Lắng nghe tiếng gọi từ gia đình Nazareth: Bài 1. Tôi là thành viên của một gia đình

Ai trong chúng ta cũng ý thức mình có một gia đình và thuộc về một gia đình. Nhưng đó là gia đình nào?Có ý thức mình thuộc về gia đình nào ta mới có trách nhiệm lo lắng cho gia đình đó và làm phát triển nó.

 LẮNG NGHE TIẾNG GỌI TỪ GIA ĐÌNH NAZARETH

Tuần Tĩnh tâm tại Nhà thờ Thánh Polycarp, 8100 Chapman Avenue, Stanton, California, Hoa Kỳ, từ ngày 17/12/2014 đến 21/12/2014.

Lời giao cảm

Các bạn thân mến,

Mùa Vọng và Giáng Sinh là mùa đón mừng Chúa đến. Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến trong lịch sử: “Ngài đã làm người và ở giữa chúng ta” (x. Ga 1,14). Ngài sẽ đến vào ngày tận thế và nhất là đang đến với chúng ta một cách rõ ràng và cụ thể trong đời sống mỗi con người.

Nhưng Thiên Chúa không chỉ hoá thân làm một con người nào đó mang tên Giêsu để sống với mọi người trên trái đất, mà Ngài còn trở nên thành viên của Gia Đình Nazareth. Ngài đã trải qua gần hết cuộc đời dưới mái gia đình này với Đức Mẹ và thánh Giuse. Cộng đồng bé nhỏ đó đã, đang và sẽ dạy chúng ta biết bao điều về tình yêu, về sự sống và về ơn cứu độ bởi vì từng thành viên của gia đình ấy gắn bó mật thiết với Thiên Chúa Tình Yêu, đồng thời cũng là Thiên Chúa Hằng Sống, để thực hiện chương trình cứu độ của Chúa cho toàn thể gia đình nhân loại và vũ trụ. Chúng ta hãy cùng lắng nghe các bài học từ gia đình này để hiểu rằng: gia đình là một cộng đồng tình yêu, cộng đồng sự sống và cộng đồng cứu độ.

Trong mấy năm gần đây Giáo Hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề gia đình. Vào tháng 10/2014 vừa qua, Giáo hội Công giáo đã tổ chức Thượng Hội đồng (THĐ) Giám mục thế giới ngoại lệ ở Rôma với chủ đề “Những thách thức về mục vụ gia đình trong bối cảnh loan báo Phúc Âm”.  Rồi từ ngày 4/10 đến 25/10/2015 ở Rôma, Đại hội Chung thường lệ lần thứ XIV của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới cũng sẽ tiếp nối THĐ trước đó với chủ đề: “Ơn gọi và sứ vụ của các gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới hiện nay”.

Hơn nữa, Đại hội kỳ VIII các Gia đình Công giáo Thế giới sẽ tiến hành tại thành phố Philadelphia, Hoa Kỳ, từ ngày 22 đến 27/9/2015 với chủ đề: “Tình yêu là sứ mạng của chúng ta. Gia đình hoàn toàn sinh động”. Vì thế, trong suốt năm phụng vụ này chúng ta sẽ đặc biệt quan tâm đến gia đình với các yếu tố căn bản và sứ mạng của nó để làm sao cho gia đình được hạnh phúc, an bình và thăng tiến.

Hôm nay, chúng ta bắt đầu tuần tĩnh tâm Mùa Vọng bằng loạt bài suy niệm theo chủ đề là Lắng nghe tiếng gọi từ gia đình Nazareth. Chúng ta có 4 bài suy niệm sau đây:

1. Tôi là thành viên của một gia đình.

2. Gia đình là cộng đồng tình yêu.

3. Gia đình là cộng đồng sự sống.

4. Gia đình là cộng đồng cứu độ.

Chúng ta cũng có thể sử dụng các bài suy niệm này để giúp cho các đôi bạn tĩnh tâm trước khi cùng nhau chung sống đời vợ chồng hay tự kiểm về cuộc sống mình đã trải qua trong gia đình để xác định được mình đang thuộc về gia đình nào, từ đó chúng ta mới có thể yêu thương, góp phần vào sự sống và ơn cứu độ cho mọi người, mọi vật quanh ta.

Xin Chúa Thánh Thần ngự đến, chúc lành và soi sáng cho chúng ta. Xin Mẹ Maria, thánh Giuse và Chúa Giêsu Hài Đồng chúc lành cho chúng ta.

