Công nhân trong vòng xoáy ‘tín dụng đen’
Túng thiếu, phải vay của một số người với lãi suất cao, nhiều công nhân rơi vào bẫy “tín dụng đen”, bị chủ nợ đe doạ.
Công nhân trong vòng xoáy ‘tín dụng đen’
Túng thiếu, phải vay của một số người với lãi suất cao, nhiều công nhân rơi vào bẫy “tín dụng đen”, bị chủ nợ đe doạ
Tháng trước, trong vai một công nhân (CN) đang cần tiền gấp để trả nợ, tôi tìm đến Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước (TX.Bến Cát, Bình Dương) hỏi vay tiền. Trực – một CN có thâm niên tại đây mách nước: “Thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần đưa CMND, thẻ ATM và có người quen giới thiệu là được”.
Cho vay phải giữ thẻ ATM
Trực dẫn tôi tới nhà ông Ph., nằm trong KCN Mỹ Phước (xã Thới Hoà, TX.Bến Cát) để vay tiền. Thấy Trực, ông Ph. liền hỏi: “Tiền lãi của tao tháng trước mày chưa trả hết, giờ định vay nữa hả?”. Sau khi biết tôi vay, ông Ph. liền hỏi: “Thế chú mày làm ở công ty nào, bạn bè sao với thằng Trực? Muốn vay bao nhiêu?”. Khi nghe tôi nói và có Trực bảo lãnh nên ông Ph. đi vào thẳng vấn đề: “Vay ở đây tính theo ngày, cứ vay 1 triệu đồng thì tiền lãi 40.000 đồng/ngày. Chú mày định vay bao nhiêu?”. Thấy tôi đắn đo, ông Ph. bồi thêm: “Tiền lãi như vậy còn thấp đó, chứ vào mùa đá bóng mấy thằng khác đến đây, 1 triệu đồng tôi lấy lãi 50.000 đồng/ngày!”.
Tôi đồng ý vay 2 triệu đồng trong vòng 1 tuần, ông Ph. liền yêu cầu tôi đưa CMND và thẻ ATM. Kiểm tra xong, ông Ph. lấy ra một cuốn sổ trong đó ghi chi chít danh sách người vay tiền, số tiền, mật khẩu thẻ ATM các loại.
Ông Ph. yêu cầu tôi cung cấp mật khẩu thẻ ATM để ghi vào sổ. Xong việc, ông mở tủ lấy tiền đưa cho tôi và không quên nói: “Vay 2 triệu đồng trong vòng 1 tuần thì tiền lãi 560.000 đồng, tuần sau chú em nhớ trả anh tiền gốc và lãi luôn nhé. Chú mày mà chậm trễ hoặc trốn luôn thì có người tìm đến nơi hỏi thăm đó nhé”. Tôi thắc mắc giữ thẻ ATM để làm gì thì Trực liền nói: “Bỏ lại thẻ ATM và mật khẩu là trừ khi không trả tiền thì tới hẹn họ ra máy ATM tự rút tiền lương mà công ty chuyển”.
Theo tìm hiểu, tại khu vực các KCN ở Bình Dương, tình trạng cho CN vay hiện rất phổ biến. Người cho vay thường giữ thẻ ATM và CMND người vay để làm tin. Tới tháng, người vay chưa trả tiền lãi và tiền gốc thì chủ nợ cầm thẻ ATM đó ra máy rút đúng số tiền cho vay cộng với lãi như Trực nói.
Anh Th. (một CN tại KCN Mỹ Phước) cho biết thêm: “Đa phần những CN làm trong các công ty đều cầm thẻ, CMND đi vay để trang trải cuộc sống, trả nợ hoặc gửi tiền về quê. Trung bình vay 1 triệu đồng thì lãi suất 100.000 đồng/tháng; vay 2 triệu đồng thì lãi 200.000 đồng/tháng… Số vay tối đa các chủ nợ cho CN vay là 5 triệu đồng. Riêng những trường hợp vay tính tiền lãi 30.000 – 40.000 đồng/ngày là dạng cho vay nóng, chủ nợ đứng ra cho vay lãi suất như thế cũng phải có máu mặt để không bị con nợ giật tiền bỏ trốn”.
Đổ nợ, bỏ trốn
Gần đây, chị H. (CN trong KCN Sóng Thần, TX.Dĩ An) đi làm về bị xe máy tông gãy tay, người tông bỏ chạy mất. Để có tiền điều trị, vợ chồng chị H. phải thông qua người quen vay nóng 5 triệu đồng với lãi suất 150.000 đồng/ngày. Chị H. kể: “Sau tai nạn, vợ chồng tôi lo trả nợ. Mỗi tháng tiền lãi 4,5 triệu đồng, chưa tính tiền gốc. Tiền lương hai vợ chồng cộng lại một tháng chưa được 9 triệu đồng. Trả lãi vay, gửi về quê nuôi hai đứa con thế là hết. Tháng nào cũng thiếu trước hụt sau, chưa kịp trả tiền lãi thì chủ nợ đã gọi điện, có khi cho người tới phòng canh lấy tiền”.
Đồng cảnh ngộ với chị H., để có tiền gửi về quê cho hai con ăn học, vợ chồng anh Tú (quê Hà Tĩnh, làm việc tại khu chế xuất Linh Trung, Q.Thủ Đức) cũng phải đi vay 4 triệu đồng với lãi suất 120.000 đồng/ngày. Đã gần một năm trôi qua, vợ chồng anh Tú vẫn không trả hết tiền lãi và gốc. Anh Tú nói: “Vay có 4 triệu đồng mà tiền lãi hằng tháng 3,6 triệu đồng. Vợ chồng tôi cố gắng tiết kiệm lắm cũng không sao trả đủ tiền lãi và gốc trong một tháng. Không trả thì không yên với chủ nợ, mà trốn về quê biết làm gì ăn?”.
Chị Thu (CN tại KCN Sóng Thần hơn 10 năm) cho biết: “10 năm qua tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu người dính vô đường dây vay nặng lãi bị chủ nợ tịch thu xe máy, bị đánh tả tơi sợ quá phải bỏ trốn biệt tích. Tội nhất là những gia đình CN khó khăn, ốm đau phải chấp nhận đi vay nặng lãi”. Cũng theo chị Thu, gần đây, CN tên Dũng (quê Trà Vinh) vay 10 triệu đồng với lãi suất 200.000 đồng/ngày. Tháng sau không có tiền trả nợ, Dũng bị chủ nợ cho người đến phòng tịch thu xe máy và đánh dằn mặt bắt phải trả cho đủ. Sợ quá, Dũng bỏ trốn biệt tích.
Khó xử lý
Theo một cán bộ Công an TX.Bến Cát (Bình Dương), hiện nay ở các KCN thường có tình trạng “tín dụng đen”. Khi vay chủ nợ giữ CMND và thẻ ATM để làm tin. Đến tháng công ty trả lương qua thẻ thì chủ nợ chỉ cần ra máy ATM rút tiền. Tất cả đều hợp đồng miệng từ hai phía, không có giấy tờ gì chứng minh. Thực tế khi xảy ra tranh chấp CN ra công an trình báo nhưng không có gì chứng minh. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp người đứng ra huy động vốn trong CN để làm ăn sau đó trả lãi cao. Tin tưởng nhiều CN đưa hết tài sản, tiền bạc để “góp vốn’” làm ăn chia tiền lãi. Được thời gian người đứng ra huy động vốn tuyên bố đổ nợ rồi bỏ trốn dẫn đến tranh chấp.
|
Công Nguyên