09/01/2025

Truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân ?

Ngày 1.4, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục họp cho ý kiến về dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu là dự thảo bổ sung quy định xử lý trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân.

 

Truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân ?

 

Ngày 1.4, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục họp cho ý kiến về dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu là dự thảo bổ sung quy định xử lý trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân.

 

 

Theo thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, pháp nhân vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự đã có các bộ luật hiện hành với nhiều chế tài và hiện nay các biện pháp hành chính, dân sự cơ bản vẫn phát huy hiệu quả. “Điều tôi băn khoăn nhất là truy cứu TNHS pháp nhân sẽ dẫn đến hậu quả thế nào? Pháp nhân có hàng nghìn lao động thì có ảnh hưởng đến đời sống của người lao động không? Trong khi sai phạm chỉ do một vài cá nhân gây ra. Truy cứu pháp nhân nhưng cũng phải làm rõ trách nhiệm cá nhân. Mặt khác, ai là chủ thể tham gia tố tụng của pháp nhân?”, ông Vương nói và đề nghị phải nghiên cứu thận trọng, nếu cần thiết thì đưa cả hai phương án truy cứu hay không vào dự thảo để tiếp tục làm rõ thêm.
Cùng quan điểm này, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng các chế tài hành chính hiện nay đối với pháp nhân như rút giấy phép, đình chỉ hoạt động đã đủ mạnh. Nếu xử lý về hình sự thì phải xây dựng trình tự, thủ tục để truy cứu TNHS pháp nhân, giống như xây dựng một bộ luật tố tụng “con” vậy. “Việc truy cứu pháp nhân là không khả thi và không cần thiết. Trong khi chúng ta đang khuyến khích người dân bỏ vốn ra kinh doanh thì lại nhăm nhe truy cứu TNHS pháp nhân là không hợp lý. Chỉ đưa ra chế tài hình sự khi các chế tài khác không thể phát huy tác dụng trong thực tiễn”, bà Nga nói.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao và Phó chánh án TAND tối cao đều khuyến cáo nên thận trọng đối với quy định bổ sung này.
Trong khi đó, ông Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN, kiên quyết phải xử lý TNHS pháp nhân. “Đã là hành vi nguy hiểm thì phải xử lý bằng pháp luật hình sự. Mấy chục năm trời chúng ta đi theo quan điểm của Liên Xô, TNHS bắt buộc phải là cá nhân, phải qua yếu tố lỗi… Đã chuyển qua cơ chế thị trường lâu rồi, xã hội thay đổi thì phải thay đổi. Nếu không truy cứu mà chỉ xử lý hành chính thì có một khoảng trống và chúng ta sẽ phải trả giá”, ông Nghĩa nói.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục giữ nguyên mức định lượng xử lý trách nhiệm hình sự 2 triệu đồng, không nên nâng lên 5 triệu đồng như dự thảo đưa ra.

 

Thái Sơn