Lm. Antôn NGUYỄN NGỌC SƠN

 

 

Bài suy niệm I, ngày 17/12/2014

TÔI LÀ THÀNH VIÊN CỦA MỘT GIA ĐÌNH

Nhập đề

Ai trong chúng ta cũng ý thức mình có một gia đình và thuộc về một gia đình. Nhưng đó là gia đình nào?

Có người sẽ nói ngay mình thuộc về gia đình của ông X và bà Y theo đúng lời khai trong sổ hộ khẩu hay giấy chứng minh nhân dân. Còn nếu cha chết, mẹ chết, lại chưa vợ, chưa con thì không lẽ họ trở thành kẻ vô gia đình hay sao? Ta cứ tưởng tượng 15 năm qua có hàng chục ngàn trẻ em ở Việt Nam được thụ thai trong ống nghiệm, khi chúng làm thẻ học sinh, sẽ gặp khó khăn biết chừng nào vì chẳng nêu được tên cha, tên mẹ thật của mình. Chúng không biết tên cha vì tinh trùng do một người đàn ông nào đó giấu tên, không biết tên mẹ vì bà Nguyễn Thị Y là người cho trứng, còn bà Phạm Thị Z mới thực sự cưu mang suốt 9 tháng 10 ngày! Vậy các em đó thuộc về gia đình nào?

Bài Phúc Âm ngày 17/12 kể cho chúng ta nghe “gia phả của Chúa Giêsu, con cháu vua Đavit, con cháu Abraham: Giacop sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (x. Mt 1-17). Điều đó như gợi cho ta nhớ về gia đình mà chúng ta đang thuộc về. Thánh Gioan Tẩy Giả nhắc nhở chúng ta: “Có một Đấng ở giữa anh em mà anh em không biết” (x. Ga 1,16). Chính vì không biết Người nên chúng ta chẳng biết mình thuộc về gia đình nào.

Thiên Chúa đã hoá thân làm người không phải chỉ là thành viên của gia đình Nazareth với Thánh Giuse và Đức Maria mà thôi, nhưng còn trở nên thành viên của gia đình nhân loại và vũ trụ. Để rồi nhờ đó, Người quy tụ tất cả vào gia đình Thiên Chúa.

Có ý thức mình thuộc về gia đình nào ta mới có trách nhiệm lo lắng cho gia đình đó và làm phát triển nó.

1. TÂM TRẠNG CỦA CON NGƯỜI HÔM  NAY VỀ GIA ĐÌNH

1.1. Tâm trạng bất an và chán sống trong gia đình

Nhiều bạn trẻ ngày nay nghĩ rằng mình chẳng thuộc về gia đình nào cả, thậm chí không muốn khai tên cha, tên mẹ của mình. Đó là tâm trạng của các em sống trong gia đình thiếu hạnh phúc hoặc cha mẹ ở trong tình trạng ly dị, ly thân.

Sống trong một gia đình thiếu hạnh phúc, cha mẹ đánh đập, chửi bới nhau thường xuyên, các em nghĩ rằng mình chỉ là một kết quả không mong muốn nào đó, là đứa con bất đắc dĩ. Còn sống trong một gia đình mà người cha kế, mẹ kế không săn sóc, lại còn mắng nhiếc, hành hạ thì các em lại càng không muốn mình là một thành viên của gia đình đó.

Con số các gia đình có người ly dị hiện nay ở các nước Âu Mỹ là khoảng 50%, ở thành phố Hồ Chí Minh là 15% vào năm 1992. Theo dự báo là 22% năm 1993 và mỗi năm tăng nhanh khoảng 5-7% (x. Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 30/11/1993). Theo các nhà xã hội học, hiện nay tỷ lệ này là khoảng 34-41%. Đó mới chỉ là con số chính thức của các toà án quận huyện, còn trong thực tế, người ta vẫn cứ bỏ nhau khi không còn yêu nhau nữa, dù toà án có công nhận hay không. Do đó, số thanh thiếu niên bất mãn với gia đình càng ngày càng tăng. Rất nhiều em dưới 16 tuổi bỏ nhà ra đi, sống ở gầm cầu, hè phố. Chỉ tính riêng các em bụi đời, thành phố Hồ Chí Minh đã có 15.000 em, Hà Nội là 6.500 em (x. Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 15/8/1993) và hiện nay vào khoảng 20.000 em ở Sài Gòn, chưa kể hàng chục ngàn em nghiện ma tuý mà chính quyền đang muốn thu gom để chữa trị.

