Lắng nghe tiếng gọi từ gia đình Nazareth Bài 3: Gia đình là cộng đồng sự sống

Tình yêu vợ chồng, một khi đưa người nam người và nữ hoà nhập thành một xương, một thịt trong nhau (x. Kn 2.24), sẽ làm phát sinh sự sống.Sự sống rất phong phú nhiệm mầu nhưng nhiều khi ta lại đơn giản hoá và làm nghèo nàn nó.

 Tuần tĩnh tâm: Lắng nghe tiếng gọi từ gia đình Nazareth

Bài 3: GIA ĐÌNH LÀ CỘNG ĐỒNG SỰ SỐNG

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Nhập đề

Tình yêu vợ chồng, một khi đưa người nam người và nữ hoà nhập thành một xương, một thịt trong nhau (x. Kn 2.24), sẽ làm phát sinh sự sống. Tình yêu đó không đóng kín trong hai người nhưng vượt qua chính họ để biến họ thành những người có khả năng kỳ diệu là được cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hoá để thông ban sự sống cho một nhân vị khác. Dù họ có thể không sinh ra đứa con thể chất nhưng vẫn có khả năng sinh ra những đứa con tinh thần. Đứa con chính là dấu chỉ thường xuyên của sự hợp nhất vợ chồng và là một tổng hợp sống động không thể chia cắt của cha mẹ (x. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Gia đình (THGĐ), số 28).

Tuy nhiên, sự sống không phải chỉ quy về một con người nhưng ta cần phải thấy sự sống ấy đang phát triển trong hơn 7 tỉ người sống trên mặt đất cùng với muôn loài sống động quanh ta. Sự sống rất phong phú nhiệm mầu nhưng nhiều khi ta lại đơn giản hoá và làm nghèo nàn nó vì chỉ nghĩ đến sự sống thể lý với việc ăn uống – ngủ nghỉ – làm việc – vui chơi mà quên một sự sống tinh thần vừa bao la, vừa cao cả của con người, như những nhân vị được kêu gọi tham dự vào sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa.

Vì thế hôm nay chúng ta được mời gọi vào sống dưới mái nhà Nazareth để học về sự sống thật sự của con người và để biến đổi gia đình mình thành một cộng đồng sự sống.

1. SỰ SỐNG TRONG THẾ GIỚI

1.1. Sự sống thật sự là gì?

Có lẽ ta phải nhắc sơ lại quá trình hình thành sự sống. Trong bài suy niệm đầu tiên, chúng ta đã hiểu khái quát về quá trình hình thành sự sống nơi con người và vũ trụ. Từ những vật chất vô cơ đến hữu cơ, từ sinh vật đến con người như một tinh thần nhập thể : luôn luôn có bàn tay của Thiên Chúa Tình Yêu dẫn đưa và điểu khiển. Như thế, chúng ta cần nhớ rõ nguyên tắc này : chính tình yêu chân thật làm nên sự sống đích thực và tình yêu càng phong phú bao la thì sự sống càng nhiệm mầu cao cả, bởi vì Thiên Chúa vừa là tình yêu vừa là Đấng Hằng Sống.

Gần đây, nhiều báo nước ngoài lẫn trong nước đều đưa tin và đăng cả hình ảnh về đĩa bay, về người vũ trụ. Người ta giả thiết có những nền văn minh rất cao ngoài trái đất. Theo thiên văn học, trong thiên hà của chúng ta thôi, cũng đã có khoảng 8.000 hành tinh giống như trái đất, nghĩa là có những điều kiện để phát triển sự sống ( Tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu, Giám Đốc đài thiên văn Meudon ở Pháp, báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ngày 8-11-1992). Tuy nhiên, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu cụ thể nào của sự sống ngoài trái đất vì chưa có khả năng đến được các hành tinh xa xôi. Nhưng dù cho có sự sống ngoài trái đất đi chăng nữa, dù cho có những con người vũ trụ đi chăng nữa thì sự sống ấy vẫn là quá trình tiến hoá từ vật chất tới tâm linh.

