11/01/2025

Cảnh xa con

“Hoàn cảnh lắm!”, đó là chia sẻ của giáo viên ở trường tiểu học nội trú về gia đình và phụ huynh của những học trò sớm phải xa nhà trọ học.

 

Cảnh xa con

 

 “Hoàn cảnh lắm!”, đó là chia sẻ của giáo viên ở trường tiểu học nội trú về gia đình và phụ huynh của những học trò sớm phải xa nhà trọ học. 

 

 


 

 

Học sinh tự rửa chén sau bữa ăn khuya lúc 20g45 tại Trường tiểu học Nhựt Tân, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Học sinh tự rửa chén sau bữa ăn khuya lúc 20g45 tại Trường tiểu học Nhựt Tân, Q.Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Họ cũng tránh nói về những câu chuyện tế nhị, riêng tư của phụ huynh, bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ai gửi con vào đây cũng có lý do đặc biệt của họ!”.

Vì những lý do đặc biệt đó mà không ít cha mẹ đành sống cảnh xa con.

Từng ngày các con lớn lên hay khoảnh khắc dậy thì của con đều được giáo viên nội trú phát hiện và chia sẻ thay vì cha mẹ.

Đổi lại, họ gửi gắm ước mong con mình có một tương lai tốt hơn về học tập và trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Day dứt cả năm trời

Các giáo viên cũng chỉ là người dưng, có người trẻ quá, chưa lập gia đình, làm sao đủ thương và đủ kinh nghiệm chăm sóc con mình được. Nuốt nước mắt gửi con đi, chỉ mong hôm nào rảnh việc chạy đi Sài Gòn để thăm con, xem con ăn uống, ngủ nghỉ thế nào. Mình chỉ có một đứa con, không xót xa sao được
Một phụ huynh ở Tây Ninh

Cha mẹ bận kinh doanh, không có thời gian đưa đón, chăm sóc con cái thì trường nội trú là môi trường khá an toàn để gửi con.

Gia đình neo người, không theo sát được con. Trẻ nghiện game, lêu lổng, không chịu học hành. Anh chị học nội trú, gửi luôn đứa em vào trường để học gần nhau…

Có cả ngàn lẻ một lý do khiến phụ huynh quyết định gửi con vào trường nội trú, cho dù họ phải chịu đựng sự xa cách, thương nhớ con và không ít người day dứt một thời gian dài về quyết định này.

Một hiệu trưởng trường tư thục có bậc tiểu học cho biết lý do phổ biến nhất vẫn là cha mẹ bận công việc nên phải gửi con.

Trong số đó, bộ phận phụ huynh làm nương rẫy, trồng trọt ở một số tỉnh Tây nguyên và Đông Nam bộ khá nhiều. Họ bận công việc, không chăm được con, để con ở nhà thì không yên tâm.

“Có năm mất mùa, cả trăm phụ huynh đón con về. Năm sau được mùa lại đưa con lên gửi, nên có những em phải học lại một, hai năm là chuyện thường” – hiệu trưởng này cho biết.

Lại có những hoàn cảnh khó khăn riêng của gia đình, khiến phụ huynh phải chọn cách tìm trường nội trú cho con.

“Gia đình chúng tôi day dứt cả năm trời sau khi quyết định gửi con đi học xa nhà. Cháu mới học lớp 2, còn nhỏ quá chưa biết gì, ông bà phản đối, bạn bè lắc đầu, có người còn bảo chúng tôi “khùng”, một phụ huynh ở Bình Phước tâm sự.

Anh nói: “Nhưng nhà ai nấy hiểu, tôi là dân lái xe nay đây mai đó, vợ buôn bán từ sáng đến tối”.

Anh cho biết: Đón con về nhà, con chơi với người giúp việc hoặc dán mắt vào tivi, điện thoại, ăn nói cộc lốc, hỗn với người lớn. Ông bà già yếu không thể chăm và dạy được cháu. Học cả năm trời không biết chữ gì, cô giáo trả về kêu ba mẹ dạy lại. Để con ở gần mình mà mình không chăm, không dạy được, ba mẹ như vậy cũng không tròn trách nhiệm.

“Cực chẳng đã chúng tôi đành chọn phương án cho con vào học trường nội trú, mỗi tháng thăm con một, hai lần. Sau một năm, nhìn con trưởng thành chúng tôi biết lựa chọn này là đúng đắn và phù hợp, nỗi day dứt mới tạm vơi đi” – anh bộc bạch.

Trong khi đó, chị T.L. (Tây Ninh) lại quyết định gửi con trai duy nhất lên Sài Gòn ăn học sau khi hai vợ chồng ly thân.

Chồng chị đã đưa con gửi vào trường nội trú một lần, nhưng chị nhớ con quá lại đón về, quyết tâm tự nuôi và lo cho con.