1.2. Tâm trạng bất định của chúng ta về gia đình

Có lẽ chúng ta chưa bất mãn với gia đình đến độ bỏ nhà ra đi bụi đời như thế, hay chưa cảm thấy gia đình như là tù ngục với những con người cổ hủ, khó tính để chiều chiều phải lang thang ở khắp các đường phố như một số thanh thiếu niên hiện nay. Chúng ta vẫn ý thức mình thuộc về một gia đình nào đó nhưng ý thức này còn thiếu rõ ràng, trong sáng, nên chúng ta chưa cảm thấy hạnh phúc và vui tươi trong cuộc sống.

Quả thực, chúng ta đang là thành viên của một gia đình, nhưng ý thức về gia đình này càng ngày càng phải mở rộng, từ gia đình căn bản có hai người nam nữ, tiến đến gia đình nhân loại, gia đình vũ trụ và cuối cùng là gia đình Thiên Chúa. Có nhìn xa trông rộng như thế, ta mới cảm nghiệm đúng đắn về tình yêu, sự sống và ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho con người.

Rất nhiều người do tầm nhìn hạn hẹp, chỉ biết đến gia đình nhỏ bé của mình, nên đã không giải đáp được những vấn đề liên quan đến con người như: đời sống độc thân, tu trì, hay việc sinh con mà không cần kết hôn, hôn nhân thử nghiệm, hôn nhân đồng tính hay thụ thai trong phòng thí nghiệm,… Có tầm nhìn rộng rãi, ta mới giải quyết được những vấn đề lớn liên quan đến hôn nhân khác chủng tộc, khác tôn giáo hoặc liên hệ đến sự sinh sản bảo tồn của các loài động vật, thực vật trên trái đất,… Cuối cùng, vì không nhận ra mình thuộc về gia đình Thiên Chúa nên ta không phát huy được những ân sủng Chúa ban, không làm được những dấu lạ để làm chứng cho Chúa Giêsu như các tông đồ xưa, chưa thật sự sống đẹp, sống thật, sống hào hùng, sống phi thường để chứng tỏ Cha chúng ta Trên Trời là nguồn của chân thiện mỹ, của niềm vui và hạnh phúc vô biên. Do đó, ngay từ lúc ban đầu ta cần phải ý thức rõ mình thuộc về gia đình nào.

2. THÀNH VIÊN CỦA GIA ĐÌNH

2.1. Gia đình căn bản

Ý thức mình là thành viên của một gia đình căn bản bắt đầu từ sự kết hợp của một người nam và một người nữ. Cả hai gắn bó mật thiết với nhau bằng tình cảm thắm thiết gọi là tình yêu để hoà nhập trọn vẹn vào nhau thành “một xương, một thịt” như Thiên Chúa đã phối hợp cặp vợ chồng đầu tiên là Ađam và Eva. Không phải Ađam chọn cho mình Eva, cũng không phải Eva chọn cho mình Ađam như hai con đực con cái tìm nhau một cách ngẫu nhiên trong thế giới động vật. Chính Thiên Chúa đã rút xương sườn của Ađam để tạo thành Eva và dẫn nàng đến trao cho Ađam. Người vợ là quà tặng của chính Thiên Chúa trao cho người chồng và người chồng cũng là quà tặng mà Thiên Chúa trao cho người vợ (x. St 2,23).

Nhìn người bạn đời của mình như thế, ta mới có thể tôn trọng và yêu quý hết lòng, dù giấy gói quà tặng có bị bạc màu, rách nát theo năm tháng khi sức khoẻ, sắc đẹp, tiền của không còn như thuở trước. Nhìn cha, nhìn mẹ như một quà tặng của Thiên Chúa trao cho từ vĩnh cửu, ta mới có thể kính trọng và yêu thương bằng tất cả tâm tình của người con hiếu thảo. Chính cậu bé Giêsu hoàn toàn vâng phục Giuse và Maria với tất cả sức mạnh của tình yêu và tự do như sau biến cố đi lạc ở đền thờ Giêrusalem: “Sau đó, Người theo cha mẹ trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài” (x. Lc 2,51). Chúng ta vâng phục với tình yêu chứ không phải cúi đầu cam chịu như một tên nô lệ hay một người đầy tớ trung thành, dù cha mẹ mình chẳng được giỏi giang, đạo đức, xinh đẹp, giàu có như những người khác.