Chúng ta muốn lưu ý tới vấn đề này vì Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể, không phải chỉ là thành viên của gia đình nhân loại như một con người mà còn là thành viên của vũ trụ, vì trong thân thể Người cũng có những vật chất giống như bất cứ một vật chất nào. Ngài là anh em của mọi người, mọi vật khi đón nhận dòng sữa mẹ, tôm cá, rau cỏ, khí trời vào thể xác mình. Ngài đón nhận tất cả để cứu chuộc tất cả như chúng ta sẽ thấy trong bài suy niệm tiếp theo.

Sự sống là gì ?

Bông hoa tươi nở. Con thiêu thân đang bay. Chúng ta chạy nhảy, suy tư. Tất cả đều đang sống. Sự sống là một cái gì rất hiển nhiên nhưng chưa ai có thể định nghĩa đúng về nó. Sự sống cũng khó định nghĩa như tình yêu!

Ai cũng đều cảm nghiệm những biểu hiện của sự sống: sinh ra, lớn lên, đi đứng, cảm nhận, sinh sản, già đi, và cuối cùng là chết. Cuộc sống của một cọng cỏ, một con thú, một con người có nhiều điểm giống nhau. Vì thế Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ xuất bản năm 1992 định nghĩa : “Sống là tồn tại ở hình thái có trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có sinh đẻ, lớn lên và chết”. Như thế , cái chết đã bao gồm trong chính sự sống như một điều mâu thuẫn và nghịch lý vì chết là hết sống.

Một số người đã gán giá trị tuyệt đối cho sự sống nên tôn thờ sự sống trong các sinh vật. Họ  không dám ăn thịt, ăn trứng vì sợ xúc phạm đến “sự sống đại đồng. Nhưng thực ra, sự sống có ở ngay trong lúa gạo, thịt cá, rau cỏ, cam chuối cũng như trong ruồi, muỗi, chí, rận và các loại sâu bọ khác và với tận cùng các vi trùng , virus mà các nhà khoa học đan tìm cách tiêu diệt khi mang mầm bệnh đến cho con người. Thiên Chúa đã ban cho con người chúng ta quyền làm chủ mọi sinh vật để chúng ta hưởng dùng, điều khiển chúng và làm vinh danh Chúa (x.St 1,28).

Vật tại sao sự sống con người có một giá trị tuyệt đối trong khi sự sống của động vật, thực vật khác lại không có, đến nỗi chúng ta không được xúc phạm đến nó như giới luật thứ 5 trong Thập Giới quy định : “Ngươi không được giết người” ?

Bởi vì chỉ có con người mới là một ngôi vị mang hình ảnh Thiên Chúa, có lý trí và tự do để sống động, yêu thương và hoàn thành chương trình của Thiên Chúa. Chỉ có con người mới thay mặt Đấng Tạo Hoá quản lý và làm chủ tất cả sự sống cấp dưới mình.

Từ đó ta hiểu định nghĩa của Hardon trong cuốn Từ điển Thần Học Công Giáo, xuất bản năm 1985 : “ Sống là một hoạt động nội tại, là yếu tính của một hữu thể hoạt động tự bên trong, từ sự sống của Thiên Chúa cho đến mỗi dạng sống trong vụ trụ. Bản tính càng cao thì sự sống xuất phát từ hữu thể ấy càng sâu xa”. Như thế, sự sống nơi con người có lý trí, có trái tim, có ý chí không phải chỉ là ăn ngon, mặc đẹp và thoả mãn những đòi hỏi sinh lý tự nhiên, nhưng còn là hiểu biết, yêu thương, ước muốn, …

Do đó, sống thật sự là cuộc sống phát triển trọn vẹn những khả năng thể xác cũng như tinh thần của một con người hoàn thiện luôn hướng về Thiên Chúa là nguồn sống của mình.

