Lắng nghe tiếng gọi từ gia đình Nazareth – Bài 2: Gia đình là cộng đồng tình yêu

Cái làm cho những con người xa lạ gắn bó với nhau thành một gia đình, làm cho những yếu tố vật chất rời rạc, vô hồn kia gắn bó với nhau thành một vật thể, một sinh vật, một con người hướng về chân thiện mỹ, đó là tình yêu. Nhưng nhiều người lại chẳng biết tình yêu thật sự là gì.

 Tuần Tĩnh Tâm Mùa Vọng:
Lắng nghe tiếng gọi từ gia đình Nazareth

Bài 2

GIA ĐÌNH LÀ CỘNG ĐỒNG TÌNH YÊU

Nhập đề

Chúng ta đã hiểu rằng mình là một thành viên của gia đình căn bản với vợ chồng, cha mẹ, con cái, đồng thời cũng là thành viên của gia đình rộng lớn là nhân loại, gia đình bao la vũ trụ và gia đình nhiệm mầu là Thiên Chúa.

Nhưng chúng ta thử hỏi: Cái gì làm cho những con người xa lạ gắn bó với nhau thành một gia đình? Cái gì làm cho những yếu tố rời rạc, vô hồn kia gắn bó với nhau thành một vật thể, một sinh vật, một con người hướng về chân thiện mỹ?

Ta có thể trả lời ngay đó là tình yêu. Tình yêu là một từ được nhắc đến không biết bao nhiêu lần trong câu chuyện hằng ngày, trên sách báo, phim ảnh, nhưng nhiều người lại chẳng biết tình yêu thật sự là gì, đúng như thi sĩ Xuân Diệu đã viết:

“ Làm sao định nghĩa được tình yêu,
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”.

Tình yêu là một cái gì thân thiết gắn liền với con người, vì bao lâu trái tim con người còn đập là họ vẫn còn yêu. Thân thiết đến thế nhưng trong nền kinh tế thị trường hiện nay, người ta vẫn đem tình yêu ra để buôn bán, trao đổi như một món hàng. Nhiều người không hiểu hết giá trị món hàng trao đổi nên đã bán quá rẻ tình yêu thật sự hoặc lại mua quá đắt một tình yêu giả tạo!

Chính vì thế, hôm nay chúng ta muốn vào sống dưới mái nhà Nazareth để nghe chính Thiên Chúa Tình Yêu, Đức Mẹ và thánh Giuse giải nghĩa cho chúng ta. Nào ta hãy cùng im lặng mở lòng ra với thi sĩ Hàn Mặc Tử, với trăng sao, vạn vật để nghe Trời giải nghĩa Yêu:

Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều
Để nghe tiếng nước đáy hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe Trời giải nghĩa Yêu …

1. TÌNH YÊU NƠI CON NGƯỜI HÔM NAY

1.1. Tình yêu là điều kiện căn bản tạo nên gia đình

Nếu định nghĩa gia đình là một tập hợp những con người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ, con cái, (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Việt Nam, NXB Đà Nẵng, 2005), thì tình yêu là điều kiện căn bản tạo nên gia đình. Người ta có thể tìm đến với nhau vì nhan sắc, quý trọng nhau vì tài đức, nhưng muốn gắn bó với nhau suốt đời phải có tình yêu.

Tình yêu là tình cảm thắm thiết thúc đẩy hai người nam nữ tìm đến với nhau, gắn bó với nhau, hoà nhập với nhau đến độ trở thành một trong nhau. Tình cảm này được gọi là tình yêu hiểu theo nghĩa đặc biệt dành cho nam nữ, vợ chồng, dù mỗi người chỉ có một trái tim để yêu thương tất cả: yêu Thiên Chúa, yêu trời đất, yêu quê hương, yêu cha mẹ, yêu nghề nghiệp,… Tình yêu ấy giống như chất xi măng hay keo dính tổng hợp gắn chặt con người vào nhau như gắn hai nửa hoàn chỉnh thành một. Do đó, bất cứ điều gì xúc phạm đến tình yêu đều làm tổn thương con người và bất cứ sự tách biệt nào cũng làm cho hai nửa người kia đau đớn và sứt mẻ.

