Trịnh Minh Anh, phó chánh văn phòng Uỷ ban quốc gia Về hợp tác kinh tế quốc tế, cho rằng người VN đã sở hữu cả một thị trấn ở Mỹ, một biểu hiện toàn cầu hoá về sở hữu. Do đó, việc các nhà phân phối nước ngoài sở hữu siêu thị nọ, nhãn hiệu kia của VN tới đây cũng là bình thường vì VN đã và đang hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Không có ngoại lệ trong hội nhập

Theo ông Anh, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sẽ ký kết, tăng trưởng kinh tế VN thời gian tới phụ thuộc vào độ mở nền kinh tế. Đặc biệt, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến được thành lập ngày 

31-12-2015 sẽ tạo ra thị trường khu vực hơn 600 triệu dân, một tiềm năng rất lớn để các doanh nghiệp trong khu vực khai thác. Trên thực tế, đến nay VN đã thực hiện hơn 90% cam kết trong AEC, chỉ bảo lưu khoảng 7% dòng thuế nhưng từ năm 2018, 7% dòng thuế trên sẽ phải cắt giảm xuống 0% (chỉ trừ xăng dầu).

Do đó, ông Anh cho rằng một loạt ngành hàng sẽ bị cạnh tranh mạnh và chịu tác động lớn do xóa bỏ thuế, trong đó có các ngành hàng như ôtô, động cơ phụ tùng ôtô, xe máy, sữa, các sản phẩm từ sữa, bánh kẹo, thức ăn gia súc, sản phẩm nhựa, phôi thép, lốp ôtô, máy điều hòa, vô tuyến, tàu thuyền…

Ngoài ra, ông Anh khuyến cáo các doanh nghiệp nhà nước sẽ chịu sức ép nhiều nhất ngay cả trong AEC vì các nước đều ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa, yêu cầu xoá bỏ phân biệt đối xử…

Trong khi đó, bà Nguyễn Quỳnh Nga – vụ phó Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công thương – khẳng định trong đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), cam kết về thương mại hàng hóa của VN có “phạm vi và mức độ rất cao”.

Dù không nêu chi tiết cam kết, nhưng bà Nga cho biết TPP sẽ tiến tới xoá 100% thuế nhập khẩu và các nước sẽ phải xóa ngay 90% thuế nhập khẩu sau khi hiệp định có hiệu lực. Theo bà Nga, các nước tham gia phải đáp ứng nhiều nghĩa vụ như xoá bỏ một số điều kiện cấp phép, mở cửa thị trường, yêu cầu hợp lý về nhân sự cấp cao… Đặc biệt chỉ điều chỉnh chính sách theo hướng thuận lợi hơn, tốt hơn… chứ không được khó thêm.

Với mua sắm của Chính phủ, bà Nga cho biết TPP có quy tắc đàm phán xoá bỏ các điều kiện dự thầu mang tính ưu tiên nội địa (như yêu cầu sử dụng sản phẩm hoặc nhà cung cấp trong nước), hay các yêu cầu phải chuyển giao công nghệ, yêu cầu phải có đầu tư…

Ngoài ra, nguyên tắc chung của TPP sẽ là không đánh thuế nhập khẩu với giao dịch thương mại điện tử, phải tự do lưu chuyển thông tin qua biên giới bằng phương thức điện tử…”. Do đó sau khi ký kết TPP, VN sẽ chịu nhiều sức ép về cạnh tranh và tác động xã hội, về điều chỉnh hệ thống pháp luật, sức ép tư duy và năng lực quản lý, thách thức về khả năng nắm bắt cơ hội…

Thay đổi để tận dụng cơ hội

Ông Lê Quang Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Garmex Saigon, cho biết năm 2015 dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ ước đạt 35-40 triệu USD, chiếm khoảng 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung. So với năm ngoái, tỉ lệ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng khoảng 15%, trong đó 100% đơn hàng được thực hiện theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm).

T.V.N.

Theo TS Võ Trí Thành – viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, sau khi TPP được ký kết gồm nhiều đối tác như Hoa Kỳ, Nhật, Úc… vốn là thị trường lớn của VN, doanh nghiệp VN cũng có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu.