1.2. Sự sống của con người vào thuở ban đầu

Cuộc sống đầy hạnh phúc, khôn ngoan, trẻ trung và vĩnh hằng được Thiên Chúa ban cho con người từ nguyên thuỷ đã bị huỷ hoại vì con người đã phạm tội.

Trong câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người có một dấu hiệu hai bên trao đổi cho nhau làm bằng chứng tình yêu giống như chiếc nhẫn trên ngón tay của người đã lập gia đình bây giờ. Dấu hiệu đó là cây trái cấm, cây biết lành biết dữ: con người không được ăn trái cấm này. Đó là lệnh đơn giản và dễ dàng vì con người sống trong một vườn rộng, đầy cây trái ngon lành (x. St 2, 16). Cây ấy lại đặt ngay giữa vườn (x. St 3, 3) không phải để trêu ngươi con người hay gài bẫy con người. Thiên Chúa muốn ta yêu Ngài với tất cả ý thức và tự do vì ta có toàn quyền về tình yêu. Cây trái cấm ở sát bên cây sự sống vì bao lâu ta còn yêu là ta còn sống và vì tình yêu luôn làm cho sống.

Nhưng con người đã vứt bỏ dấu hiệu tình yêu khi ăn trái cấm với tất cả tự do để tự dẫn mình đến sự xấu xí, già nua, ngu muội và chết chóc. Con người đã đổ tội cho con rắn nhưng con rắn chỉ là cái cớ, một cơn cám dỗ, chứ nó không kéo tay hay dí súng vào lưng con người bắt phải phạm tội. Ta đừng đổ tội cho quyển sách, tờ báo, băng hình khiêu dâm dẫn ta đến sự dâm đãng, đừng đổ lỗi cho nhẫn vàng, vòng bạc của kẻ khác dẫn ta đến trộm cướp, giết người.

Tội lỗi bao giờ cũng khởi đầu từ chính lòng người trước khi lệ thuộc vào hoàn cảnh, người, vật bên ngoài. Tội chính là hành động chối từ tình yêu đối với Thiên Chúa, bởi vì con người muốn yêu một Chúa khác, một thần tượng khác hay tự đặt mình làm Chúa như Ađam Evà xưa.

Do đó, tội được định nghĩa một cách tiêu cực là hành động vi phạm giới răn Thiên Chúa, nhưng hiểu theo nghĩa tích cực tội là hành động chối từ tình yêu và việc chối từ này luôn luôn dẫn đến việc huỷ hoại sự sống của mình hay của người khác, vật khác. Ta hãy nhớ lại 10 điều răn chỉ quy về hai điểm chính là mến Chúa, yêu người. Còn điều răn mới của Đức Giêsu chỉ quy về một điểm là yêu thương như Ngài mà thôi. Như thế, sự sống tốt đẹp vĩnh hằng của con người vào thuở ban đầu đã bị huỷ hoại vì con người đã không yêu đúng.

Việc từ chối tình yêu của con người cũng đã dẫn đến việc huỷ hoại sự sống trong vũ trụ. Gai góc, sa mạc, thú dữ,… chỉ là những phản kháng của vũ trụ vì “ vạn vật bị cưỡng bức lệ thuộc sự hư nát” (x. Rm 8,20). Dưới cái nhìn siêu nhiên ta sẽ dễ dàng hiểu tại sao khi chiến thắng tội lỗi, con người có thể sai khiến được thú dữ, bão tố và tác động lên vạn vật. Tình yêu chân thực luôn làm cho sống là thế!

