Đưa Trung Quốc đến bàn ngoại giao

Philippines vừa lên tiếng nói Trung Quốc coi thường Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Các chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy Bắc Kinh hướng đến các giải pháp ngoại giao.

 

Đưa Trung Quốc đến bàn ngoại giao

 

Philippines vừa lên tiếng nói Trung Quốc coi thường Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Các chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy Bắc Kinh hướng đến các giải pháp ngoại giao.

 

 

 

 

Binh sĩ Mỹ (trái) trong một lần tập trận trên biển chống cướp biển với binh sĩ Trung Quốc. Phía Mỹ cho rằng tập trận chung cũng là một cách để hai bên hiểu nhau, tránh xung đột trên biển – Ảnh: US Navy
Việc Trung Quốc hối hả xây dựng ở biển Đông cho thấy rằng nếu không có một sự phản ứng quyết liệt ngay bây giờ, gần như sẽ có một cuộc đối đầu căng thẳng hơn về sau
Hai chuyên gia Green và Hooper

Cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Philippines vừa có những phát biểu mạnh mẽ về động thái của Trung Quốc tại biển Đông cùng với việc bày tỏ quan ngại trước hành vi xây đảo nhân tạo tại khu vực này.

Trước đó, theo Daily Inquirer, Manila tuyên bố sẽ nộp lên Tòa trọng tài quốc tế một khối lượng lớn các tài liệu trong vụ kiện Trung Quốc.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói các tài liệu này sẽ được đưa đến Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague trong khoảng từ ngày 13 đến 16-6 để trả lời tất cả câu hỏi mà toà thay mặt phía Trung Quốc đặt ra. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện.

“Có tất cả 26 câu hỏi và chúng tôi đã trả lời hết, bao gồm cả bản đồ và biểu đồ. Có rất nhiều tài liệu” – ông nói. Trung Quốc có thời hạn đến ngày 16-6 để phản hồi lại Philippines.

Trung Quốc bị tố coi thường DOC

Báo Philippine Star dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez phát biểu hôm 12-3 nói việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở biển Đông cho thấy sự coi thường rõ ràng của Bắc Kinh đối với DOC.

Ông Galvez nhấn mạnh DOC được ký năm 2002 đã cấm các hoạt động gây căng thẳng và thay đổi hiện trạng tại các khu vực tranh chấp.

“Chúng tôi vô cùng lo lắng. Ngay từ đầu, việc xây đảo nhân tạo đã gây ra những quan ngại nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì đường lối phản đối ngoại giao và phân xử ở toà trọng tài để giải quyết vấn đề – ông Galvez nói trong một cuộc phỏng vấn – Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu thị sự thất vọng của mình về bằng chứng không thể chối cãi rằng Trung Quốc coi thường những gì họ đã ký”.

Theo Philippine Star, hôm 12-3 Bộ Ngoại giao Philippines lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt việc xây đảo nhân tạo ở biển Đông và nói rằng các hoạt động này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose khẳng định: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc xây đảo nhân tạo vì nhiều lý do, bởi rõ ràng Trung Quốc có ý định thay đổi hiện trạng, đặc tính, đặc điểm ở biển Đông”.

Ông Jose nói thêm rằng một lý do khác mà Manila phản đối việc xây đảo nhân tạo vì điều này hủy hoại hòa bình và ổn định trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Philippines cũng cảnh báo việc xây đảo nhân tạo trên diện rộng sẽ tàn phá sự đa dạng sinh học biển trong khu vực và gây ra sự hủy hoại không thể cứu chữa được đối với sự cân bằng sinh thái ở biển Đông.

Ngoại giao có trách nhiệm

Trong bài bình luận đăng ngày 12-3 trên tờ Washington Post, phó chủ tịch phụ trách châu Á và Nhật Bản thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Michael Green và phó giáo sư Mira Rapp Hooper thuộc Chương trình châu Á của CSIS nhận định: ngăn cản Trung Quốc xây đảo nhân tạo và các căn cứ sẽ rất khó khăn nhưng vẫn có những cách khác để thúc đẩy Bắc Kinh từ bỏ con đường gây hấn.

Hai chuyên gia này cho rằng hải quân Mỹ cần đảm bảo các động thái của Trung Quốc sẽ không làm ảnh hưởng đến sự tự do đi lại trên biển Đông.

Theo Washington Post, Mỹ không phải là một bên tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nhưng có những quyền lợi quan trọng trong việc đảm bảo Trung Quốc không dùng sự gây hấn của mình để thay đổi hiện trạng ở vùng biển này.

“Bắc Kinh nên hiểu rằng bất cứ việc ban bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nào ở biển Đông cũng sẽ không được chấp nhận và sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt“ – hai chuyên gia nhận định.

Theo Washington Post, khi Bắc Kinh ban bố ADIZ ở biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013, Mỹ đã điều các máy bay B-52 không vũ trang đến khu vực để cho thấy ADIZ mà Trung Quốc tự đặt ra không ảnh hưởng đến hoạt động của Mỹ.

Hai chuyên gia gợi ý Mỹ có thể hỗ trợ thêm các nỗ lực pháp lý quốc tế. Ví dụ, Mỹ có thể cung cấp cho toà trọng tài thông tin chi tiết về hiện trạng ở biển Đông.

Hai chuyên gia cho rằng Mỹ nên theo đuổi chính sách dùng sự minh bạch và sự can ngăn để thúc đẩy Trung Quốc hướng đến chính sách ngoại giao có trách nhiệm hơn.

VIỆT PHƯƠNG