10/01/2025

Bán khống giấy chứng nhận bệnh cho công nhân

Thời gian gần đây, tại một số khu công nghiệp ở Bình Dương xuất hiện một số “cò” tự giới thiệu có thể lo các giấy tờ chứng nhận bệnh cho công nhân có nhu cầu nghỉ phép.

 

Bán khống giấy chứng nhận bệnh cho công nhân

 

Thời gian gần đây, tại một số khu công nghiệp ở Bình Dương xuất hiện một số “cò” tự giới thiệu có thể lo các giấy tờ chứng nhận bệnh cho công nhân có nhu cầu nghỉ phép. 

 

 

 

 

Các giấy chứng nhận khống mà “cò” Hồng đưa cho khách hàng – Ảnh: Đức Trong

Không bệnh, người có nhu cầu chỉ cần đóng tiền cho “cò” là có giấy chứng nhận.

Người đứng ra tự giới thiệu sẽ cung cấp được các loại giấy tờ này là bà Hồng, quê Nghệ An, hiện cũng làm công nhân một công ty tại Bình Dương. Cơ sở y tế cấp các giấy chứng nhận khống là Trạm y tế phường Tân Đông Hiệp thuộc Trung tâm Y tế thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

1 ngày nghỉ giá 70.000 đồng

Ngày 30-1, chúng tôi liên lạc qua điện thoại thì được bà Hồng hướng dẫn đến một con hẻm trên đường Lý Thường Kiệt, gần ngã tư Đồi Mồi, thị xã Dĩ An. Lúc chúng tôi đến nơi, bà Hồng đang “giao dịch” với một người đàn ông mặc áo sơmi màu đen.

Người này muốn bà Hồng lo giấy chứng nhận nghỉ bệnh trong vòng chín ngày cho chị gái mình. Người đàn ông này nói ngay hôm sau (ngày 31-1) cần nhận giấy, bà Hồng trả lời chỉ cần đưa thẻ bảo hiểm y tế rồi về nhà, không cần phải đến bệnh viện khám.

“Hôm sau sẽ có giấy nhưng phải đưa tiền trước. Kiểu gì cũng có giấy chứng nhận bệnh cho chị gái em” - bà Hồng nói.

Đại diện Trung tâm Y tế thị xã Dĩ An là ông Đỗ Việt Hùng – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp – nói khi tới khám sức khỏe theo chế độ bảo hiểm, ngoài thẻ bảo hiểm (nếu không có ảnh) thì người khám phải xuất trình kèm một giấy tờ tuỳ thân khác có ảnh như chứng minh nhân dân để đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận đúng đối tượng.

Về những tài liệu mà Tuổi Trẻ cung cấp, ông Hùng cho biết sẽ báo cáo với giám đốc để thành lập đoàn kiểm tra hoạt động khám và cấp giấy chứng nhận bệnh tại Trạm y tế P.Tân Đông Hiệp và có những biện pháp xử lý phù hợp.

“Trước mắt, có thể nhận thấy bác sĩ Nhung đã sai phạm hai vấn đề trong quy trình khám bệnh là ký khống ngày trong giấy chứng nhận bệnh và khám bệnh mà không cần xem giấy tờ tuỳ thân” – ông Hùng khẳng định.

Thấy người đàn ông này còn phân vân, bà Hồng nói tiếp: “Giấy nghỉ bệnh đó do bệnh viện nhà nước cấp, có dấu đỏ và chữ ký hẳn hoi nên công ty sẽ chấp nhận. Em xin giấy nghỉ bệnh bao nhiêu ngày không thành vấn đề, muốn nghỉ qua tết luôn cũng được. Giá mỗi ngày nghỉ ghi trên giấy là 70.000 đồng”.

Bà Hồng còn gợi ý nếu khách hàng là nữ thì nên mua giấy nghỉ với lý do đi đặt vòng tránh thai, như vậy vừa được nghỉ lâu dài mà vẫn được hưởng 100% chế độ bảo hiểm y tế.