1.3. Sự sống trong thời đại chúng ta

Hiện nay, sự sống thể lý của chúng ta chỉ còn thu vào một thời gian ngắn khoảng 120 năm sống (x. St 6,3). Nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật và cải thiện điều kiện vệ sinh, chế độ ăn uống, y dược học phát triển, tuổi thọ con người mỗi năm một tăng cao. Năm 1850, tuổi thọ trung bình ở Mỹ là 45 tuổi. Năm 1900 là 48 tuổi. Năm 1990 là 75 tuổi. Bác sĩ Michael Jazwimski thuộc Viện Y Khoa Louisiana chuyên về lão học cho rằng: “Có thể trong vòng 30 năm tới con người sẽ khám phá ra những gien căn bản khiến tuổi thọ tăng cao đến  300-400 tuổi”( Báo New York Times số tháng 11-1992 và Life số 10-1992, trích đăng trong tạp chí Thế Giới Mới số 48, năm 1993).

Rồi để làm đẹp, con người chế ra đủ thứ thuốc nước, thuốc viên, kem thoa mặt cho da tươi trẻ lại, cho tóc bạc thành đen như ta thấy quảng cáo đầy trên các bao chí, phim ảnh, tivi. Tuy nhiên, tất cả những phương pháp đó đều không thể làm cho con người sống mãi mãi, đẹp mãi, trẻ mãi vì nguyên nhân tàn tạ, chết chóc nằm ngay trong chính con người khi con người từ chối tình yêu hằng sống.

Thất vọng vì các phương thuốc vật chất, con người đi tìm những phương thuốc tinh thần để kéo dài sự sống, hy vọng được trường sinh bất lão bằng cách theo đuổi các đạo pháp như các đạo sĩ thiền sư Ấn Độ, Trung Quốc tìm vào núi cao, rừng thẳm để tu luyện. Người ta còn mơ ước ăn được trái đào tiên như Tôn Nhô Không ở Hội Bàn Đào của Tây Vương Mẫu, trong truyện Tây Du Ký. Người ta đi tìm những củ nhân sâm, hà thủ ô nghìn năm mọc trên núi tuyết hy vọng kéo dài sự sống, nhưng tất cả chỉ là chuyện hoang đường. Bài học ở Nazareth sẽ dạy chúng ta nhìn thẳng vào cuộc sống hiện tại vì chính cuộc sống này là nền tảng cho cuộc sống vĩnh hằng.

1.4. Cuộc sống nơi người trẻ hiện nay

Rất nhiều người trẻ coi thường cuộc sống hiện tại vì không nhận ra giá trị siêu việt của từng giây phút sống. Chúng ta huỷ hoại cuộc sống thể lý của mình bằng những thuốc lá, rượu bia, ma túy. Chúng ta phung phí sự sống của mình bằng những giờ lười biếng, xem hết băng hình này tới băng hình khác, hết trò chơi này đến trò chơi khác đến quên ăn, quên uống, quên làm việc, quên vận động cho máu huyết lưu thông. Việc tập thể dục thật là cần thiết để ta có sức khoẻ, nhưng thử hỏi có mấy bạn trẻ trung thành với việc tập thể dục hàng ngày ? Đợi đến khi về già lưng đau, gối mỏi ta mới vội vàng đi tập dưỡng sinh.

Chúng ta còn coi thường và huỷ hoại sự sống của người khác bằng những cuộc cãi nhau, nói xấu nhau, đánh nhau hoặc gây buồn phiền cho nhau chỉ vì ta không yêu họ, hhông nhận ra Thiên Chúa hằng sống trong họ. Một cái nhăn mặt, một câu chửi thề, một lời quát mắng cũng có thể dẫn đến sự chán nản, thất vọng gây nên cái chết từ từ cho một con người. Nguyễn Du đã viết Trong truyện Kiều:

Giết nhau chẳng cái lưu cầu

Giết nhau bằng cái ưu sầu độc chưa !

