Vì sao luật mới ban hành đã bị đề nghị sửa?
Câu chuyện về Luật Bảo hiểm xã hội có điều khoản gây bức xúc dư luận, bị đề đề nghị sửa khi chưa có hiệu lực thi hành đã được các đại biểu mổ xẻ trong lúc thảo luận dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (ngày 15-4).
Vì sao luật mới ban hành đã bị đề nghị sửa?
Câu chuyện về Luật Bảo hiểm xã hội có điều khoản gây bức xúc dư luận, bị đề đề nghị sửa khi chưa có hiệu lực thi hành đã được các đại biểu mổ xẻ trong lúc thảo luận dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (ngày 15-4).
“Xe Liên Xô, máy Nhật, phụ tùng Đức”
Theo phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, có ba nguyên nhân chính: ”Thứ nhất là các báo cáo đánh giá tác động của dự án luật hiện nay còn hình thức, không phân tích hết được mọi khía cạnh, nguyên nhân, tác động của chính sách đó sau khi được ban hành. Thứ hai là việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án luật hiện nay cũng còn hình thức, vì vậy có những luật, văn bản quy phạm pháp luật khi ra đời liền bị đối tượng bị điều chỉnh phản ứng. Thứ ba là khâu phản biện độc lập về chính sách rất quan trọng nhưng hiện nay vẫn là khâu yếu hoặc có làm cũng rất hình thức” – bà Nga phân tích.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ bên hành lang hội nghị, bà Nga dẫn các ví dụ quy định tại điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp vừa bị phản ứng khá quyết liệt, thậm chí đến mức Chính phủ phải có văn bản hứa với công nhân là sẽ trình Quốc hội sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
Hay chuyện về đề án thay thế cây xanh ở Hà Nội, trước dư luận có vị quan chức trả lời rằng đề án này không thuộc diện phải lấy ý kiến nhân dân trong khi một quan chức khác lại khẳng định đề án đã được đa số ý kiến đồng tình.
Bà đề nghị cho dù là văn bản pháp luật hay pháp quy cũng đều phải quy định rất cụ thể các khâu và giá trị pháp lý của nó trong quá trình soạn thảo, ban hành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ: “Nói báo cáo đánh giá tác động còn hình thức tôi thấy rất đúng. Ông soạn thảo nói rất hay, lúc trình luật cũng nói hay nhưng khi thực hiện mới thấy nó dở. Tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp, tiếp thu ra sao, phải quy định chặt chẽ. Anh lấy 100 ý kiến mà về anh vẫn chỉ lấy ý kiến của mình để trình Quốc hội là không được”.
Phát biểu rất gay gắt, Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận xét rằng dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang thiếu triết lý, chỉ quy định những thứ “râu ria” về thủ tục nên không giải quyết được vấn đề bức xúc đặt ra, đặc biệt là chưa quy định thật rạch ròi thẩm quyền lập pháp và uỷ quyền lập pháp (của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) với quyền lập quy (của Chính phủ và các cơ quan khác).
“Chúng ta đang làm luật theo kiểu lấy cái khung xe của Liên Xô về, thấy cái máy của Nhật tốt thì lấy lắp vào, rồi lại thêm phụ tùng của Đức về lắp thành cái xe “made in Việt Nam”. Tại sao chúng ta quy định là văn bản của Thủ tướng cao hơn của Tòa án? Hành pháp là hành pháp, tư pháp là tư pháp chứ. Nếu chúng ta quy định như vậy thì mọi thứ sẽ rối rắm, đảo lộn hết lên” – ông Lịch bức xúc. Ông đề nghị cần minh bạch quá trình lập pháp, lập quy với thủ tục chặt chẽ, không thể để các bộ, ngành chi phối luật, lồng ghép, cài cắm lợi ích của mình vào đó.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết: “Dân, doanh nghiệp người ta chỉ biết đến nghị định, thông tư chứ không biết đến luật. Hiện nay các loại văn bản hướng dẫn này “vượt mặt” luật rất nhiều”. Đại biểu Đỗ Văn Đương thì đề nghị “quy định rõ trách nhiệm của ban soạn thảo, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân. Ban soạn thảo dự án luật phải theo đến cùng, phải chịu trách nhiệm tiếp thu, giải trình, đi đến cùng. Họ là những người làm trực tiếp, họ trong chăn nên mới biết chăn có rận, nếu không thì chỉ có luật ống luật khung”.
Đề nghị giới hạn số lượng phó thủ tướng
Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định mỗi bộ không có quá năm thứ trưởng; tổng cục không quá bốn và cục, vụ, viện thì không quá ba cấp phó.
Đồng ý cần quy định cụ thể về số lượng cấp phó, nhưng Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật Ngô Văn Minh đề nghị phải có báo cáo trình bày rõ sau khi luật này ra đời thì số lượng cấp phó tăng hay giảm, đối với từng bộ thì số lượng cấp phó như vậy có đảm bảo không, ý kiến của Chính phủ và các bộ thế nào?
Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc Danh Út thì cho rằng quy định tối đa năm thứ trưởng là hơi cứng nhắc. “Nên quy định số lượng nhiều hơn cho các bộ Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao vì đây là những bộ đa ngành, lĩnh vực quản lý rộng” – ông Út nói.
“Yêu cầu đặt ra là làm sao để có một Chính phủ gọn, nhẹ, hiệu quả, vì trước đây dân nói rằng Chính phủ cứ hô quyết liệt, quyết liệt nhưng hiệu quả lại không cao” – đại biểu Nguyễn Bá Thuyền lên tiếng. Theo ông Thuyền, luật hiện hành quy định bốn cấp phó trong mỗi bộ, nhưng lại mở ra với trường hợp đặc biệt nên có bộ tới cả chục ông phó. “Người ta hay nói đùa vì chúng ta có từ “giao phó” nên nhiều cấp phó để cấp trưởng đi chơi. Tại sao nước ngoài người ta ít phó thế? Tôi đề nghị mỗi bộ chỉ bốn phó thôi, riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì được năm phó. Còn lại cấp Tổng cục chỉ ba, cấp cục – vụ chỉ hai phó thôi” – ông Thuyền bày tỏ.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá ) đề nghị ngoài số lượng thứ trưởng, cần quy định giới hạn số lượng phó thủ tướng ngay trong luật. Ông Nam cũng nhắc ban soạn thảo đang quên quy định một nhiệm vụ quan trọng của Thủ tướng và Chính phủ trong dự thảo luật. “Nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Chính phủ chưa được quy định rõ trong luật. Đặc biệt, đây là nhiệm vụ rất quan trọng của Thủ tướng nhưng lại chưa thấy quy định trong dự thảo. Chúng ta đã có Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu, nhưng Đảng không làm thay nhà nước trong công tác này” – ông Nam nói.
Hai dự án luật trên đây sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp giữa năm 2015.