04/01/2025

Bác sĩ này bảo mổ, bác sĩ khác nói không

Vừa qua, báo Tuổi Trẻ nhận được thắc mắc của hai bạn đọc về việc cùng một bệnh nhưng đến bệnh viện này bác sĩ nói mổ, bệnh viện khác bác sĩ lại nói không.

 

Bác sĩ này bảo mổ, bác sĩ khác nói không

Vừa qua, báo Tuổi Trẻ nhận được thắc mắc của hai bạn đọc về việc cùng một bệnh nhưng đến bệnh viện này bác sĩ nói mổ, bệnh viện khác bác sĩ lại nói không. 

 

Hoặc bác sĩ nói phải mổ cấp cứu nhưng bệnh nhân không mổ về nhà thì vẫn khỏe bình thường.

Bác sĩ nội soi kiểm tra màng nhĩ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tai - mũi - họng TP.HCM - Ảnh: Thùy Dương
Bác sĩ nội soi kiểm tra màng nhĩ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tai – mũi – họng TP.HCM – Ảnh: Thùy Dương

Dưới đây là thắc mắc của hai bạn đọc nói trên và giải thích của bác sĩ chuyên khoa.

Có thể tự lành sao phải mổ ngay?

Anh Đ.L.N., 25 tuổi, kể sáng 25-10 lúc tranh bóng khi chơi bóng rổ anh đã va chạm khá mạnh vùng bên ngoài tai trái vào người đối phương. Ngay sau đó, tai trái anh bị ù rất nặng. Hiện tượng này kéo dài và giảm dần, đến chiều tối cùng ngày thì không thấy nữa nhưng hai tai nghe không đều nhau. 

Do có bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM) nên sáng 28-10 anh đến khoa tai mũi họng của bệnh viện này khám. Sau khi soi tai, bác sĩ đã kết luận anh bị thủng màng nhĩ và nói phải phẫu thuật vá màng nhĩ.

Bác sĩ còn nói nếu dùng bảo hiểm y tế thì phải nhập viện chờ đến khi nào mổ sẽ thông báo, còn chọn mổ dịch vụ thì sáng 29-10 quay lại làm các xét nghiệm để ngày 1-11 (thứ bảy) mổ.

Vì muốn kiểm tra lại cho chắc chắn trước khi quyết định mổ, sáng 29-10 anh N. đến khám tại Bệnh viện Tai mũi họng TP. Bác sĩ ở đây sau khi soi khám đã đề nghị anh đo thính lực.

Kết quả thính lực hai tai bình thường nhưng có một số chỉ số không đo được ở tai bị chấn thương, nên bác sĩ đã soi khám lại một lần nữa và kết luận anh bị thủng màng nhĩ.

Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng việc có phẫu thuật vá màng nhĩ hay không phải ba tháng sau mới kết luận được. Trước mắt, bác sĩ kê toa thuốc uống vì trường hợp này thông thường vết thủng sẽ tự lành.

“Vì sao cùng trường hợp của tôi mà bác sĩ ở Bệnh viện Nhân Dân Gia Định hẹn phẫu thuật ngay, còn bác sĩ tại Bệnh viện Tai mũi họng TP nói uống thuốc màng nhĩ có khả năng sẽ tự lành?” – anh N. thắc mắc.

Câu chuyện thứ hai:

Sau nhiều ngày đau bụng không rõ nguyên nhân, anh V.H.Q. (45 tuổi) đi khám bệnh tại một bệnh viện lớn ở Q.7 (TP.HCM). Tại phòng cấp cứu, anh Q. được bác sĩ khám, hỏi han bệnh tình và yêu cầu siêu âm bụng.

Sau một hồi siêu âm, bác sĩ nghi anh bị xoắn ruột nhưng để kiểm tra chính xác, bác sĩ chuyển anh qua chụp CT. Kết quả chụp CT bụng và chậu sau đó cho thấy anh bị “hội chứng tắc ruột non nghi ngờ do xoắn ruột”. Lúc này, bác sĩ nói bệnh của anh phải mổ ngay và chi phí khoảng 50 triệu đồng. 

Anh Q. hơi hoang mang hỏi bệnh này có cần thiết phải mổ, có thể uống thuốc được không? Mổ có sao không? Bác sĩ nói nên mổ, còn mổ thì có thể thế này thế kia, đâu có thể nói trước được. Nghe vậy anh Q. xin về không mổ.

