NATO quan ngại chiến lược hạt nhân của Nga

Chiến lược hiện đại hoá quốc phòng của Nga đang gây nhiều lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow với phương Tây căng thẳng vì khủng hoảng Ukraine

 

NATO quan ngại chiến lược hạt nhân của Nga

 

 

Chiến lược hiện đại hoá quốc phòng của Nga đang gây nhiều lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow với phương Tây căng thẳng vì khủng hoảng Ukraine.

 

 

NATO quan ngại chiến lược hạt nhân của NgaCác binh sĩ NATO tham gia một cuộc tập trận ở Ba Lan – Ảnh: Reuters

 

Ngày 5.2, Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO đã nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ. Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết một trong những nội dung thảo luận chính là chiến lược hạt nhân của Nga. Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia của NATO cho rằng nếu xảy ra giao tranh, Nga có thể hạ các quy chuẩn cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân. Một nhà ngoại giao của NATO nhận định: “Điều khiến chúng tôi lo ngại nhất là trong chiến lược hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, Nga đã tăng cường các chương trình huấn luyện lực lượng này theo hướng có thể kết hợp chiến dịch quân sự truyền thống với lực lượng hạt nhân”.
Hồi tuần trước, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov tuyên bố nước này sẽ củng cố kho vũ khí hạt nhân và tăng cường hiện diện quân sự ở các vị trí chiến lược. Tuy đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế do chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây, Moscow vẫn quyết định đầu tư gần 300 tỉ USD từ nay đến năm 2020 để hiện đại hoá quốc phòng.
Theo Hãng tin BELGA, trong tình hình căng thẳng hiện nay, nhiều khả năng sau cuộc họp ngày 5.2, các nước NATO sẽ thống nhất những biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên lên mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Cụ thể, NATO sẽ sớm đạt thoả thuận để gia tăng quân số cho lực lượng phản ứng nhanh (NATO Response Force) từ 13.000 lên 30.000, đồng thời thành lập một đơn vị đặc biệt gồm 5.000 quân có thể được điều đến lãnh thổ của bất kỳ quốc gia thành viên nào đang bị đe doạ trong vòng 48 giờ. Khối quân sự này cũng sẽ thiết lập 6 đơn vị “kiểm soát và chỉ huy” đặt tại 6 nước thành viên ở Đông Âu để điều phối hoạt động của lực lượng phản ứng nhanh.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, nguồn gốc hiềm khích giữa Nga và phương Tây, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua bất ngờ thông báo cùng đến thăm Kiev trong 2 ngày để dàn xếp một giải pháp mới cho cuộc xung đột vốn leo thang trong vài tuần qua.

Lan Chi