Mua sắm thưa thớt

Nhiều người đi du lịch, về quê trong kỳ nghỉ lễ kéo dài khiến quán xá Sài Gòn đóng cửa ít nhiều, đường sá vắng vẻ hơn.

 

Mua sắm thưa thớt

 

Nhiều người đi du lịch, về quê trong kỳ nghỉ lễ kéo dài khiến quán xá Sài Gòn đóng cửa ít nhiều, đường sá vắng vẻ hơn. 




 

 

Mua sắm tại Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng – Ảnh: D. Tuấn

Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cũng không có cảnh chật nêm người mà trái lại khá thông thoáng. 

Theo các chuyên gia thị trường, tâm lý cũng như thói quen mua sắm của người dân thành phố đang có nhiều thay đổi qua các năm và thể hiện rõ nét nhất vào dịp lễ, tết năm nay.

Thảnh thơi mua sắm

Mới 9 giờ sáng 29-4 nhưng tiệm hủ tiếu của bà Ngân (đường Dương Quảng Hàm, Q.Gò Vấp) đã dọn dẹp. Chất dãy ghế lên xe đẩy, thu gói các bịch hủ tiếu, mì còn đầy ắp, anh phục vụ cho biết sáng nay chỉ bán chừng đó để trưa là cả nhà về quê.

“Mà bán nữa cũng không có ai vì khách của quán chủ yếu là sinh viên, dân lao động, tất cả đều đã về quê từ hôm trước. Lượng xương, rau, các loại gia vị cũng được bà chủ chuẩn bị ít lại vì biết khách sẽ ít nhưng không nghĩ vắng vậy” – anh này cho biết.

Trong khi đó, tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), chị Ngọc, tiểu thương ở chợ, cũng cho hay lượng hàng bán ra của sạp hai ngày qua giảm hẳn.

“Bữa nay tui chỉ lấy phân nửa trái cây so với bữa trước mà bán tới tận chiều vẫn chưa hết nổi” – chị Ngọc cho biết. Tương tự mặt hàng trái cây, thực phẩm, đồ ăn uống sức mua sụt giảm so với những ngày trước lễ.

Ở khu vực ăn uống của chợ này, đến đầu giờ chiều 29-4 nhiều mặt hàng ăn sẵn vẫn còn ế ẩm. “Bình thường chị bán chừng 100 – 125 tô bún từ sáng đến đầu giờ chiều, nay thì chưa được phân nửa, đành dọn về nghỉ sớm” – chị Minh, kinh doanh mặt hàng bún, phở, cho biết.

Tại nhiều chợ khác như chợ Tân Sơn Nhất (Q.Gò Vấp), chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3), sức mua cũng sụt giảm do người dân đi chơi, đi nghỉ lễ nhiều. Theo các tiểu thương, những ngày này bán cầm chừng giữ khách chứ “nghỉ cũng không được, bán thì sợ ế nhiều” – một tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi cho biết.

Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), sức mua chỉ giảm nhẹ ở nhóm hàng thực phẩm tươi sống. Các mặt hàng như tôm, cá và hải sản được tiêu thụ mạnh hơn so với thịt các loại. Tuy nhiên, so với ngày bình thường lượng hàng này vẫn còn thua xa.

Trong khi mặt hàng trái cây lại có xu hướng tăng lên, xoài cát tăng từ 22.000 đồng lên 25.000 đồng/kg, mãng cầu từ 45.000 đồng lên 52.000 đồng/kg, bưởi cũng tăng nhẹ thêm 5.000 đồng/kg, cam sành từ 18.000 đồng lên 23.000 đồng/kg…

Theo các tiểu thương, giá trái cây tăng không phải do sức tiêu thụ mạnh, phần đông người bán không dám nhập hàng nhiều vì sợ ế, khách đi chợ sụt giảm.