Tình yêu tuy ở trong con người để tạo nên những khoái cảm thể xác và rung động tâm hồn, nhưng nó lại vượt quá con người vì không bắt nguồn từ con người. Phân tích con người, nhất là bộ óc và trái tim, bằng đủ loại thí nghiệm của khoa học tự nhiên, chúng ta cũng chỉ thấy những cấu trúc nguyên tử với các điện tử xoay quanh hạt nhân và chẳng thấy có một bằng chứng gì dành cho sự sống, tư tưởng, ý chí, tình yêu cả. Thế mà con người vẫn đang sống, đang nghĩ, đang muốn và đang yêu!

Hiểu được tình yêu, tư tưởng, sự sống, vượt quá con người như thế để tìm về tận nguồn của chúng là ta tìm được câu trả lời cho tất cả những khó khăn, nguy hiểm, khổ đau mà gia đình chúng ta cũng như gia đình nhân loại đang phải chịu đựng vì hiểu lầm ý nghĩa tình yêu.

1.2. Tình yêu trong thời đại chúng ta

Ngày nay, nhiều người tưởng rằng tình yêu chỉ là những nhịp đập riêng lẻ trong trái tim mỗi con người mà quên rằng Thiên Chúa mới thật sự là nguồn tình yêu và là chính tình yêu (x. 1Ga 4,8). Chỉ có Ngài mới làm cho quả tim ta đập được vì Ngài là chủ sự sống. Chỉ có Ngài mới điều chỉnh nhịp đập cho nó hoà nhịp với trái tim của Ngôi Lời Nhập Thể để “yêu cho đến tận cùng” (x. Ga 13,1). Trái tim ấy dù có bị lưỡi dòng đâm thấu, vẫn chảy ra những giọt nước thứ tha và giọt máu cứu độ cho chính những kẻ đâm mình. (x. Ga 19,34)

Chúng ta thường quên mình là “một tinh thân nhập thể, nghĩa là một linh hồn biểu lộ trong thân xác và một thân xác sống động do một tinh thần bất tử, nên con người chúng ta được mời gọi yêu thương trong toàn thể tính thống nhất của mình” (x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông huấn về Gia đình, số 11). Khi chỉ đi tìm những rung động bên ngoài thể xác, con người đã đồng hoá tình yêu với tình dục.

Hiểu lầm như thế nên người ta chỉ đi tìm học những cách thức, những tư thế làm tình thế nào cho đạt được những khoái cảm tột đỉnh. Người ta đi tìm những vỉ thuốc, dụng cụ để kéo dài thời gian khoái cảm mà bỏ quên sự hoà điệu của tâm hồn. Người ta chỉ chú ý đến vỏ bọc, bao bì bên ngoài mà coi thường chất lượng cao quý chứa đựng bên trong. Cái vỏ bọc thân xác này, một ngày nào đó, chắc chắn sẽ bị tàn tạ, rách nát theo năm tháng. Do đó, khi chỉ chú ý đến vỏ bọc thân xác, người ta đã làm cho tình yêu chân thật của mình tàn tạ, rách nát theo. Rồi cũng vì thế người ta phải thay đổi luôn luôn những vỏ bọc mới, những khuôn mặt mới, những cách chơi mới…

Rất nhiều người trong xã hội hiện nay đã hiểu lầm tình yêutình dục vì đã không học hỏi nghiêm túc về tình yêu của con người cũng như của Thiên Chúa. Người ta đọc vội vã những sách báo nói về hôn nhân gia đình mà chẳng suy nghĩ xem tác giả viết đúng hay sai, viết để chiều theo thị hiếu thấp kém của độc giả hay để giáo dục đúng đắn. Người ta lén lút xem những sách chỉ dẫn về sinh hoạt tình dục, xem những băng hình thu các cảnh âu yếm, làm tình và tưởng rằng tình yêu chỉ là những kỹ thuật khai thác nhục cảm.

Một khi tâm trí chúng ta đầy ắp những hình ảnh kích thích dâm loạn đó, đôi mắt tinh thần của chúng ta sẽ bị che mờ không còn nhận ra Thiên Chúa trong mọi người, mọi vật để yêu thương tất cả một cách chân thành, cao thượng và cảm nhận được hạnh phúc trong tình yêu như Đức Giêsu mời gọi: Phúc cho ai có lòng trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (x. Mt 5,8).

