Phải dừng nếu ảnh hưởng đến quốc phòng

Bộ Quốc phòng vừa đề nghị tám tỉnh và bộ, ngành liên quan giám sát chặt, thu hồi giấy phép dự án trồng rừng của doanh nghiệp nước ngoài làm ảnh hưởng tới môi trường và quốc phòng, an ninh VN.

 

Phải dừng nếu ảnh hưởng đến quốc phòng

 

 Bộ Quốc phòng vừa đề nghị tám tỉnh và bộ, ngành liên quan giám sát chặt, thu hồi giấy phép dự án trồng rừng của doanh nghiệp nước ngoài làm ảnh hưởng tới môi trường và quốc phòng, an ninh VN.

 

 


 

 

Trước năm 2010, Công ty InnovGreen đã mở đường vào dự án trồng rừng tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, Nghệ An – Ảnh: Q.H.

Bộ Quốc phòng vừa có văn bản đề nghị tám tỉnh Bình Phước, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum và bộ, ngành liên quan có biện pháp giám sát chặt chẽ các dự án trồng rừng của các doanh nghiệp nước ngoài tại VN.

Văn bản này lưu ý nếu dự án nào làm sai, ảnh hưởng tới môi trường và quốc phòng, an ninh thì phải thu hồi giấy phép. Các dự án được tiếp tục thực hiện phải đảm bảo lợi ích và cuộc sống người dân trên địa bàn và không sử dụng lao động phổ thông là người nước ngoài.

Quảng Ninh nói “không có ảnh hưởng lớn”

Ông Đặng Huy Hậu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết đã nhận được văn bản của Bộ Quốc phòng về việc yêu cầu địa phương giám sát chặt chẽ các dự án trồng rừng của doanh nghiệp nước ngoài. UBND tỉnh Quảng Ninh đang triển khai nội dung văn bản này đến các sở ngành, UBND các TP, các huyện.

Ông Hậu cho biết tại Quảng Ninh chỉ có một đối tác nước ngoài được làm dự án trồng rừng là Tập đoàn InnovGreen (Hong Kong – Trung Quốc), thuê hơn 3.300ha ở địa bàn các huyện Hải Hà, Tiên Yên, Hoành Bồ và TP Móng Cái để trồng bạch đàn. Từ sau năm 2010 Quảng Ninh chưa cấp phép thêm cho doanh nghiệp nước ngoài nào trồng rừng.

Cũng theo ông Hậu, các sở ban ngành của tỉnh vẫn thường xuyên kiểm tra rà soát để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trồng rừng. Cuối năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định thu hồi khoảng 1.600ha diện tích rừng tự nhiên nằm xen kẽ giao cho InnovGreen quản lý và một số diện tích mà đơn vị này chưa khai thác.

“Hiện InnovGreen chỉ còn đầu tư trồng rừng tại Quảng Ninh khoảng 1.700ha. Chúng tôi vẫn thường xuyên rà soát và đối tác thực hiện khá tốt các quy định, không có ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc phòng cũng như môi trường. Tất cả lao động được sử dụng của dự án cũng là lao động người Việt” – ông Hậu nói.

Ông Dương Minh Tuấn, chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Ninh, cho biết diện tích rừng cho phía InnovGreen thuê trước đây là đồi trọc, người dân không đầu tư đã trả lại cho địa phương. UBND các huyện, TP có diện tích rừng cho thuê chịu trách nhiệm quản lý chung, hoạt động khai thác, vận chuyển do phía kiểm lâm của tỉnh kiểm soát và xác nhận.

“Diện tích rừng cho InnovGreen thuê là diện tích đất rừng để sản xuất chứ không phải rừng phòng hộ. Hoạt động đầu tư, kinh doanh của họ cũng phải theo Luật doanh nghiệp của ta. Chúng tôi vẫn rà soát thường xuyên, nếu họ không thực hiện nghiêm sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi theo quy định” – ông Tuấn nói.

Dự án trồng rừng của InnovGreen tại biên giới Việt Nam – Trung Quốc ở xã Tân Minh (Tràng Định, Lạng Sơn) – Ảnh: Duy Tuấn

Dư luận không đồng tình, nhiều dự án dừng lại

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết về các dự án trồng rừng liên quan đến nước ngoài, trước đây InnovGreen thuê đất trồng rừng tại Quảng Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nghệ An… Sau này có nhiều phản ảnh công ty thuê đất rừng với giá quá rẻ (có địa phương cho công ty này thuê đất rừng trong 50 năm, đến năm 2057 với phí 500 đồng/m2/năm – PV), chi phí thuê nhân công trồng rừng cũng rất rẻ, vùng rừng trồng sát biên giới Việt – Trung hoặc Việt – Lào.