“Nhưng rồi cháu hiếu động quá, có lần bị cô giáo đánh tím cả mông. Mỗi ngày ba, bốn lượt đưa con đi học đón con về, rồi học thêm, tốn rất nhiều chi phí trong khi tôi cũng cần thời gian tập trung đi làm kiếm tiền. Về đến nhà mẹ phải nấu cơm, lớp 4 rồi mẹ vẫn phải đút, phải tắm cho, người cháu còi cọc hơn các bạn nhiều, đêm mẹ phải ru mới ngủ. Rồi tôi đi đến quyết định cho con đi học nội trú, lúc đầu tôi nhớ con và xót con lắm”, chị T.L kể.

Cô Phan Thị Tuyết, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học, THCS và THPT Thanh Bình, bồi hồi nhớ lại kỷ niệm về một học trò cũ nay đã lên lớp: “Tôi ấn tượng với em vì bà ngoại của em hay gọi điện kêu tôi khổ lắm cô ơi. Em sống với bà ngoại từ nhỏ dù vẫn còn mẹ. Dì sống ở nước ngoài là người lo chi phí gia đình. Lâu lâu bà và mẹ lên thăm. Có những phụ huynh mà mình ít khi được gặp, bởi đó là ông, bà, là bác, là dì, hoặc thậm chí hàng xóm của các em”.

“Tốt hơn ở nhà!”

Phụ huynh tin tưởng nhà trường

Theo số liệu của Phòng quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập, Sở GD-ĐT TP.HCM, TP.HCM hiện có 5.512 học sinh tiểu học đang học tại 15 trường ngoài công lập có tổ chức nội trú.

Một cán bộ phòng này cho biết các trường ngoài công lập, đặc biệt là trường nhiều cấp học, có đóng góp rất lớn trong việc phục vụ nhu cầu gửi con của phụ huynh TP và phụ huynh ngoại tỉnh.

Một số trường có cơ sở vật chất và đội ngũ uy tín, được phụ huynh tin tưởng gửi trường nuôi dạy con em của mình.

Sở GD-ĐT TP.HCM thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở vấn đề an toàn và an ninh tại các trường nội trú, đồng thời yêu cầu các trường phải lên phương án cụ thể để xử lý những tình huống cháy nổ, tai nạn, đảm bảo an toàn cho học sinh là trên hết.

Chị T.L. mừng mừng tủi tủi khi biết con trai hòa nhập với môi trường nội trú dễ dàng ngoài sức tưởng tượng của chị.

“Sau học kỳ đầu tiên cháu tăng được 3kg, tự ăn, ăn giỏi, tự tắm và tự ngủ. Sức học cũng lên vì có giáo viên kèm để lấy lại căn bản, vì cháu mất gốc kiến thức rất nhiều. Cháu cũng tình cảm với các giáo viên, cháu kể về các cô như kể về người thân”, chị T.L nói.

Chị cho rằng trẻ con rất nhạy cảm, thương nó, thật lòng với nó thì nó mới mến đến vậy.

“Đến giờ thì tôi bắt đầu an tâm về việc cho con đi học xa nhà. Nếu phải xa con mà điều kiện sống của con và tương lai của con tốt hơn ở nhà thì người mẹ như tôi cũng phải làm, mặc kệ ai đó nói rằng mình bỏ rơi con”, chị thổ lộ.

Chị T.Đ., quản lý một công ty chuyên về dịch vụ lữ hành, nhà hàng khách sạn tại Ninh Bình, lại có một quan điểm khác về việc nuôi dạy con

Chị có bốn con, hiện ba em đang học lớp 3, lớp 4 và lớp 9 tại Trường Ngô Thời Nhiệm, Q.9. Con gái út năm sau cũng sẽ vào trường học lớp 1.

Chị từng cho con học trường tư ở Hà Nội nhưng sau đó chuyển các con vào TP.HCM vì thấy môi trường phù hợp hơn, thời tiết cũng đỡ khắc nghiệt.

Từ nhỏ, con chị Đ. đã sống với ông bà, người giúp việc và cô giáo dạy kèm vì cả cha lẫn mẹ phải túc trực ở công ty, lễ tết khách du lịch lại càng nhiều nên không bao giờ được nghỉ.

Để ở nhà cha mẹ không thể an tâm công tác, vì vậy gửi con vào trường nội trú  chị thấy các cháu an toàn, được thầy cô giám sát, chăm sóc, không sợ ra ngoài lêu lổng.

“Cho con ở quá xa mình, đôi lúc không yên tâm nhưng một thời gian thấy con đọc, viết nhanh hơn ở nhà, tự lập hơn, không xưng hô mày – tao như trước, luôn vâng dạ ở cuối câu, biết lao động, giúp đỡ cha mẹ, tiết kiệm tiền bạc. Chi phí gửi ba đứa con đi học chắc chắn là không ít, nhưng chúng tôi đã cân nhắc kỹ: nếu để con ở nhà, chi phí sinh hoạt, học thêm, thuê người đưa đón đâu cũng vào đó. Các cháu tự lập như thế, sau này lớn tôi cho con đi du học cũng sẽ yên tâm hơn”, chị T.Đ nói.


LƯU TRANG