Trước khi ra về, anh Q. được nhân viên bệnh viện yêu cầu viết vào bản cam kết: “Nếu xảy ra chuyện gì thì bệnh viện không chịu trách nhiệm”, và nhắc đi nhắc lại là nếu vì lý do tài chính thì anh phải chuyển viện ngay chứ không được về nhà.

Tuy nhiên, anh Q. vẫn về nhà, uống thuốc và hết đau bụng đến nay. “Tại sao bác sĩ của bệnh viện cứ muốn mổ dù không thể khẳng định mổ sẽ chữa khỏi bệnh. Với tình trạng nghi xoắn ruột thì có cần thiết phải mổ không? - anh Q. thắc mắc.

Những tình huống phải mổ

Trả lời thắc mắc của anh N., bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tai – mũi – họng TP.HCM, khẳng định thủng màng nhĩ do chấn thương thông thường không mổ vá màng nhĩ ngay vì màng nhĩ có thể tự liền. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân điều trị nội khoa và theo dõi xem màng nhĩ có tự liền được không.

Khả năng tự liền này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kích thước lỗ thủng, có tình trạng viêm nhiễm đi kèm hay không, ý thức bảo vệ của người bệnh như có tuân thủ tái khám thường xuyên, khi tắm không để nước vào tai…

Sau 3-6 tháng điều trị nội khoa ổn, tai khô tốt mà màng nhĩ không tự lành, lúc đó tùy vào kích cỡ lỗ thủng của màng nhĩ, các bác sĩ sẽ vá màng nhĩ cho bệnh nhân bằng nhiều phương pháp như vá màng nhĩ bằng mảnh vỏ tỏi, khi lỗ thủng to hơn có thể vá nội soi (vá bằng những chất liệu tự thân lấy từ cơ thể người bệnh, thường sẽ lấy miếng gân cơ thái dương để vá), khi lỗ thủng lớn nữa phải vá màng nhĩ theo đường trong tai.

Với thắc mắc của anh Q., bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Lưu Phương – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) – cho rằng xoắn ruột non là bệnh ít gặp ở người lớn.

Xoắn ruột non mắc phải ở người lớn phải có đủ hai điều kiện là bệnh nhân có một sẹo mổ cũ trên bụng và bẩm sinh có một mạch máu ở ruột dài hơn bình thường. 

Với tình trạng đau bụng ngày càng tăng lên của anh Q., bác sĩ Phương cho rằng bác sĩ khám bệnh trực tiếp nghi ngờ anh Q. bị tắc ruột cũng hợp lý.

Nếu đúng là bệnh lý tắc ruột non thì có nhiều nguyên nhân như: sẹo cũ trong ổ bụng (do các phẫu thuật trước đây như mổ ruột thừa) làm dính ruột, hoặc khối u ruột làm hẹp lòng ruột, khối phân, khối thức ăn kẹt lại trong lòng ruột, dính ruột, xoắn ruột hoặc đơn giản hơn là bị sẹo do viêm loét ruột trước đây mà không biết hay bệnh lao ruột làm ruột bị lở loét kèm theo dính hẹp trong lòng ruột nên đường kính ruột nhỏ hơn bình thường. 

Tắc ruột cũng có hai loại: tắc hoàn toàn và tắc không hoàn toàn. Nếu tắc hoàn toàn thì bắt buộc phải mổ cấp cứu ngay, còn tắc không hoàn toàn thì một số trường hợp có thể tự thông thương lại được nhưng cần phải theo dõi bệnh nhân sát tại bệnh viện, cho ngưng ăn uống, chỉ truyền dịch dinh dưỡng, cho ruột “nghỉ giải lao, giảm stress”.

Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi nếu triệu chứng không cải thiện rõ hoặc tăng lên và kèm theo những dấu hiệu khi khám bệnh mà trong chuyên môn bác sĩ gọi là “bụng ngoại khoa” thì sẽ phẫu thuật ngay.

Anh Q. nên đi khám chuyên khoa

Trường hợp của anh Q. vì không khám bệnh trực tiếp ở thời điểm anh đau bụng nhập viện nên bác sĩ Phương cho rằng ý kiến nhận định của ông chỉ có tính chất tham khảo.

Trên thực tế anh Q., dù không phẫu thuật mà đã hết đau và làm việc lại bình thường, bác sĩ Phương dự đoán anh Q. bị tắc ruột không hoàn toàn nên có thể ruột tự thông suốt trở lại.

Theo bác sĩ Phương, đây là trường hợp khá may mắn, nhưng anh Q. nên đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa khám để xác định chính xác nguyên nhân gây tắc ruột không hoàn toàn nhằm tránh tái phát về sau.

 

THÙY DƯƠNG