28/11/2024

Cai nghiện tại cộng đồng: hiệu quả thấp

Sau một năm rưỡi triển khai đề án “Thí điểm điều trị lệ thuộc ma tuý tại cộng đồng giai đoạn 2012-2015” tại TP.HCM, chỉ có 204 người nghiện tham gia cai nghiện theo đề án này.

 

Cai nghiện tại cộng đồng: hiệu quả thấp

Sau một năm rưỡi triển khai đề án “Thí điểm điều trị lệ thuộc ma tuý tại cộng đồng giai đoạn 2012-2015” tại TP.HCM, chỉ có 204 người nghiện tham gia cai nghiện theo đề án này.

 

Bệnh nhân uống thuốc điều trị tại Trung tâm cai nghiện TP.HCM - Ảnh: T.Long
Bệnh nhân uống thuốc điều trị tại Trung tâm cai nghiện TP.HCM – Ảnh: T.Long

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sáng 17-10, Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma tuý (thuộc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM) – đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình cai nghiện tại cộng đồng – tổ chức sơ kết sau 18 tháng triển khai đề án.

Bị ép cai tự nguyện

Theo báo cáo, có khoảng 563 lượt người đến tìm hiểu về chương trình nhưng chỉ có 204 bệnh nhân đến điều trị và 2,8% trong số này hoàn thành chương trình trong thời gian quy định ba tháng.

Với tiêu chí tự nguyện – người nghiện tự đăng ký điều trị, tự chọn thời gian, phương thức điều trị và tự chi trả, đa số bệnh nhân đều chọn khung thời gian ngắn nhất từ 1-15 ngày (44,3%) và từ 15 ngày đến dưới ba tháng, nhưng tỉ lệ bệnh nhân về trước thời hạn điều trị chiếm tới 43,9%. Số người chọn khung thời gian cai nghiện ba tháng trở lên chỉ khoảng 12 người.

Nguyên nhân của tình trạng ít người tham gia và lại bỏ dở điều trị hầu hết là do gia đình ép buộc hoặc phải có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Họ không có quyết tâm cai nghiện, không có tinh thần tự nguyện. Tâm lý của người nghiện không được ổn định, cá biệt có người biểu hiện “đại bàng”, “đại ca”, không hợp tác với nhân viên tư vấn và nhân viên quản lý hỗ trợ điều trị.

Tại buổi sơ kết, ông Nguyễn Văn Minh – phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM – cho rằng tình trạng người nghiện bị cha mẹ buộc đưa đến, hay chính quyền địa phương đưa đến là không đúng tinh thần tự nguyện. Những trường hợp này trung tâm phải từ chối tiếp nhận.

Ông Minh lo ngại nếu làm không đúng, không làm đầy đủ mô hình tự nguyện thì “không khéo lại giống cai nghiện tập trung, cai nghiện dịch vụ”.

27-30% người nghiện là tội phạm

Công tác theo dõi, quản lý sau cai của chương trình cũng không thực hiện tốt khi hầu hết bệnh nhân đều không muốn thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, bệnh nhân tham gia chương trình không đồng ý chuyển gửi về địa phương là không đúng. “Nếu người bệnh muốn như vậy thì giới thiệu qua trung tâm dịch vụ, còn nếu điều trị tại đây thì phải kết nối với cộng đồng” – ông Minh nhấn mạnh.

Ông Minh cho rằng một trong những điểm khác biệt của mô hình cai nghiện tự nguyện là không chỉ điều trị cai nghiện mà phải có chính sách chăm sóc, hỗ trợ sau cai, đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Đây là yếu tố quyết định để người nghiện tái hoà nhập cộng đồng và không tái nghiện. Nhưng hiện nay công tác này còn đang bỏ ngỏ, người nghiện chỉ đơn thuần được dùng thuốc, tư vấn tại chỗ. Sau khi về địa phương không có hoạt động hỗ trợ, nên không duy trì được kết quả cai nghiện.

Tại buổi sơ kết, ông Nguyễn Xuân Lập – cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – thương binh và xã hội) – cho rằng quan trọng nhất là ý chí và công ăn việc làm sau khi người nghiện trở về địa phương.

Nếu “quăng” họ trở về môi trường có những người nghiện khác, không công ăn việc làm thì tái nghiện là tất yếu. Ông Lập cũng tỏ ra băn khoăn về hiệu quả của mô hình cai nghiện tự nguyện. “Mô hình này hiện nay chưa thành công và sẽ gặp nhiều khó khăn bởi đặc điểm người nghiện còn manh động và liên quan đến nhiều loại tội phạm khác.

Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 204.000 người nghiện, trong đó 27-30% số người nghiện là tội phạm. Điều đáng buồn là đến 67% số người nghiện đang trong độ tuổi lao động. Lẽ ra họ phải là lực lượng lao động chính làm ra của cải cho xã hội thì họ lại sa vào tệ nạn xã hội” – ông Lập nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Lập, mỗi mô hình có tính chất khác nhau. Đối với những “người nghiện thân thiện”, là cán bộ, sinh viên bị lừa lọc, lôi kéo chẳng may nghiện ngập, nếu quản chế tập trung là làm hại cả cuộc đời họ. Với họ, mô hình cai nghiện tự nguyện là một lối thoát.

 

Chi phí điều trị từ 3,7-5,34 triệu đồng

Đề án “Thí điểm điều trị lệ thuộc ma tuý tại cộng đồng giai đoạn 2012-2015” do Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và các tổ chức quốc tế. Dự kiến đề án thực hiện cho 700 bệnh nhân.

Đề án nhằm tạo điều kiện cho những người cai nghiện ma túy được điều trị hiệu quả tại cộng đồng nhưng không bị gián đoạn việc học tập hay làm việc, đồng thời xây dựng mô hình điều trị mở với các hình thức điều trị nội trú, bán trú và ngoại trú do người cai nghiện tự nguyện lựa chọn.

Chi phí điều trị từ 3,7-5,34 triệu đồng tu thuộc khung thời gian điều trị. Đề án mới được đưa vào thực hiện từ ngày 12-4-2013, chậm hơn một năm so với kế hoạch và chỉ mới tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân.