Yêu thương cũng phải đúng cách
“Tôi không phải là một người bố hoàn hảo, nhưng tôi từng là một người con bất hạnh. Những gì tôi làm cho con mình chính là những điều tôi ước ao có được trong đời…”.
Yêu thương cũng phải đúng cách
“Tôi không phải là một người bố hoàn hảo, nhưng tôi từng là một người con bất hạnh. Những gì tôi làm cho con mình chính là những điều tôi ước ao có được trong đời…”.
Thạc sĩ Trần Đình Dũng, tác giả cuốn sách Quà của bố, đã trải lòng như thế khi đề cập đến vai trò của người bố trong gia đình.
Kiếm tiền là đã hoàn thành trách nhiệm ?
“Ông bố nào cũng yêu con lắm lắm. Nhưng tôi không chắc ông bố nào cũng biết cách nuôi con. Bố chỉ nghĩ đơn giản đi làm kiếm tiền là đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Trong khi ở thực tế, chúng ta thấy càng có nhiều tiền thì khả năng chúng ta xa con hoặc mất con càng cao”, ông Trần Đình Dũng nhìn nhận.
Theo ông Dũng, hiện có nhiều thứ có thể làm cho con xa vòng tay cha mẹ, như điện thoại thông minh, internet, ti vi, nhà có nhiều lầu với những phòng riêng biệt… Đặc biệt trong đó chính là sự yêu thương chưa đúng cách của các bậc cha mẹ.
Ông Dũng nhận xét, nhiều ông bố có vẻ thích la mắng, quát tháo, ra lệnh chứ không dịu dàng để chơi với con. Họ thường chăm sóc con theo cách mình muốn chứ không phải theo cách đứa con mong mỏi.
Ông trăn trở: “Có những số liệu mà khi đọc lên mình thấy đau lòng như số lượng bia người VN tiêu thụ cao nhất khu vực. Điều đó cũng có nghĩa các ông bố dành thời gian bù khú với nhau nhiều hơn dành cho con. Có những ông bố nói chuyện về những đội bóng nước ngoài một cách sành sỏi, cầu thủ nào mang số bao nhiêu, chiều cao cân nặng thế nào, nhưng khi được hỏi về con của mình thì không biết gì cả”.
Theo ông Dũng, trẻ con nghe quá nhiều thông tin tiêu cực ở xã hội, để rồi mất lòng tin vào cuộc đời. Còn ở nhà trường, phần lớn trẻ bị nhồi nhét, học theo khuôn mẫu, nên bị thui chột về sáng tạo… “Thế con của chúng ta trông đợi vào đâu? Chỉ biết trông đợi vào gia đình mà thôi”, ông Dũng nêu vấn đề.
Quà của bố
Thạc sĩ Trần Đình Dũng thẳng thắn bộc bạch: “Tôi có người mẹ tuyệt vời, một người bố không tuyệt vời và tôi đã sống giữa hai thế giới đó. Tôi muốn con tôi không tủi thân và không nhớ về tuổi thơ của nó đầy những nỗi buồn. Bởi vì khi con cái chúng ta lớn lên, một trong những gia tài nó mang theo suốt đời là ký ức tuổi thơ. Chính những ký ức đẹp, êm đềm, đầy những giá trị sống sẽ giúp đứa con đứng vững trong cuộc đời”.
Từ những trăn trở và mong mỏi trên, ông Dũng đã sáng lập Công ty Quà của bố, với mục đích “hướng dẫn cha mẹ biết cách yêu thương”. Từ đó, cha mẹ sẽ giúp con mình có được những giá trị vô cùng cần thiết: sự tự tin, sự tử tế và sự tự lập.
Giải thích thêm về ý nghĩa món quà tinh thần này, bà Vũ Hoàng Thục, Giám đốc điều hành công ty, nói: “Là một người mẹ, tôi cảm thấy không công bằng khi người ta thường bảo: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Con cái là sản phẩm của bố lẫn mẹ. Vậy mà trong câu chuyện dạy con, khi thành công thì không thấy nói gì đến công trạng của người mẹ, nhưng khi con không đi đúng hướng thì đổ thừa cho mẹ, cho bà. Vai trò người bố ở đâu? Quà của bố là nơi để lôi kéo sự cộng tác của các người bố nhiều hơn nữa trong việc giáo dục con”.
Bà Thục cho rằng cha mẹ sinh con và có thể sinh tính cho con nếu biết yêu thương con đúng cách, biết dạy con thành nhân trước thành tài.
Từ trải nghiệm làm bố của hai đứa con, ông Trần Đình Dũng khẳng định những gì tốt đẹp ông dành cho con không đòi hỏi quá nhiều về công sức lẫn tiền bạc mà chỉ là một chút thời gian chất lượng cho con.
“Quà của bố là chuyện của một ông bố bình thường trong cuộc sống. Và ông bố bình thường ấy làm được cho con thì những ông bố khác cũng có thể làm được. Người bố vẫn là người xông pha ra ngoài đường để kiếm sống nhưng đừng quá mải mê trên con đường đó. Tất nhiên ông bố nào cũng ham chơi, cũng khoái bù khú với bạn bè, nhưng hãy tỉnh táo để có ít nhất một giờ/ngày không vướng bận, thuần tuý làm bạn với con. Bởi con là niềm vui và hạnh phúc không gì đánh đổi được”, ông Trần Đình Dũng nhắn nhủ.
Như Lịch