Đó là niềm vui của ta vì từ muôn thuở Chúa đã chọn ta, đã xức dầu cho ta, đã trang điểm cho ta “như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo” (x. Is 60,10).

2.2. Gia đình nhân loại

Hơn nữa, gia đình chúng ta không nên đóng kín như những căn nhà đơn độc, kiên cố, có hàng rào xi măng cốt thép bao quanh. Con người chúng ta cũng chẳng bao giờ cô độc như những hòn đảo vắng lặng với những bờ nước ôm tròn. Con người là một chi thể của đại thân thể là nhân loại. Gia đình ta cần mở rộng để đón nhận mọi người. Thật vậy, ai có thể tách con người ra khỏi cha mẹ khỏi ông bà, tách ông bà khỏi tổ tiên? Con người được liên kết với tất cả những người khác cho dù màu da, tiếng nói, tôn giáo, chính trị có thể khác nhau. Ta chỉ có thể trở thành con người trọn vẹn nếu biết chấp nhận anh em mình và thông hiệp với họ trong tình yêu.

Bát cơm ta ăn, tấm áo ta mặc, đồng hồ ta đeo… đều do bao con người vất vả tìm ra. Có những người cụt chân, cụt tay vì trái mìn nổ chậm khi cày xới ruộng vườn để tạo ra hạt gạo ta ăn. Có những người vùi thân trong biển cả để mang về cho ta con tôm, con cá. Rồi những kiến thức, những công thức về toán, lý, hoá, sinh; về khoa học tự nhiên hay xã hội nhân văn, triết học, thần học không phải chỉ riêng ta hay dân tộc ta nghĩ ra nhưng bao nhiêu người trên trái đất đã vất vả nghiên cứu, tìm tòi và chuyển thông cho ta.

Tất cả những giá trị vật chất cũng như tinh thần ấy không thể đo lường bằng những đồng bạc ta bỏ ra ở chợ đời như một thứ học phí phải trả cho trường đời. Ta chỉ có thể hiểu được đúng giá trị của chúng nếu ta ý thức mình là thành viên của một gia đình nhân loại rộng lớn, trong đó mọi người đang yêu thương nhau và hy sinh cho nhau.

Hiểu được như thế ta mới thấy thánh Giuse vượt lên trên tình gia đình riêng tư để đón nhận Mẹ Maria và đứa con Giêsu trong lòng nàng sau khi thiên thần báo mộng (x, Mt 1,24). Mẹ Maria sẵn sàng đón nhận chương trình của Thiên Chúa dù thấy trước những viên đá có thể ném vào đầu mình vì tội chửa hoang. Cả hai đã cảm nhận mình thuộc về một gia đình rộng lớn hơn là tất cả nhân loại để trở thành người cha, người mẹ của chúng ta.

2.3. Gia đình vũ trụ

Chúng ta còn thuộc về một gia đình bao la hơn vượt ra ngoài mọi biên giới các quốc gia, đó là gia đình vũ trụ.

Là thành viên của vũ trụ, nghĩa là chúng ta là anh em của muôn loài và mọi vật dù đó là động vật, thực vật, khoáng vật trên mặt đất hay trong cả vũ trụ bao la này. Phân tích cấu trúc vật lý của thể xác con người, ta thấy mình cũng có các chất vô cơ như bất cứ vật chất nào. Có thể nói con chó, con mèo, bông hoa, cái bàn này là anh em ruột thịt của ta vì tất cả đều thuộc về gia đình vũ trụ. Từng giây phút ta hít oxy vào và thở khí carbonic ra. Khí oxy đó là do những cây cối quanh ta tạo ra, rồi chúng lại đón nhận khí carbonic ta thải ra để làm nên thân thể chúng. Từng ngày sống ta ăn con tôm con cá hay những ngọn rau, hoa trái để làm nên xương thịt mình, rồi những chất ta thải ra lại bón cho cây cối và làm thành thức ăn cho tôm cá. Như thế, ta và muôn loài làm thành xương thịt của nhau, thân thiết hơn cả vợ chồng!

