Kiểm tra an toàn cháy nổ ở các xóm lao động

Trung tá Nguyễn Đức Vinh, phó phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết như trên về đợt cao điểm kiểm tra an toàn PCCC tại TP.HCM.

 

Kiểm tra an toàn cháy nổ ở các xóm lao động

 

Trung tá Nguyễn Đức Vinh, phó phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết như trên về đợt cao điểm kiểm tra an toàn PCCC tại TP.HCM.


 

 

 

Trung tá Nguyễn Đức Vinh – Ảnh: Đức Thanh

Đợt cao điểm kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy trên địa bàn TP.HCM trong tháng 3 này, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP tập trung vào các khu xóm trọ lao động, khu dân cư có nguy cơ cháy cao, khu dân cư có các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các tuyến đường tập trung kinh doanh, phố chợ và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen cài trong khu dân cư, các khu vui chơi giải trí…

Trao đổi xung quanh công tác PCCC, trung tá Nguyễn Đức Vinh, phó phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết:

– Thực tế hiện nay công tác PCCC ở các cơ sở còn rất nhiều sơ hở, thiếu sót và bất cập. Nhiều vụ cháy và cháy lớn đã xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng. Qua thực tế kiểm tra, chúng tôi thấy có một số dạng vi phạm chủ yếu.

Một là vi phạm quy định trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, như không đảm bảo khoảng cách an toàn hoặc đặt ở những nơi có quy định cấm; lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện hoặc thiết bị đóng ngắt, bảo vệ hoặc thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Hai là vi phạm về khoảng cách an toàn PCCC và ngăn cháy như: bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa không đảm bảo khoảng cách theo quy định, tập kết vật liệu dễ cháy ở nơi không được phép.

Ba là vi phạm quy định về điều kiện thoát nạn như: thiết kế cửa thoát nạn không mở theo hướng thoát nạn; để vật tư hàng hóa, xe cộ và vật dụng khác cản trở lối thoát nạn.

Bốn là vi phạm quy định về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện PCCC như: làm che khuất phương tiện PCCC; không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC theo định kỳ; trang bị phương tiện không đầy đủ theo quy định.

Năm là vi phạm về thành lập, tổ chức, quản lý lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng chuyên ngành như: lực lượng chữa cháy cơ sở không sử dụng thành thạo phương tiện phòng cháy và chữa cháy được trang bị tại cơ sở.

* Các vi phạm này sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?

– Khi kiểm tra thực tế, nếu phát hiện lỗi vi phạm về PCCC của cơ sở thì căn cứ theo tính chất, mức độ vi phạm, cảnh sát PCCC sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong một số trường hợp cụ thể, lực lượng cảnh sát PCCC sẽ nhắc nhở trực tiếp hoặc lập biên bản yêu cầu cơ sở khắc phục ngay tại chỗ.

Trường hợp cơ sở vi phạm các quy định về điều kiện an toàn PCCC mang tính chất nghiêm trọng hoặc các vi phạm ít nghiêm trọng đã được kiến nghị, nhắc nhở mà vẫn chưa khắc phục, cảnh sát PCCC sẽ lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý đối với các cá nhân và tổ chức vi phạm theo nghị định 167/2013 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình).

* Ông có thể đưa ra một số cảnh báo với người dân các khu vực trên để đảm bảo an toàn PCCC?

– Để ngăn ngừa cháy và thiệt hại do cháy gây ra, các cơ sở, hộ gia đình cần tập trung thực hiện ngay một số biện pháp sau:

– Hệ thống điện phải lắp đặt, sử dụng đúng kỹ thuật và được kiểm tra định kỳ. Không để thiết bị điện sinh nhiệt lớn như máy móc, âm thanh, hệ thống lạnh, bếp điện, quạt sưởi ấm… gần đồ dùng làm bằng vật liệu dễ cháy.

Việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã cần cách xa những nơi có chứa chất nguy hiểm về cháy nổ và trong thời gian đốt phải trông coi, bảo vệ.

– Không chứa chất nguy hiểm có thể gây cháy nổ trong nhà như xăng dầu, bình gas mini, các dung môi, hoá chất dễ cháy nổ khác.

Trường hợp hộ gia đình buôn bán, sử dụng các mặt hàng dễ cháy như quần áo, đệm, chăn thì phải để ở những nơi cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, bố trí sắp xếp từng lô theo từng mặt hàng, tạo khoảng cách giữa các lô để thoát nạn khi cần thiết.

– Thường xuyên tập luyện sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy đã được trang bị, xử lý thuần thục, có hiệu quả các tình huống cháy nổ, cứu người và hướng dẫn thoát nạn.

Những người trực tiếp quản lý và nhân viên phục vụ phải được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện theo quy định.

Trong thời gian tới, cảnh sát PCCC sẽ tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra các điều kiện an toàn PCCC tại các cơ sở, chú trọng việc thực hiện trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ sở.

ĐỨC THANH – MAI HOA thực hiện