Lưu cầu là con dao thái thuốc rất sắc bén, chém ai là chết ngay. Nhưng cái chết đó nhẹ nhàng, ít độc ác hơn là việc Hoạn Thư bắt Kiều phải hầu rượu Thúc Sinh như một con ở. Hai người yêu nhau là thế mà phải làm ra vẻ xa lạ, chủ tớ trước mặt Hoạn Thư. Nỗi ưu sầu đó còn giết con người đau đớn hơn cả con dao thái thuốc. Vậy mà trong gia đình, chúng ta vẫn huỷ hoại sự sống của nhau bằng cách gây khổ cho nhau!

Trong tình yêu hôn nhân, nhiều người còn trực tiếp huỷ hoại sự sống. Khi nghe tin một người đàn ông bẻ gãy tay chân đứa con gái nhỏ và bắt nó đi ăn xin, ai trong chúng ta cũng giận dữ lên án người cha ác nhân đó. Nhưng chính chúng ta có ý thức bạn bè của mình hay chính mình đang giết người không?

Chúng ta có biết rằng ngay tại thành phố Sài Gòn này, mỗi năm có khoảng 140.000 người phụ nữ phá thai, hút điều hoà kinh nguyệt trong khi chỉ có khoảng 75.000 người sinh con? Năm 1990 có 78.622 người sinh con nhưng có đến 140.157 người nạo thai. Năm 1991-1992 cũng con số tương đương đó (x. Cục Thống Kê, Niên Giám Thống Kê 1992, trang 193). Các nhà xã hội học ước tính ở Việt Nam có khỏang 2 triệu ca phá thai mỗi năm (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 13/11/2013). Đó mới chỉ là các con số thống kê chính thức ở bệnh viện, chưa kể các vụ phá thai lén lút ở các phòng khám tư nhân. Chúng ta thấy tội ác này lớn lao như thế nào ! Chúng ta có ý thức về tội ác này để thức tỉnh cầu nguyện với Chúa như Abraham can thiệp cho thành Sôđôma xưa kia không? Chúng ta nên làm gì để giúp cho các bạn mình ý thức bảo vệ sự sống con người và sự sống của chính đứa con mình?

Do đó, chúng ta cần trở về Nazareth để học lại bài học sự sống là thế.

2. NAZARETH LÀ CỘNG ĐỒNG SỰ SỐNG

2.1. Giuse và Maria yêu quý sự sống con người

Dù bào thai trong lòng Maria không phải do mình chủ động tạo nên nhưng Giuse vẫn hết sức tôn trọng vì sự sống là do Thiên Chúa chứ không phải do con người. Con người chỉ thông phần sự sống chứ không phải là chủ sự sống.

Sự sống không phải chỉ là quá trình kết hợp của những đám vật chất vô cơ hay hữu cơ tạo thành cơ thể sinh vật. Sự sống con người không chỉ là do cái trứng của người nữ và tinh trùng của người nam tạo thành. Một cái đồng hồ đang chạy bỗng dưng đứng yên. Một con người đang sống bỗng dưng gục chết. Phân tích về mặt vật chất, tình trạng trước sau hầu như không thay đổi, thế mà sự sống không còn. Đó là vì sự sống là một ơn huệ ở bên ngoài đưa vào, do người khác ban tặng, chứ từng thụ tạo không thể tự kiếm lấy cho mình.

Sự sống luôn luôn là một ân sủng của Thiên Chúa. Vì là Đấng Hằng Sống nên Ngài là nguồn mạch sự sống. Mọi loài, mọi vật sống động được, hiện hữu được đều xuất phát từ Ngài (x.St 2,7). Sống trong niềm tin vào Cựu Ước như thế nên Giuse và Maria luôn tôn trọng sự sống của mọi người, mọi vật quanh mình.

Maria không phải sinh ra một gói thịt nặng vài ba ký nhưng là cho chào đời một con người Giêsu sống động, mà ngôi vị là chính Ngôi Lời Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của chức vị làm Mẹ Thiên Chúa của Maria vì Đức Giêsu vừa là con người mà cũng là Thiên Chúa.