Thấy chúng tôi ngồi bên cầm thẻ bảo hiểm của một người quen, bà Hồng liền cầm lấy, kiểm tra và hỏi: “Làm cho ai đây?”. “Làm cho người quen” – chúng tôi trả lời.

Khi biết chúng tôi muốn cấp giấy chứng nhận bệnh trong vòng ba ngày, bà Hồng kêu đưa liền 210.000 đồng rồi hôm sau quay lại lấy giấy. Bà giục: “Cứ yên tâm mà về, khỏi phải tới khám bệnh, có gì trao đổi qua điện thoại”.

Sau đó, bà Hồng liên tục gọi qua điện thoại kêu chúng tôi đọc đầy đủ tên, công ty và hẹn ngày 1-2 qua lấy giấy.

Như lịch hẹn, khi chúng tôi trở lại, bà Hồng cầm một xấp giấy và chọn ra đưa cho chúng tôi hai tờ giấy gồm: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và giấy ghi toa thuốc.

Trên giấy ghi rõ lý do bệnh nhân bị “viêm mũi họng, sốt siêu vi”; có ký tên, đóng dấu của Trạm y tế phường Tân Đông Hiệp và dấu giáp lai của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương. Người ký hai loại giấy này là bà Nguyễn Thị Hồng Nhung – phó Trạm y tế phường Tân Đông Hiệp.

Bệnh nhân không khám cũng cấp giấy

Chiều 2-2, chúng tôi tìm gặp bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung – người cấp các giấy tờ nói trên. Cầm các giấy chứng nhận mà bà Hồng đưa cho chúng tôi, bà Nhung thừa nhận hai loại giấy này do chính bà cấp. Thế nhưng bà Nhung khẳng định bệnh nhân ghi trên giấy chứng nhận “có đến khám tại trạm”!

Chúng tôi đưa giấy chứng nhận của bệnh nhân Tr.T.T.H. được ký ngày 2-2 và hỏi bà Nhung bệnh nhân này tới khám ngày nào, lúc đầu bà Nhung nói bệnh nhân tới khám vào thứ bảy (31-1) nhưng sau một hồi suy nghĩ, bà Nhung lại nói bệnh nhân tới khám vào chủ nhật (1-2). “Vì khám hôm qua mới cấp giấy chứng nhận nghỉ hôm nay” – bà Nhung nói.

Tuy nhiên theo thông tin của chúng tôi, bà Tr.T.T.H. không hề tới Trạm y tế phường Tân Đông Hiệp khám, mà các giấy chứng nhận bệnh này được cung cấp gián tiếp thông qua “cò” Hồng.

Ngoài ra, lời của bà Nhung cũng đầy mâu thuẫn, vì trên giấy ký ngày 2-2 nhưng tờ giấy này đã được “cò” Hồng đưa cho “khách hàng” từ tối 1-2.

Chúng tôi đặt vấn đề liệu có việc móc nối giữa trạm y tế và “cò” Hồng, và tại sao bà Hồng có giấy từ ngày 1-2 nhưng trong sổ lưu bệnh của trạm và giấy khám lại ghi ngày 2-2, bà Nhung phủ nhận việc móc nối nhưng thừa nhận việc ký khống ngày cấp giấy là sai quy định và sẽ rút kinh nghiệm.

“Do bệnh nhân nài nỉ quá, thương họ nên ký như vậy cho họ được nghỉ theo chế độ” – bà Nhung nói.

Về việc tại sao bệnh nhân không tới khám mà vẫn được cấp giấy chứng nhận bệnh, bà Nhung cho rằng theo quy định ở trạm, bệnh nhân mang thẻ bảo hiểm đến khám không cần phải xuất trình các loại giấy tờ tùy thân khác nên bà không kiểm soát được người tới khám và người được cấp giấy chứng nhận có phải là một hay không.

“Họ đưa thẻ bảo hiểm là tôi khám, chứ không cần biết mặt mũi ra sao” – bà Nhung nói.

ĐỨC TRONG – XUÂN AN