Siêu thị cũng vắng vẻ

Vào siêu thị, tình hình có khả quan hơn do nơi đây tổ chức nhiều hoạt động khuyến mãi, tặng quà cũng như có lợi thế về điều kiện, không gian thoáng mát, thích hợp cho các gia đình vừa mua sắm vừa vui chơi. Tuy nhiên, nếu so với sự chuẩn bị cũng như kỳ vọng của nhà kinh doanh, rõ ràng sức mua sau hai ngày nghỉ lễ đầu tiên không “nổi bật”.

Trong kỳ nghỉ lễ dài ngày, người dân có tâm lý thoải mái, không đi mua sắm ồ ạt hay dự trữ. Ghi nhận tại Big C miền Đông (Q.10), hơn 10g sáng tất cả quầy thu ngân đều đã mở để chờ khách nhưng chỉ hơn phân nửa trong số này lượng khách xếp hàng đông đúc. Tại các khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống và trái cây tấp nập người mua sắm.

“Mình vẫn đi siêu thị như bình thường, nghỉ lễ dài nhưng không đi đâu chơi nên không phải mua sắm dự trữ nhiều” – anh Anh Đức (Q.10) cho biết.

Tương tự, hơn 15g ngày 29-4, tại Maximark Cộng Hòa, các quầy thu ngân dù hoạt động hết công suất nhưng khách đi lại thưa thớt, thay vì chật cứng bãi giữ xe như mọi năm, đến thời điểm này bãi giữ xe vẫn còn trống khá nhiều.

Ghi nhận tại siêu thị Co.op Mart hay Maximark, Lotte Mart bức tranh mua sắm cũng có sự khác biệt.

Tại các siêu thị nằm tại khu trung tâm, sức mua tương đương ngày bình thường, trong khi tại các siêu thị vùng ven, ngoại thành lượng người mua sắm thấp hơn ngày bình thường do khá nhiều người dân, công nhân nghỉ lễ đi xa.

Theo ông Võ Hoàng Anh – giám đốc marketing hệ thống Co.op Mart, đặc thù kỳ nghỉ dài ngày dẫn đến hiện tượng luân chuyển khách hàng.

Cụ thể, khách hàng từ các Co.op ở TP.HCM sẽ về quê nghỉ lễ nhiều, vì thế sức mua tại các siêu thị ở TP sẽ không mạnh bằng các siêu thị tại các tỉnh, địa phương.

“Lượng hàng tại các kho luôn trong tình trạng sẵn sàng cung ứng, thậm chí tăng lên gấp đôi, gấp ba, tuy nhiên cũng phải thừa nhận sức mua khá èo uột ở các siêu thị TP.HCM” – ông Hoàng Anh nói.

Vẫn ưu tiên thực phẩm

Ghi nhận tại các siêu thị, chợ cho thấy lượng khách chủ yếu mua các mặt hàng có mức khuyến mãi nhiều trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh như bột giặt, nước rửa chén… hay hàng thời trang giảm giá sâu, sau đó đến thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến… Vì vậy, phần lớn hóa đơn của khách thường giá trị không cao.

Theo chuyên gia thị trường Hoàng Trọng, trong điều kiện quá nhiều thú vui và sự lựa chọn như hiện nay, tâm lý mua sắm của người dân cũng đã thay đổi khi nhu cầu mua sắm thực chất hơn, cần gì mới đi mua.

Xu hướng đi chơi, đi xem siêu thị, khu vui chơi không còn nhiều như trước nên dẫn tới tình trạng khách mua sắm năm nay vắng vẻ hơn mọi năm. Trong khi đó, ghi nhận tại một số chợ, khu vực quần áo thời trang, giày dép một số sạp đóng cửa nghỉ lễ sớm.

Sáng 29-4, đường sá khá vắng vẻ. Anh Thanh Tùng, ngụ Q.Tân Phú, cho biết nghỉ lễ cả gia đình tranh thủ đến trung tâm quận 1 dạo xem không khí lễ rồi về nhà tổ chức tiệc chứ không còn lang thang, ngắm nghía trong trung tâm thương mại như mọi năm vì rất dễ phát sinh chi phí không mong muốn. 

DŨNG TUẤN – N.BÌNH