2.1. Sống là hiệp thông với mọi người

 Hơn nữa, cuộc sống của con người còn là sự hiệp thông với mọi người. Gia đình Nazareth là gương mẫu cho chúng ta về điều đó. Đức Giêsu, Maria và Giuse không chọn lựa láng giềng, bạn bè của mình. Đó là cuộc sống với mọi người, không phải ở bên cạnh mọi người như căn nhà đóng kín dù được xây liền với các căn nhà khác trong cùng một dãy phố. Đức Giêsu không hề lánh mình đi sống ẩn dật ở Nazareth. Maria và Giuse cũng vậy. Cả ba người chia sẽ hoàn toàn cuộc sống trong làng đến độ nếu như trẻ Giêsu vắng mặt, Maria và Giuse không hề áy náy, lo sợ, hốt hoảng đi tìm như lần lạc mất con và tìm thấy ở đền thờ Giêrusalem. Các ngài tin vào Giêsu cũng như tin tưởng bọn trẻ đang chơi với Giêsu vì cả hai đã quen thấy Người nhập bọn với các trẻ em trong làng (x. Georgette Blaquière, L’Evangile de Marie, NXB Lion de Juda, 1989). Cuộc sống chỉ tốt đẹp nếu con người chúng ta biết tin cậy vào nhau.

Giuse và Maria cũng tham dự những lễ hội, tiếp xúc giao thiệp với tất cả mọi người trong cuộc sống thường nhật. Cậu bé Giuse vẫn phải học hành hàng ngày, hàng tuần với các thầy giáo làng cho biết chữ Aram, biết ý nghĩa các đoạn văn Kinh Thánh, biết cách cư xử trong xã hội … chứ không phải sinh ra là biết ngay hết mọi sự như một số người đã lầm tưởng. Dù là Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan nhưng Ngài đã “tự huỷ mình ra không, để trở nên giống con người chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi” (x. Pl 2,7 ; Dt 4,15 : 2Co 5,21 ; Rm 8,3). Mỗi bước tiến bộ, mỗi cuộc phát triển trong đời Ngài đều được ghi dầu bằng những cố gắng, mồ hôi và cả nước mắt vì Giêsu là một con người chứ không phải chỉ lớn lên tự nhiên như hoa cỏ, muông thú. Sự sống luôn luôn đòi hỏi ta phải trả giá bằng sự cố gắng không ngừng.

Rồi Giêsu dần dần cũng lớn lên trở thành một chàng trai khoẻ mạnh, thông minh, đẹp trai và không ít thiếu nữ đã để ý đến chàng. Trong cuộc lễ hội, Giêsu vẫn ca hát, nhảy múa với các thiếu nữ bạn bè trong làng. Có thể có những lần Giêsu đã phải tự bảo vệ chính mình trước những cú đấm, cú đá của bạn bè nóng tính hay của bọn côn đồ, lưu manh. Đây chẳng phải là những tưởng tượng thêm thắt vào Phúc Âm theo kiểu Nguỵ Thư nhưng đây chính là thực tế của đời sống ở giữa muôn người. Giêsu đón nhận tất cả vì đã hoà nhập vào cộng đồng con người. Chàng đã khiêm tốn và thầm lặng hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng ấy bằng tất cả tình yêu Thiên Chúa.

Sống trước mặt loài người, sống với loài người nhưng cuộc sống ấy vẫn không giống với mọi người. Ở Nazareth không hề thấy Maria ngồi lê đôi mách, nói hớt, nói xấu bên giếng nước trong làng. Chẳng hề thấy Giuse nổi nóng khi cãi lý, cãi lẽ về ý nghĩa bản văn Kinh Thánh ở Hội Đường vào ngày thứ bảy (sabat). Chẳng hề thấy Giêsu chửi thề, gây lộn với những người hàng xóm. Cả ba hoà chung nhịp sống với mọi người nhưng lại làm chủ được nhịp sống của mình để nó vượt lên trên những cái nhỏ nhen, tầm thường của cuộc sống như chúng ta đã từng nghe nguyên tắc sống của người quân tử theo Nho Giáo : “Quân tử hoà nhi bất đồng”.