Nhiều người tưởng lầm tình yêu là một sản phẩm, một dịch vụ do bàn tay con người tạo ra nên làm tình với nhau như người ta làm bánh, làm nhà, làm đầu, làm tóc. Họ biến tình yêu thành một thứ hàng hoá để trao đổi như những vật chất với phụ tùng kèm theo như: vỉ thuốc ngừa thai, bao cao su, đồ chơi kích dục, phim ảnh, sách báo sex. Rồi cả những con người như các cô gái mãi dâm, các trẻ em bị lạm dụng tình dục cũng trở nên món hàng trao đổi.

Trong cuộc trao đổi đó không thiếu những hàng giả, tình yêu giả nên người ta mới phải làm thêm một việc, gọi là thử nghiệm tình yêu một thời gian, trước khi chính thức lấy nhau như thử bò, thử xe, thử máy trước khi mua chúng. Đức Thánh Cha Gioan  Phaolô II trong Tông huấn về  Gia đình (THGĐ) số 80 đã nhắc nhở chúng ta rằng: Phẩm giá cao quý của con người không bao giờ cho phép ta thử nghiệm hôn nhân: Tình yêu hôn nhân luôn luôn là một sự lựa chọn có ý thức và tự do của người nam và người nữ (x. Công đồng Vaticanô II , Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 48) để dấn thân vào cuộc chung sống và chia s tình yêu bằng tất cả con người mình như Thiên Chúa yêu thương và ban chính mình cho con người khi sáng tạo họ giống hình ảnh của mình. Tình yêu ấy diễn tả sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người (x. THGĐ, số 12) và là hình ảnh của sự hiệp thông hoàn hảo giữa Đức Kitô và Hội Thánh (x. THGĐ, số 13). Do đó, hôn nhân gia đình chỉ tồn tại và phát huy được hiệu quả tốt đẹp nếu có một tình yêu chân thành và trung thực giữa hai thành viên.

Khi yêu, người ta thường ích kỷ muốn chiếm hữu “người kia” để làm của riêng mình và chẳng muốn cho ai “xía” vô chuyện của mình, một thi sĩ đã viết:

Chỉ hai đứa mình thôi nhé,
  Đừng cho trăng nấp bên hè!

Trăng còn bị cấm cửa nữa là! Nhưng chính trăng thanh, gió mát làm cho cuộc tình ta thêm đẹp. Tình yêu cần phải có sự góp mặt của bát cơm, tô mì vì nếu không có, ta đâu có sức để nói: “Anh yêu em”. Tình yêu ấy vẫn cần những vật chất để diễn tả và phát triển chứ không ảo tưởng “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” như người ta từng mơ ước.

Vì thế, tình yêu ấy không phải chỉ bao gồm toàn diện con người với tinh thần cao quý mà còn vượt ra khỏi giới hạn một người để vươn tới muôn loài, muôn người, muôn vật. Đó là “yêu rộng”, đó là “bác ái”, đó là “agapê” theo tiếng Hy Lạp mà người Kitô hữu vẫn luôn nhắc nhở mình.

Muốn hiểu rõ tình yêu rộng lớn này, xin mời bạn sống với Đức Giêsu, Maria, Giuse dưới mái nhà Nazareth, bạn sẽ hiểu được tình yêu nồng nàn, tha thiết, hy sinh trọn vẹn cho nhau mà không đánh mất chính mình. Bạn sẽ cảm nhận được một tình yêu cao thượng và thanh khiết, vượt lên trên những toan tính và rung động thường tình để mở ra một chân trời mới cho hạnh phúc vô biên.

2. BÀI HỌC TÌNH YÊU Ở NAZARETH

Chúng ta đừng tưởng rằng tình yêu của Giuse và Maria đơn giản, dễ dàng vì được Chúa che chở, giữ gìn như tình yêu trong sáng của các cô cậu học trò mười tám đôi mươi dưới mái học đường. Dù Đức Maria khi mới lập gia đình với thánh Giuse cũng chỉ vào độ tuổi 15, 16 nhưng cả hai đã trải qua bao đêm trằn trọc suy tư, nhất là khi Maria mang thai Ngôi Lời Thiên Chúa.