Ngôi Lời Thiên Chúa đã hoá thân làm người để trở nên một thành viên trong vũ trụ vật chất này. Thể xác của Người đã đón nhận tất cả những chất chuyển hoá trong thế giới vì sự sống được chuyển hoá không phải chỉ ở giữa những con người mà còn có sự góp mặt của mọi thành phần trong vũ trụ. Ta cứ tưởng tượng mỗi ngày Đức Giêsu thở hít như người bình thường khoảng 10 ngàn lít không khí thì trong suốt 30 năm sống, Ngài đã thở khoảng 109.500.000 lít. Thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta cảm nhận được mình đang giữ trong thân thể chính những nguyên tử Carbon, Oxy, Hydro, Nitơ đã từng ở trong thân xác Đức Giêsu cũng như trong muôn người muôn vật.

Có cảm nhận được mình là thành viên của gia đình vũ trụ ta mới yêu quý vật chất đang đóng góp cho sự sống của ta: từ ly nước, bát cơm đến chiếc xe, quần áo, ngôi nhà,… Ta mới bảo vệ môi trường sống để biến nó thành một nơi xanh tốt với những cây mới trồng thay vì phá rừng bừa bãi; thành một nơi sạch sẽ thay vì xả rác, phóng uế bẩn thỉu; thành một nơi trù phú với những đồng ruộng màu mỡ thay vì sa mạc khô cằn.

2.4. Gia đình Thiên Chúa

Cuối cùng chúng ta là thành viên của một gia đình cao cả và nhiệm mầu nhất, lớn lao và thân thiết nhất, đó là gia đình Thiên Chúa.

Chúng ta biết rằng vũ trụ thật bao la nhưng Thiên Chúa còn bao la hơn vì chính Ngài dựng nên tất cả. Chúng ta biết vũ trụ có cách đây 15 tỉ năm sau vụ nổ đầu tiên gọi là Big Bang. Năm tỉ năm sau vụ nổ các thiên hà được hình thành. Thiên hà là những đám mây sao với hàng trăm triệu ngôi sao như mặt trời. Các nhà thiên văn học đã đếm được hơn 100.000 thiên hà. Thiên hà có hệ mặt trời của chúng ta hình bầu dục, đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng. Tám tỉ năm sau vụ nổ, trái đất mới hình thành.

Các khí chất như Helium, Hydro, Oxy, Nitơ… trên trái đất dần dần tổng hợp thành các hợp chất vô cơ, rồi đến các hợp chất hữu cơ, để rồi 14 tỉ năm sau vụ nổ sự sống xuất hiện khởi đầu với những tế bào đơn giản, rồi đến các đa bào, các loài động vật. Sau cùng cách đây hơn một triệu năm, con người đứng thẳng xuất hiện. 40.000 năm trước đây, con người suy tư (homo sapiens) mới có mặt ở vùng Cromagnon bên Pháp và ngày càng phát triển về mặt tinh thần cho đến ngày nay.

Cuộc tiến hoá đó đi từ cái đơn giản đến cái phức tạp, từ bất động vô hồn đến sự sống phong phú, từ vật chất lệ thuộc đến tinh thần tự do ấy hoàn toàn không phải là một quá trình ngẫu nhiên, may rủi như những bài học chính trị mà nhiều học sinh được nhồi nhét theo thuyết tiến hoá của Darwin để chối bỏ Thiên Chúa.

Nhưng khi con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa với tinh thần mở ra tới vô biên thì vũ trụ đã được định hướng bởi chính Thiên Chúa Tạo Hoá. Chỉ có Ngài là nguồn hiện hữu, nguồn tư tưởng, nguồn tình yêu, mới có thể đưa vào trong đám vật chất bất động vô hồn kia cái siêu việt nhiệm mu mà chúng ta gọi là tư tưởng, tình yêu, tinh thần của con người vì “vật chất không thể tự cho mình cái mà nó không có”. Phân tích con người chúng ta đang sống bằng những máy móc hiện đại nhất, ta cũng chỉ thấy những chất vô cơ hay hữu cơ thôi. Thế mà ta đang sống, đang suy nghĩ, yêu thương.

