13/01/2025

Hoàn cảnh lâu năm khó nói

Ở các tỉnh, nhà vệ sinh trường học càng nhếch nhác, xập xệ và dơ bẩn, kể cả các trường xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia.

 

Hoàn cảnh lâu năm khó nói

Ở các tỉnh, nhà vệ sinh trường học càng nhếch nhác, xập xệ và dơ bẩn, kể cả các trường xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia.

 


NVS Trường tiểu học Hoà Tâm (Phú Yên) xập xệ, nước tiểu chảy lênh láng

 

Bịt mũi, thở bằng miệng

Trần Võ Thiện, học sinh (HS) lớp 4A Trường tiểu học Hoà Tâm (xã Hoà Tâm, H.Đông Hoà, Phú Yên) miêu tả hình ảnh thường gặp khi phải vào nhà vệ sinh (NVS) của trường là “bịt mũi, thở bằng miệng”.

Phóng viên Thanh Niên đã có mặt tại Trường tiểu học Hoà Tâm để ghi nhận thực tế. Còn cách NVS vài chục mét mùi hôi thối nồng nặc đã xông thẳng vào mũi. Nước tiểu chảy lênh láng, tràn ra mặt đất. Còn nhà cầu thì phân vấy bẩn đầy. Thấy vậy, bảo vệ nhà trường dùng vòi nước xịt qua loa, rồi thanh minh: “NVS ở đây xuống cấp dữ quá mà chưa làm lại được. Nhà trường nói sẽ sửa chữa lại nhưng vẫn chưa thấy sửa”.

Nhà tiểu nam không mái che, không có hệ thống thu gom nước tiểu và rất chật hẹp. Nhiều HS chen lấn nhau đi vệ sinh, giẫm đạp lên nước tiểu tràn ra đất. “NVS dơ lắm, bốc mùi hôi thối nên mỗi lần con đi tiểu đều bịt mũi, thở bằng miệng”, Thiện phản ánh. Vì quá xập xệ nên nhà trường cũng chẳng quan tâm đầu tư khu vực vệ sinh cho HS rửa tay. Tiểu xong, HS cứ thế vô tư quay trở lại lớp học.

 

 Bồn rửa tay trong NVS Trường tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung (Phú Yên)
Bồn rửa tay trong NVS Trường tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung (Phú Yên) dơ bẩn, hệ thống nước đã hỏng

 

NVS Trường THCS Trần Nhân Tông (xã Hoà Tâm, H.Đông Hoà, Phú Yên) cũng xập xệ, tạm bợ. “Trường nằm trong đất quy hoạch dự án nên không thể đầu tư NVS đạt chuẩn. Do NVS xuống cấp nên trường tu sửa, cơi nới thêm để dùng tạm. Cũng chính vì thế mà NVS của giáo viên phải dùng chung cho cả nam và nữ, rất bất tiện”, ông Nguyễn Minh Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Nhân Tông, bộc bạch.

“Không có thì cô trò đánh đại đâu đó”

Hiện tại, ở các vùng nông thôn, NVS trường học vẫn còn quá ít và quá bẩn, thậm chí không có. Không riêng gì HS, kể cả giáo viên cũng lâm vào tình cảnh này.

 

 
 
Tôi có lấy bao che lại phía sau trường làm một chỗ để các cháu tiểu tiện. Còn đại tiện thì thường qua nhà người dân gần đó, hoặc kêu ba mẹ tới dẫn về nhà đi
 

Tô Thị Huỳnh Anh 
(giáo viên Trường mầm non thị trấn Tuy Phước – điểm trường thôn Công Chánh, Bình Định)

 

 

Nỗi khổ lớn nhất các giáo viên mầm non ở H.Tuy Phước (Bình Định) có chung một tên gọi: không có NVS. Cô Tô Thị Huỳnh Anh (giáo viên Trường mầm non thị trấn Tuy Phước, điểm trường thôn Công Chánh) cho biết: “Từ khi ra trường năm 1984 đến nay, đi dạy đã 30 năm đều không có chỗ đi vệ sinh cho cả cô lẫn trò. Tôi có lấy bao che lại phía sau trường làm một chỗ để các cháu tiểu tiện. Còn đại tiện thì thường qua nhà người dân gần đó, hoặc kêu ba mẹ tới dẫn về nhà đi, có khi cháu đi ra quần thì cô dọn. Ngày nắng còn đỡ chứ lúc đau bụng hay mưa gió bão bùng thì khó khăn và bức thiết lắm!”.