2.1. Những khó khăn và vượt qua

Giuse và Maria đã có một thời gian tìm hiểu rồi đính hôn với nhau. Cuộc gặp gỡ bên ngoài của họ giống như bao cuộc gặp gỡ khác khi chàng trai tìm được cho mình một người yêu và mong ước người đó trở thành vợ mình. Nhưng bên trong tâm hồn, hai người cảm nhận được một tình yêu cao thượng, thanh khiết vì biết xây dựng tình yêu mình trên chính Thiên Chúa.

Rất nhiều bạn trẻ không muốn coi Giuse là một thanh niên bất lực hay Maria là một thiếu nữ lãnh cảm, ghê sợ chuyện ái ân. Các bạn hỏi nhau: Giuse có cảm thấy rung động khi gần người yêu không? Giuse có cảm thấy những đòi hỏi về sinh lý khi sống chung dưới mái nhà Nazareth với Maria không?”. Thói thường người ta vẫn nghĩ: Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, nhất là trước một phụ nữ Maria phát triển trọn vẹn sau lần sinh nở người con đầu lòng như tục ngữ ta thường nói: Gái một con trong mòn con mắt!

Thật ra, Giuse vẫn là một con người với thân xác yếu đuối và tâm hồn bị trói buộc vì tội nguyên tổ như chúng ta, nhưng ngài đã tỏ ra một bản lĩnh phi thường khi yêu Maria và đón nhận Giêsu là người con mang dòng họ của mình (x. Mt 1,25). Bản lĩnh cao quý của Giuse biểu lộ trong suốt cuộc đời chàng từ lúc còn là một thanh niên ngây ngất tình yêu với Maria cho đến khi âm thầm rút lui vào bóng tối, trở về với cội nguồn tình yêu sau khi hoàn thành trách nhiệm làm chồng, làm cha của mình. Vì thế “Giuse không phải chỉ là một tấm gương cho một bậc sống riêng biệt nào đó, mà ngài còn là gương mẫu cho tất cả cộng đồng Kitô hữu, dù mỗi người khác nhau về hoàn cảnh và nhiệm vụ” (x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông huấn Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế, ngày 15/8/1989, số 30).

Hình như người ta đã coi thường hay không muốn nhìn nhận bản lĩnh ấy khi tưởng tượng Giuse là một ông lão tốt lành với râu tóc bạc phơ, với cây gậy nở bông huệ trắng trong tay theo truyện kể từ một cuốn Phúc Âm Nguỵ Thư nào đó. Người ta tước mất sự trẻ trung, tính nam nhi, sức lực mạnh mẽ và tâm hồn dũng cảm của Giuse vì muốn chàng là ông nội” Giêsu, là “chú, bác” của Maria. Họ sợ rằng vẻ trẻ trung, mạnh mẽ kia có thể là mối nguy hiểm cho sự trinh khiết của Maria mà lại quên rằng chính Giuse từng chiến đấu để bảo vệ tình yêu trong sáng của mình dành cho Thiên Chúa khi muốn âm thầm lìa bỏ Maria (x. Mt 1,19).

2.2. Tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa

Để có được bản lĩnh và tình yêu vượt lên trên những gì bình thường, và rất nhiều khi tầm thường của bản năng tính dục, Giuse và Maria hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa vì chính Ngài khơi động những rung cảm cao quý trong lòng con người.

Khi Giuse được thiên thần báo mộng, chàng hiểu rằng chính Thiên Chúa hoá thân làm người trong lòng Maria, hiểu rằng Maria được Thiên Chúa dành riêng cho một chương trình cứu độ vô cùng lớn lao và cần thiết, ảnh hưởng đến chàng cũng như toàn thể vũ trụ. Vì thế, chàng muốn dành hẳn Maria cho Chúa vì tình yêu của chàng đối với Chúa lớn hơn tình yêu với con người (x. Mt 1,18-24).