Trong lịch sử hình thành của vũ trụ vạn vật, ta thấy rằng: chính tình yêu làm nên sự sống và tình yêu càng phong phú bao la thì sự sống càng nhiệm mu cao cả. Đó là vì Thiên Chúa vừa là chính Tình Yêu, vừa là Sự Sống Vĩnh Hằng theo định nghĩa của thánh sử Gioan. Tình yêu là động lực thúc đẩy các chất vô cơ kia kết hợp với nhau để phát sinh ra sự sống, dù rất nhỏ nhoi và ngắn ngủi như sự sống của một bông hoa phù dung sớm nở tối tàn hay của một con thiêu thân nay còn mai mất.

Thiên Chúa đã tạo dựng con Người theo hình ảnh của Ngài (x. St 1,26-27). Vì yêu thương Ngài kêu gọi con người bước vào cuộc sống, thì đồng thời Ngài cũng mời gọi họ sống cho tình yêu như Ngài vẫn luôn luôn sống trong mối hiệp thông tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi con người (x. Tông huấn về Gia đình, số 11) nên càng có một tình yêu trong sáng, bao la, quảng đại của Thiên Chúa ta càng hoà nhập với Thiên Chúa, với mọi người, mọi vật để hình thành nên gia đình của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô tông đồ (x. Eph 1,3-6) đã nói cho chúng ta về hạnh phúc được gia nhập vào gia đình Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô vìNgài đã kén chọn chúng ta, cho ta được đồng thừa tự với  Đức Giêsu Kitô” (x. Rm 8,15-17), nhờ Thần Khí tác động trong ta để kêu lên “Abba! Cha ơi!” như Đức Giêsu gọi Thiên Chúa Cha. Ôi! Thật là hạnh phúc tuyệt vời khi ta có Thiên Chúa là Cha, có các thiên thần và có các thánh nam nữ là anh chị em ta. Đó là niềm vui mà thánh Phaolô đã nhắc nhở ta trong Mùa Vọng:Anh em hãy vui luôn trong Chúa” (x. Pl 4,4).

Kết luận

Hôm nay, suy niệm về gia đình, chúng ta thấy mình đang là thành viên của một gia đình, từ gia đình nhỏ bé của mình đến gia đình rộng lớn là nhân loại, gia đình bao la là vũ trụ, gia đình nhiệm mu là chính Thiên Chúa vì chính “Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người và sống giữa chúng ta”.

Ngài đang mời gọi ta đến Nazareth để lắng nghe các bài học về tình yêu, sự sống và ơn cứu độ. Nhưng để có thể nghe được những âm thanh sống động từ Ngôi Lời Thiên Chúa, xin các bạn đừng lắng nghe bằng cách áp tai vào vách tường, cánh cửa của căn nhà bình dị này vì tiếng gọi vọng ra ngoài bị vật chất cản ngăn sẽ chẳng thể vang xa. Mời các bạn hãy cùng bước vào hẳn bên trong và cùng sống chung với Đức Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse trong ngôi nhà Nazareth vì lúc nào cũng còn đủ chỗ cho tất cả chúng ta trong gia đình hiếu khách ấy.

Các bạn luôn luôn là thành viên của gia đình Nazareth dù các bạn có ý thức điều đó hay không. Đức Giêsu vẫn là người anh cả, Maria vẫn là mẹ, Giuse vẫn chu toàn bổn phận người cha với các bạn.

Ước gì chúng ta hãy coi nhau như những em trai, em gái nhỏ của Đức Giêsu để sống gắn bó yêu thương nhau trong ánh sáng và tình yêu vĩnh cửu. Các bạn đừng ngại ngùng nữa nhé. Chúng ta hãy vào đó, ở lại và sống với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse.

 

SUY NGHĨ VÀ TỰ KIỂM

1. Trong bốn cấp độ về ý thức gia đình: vợ chồng – nhân loại- vũ trụ-Thiên Chúa, bạn thường nghĩ mình là thành viên của gia đình nào?

2. Bạn có bất mãn vì gia đình mình không? Bất mãn vì điều gì?

3. Bạn nghĩ mình đang mắc nợ ai về sự sống? Bạn trả món nợ đó như thế nào?

4. Bạn có thấy mình cần biết ơn vũ trụ, vạn vật vì chúng góp phần vào sự sống và tình yêu của bạn không?

5. Bạn có sung sướng và hạnh phúc vì mình là thành viên của gia đình Thiên Chúa không? Bạn diễn tả niềm hạnh phúc đó như thế nào?

6. Bạn có nghĩ rằng những người sống độc thân là những người ích kỷ, hèn nhát vì không dám lãnh nhận trách nhiệm gia đình?