Chúng ta gặp được Chúa khi cử hành Thánh lễ

Đấng Cứu Thế cam đoan với chúng ta là Người sẽ thực sự hiện diện giữa chúng ta, nhờ Lời Chúa và Thánh Thể. Cũng giống như hai môn đệ trên đường Emmau đã nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh, thì chúng ta cũng thế, chúng ta cũng gặp được Chúa khi chúng ta cử hành Thánh Thể.

 Chúng ta gặp được Chúa khi cử hành Thánh lễ

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật III PS, 22/4/ 2012

Anh chị em thân mến!

Hôm nay, Chúa Nhật III Phục Sinh, trong bài Phúc Âm theo Thánh Luca, chúng ta gặp Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra đứng giữa các môn đệ của mình (x. Lc 24,36), nhưng vì cứng lòng tin và hoảng hốt, họ tưởng là mình đang thấy một hồn ma (x. Lc 24,37). Romano Guardini viết: “Chúa đã thay đổi. Người không còn sống như trước kia nữa. Cuộc sống của Người… ta không còn hiểu được nữa. Thế nhưng, cuộc sống đó là thể xác, cuộc sống đó bao gồm… tất cả những gì Người đã sống trong suốt cuộc sống của Người, thân phận của Người, cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Tất cả là thực tế. Mặc dầu có thay đổi, nhưng thực tế này vẫn luôn sờ mó được” (Suy niệm về con người và đời sống của Chúa Giêsu Kitô, Milan 1949, 433). Vì rằng việc Chúa phục sinh không hề xoá đi những dấu vết của việc Chúa chịu đóng đinh, nên Đức Giêsu đã chỉ cho các tông đồ thấy tay chân của Người. Và để thuyết phục họ, thậm chí Người còn yêu cầu họ dọn ra một cái gì đó cho Người ăn. Và như thế, các môn đệ “dâng cho Người một miếng cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc 24,42-43). Thánh Grêgôriô Cả chú giải rằng: “Cá nướng trên lửa không có nghĩa nào khác ngoài cuộc thương khó của Đức Giêsu, là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và con người. Thật thế, Người đã hạ cố ẩn mình trong dòng nước của nhân loại, chấp nhận để mình bị siết chặt trong lưới cái chết của kiếp người chúng ta, và một cách nào đó, trải qua dòng lửa hồng do những đau khổ gánh chịu trong cuộc thương khó” (Hom. in Evang. XXIV, 5: CCL141, Turnhout 1999, 201).

Nhờ những dấu hiệu rất thực tế này, các môn đệ đã thắng được nỗi nghi ngờ lúc ban đầu và mở lòng đón nhận đức tin; và đức tin đã giúp họ hiểu được những điều viết về Đức Kitô “trong luật Môisen, các Tiên tri và các Thánh vịnh” (Lc 24,44). Thật thế, chúng ta đọc thấy rằng Đức Giêsu “đã mở lòng mở trí họ hiểu Kinh Thánh, và Người nói với họ: ‘Có lời Kinh Thánh chép rằng Đức Kitô phải chịu đau khổ và ngày thứ ba sẽ sống lại từ trong kẻ chết, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ ăn năn sám hối để được tha tội (…) Chính anh em làm chứng về những điều này” (Lc 24,45-48). Đấng Cứu Thế cam đoan với chúng ta là Người sẽ thực sự hiện diện giữa chúng ta, nhờ Lời Chúa và Thánh Thể. Cũng giống như hai môn đệ trên đường Emmau đã nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh (x. Lc 24,35), thì chúng ta cũng thế, chúng ta cũng gặp được Chúa khi chúng ta cử hành Thánh Thể. Về vấn đề này, Thánh Tôma Aquinô đã cắt nghĩa rằng “Phải tuyệt đối tuyên xưng, dựa theo đức tin Công giáo, rằng toàn thể con người Đức Giêsu đều hiện diện trong bí tích này… Bởi vì thần tính đã không bao giờ bỏ rơi thân xác mà thần tính đã đảm nhận trong biến cố Nhập Thể (S.Th. III, q. 76, a. 1).

Các bạn thân mến, trong suốt Mùa Phục Sinh này, Giáo Hội thường cho các em rước lễ lần đầu. Do đó, tôi cổ vũ các linh mục, các bậc phụ huynh và các giáo lý viên hãy chuẩn bị thật kỹ càng ngày lễ đức tin này, với lòng nhiệt thành sâu xa, nhưng cũng với sự giản dị. “Ngày đó sẽ được khắc ghi trong tâm trí như thời gian đầu tiên mà trong đó chúng ta có thể nhận ra được tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu” (Tông huấn Hậu Thượng hội đồng Sacramentum caritatis, [Bí tích Tình yêu] s. 19). Ước gì Mẹ Thiên Chúa giúp chúng ta chăm chú lắng nghe Lời Chúa và xứng đáng tham dự bàn tiệc hy tế Thánh Thể, để trở nên những chứng nhân của nhân loại mới.