Cụ thể, các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản… của VN có khả năng mở rộng thị trường nhờ thuế giảm sâu. “Như dệt may thị trường Mỹ đang chiếm khoảng 1/2 tổng giá trị xuất khẩu của VN. Thuế trung bình từ 17,3%, cao nhất 32% sẽ giảm xuống 0%” – ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, không hội nhập là không có phát triển và VN đã chọn hội nhập, “chơi” với rủi ro để có cơ hội phát triển. “Nhưng hội nhập chỉ là điều kiện cần chứ không đủ cho VN phát triển” – ông Thành cảnh báo.

Để tận dụng được cơ hội từ hội nhập, ông Thành cho rằng Chính phủ cần hết sức nỗ lực cải cách, trong đó có tăng cường vai trò, vị thế khu vực tư nhân, khuyến khích sáng tạo, ứng xử để tạo hình ảnh tốt về nhà nước pháp quyền, một chính phủ phục vụ dân, doanh nghiệp một cách minh bạch…

Cùng quan điểm, ông Trịnh Minh Anh cho rằng thách thức lớn nhất khi hội nhập là làm sao tận dụng các cơ hội.

Theo ông Anh, sau nhiều năm đổi mới và hội nhập, kinh tế VN vẫn chỉ dừng lại ở việc khai thác tài nguyên, sản xuất hàng gia công và hàng thuỷ sản thô, sơ chế. “Sau nhiều năm hội nhập, ba nhóm này không thay đổi dù xuất nhập khẩu tăng khoảng 350 lần. Phải thay đổi cơ cấu nền kinh tế thế nào chứ để khi có biến động thị trường, hàng hoá lại ùn tắc, đổ đi… thì khó” – ông Anh nói.

Ông Anh cũng cho rằng Chính phủ cần rà soát, xây dựng khung chính sách trong nước hài hòa với cam kết khu vực về thực thi AEC, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng giải pháp phù hợp tạo thuận lợi cho một số ngành ưu tiên hội nhập để tận dụng thời cơ, trước hết là 12 ngành: nông sản, vận tải hàng không, ôtô, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, thủy sản, y tế, cao su, dệt may, du lịch, sản phẩm gỗ…

“Các doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu thông tin vì nhiều nước ASEAN đã thực thi cam kết AEC rồi, nhiều doanh nghiệp của họ đang tận dụng tốt cơ hội” – ông Anh kêu gọi. 

Hiến kế đổi mới cơ chế, chính sách: 1 tỉ đồng

Cùng ngày, Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương cũng phát động cuộc vận động “Hiến kế đổi mới cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển doanh nghiệp và kinh tế đất nước”.

Theo đó, nội dung kêu gọi hiến kế gồm: Đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách vĩ mô để tạo động lực mới phát triển nhanh, bền vững của đất nước hoặc của ngành, địa phương. Hiến kế đổi mới, hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường. Các kế sách, chiến lược để tạo đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao hiệu lực, kỷ cương, tính công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế.

Hiến kế nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước… Kết quả hiến kế sẽ được tổng hợp để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để bổ sung vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng như chỉ đạo nghiên cứu, ứng dụng, triển khai…

Phát biểu tại buổi phát động cuộc vận động, ông Bùi Văn Cường – bí thư Đảng uỷ khối doanh nghiệp trung ương – khẳng định cuộc vận động này nhằm phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của cán bộ, người lao động trong xã hội để góp những ý tưởng đột phá, tạo động lực phát triển doanh nghiệp và kinh tế đất nước.

Bà Hà Thị Khiết, bí thư Trung ương Đảng, cũng cho rằng sau 30 năm đổi mới, đến nay các động lực phát triển đã suy giảm, cần động lực mới để khôi phục, đẩy mạnh đà tăng trưởng và cuộc vận động là thiết thực.

Theo ban tổ chức, giải đặc biệt cho tác giả hiến kế được chọn lên tới 1 tỉ đồng, giải nhất 300 triệu đồng, mỗi giải nhì (ba giải) là 100 triệu đồng, mỗi giải ba (năm giải) có tiền thưởng 30 triệu đồng và 40 giải khuyến khích với tiền thưởng 5 triệu đồng / giải.

CẦM VĂN KÌNH