27/11/2024

Bệnh nhân hy vọng “3 xin” sớm thành hiện thực

Cuộc vận động “3 xin” – xin chào, xin lỗi, xin phép – mà Bộ Y tế vừa phát động đã đem lại hi vọng sẽ có sự đổi thay trong phong cách ứng xử với người bệnh của đội ngũ ngành y.

 

Bệnh nhân hy vọng  “3 xin” sớm thành hiện thực

 

Cuộc vận động “3 xin” – xin chào, xin lỗi, xin phép – mà Bộ Y tế vừa phát động đã đem lại hi vọng sẽ có sự đổi thay trong phong cách ứng xử với người bệnh của đội ngũ ngành y.


 

 

Bệnh nhân luôn mong được sự chăm sóc ân cần của đội ngũ ngành y. Trong ảnh: bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM – ân cần, vui vẻ khi khám bệnh – Ảnh: Hữu Khoa

* Bà NGUYỄN THỊ NGÂN (61 tuổi, Q. Bình Thạnh, TP.HCM):

Chúng tôi từng mơ điều đó

Bộ Y tế đã phát động cuộc vận động “3 xin” – xin chào, xin lỗi, xin phép – bệnh nhân để thay đổi cách ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh. Nếu thực hiện được như cuộc phát động này, tôi nghĩ những bệnh nhân như tôi sẽ rất vui vì trong sâu thẳm chúng tôi từng mơ điều đó.

Tôi mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nay và thường đi khám bệnh diện bảo hiểm y tế tại một bệnh viện đa khoa lớn ở TP.HCM.

Mấy ngày nay, tôi đọc báo thấy các chuyên gia phân tích khi giao tiếp với người bệnh, bác sĩ và nhân viên y tế vẫn nặng tâm lý xin – cho. Chính bản thân tôi cũng thấy những bệnh nhân như tôi chưa bao giờ được cư xử như một khách hàng của bệnh viện.

Nhiều năm đi khám bệnh tại các bệnh viện công, tôi thấy mình mất hẳn sự tự tin khi gặp bác sĩ. Trước khi đến bệnh viện, tôi đều có những thắc mắc về bệnh tình, nhưng khi gặp bác sĩ thì tôi cũng như nhiều bệnh nhân khác rất ít khi dám hỏi.

Lần khám năm ấy, khi bác sĩ kê cho tôi hai viên thuốc huyết áp trong một ngày, trong khi những lần trước đó chỉ kê một viên, tôi hỏi về sự thay đổi này thì được bác sĩ hỏi ngược lại: “Tại sao bà lại không muốn uống hai viên?”.

Từ đó tôi thường nhận những gì bác sĩ chỉ định và không hỏi thêm gì nữa.

* Ông LÊ VĂN TÂY (Thanh Hóa, có con điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư):

Chỉ mong được cảm thông

Tôi thấy nhiều bác sĩ ở Bệnh viện Nhi T.Ư rất tốt, ân cần, nhẹ nhàng. Thế nhưng cũng có người khó tính, cau có, nhất là đội ngũ nhân viên y tế, hộ lý, bảo vệ, tiếp đón… còn có thái độ thiếu thiện cảm, nguyên tắc thái quá.

Chúng tôi ở tỉnh xa lên đây thấy cái gì cũng lạ nên phải hỏi nhiều, mà hỏi thì có người trả lời, có người không, có người còn gắt gỏng, mỉa mai… khiến chúng tôi ức chế, tủi thân. Chúng tôi biết những người làm trong bệnh viện cũng phải chịu nhiều áp lực, giải quyết nhiều vấn đề.

Tôi chỉ mong họ hiểu rằng chúng tôi là người ở tỉnh xa, khi đến viện đều ở trong hoàn cảnh bệnh trọng, thiếu tiền… nên rất dễ tổn thương, để có những ứng xử đẹp hơn.

Tôi biết nhiều ngành trong xã hội còn có thái độ cửa quyền, hách dịch với người dân, nhưng ngành y tế là ngành nhân văn nên xã hội quan tâm hơn, nếu như ngành y tế chấn chỉnh được điều này thì rất tốt cho người dân chúng tôi.

* Bệnh nhân T.N.H.T. (59 tuổi, ở Nha Trang):

Bác sĩ cần có thời gian tư vấn 

Việc Bộ Y tế phát động nhân viên y tế thay đổi cách giao tiếp với bệnh nhân làm những người mắc bệnh mãn tính như tôi cảm thấy rất mừng và mong muốn cuộc phát động này sớm được các bệnh viện thực hiện.