Thiên Chúa đã đánh tan nỗi ngại ngùng lo âu của Giuse và dạy cho chàng hiểu thêm rằng: một khi yêu Thiên Chúa và dành trọn vẹn cho Thiên Chúa thì con người chẳng mất mát gì, mà còn được cả Thiên Chúa lẫn con người vì Chúa đã hoá thân làm người. Và Giuse đã giữ được cả Thiên Chúa cùng Maria.

Giuse đã làm như lời Chúa dạy và đón vợ về nhà” (x. Mt 1,24). Lời Phúc Âm ngắn gọn này giúp chúng ta hiểu rằng qua sự soi sáng của Chúa, tình yêu của Giuse đã được đổi mới hoàn thiện. Giuse chẳng còn bận tâm đến sự trinh khiết của mình, đến danh dự của mình, đến con cái cần nối dõi tông đường. Chàng bỏ hết để hợp tác thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa khi sống chung với Maria.

Người công chính làng Nazareth này trước đây gắn bó với Maria bằng tình yêu nam nữ cao thượng, bây giờ lại được Thiên Chúa kêu gọi tiếp tục tình yêu đó ở mức độ cao cả nhất nhờ ân huệ đặc biệt của Thánh Thần Tình Yêu. Ân huệ này là ơn nhận biết Thiên Chúa đang hiện diện trọn vẹn trong mỗi người, mỗi vật mà ta sống với. Ân huệ này Giuse được nhận vì Ngài luôn giữ lòng trong trắng để nhắc bảo chúng ta về hạnh phúc của Chúa dành cho ai có lòng trong sạch. Chúng ta cũng vậy, càng giữ được tinh thần trong sáng, ta càng nhận ra Chúa trong anh em và cảm thấy hạnh phúc trong tình yêu của mình.

2.3. Tình yêu hy sinh và từ bỏ

Để đạt được tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa và con người như Giuse và Maria, chúng ta cần phải biết hy sinh và từ bỏ chính mình, từ bỏ những đòi hỏi ích kỷ của bản năng đã bị tội nguyên tổ làm cho hư hỏng. Điều này chúng ta có thể làm được vì đã được phép Rửa của Chúa Kitô ty xoá vết tích tội tổ tông xưa.

Chúng ta đừng quên rằng tình yêu là ân huệ Chúa Thánh Thần đổ vào tâm hồn con người. Nếu trái tim ta trống rỗng, ta sẽ nhận được trọn vẹn ơn Chúa. Do đó, càng từ bỏ chính mình với những tham vọng, dục vọng bao nhiêu, ta càng vươn cao trong nấc thang tình yêu để có thể đạt tới mức hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là trường hợp của Giuse và Maria vì cả hai hoàn toàn quên mình để lo cho người “bạn đời” và cho chính Thiên Chúa trong người bạn ấy.

Con người bình thường chúng ta khó đạt được điểm này trong tình yêu vì chúng ta sợ đánh mất chính mình. Ta thường có một trái tim tham lam chia thành nhiều ngăn nhỏ và ta nhốt các đối tượng mình yêu thương vào đó khiến cho trái tim ta chẳng còn trống rỗng để Chúa đổ ơn vào.

Còn Maria và Giuse đã hoàn toàn từ bỏ chính mình để tự hiến cho nhau trong Thiên Chúa. Do đó, dù ở gần bên nhau, sống chung với nhau, có những cử chỉ thân mật lo lắng cho nhau, cả hai vẫn vượt qua được những đòi hỏi của bản năng tình dục vì tình yêu của họ tràn ngập ánh sáng thanh khiết của Thiên Chúa. Ta c thử tưởng tượng Giuse một hôm bị cảm sốt hay té ngã, không lẽ Maria chạy vội sang nhà hàng xóm kêu cứu: “Ông ơi, xin ông sang nhà tôi cạo gió hay xoa dầu cho chồng tôi với!” Hay là Maria sẽ săn sóc, giúp đỡ Giuse?