Lớp của cô Anh có 30 cháu từ 4 – 5 tuổi, học trong một phòng 30 m2, hiện đang cơi nới thành 42 m2. Phòng học vốn nhỏ hẹp, lại thường xuyên dột nát vì quá cũ kỹ, lại không có NVS nên việc sinh hoạt rất bất tiện.

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT H.Tuy Phước, năm 2013, toàn bộ các trường mầm non chuyển từ xã qua phòng quản lý cho đến nay vẫn chưa có NVS. Ông Trần Hữu Tường, Trưởng phòng GD-ĐT H.Tuy Phước, nói vui: “Không có thì cô trò đánh đại đâu đó chứ biết sao”. Dự kiến ngày 1.11 tới đây, phòng sẽ triển khai xây mới 68 NVS (50 triệu đồng/cái) cho các trường mầm non.

Mới xây xong cũng mất vệ sinh

Tính riêng ở H.Tuy Phước (Bình Định), hiện nay mới có 30% trường có được 2 NVS cho mỗi giới, còn 70% chỉ có 1 NVS dù số HS nhiều hay ít. Điều kiện vệ sinh tại các NVS trường học cực kỳ tệ.

Nguyễn Thị Hồng Thiện (HS Trường THCS thị trấn Tuy Phước) cho biết: “Trường em có NVS nhưng mỗi lần đi là phải đứng ngoài chờ rất lâu vì đông bạn quá. Khi vào trong thì lại quá thúi nên kẹt lắm em mới đi”. Vào giờ ra chơi có khoảng 200 – 300 HS, mỗi lớp trung bình có 5 HS đi vệ sinh thôi cũng đủ khiến NVS kẹt cứng. Trong khi đó, điều kiện điện, nước NVS ở các trường nông thôn lại thường xuyên thiếu thốn, bất tiện.

Hầu hết các trường học trong TP.Quy Nhơn hiện đều được đầu tư mới NVS nhờ nguồn vốn từ Ban Quản lý dự án các công trình vệ sinh trường học. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, vẫn có nhiều HS không dám đi vì quá… dơ bẩn.

 

 NVS giáo viên Trường tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung xuống cấp nghiêm trọng
NVS giáo viên Trường tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung xuống cấp nghiêm trọng – Ảnh: Đức Huy

 

Tại Trường THCS Hải Cảng (TP.Quy Nhơn), công trình NVS mới xây xong và đưa vào sử dụng vào tháng 1.2014. Nhìn bên ngoài, khu nhà này khá khang trang, sạch sẽ. Tuy nhiên, khi đi vào phía trong mùi khai nồng nặc. Ông Hồ Đắc Toàn, Hiệu trưởng, cho biết: “Trường có một tạp vụ theo chế độ, hưởng lương 1,1 triệu đồng/tháng để lo trà nước cho các thầy cô, lại kiêm thêm nhiệm vụ dọn dẹp NVS. Nhưng với mức lương đó, không thể bắt người ta làm nhiều hơn được. Thu tiền thêm của HS thì lại sai quy định”.

Trong khi đó, Trường tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung (thị trấn Hòa Hiệp Trung, H.Đông Hòa, Phú Yên) được đầu tư khá khang trang, đạt chuẩn theo quy định. Thế nhưng, sau 4 năm đưa vào sử dụng thì hệ thống nước NVS của trường đã hư hỏng, nước chảy lênh láng dưới sàn nhà. Hệ thống nước ở các bồn rửa tay bị hỏng, gãy, rác ngập bồn. Ông Phạm Ngọc Bé, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung, nói: “Nhà trường đang có kế hoạch sửa chữa lại hệ thống nước của NVS HS và sẽ trang bị xà phòng để các em rửa tay sau khi đi vệ sinh”.

Trước thực trạng này, ông Lê Tấn Sang, Trưởng phòng GD-ĐT H.Đông Hòa, cho biết: “Chúng tôi đã đưa vào kế hoạch năm 2015 sẽ sửa chữa, đầu tư NVS của HS và giáo viên ở những trường trên”. Cũng theo ông Sang, kinh phí hằng năm của tỉnh phân bổ về từ 300 – 400 triệu đồng nên khó khăn trong việc đầu tư xây dựng NVS cho các trường.

 

NVS của Trường tiểu học số 2 thị trấn Tuy Phước (Bình Định)  -điểm trường Vườn Che tạm bợ và hôi thối

Hoàn cảnh lâu năm khó nói
NVS của Trường tiểu học số 2 thị trấn Tuy Phước (Bình Định)  -điểm trường Vườn Che tạm bợ và hôi thối – Ảnh: Tâm Ngọc

 

 

Đức Huy – Tâm Ngọc