Hơn ba năm nay, tôi bị ung thư vú phải và đã phẫu thuật, điều trị tại một bệnh viện ở TP.HCM. Hiện tháng nào tôi cũng đến bệnh viện tái khám.

Là một bệnh nhân “quen thuộc” của bệnh viện này, tôi nhận thấy so với trước đây cách giao tiếp của bác sĩ, nhân viên y tế có tiến bộ hơn so với trước. Nhưng để bác sĩ và nhân viên y tế thực hiện được “3 xin” có lẽ vẫn là điều quá xa vời với một bệnh viện luôn quá tải như bệnh viện này.

Lần nào đi tái khám tôi cũng thường phải đợi ba giờ nhưng sau đó chỉ được khám chưa đến hai phút.

Nếu bác sĩ “dễ thương” sẽ hỏi tôi: “Dạo này sao rồi?”, nhưng có những bác sĩ chỉ nhìn tôi rồi lạnh lùng nói: “Kéo áo lên” rồi khám thật nhanh.

Nhiều khi tôi hỏi về bệnh tình của mình và muốn nghe giải đáp cặn kẽ, như: “Tại sao sau phẫu thuật đã hơn ba năm mà vết mổ vẫn còn đau?”, hoặc: “Xét nghiệm thận có dấu hiệu bất thường thì có sao không?” nhưng bác sĩ chỉ trả lời: “Bình thường. Có gì bất thường chúng tôi sẽ can thiệp”. Sau đó, nhân viên y tế vội gọi tiếp bệnh nhân khác.

Thật sự tôi không mong bác sĩ phải chào, xin phép hay xin lỗi, tôi chỉ mong bác sĩ không còn bị quá tải. Nhờ vậy họ sẽ có thời gian lắng nghe và tư vấn cho chúng tôi để chúng tôi hiểu, bớt lo lắng về bệnh tình của mình.

Người mắc bệnh ung thư như chúng tôi rất dễ tủi thân, nên chỉ cần được bác sĩ động viên, ân cần, chia sẻ là cảm thấy xúc động, vơi đi được nỗi đau.

Lỗ hổng lớn

Đọc phát biểu của các nhà quản lý ngành y trong bài “Làm gì để thực hiện “3 xin”?”, bản thân tôi rất tâm đắc với nhiều việc.

Nhưng tôi vẫn còn băn khoăn, bởi theo thầy thuốc ưu tú, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết: “Đáng tiếc là trong sáu năm được đào tạo trở thành một người bác sĩ, các bác sĩ tương lai không được học một giờ nào về cách giao tiếp với bệnh nhân”.

Với tôi, đây là một lỗ hổng lớn, là một điều khá bất ngờ. Thảo nào mà không ít y bác sĩ cứ xem người bệnh là một kẻ đi xin, và họ là những người ban phát ơn huệ, làm khó dễ người bệnh mà quên đi những điều cơ bản về y đức.

Cuộc vận động “3 xin” của bộ trưởng tuy không lạ, không mới nhưng khó làm.

Mong sao với lòng tự trọng và với vị trí cao quý được xã hội tôn vinh, cuộc vận động này sớm đi vào thực tiễn, tiếp tục tạo dựng niềm tin của người bệnh vào đội ngũ thầy thuốc và những người thầy thuốc luôn luôn xứng đáng với vị trí “lương y như từ mẫu”.

LÊ THIỆN

Phải thay đổi tư duy

Thay đổi quan niệm đối với người bệnh (từ bệnh nhân thành khách hàng) là hướng đi đúng. Theo tôi, đây chính là mấu chốt của vấn đề. Đây là một bước đột phá lớn, quan trọng về tư duy.

Thay đổi được quan niệm này là thay đổi mối quan hệ, từ đó thay đổi cách nhìn về y đức, một bước tiến quan trọng trong thời kinh tế thị trường hiện nay. Tôi đánh giá rất cao bước đi này.

Dù còn không ít thách thức để cho cả người làm nghề và người bệnh cũng như xã hội hiểu và chấp nhận sự thay đổi một mối quan hệ truyền thống đã thấm rất lâu vào trong văn hóa của xã hội chúng ta, nhưng phải kiên quyết làm vì không còn cách nào khác. Có câu “cuộc đời chỉ thay đổi khi chính mình thay đổi”.

Chỉ khi nào bản thân ngành y tế và những người làm công tác y tế thay đổi được tư duy, cách nhìn thì mọi cái nhìn về y tế mới thay đổi được, và chúng ta mới có hi vọng ngày càng tiến xa hơn trong cung cấp dịch vụ y tế.

BRYK

T.DƯƠNG – Q.LIÊN ghi