Đạt được điều đó là nhờ cả ba sống một đời sống nội tâm sâu xa đến nỗi thánh sử Luca nhắc đi nhắc lại hai lần tính cách nội tâm này : “Mẹ Người hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy trong lòng” (x. Lc 2,19, 51). Ghi nhớ cuộc sống thường nhật với những sinh hoạt, niềm vui cũng như nỗi buồn, thử thách cũng như đau khổ, để khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Khi người ta khám phá ra được dấu ấn tình yêu Thiên Chúa, lẽ nào người ta lại khước từ một đau khổ, một hiểu lầm, chối bỏ người bạn quấy rầy mình? Lúc đó, ta mới hiểu yêu là cho đi tất cả, đón nhận tất cả, tha thứ tất cả và hy vọng tất cả (x. 1Cr 13,7)…

2.3. Sống là hiệp thông với muôn loài

Cuộc sống bình dị của Thánh Gia không phải dễ dàng với thùng bột không vơi, bình dầu không cạn (x.1V, 4-5) hoặc mỗi ngày có một con quạ tha thịt bánh đến đặt sẵn trên bàn như đã dành cho ngôn sứ Êlia thuở trước  (x. 1V 17,14-16). Người Cha trên trời không muốn bảo bọc Con Một Mình theo kiểu “vú em” vì trách nhiệm của Ngôi Lời là phải hiệp thông với muôn vật, muôn loài để tạo thành  một trời mới, một đất mới (x. Kh 21,1).

Trong đêm Giáng Sinh mầu nhiệm, Hài Nhi Giêsu được bọc trong khăn vải, nằm ngủ trong máng cỏ. Sưởi ấm cho Ngài, ngoài vòng tay mẹ hiền còn có đống lửa Giuse đốt lên và các chú chiên lừa thở hơi ấm. Ngôi sao lạ cũng đang thực hiện sứ mạng dẫn lối đưa đường. Chúa Giêsu đón nhận tất cả những đóng góp của vạn vật cho sự sống của Ngôi Lời Nhập Thể.

Giai đoạn Bêlem qua mau đưa ta trở về Nazareth trong suốt 30 năm trời trong ngôi nhà của “ Người Con bác thợ mộc Giuse”. Ngày qua ngày, với những cái bàn phải đóng, cái ghế phải sửa, những bữa ăn phải dọn, chậu quần áo phải giặt, lu nước vơi phải kín … Cuộc sống dường như cứ lặp đi lặp lại những điều đơn giản, cũ kỹ, tầm thường đến độ nhàm chán.

Nhưng cuộc sống luôn luôn mới mẻ vì chẳng ai sống lại được giây phút đã qua trong cuộc đời mình, cũng như không ai tắm được hai lần trong dòng chảy của một con sông. Mỗi giây phút sống đều có một giá trị vĩnh cửu nếu ta đem được tình yêu in dấu vào dòng chảy sự sống. Miếng cá, bát cơm ta ăn rồi sẽ tan thành những nguyên tố vật chất. Nhưng khi ta ăn với tình yêu của Cha Trên Trời đã thương yêu ta hơn các con chim sẻ (x. Lc 12,24) thì những nguyên tố vật chất mang dấu ấn tình yêu của ta sẽ còn mãi mãi vì Thiên Chúa vĩnh hằng chính là tình yêu.

Giuse, Maria đã cảm nghiệm được điều đó hơn ai hết trong cuộc sống hàng ngày và đã truyền cảm thông đó cho người con Giêsu của mình để sau này Ngài dạy cho các môn đệ và chúng ta những bài học tuyệt vời về sự quan phòng của Thiên Chúa, về sự hiệp thông với muôn vật, muôn loài (x. Mt 7, 25-34; Lc 12,22-31).