Do dư luận quá ầm ĩ liên quan đến hoạt động trồng rừng và an ninh khu vực biên giới, một số dự án trồng rừng của đối tác nước ngoài đã bị dừng, trong đó có những dự án của InnovGreen. Một trong số đó là dự án của công ty này tại Nghệ An.

Năm 2007, Công ty InnovGreen được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép đầu tư trồng rừng với quy mô 60.000ha. Tuy nhiên, sau khi xem xét các khu vực ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, năm 2008 UBND tỉnh Nghệ An chỉ phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu cho dự án của công ty với quy mô 16.848ha trên địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Con Cuông và Kỳ Sơn.

Theo chỉ đạo của tỉnh, trước mắt mới giao 5.000ha để làm mô hình trình diễn trồng rừng cao sản, sản xuất giống, chuyển giao kỹ thuật. Diện tích còn lại sẽ thực hiện theo hình thức liên doanh liên kết với các chủ rừng. Đến nay, diện tích công ty mới được UBND tỉnh quyết định cho thuê là 978ha đất lâm nghiệp để trồng rừng tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong. Thời hạn sử dụng đất đến hết năm 2057.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình Công ty InnovGreen xin đầu tư triển khai dự án đã vấp phải những phản ứng của chính quyền và nhân dân huyện Quế Phong.

Trước đó, Ban chỉ huy quân sự huyện Quế Phong cũng đã có công văn 204 ngày 25-4-2008 quan ngại về dự án này. “Đây là một trong những vấn đề ảnh hưởng rất lớn cho việc xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh trong khu vực phòng thủ huyện Quế Phong nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung”. Công văn số 380 ngày 16-3-2009 kiến nghị:

“Không nên cho Công ty InnovGreen thuê đất trồng rừng tại huyện Quế Phong vì trong khi huyện đang tìm nơi tái định cư cho 1.238 hộ (số liệu tháng 2-2009) thuộc hai xã Đồng Văn và Thông Thụ. Dân không có đất trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ và đất sản xuất mình lại cho người nước ngoài thuê là không hợp lý. Hơn nữa hai xã Quang Phong, Cắm Muộn nơi dự án thuê đất dài hạn đúng vào khu vực mỏ vàng”.

Ông Nguyễn Tiến Lâm, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết khi Công ty InnovGreen được giao đất rừng tại xã Cắm Muộn thì đến trước năm 2010 họ chỉ mới trồng được vài hecta rừng keo. Đến năm 2010, thực hiện công văn 405/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát lại các dự án cho nước ngoài thuê đất trồng rừng nên tỉnh Nghệ An đã không cho InnovGreen tiếp tục triển khai việc trồng rừng cho đến nay. “Hiện Công ty InnovGreen đã dọn đi không còn người ở tại khu đất cho thuê, vài hecta rừng keo cũng bị trâu bò phá hết” – ông Lâm cho hay.

Nhiều nơi đã làm sai chỉ đạo

Ngoài yêu cầu giám sát, văn bản của Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu UBND các tỉnh không cấp giấy phép cho người nước ngoài thực hiện dự án trồng rừng trên những địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh, trên tuyến biên giới đất liền, tuyến đảo, những khu vực địa hình có giá trị quan trọng ưu tiên sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng. Đối với các dự án đã được cấp phép trên những địa bàn này, nếu vi phạm phải thu hồi giấy phép.

Theo Bộ Quốc phòng, thời gian qua tám tỉnh trên đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho tám dự án trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài. Các dự án trồng rừng này có quy mô sử dụng đất rất lớn (khoảng 275.500ha) thuộc địa bàn 38 huyện của tám tỉnh. Quá trình triển khai các địa phương chưa chấp hành ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị (tại công văn số 322-BBk/BCT ngày 1-2-1996) về kết hợp kinh tế với quốc phòng trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng (một số địa phương khi rà soát lại mới lấy ý kiến của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ tư lệnh quân khu).

Mặt khác, việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất thực hiện dự án trồng rừng với diện tích lớn, có cả xã biên giới, huyện biên giới, xen kẽ với địa hình quan trọng cho nhiệm vụ quốc phòng; một số vị trí nằm trong quy hoạch căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương các cấp thuộc khu vực nhạy cảm về quốc phòng, làm ảnh hưởng đến xây dựng thế trận khu vực phòng thủ.

BÙI LIÊM

THÂN HOÀNG – HỒ VĂN – LAN ANH