Ta có thể cảm nghiệm phần nào điều đó khi hiểu rằng đòi hỏi sinh lý không bắt nguồn từ thể xác nhưng từ chính tinh thần. Hai làn môi gặp gỡ nhau trong một nụ hôn, nói theo khoa học, chỉ là những tế bào, những chất vô cơ đụng chạm nhau. Ta thử đưa tay mình lên môi xem, ta chẳng thấy rung động gì. Nhưng nếu đó là làn môi, là bàn tay của người yêu, thì nụ hôn có tình yêu làm cho ta ngây ngất. Rung động đó là do tinh thần tác động. Nụ hôn ấy có giá trị yêu thương hay chỉ là sự thoả mãn dục vọng, hoặc tệ hơn nữa, chỉ là sự mua bán như nụ hôn của cô gái mãi dâm, hay chỉ là dấu hiệu phản bội như nụ hôn của Giuđa (x. Lc 22,48) chính là tuỳ vào tinh thần trong sáng hay đen tối, từ bỏ hay không của ta lúc hôn nhau.

Vì thế, khi lột bỏ hoàn toàn con người ích kỷ của mình để giữ tinh thần luôn trong sáng, tình yêu của ta sẽ trở nên thuần khiết, cao thượng và phản ánh tình yêu Thiên Chúa. Đó là trường hợp của Giuse, Maria và tất cả những ai muốn đi trọn con đường tình yêu của Đức Giêsu. Đó cũng là điều kiện tiên quyết trong cuộc tình giữa ta và Thiên Chúa: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình” (x. Mt 16,24).

Kết luận

Hôm nay lắng nghe được tiếng gọi của gia đình Nazareth như một cộng đồng tình yêu, chúng ta nên kiểm nghiệm lại tình yêu của mình, xem nó có thật sự đặt nền tảng trên Thiên Chúa hay trên những rung cảm nơi thể xác con người? Và để cho tình yêu của chúng ta mỗi ngày một quảng đại hơn, thanh khiết hơn, thoáng rộng hơn, chúng ta cần xem xét lại những sách báo, phim ảnh, băng nhạc, câu chuyện trong cuộc sống hằng ngày xem có ảnh hưởng gì nguy hại không?

Cuộc sống bình dị ở Nazareth nhắc nhở ta hiểu rằng: tình yêu không phải được nuôi dưỡng bằng những quà tặng đắt giá, những buổi đi chơi tốn kém, tiệc tùng thịnh soạn… Đời sống và cuộc tình của Giuse, Maria và Giêsu cũng giống như cuộc đời của chúng ta, trong đó tất cả được thánh hiến qua những cái bình thường đến độ nhàm chán của đời sống hàng ngày: như những giờ học khô khan, giờ lao động mệt mỏi, bữa ăn thanh đạm, quần áo dơ phải giặt, căn phòng bừa bãi cần dọn dẹp… Nhưng trong tất cả những cái bình thường ấy có một tình yêu mãnh liệt, âm thầm, sâu lắng với Thiên Chúa, với những con người và với vũ trụ. Ở Nazareth, chẳng có phép lạ, chẳng có xuất thần, chẳng có gì lớn lao gây xúc động mạnh mẽ. Nhưng đó lại là một cộng đồng sống động nhất, mãnh liệt nhất về tình yêu.

Các bạn có đồng ý như thế không?

SUY NGHĨ VÀ TỰ KIỂM

1. Bạn có “yêu” ai chưa? Bạn hiểu nghĩa yêu đó như thế nào?

2. Bạn đã đọc những cuốn sách, bài báo nào nói về tình yêu hôn nhân? Sách báo nào đánh động bạn nhất?

3. Bạn đã xem những phim, băng hình nào nói về tình yêu, tình dục? Phim nào gây ấn tượng mạnh nhất?

4. Bạn đã xem phim Indicent Proposal (Lời đề nghị khiếm nhã) chưa? Nếu xem rồi, bạn có đồng ý với hành động của người vợ đã “ngủ” với người đàn ông khác chồng mình để lấy một số tiền lớn cứu gia đình đang túng quẫn không? Tại sao?

5. Bạn có thể chấp nhận lập gia đình với một người mà mình không yêu vì lý do cao thượng nào đó hay không?

6. Tình yêu của bạn dành cho Chúa đang ở mức độ nào?

– Không ý thức, không có gì để nói.

– Tự nhiên, bình thường.

– Có tiến triển từng giai đoạn.

– Quảng đại, trong sáng.

– Dám hy sinh, từ bỏ chính mình.