Kết luận

Lắng nghe tiếng vọng từ gia đình Nazareth như một cộng đồng sự sống, chúng ta mong muốn mình cũng như anh em sống thật dồi dào. Chúng ta chỉ có thể tìm được sự sống ấy nơi Đức Giêsu, đứa con của loài người và cũng là của Thiên Chúa. Người đã nói : “ Tôi đến cho người ta được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,10). Chính Người đã phát huy sự sống bằng sự hiệp thông trọn vẹn với Cha mình cũng như mọi người, mọi vật. Thánh Kinh đã ghi lại :” Còn Đức Giêsu ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (x. Lc 2,52).

Để sự sống chân thực phát triển dồi dào nơi ta, chúng ta cần xét lại xem sự sống ở trong chính mình như thế nào? Sự sống thể lý có thực sự đang tiến triển tốt đẹp trong sự điều độ về cách ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, giải trí không? Sự sống tinh thần nơi ta có phát triển nhờ các giờ học hành, đọc sách báo, xem phim ảnh tốt không? Đời sống đức tin ở nơi ta có được nuôi dưỡng bằng những giờ học hỏi về giáo lý, tham dự các bí tích, cầu nguyện thân mật với Chúa không?

* Trong sự hiệp thông với con người: Ta có phải là người bạn tốt của mọi người không? Ta đã luyện được các đức tính xã hội như: tình tương thân, tương ái, công bình, trung thực, cẩn trọng, thành thật, tế nhị, cư xử lịch thiệp chưa? Ta liên hệ với cha mẹ, anh chị em mình ra sao? Ta sẽ giải quyết những xung đột trong gia đình, trong xí nghiệp hay nơi làm việc theo chiều hướng thế nào?

* Trong sự hiệp thông với muôn vật: Ta có thái độ nào đối với tiền bạc, của cải, vật chất? Ta sử dụng vật chất trong tinh thần quảng đại hay keo kiệt? Ta có yêu mến thú vật trong nhà không? Ta có bảo vệ môi trường sống chung quanh không? Ta có đọc sách báo, học hỏi thêm về khoa học kỹ thuật để tăng thêm hiểu biết về vạn vật và thăng tiến nghề nghiệp của mình không?

Tất cả những câu hỏi này và câu trả lời của chúng cho chúng ta hiểu rằng: sự sống quả thật phong phú, nhiệm mầu. Ta chỉ phát huy trọn vẹn sự sống nếu gắn bó mật thiết với Thiên Chúa Hằng Sống và với Đức Giêsu, Con Yêu Quý của Ngài.

 

SUY NGHĨ VÀ TỰ KIỂM

1. Bạn có tin rằng một ngày nào đó khoa học sẽ tìm ra phương cách làm cho con người sống mãi không?

2. Bạn có nghĩ rằng mình có thể sống khoẻ hơn, trẻ hơn, đẹp hơn, thong minh hơn nếu biết tổ chức ngày sống của mình cho hợp lý không? Bạn đang tổ chức đời sống của mình như thế nào?

3. Thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều:

Giết nhau chẳng cái lưu cầu

Giết nhau bằng cái ưu sầu độc chưa!

Bạn đang có buồn phiền vì một người hay một chuyện nào đó mà khó có thể quên được hay không ? Bạn hoá giải nỗi buồn đó như thế nào để sống khoẻ hơn?

4. Bạn có đang làm hại sự sống của người khác bằng cách gây ưu sầu cho họ không?

5. Tục ngữ ta thường nói : “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Bạn có nghĩ cần roi vọt để giáo dục con cái, dùng bạo lực để tác động đến người khác hay không ? Có thể làm cách khác mà vẫn đạt hiệu quả hay không?

6. Nếu lỡ mang thai mà chưa lập gia đình, bạn có can đảm bảo vệ đứa con bất chấp những lời khuyên phá thai hay không? Hay bạn hành động ngược lại? Tại sao?