10/01/2025

Khủng hoảng nhập cư Mỹ chưa có hồi kết

Làn sóng trẻ em di cư bất hợp pháp vào Mỹ đang gây nhức đầu cho Washington. 60.000 trẻ em không có người lớn đi cùng từ Honduras, El Salvador và Guatemala nhập cư trái phép vào Mỹ tính từ tháng 10-2013

Khủng hoảng nhập cư Mỹ chưa có hồi kết

Làn sóng trẻ em di cư bất hợp pháp vào Mỹ đang gây nhức đầu cho Washington, nhưng xem ra giải pháp còn rất mơ hồ.

Nhóm người Mỹ ở California biểu tình ủng hộ trẻ em nhập cư bất hợp pháp hôm 9-7 - Ảnh: Reuters 

60.000 trẻ em không có người lớn đi cùng từ Honduras, El Salvador và Guatemala nhập cư trái phép vào Mỹ tính từ tháng 10-2013 đã khiến đường biên giới tây nam nước Mỹ sụp đổ. Cùng thời gian này, còn có khoảng 1.500 gia đình có trẻ em cũng đến Mỹ theo con đường di dân bất hợp pháp.

Quá tải

Dự luật mong manh

Đến ngày 1-8, ngay trước khi các thành viên quốc hội đi “nghỉ hè”, phe Cộng hoà đang kiểm soát Hạ viện Mỹ mới đạt được thỏa hiệp và thông qua dự luật biên giới. Dự luật này chỉ cho phép chi ngân sách 700 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với mức 3,7 tỉ USD mà Tổng thống Obama đề xuất. Khoản chi này sẽ được dùng để triển khai lực lượng vệ binh quốc gia tại biên giới, củng cố an ninh biên giới, đẩy nhanh quy trình xử lý các vụ di dân trái phép và nghiêm cấm việc sử dụng các cơ sở quân sự làm chỗ ở tạm thời cho người nhập cư.

Vậy là đến tháng 9 sau kỳ nghỉ, Thượng viện Mỹ mới xem xét dự luật hạ viện đưa ra. Tuy nhiên lãnh đạo thượng viện cho biết thượng viện (do Đảng Dân chủ kiểm soát) sẽ không thông qua. Tổng thống Obama tuyên bố sẽ sử dụng quyền phủ quyết đối với dự luật này. Nghĩa là hi vọng dự luật được thông qua là một điều vô cùng mong manh.

Như vậy Tổng thống Obama sẽ tiếp tục đơn phương hành động. Đơn giản là ông sẽ chấp nhận cho những trẻ em bất hợp pháp vào Mỹ, và có nghĩa là những người đến sau cũng sẽ được công nhận. Sẽ không có ai phải hồi hương. Các nhà phê bình cho rằng ông Obama sẽ cố tình khiến tình trạng biên giới tồi tệ hơn nữa để có thể giải quyết vấn đề theo cách của mình.

Các cơ quan biên giới đang phải làm việc quá tải bởi theo luật pháp của Mỹ, số trẻ em này chưa thể gửi trả lại qua biên giới ngay. Thay vào đó, chính phủ phải đảm bảo lương thực và chỗ ở, toà án di dân cần xác định tình trạng tị nạn và sau đó là một phiên toà để đưa ra phán quyết cuối cùng về việc những trẻ em này có được phép ở lại Mỹ hay không. Tiến trình trục xuất này sẽ mất nhiều năm và trong thời gian đó, có lẽ số trẻ em này đã kịp trở thành một phần của cuộc sống ở các khu trung tâm.

Hiện giờ các trẻ em này đang phải ngủ trên nền nhà trong trại tạm giữ và các cơ sở quân sự, hoặc một số may mắn thì được đưa đến các cơ sở từ thiện, nhà thờ hoặc ở với họ hàng tại Mỹ. Nhiều cuộc biểu tình, có một số mang tính bạo lực, đã nổ ra khắp nước Mỹ do nhiều người dân không đồng ý với việc nước Mỹ phải chịu trách nhiệm cho số trẻ em này.

Điều trớ trêu là chính phủ các nước Trung Mỹ lại đổ lỗi cho Mỹ về cuộc khủng hoảng này, cho rằng chính vì Mỹ trục xuất các băng đảng ma tuý bạo lực khiến chúng quay về nước uy hiếp người dân trong khu vực, từ đó gây ra làn sóng di dân bất hợp pháp của trẻ em đến Mỹ. Giải pháp theo họ là: hãy giải quyết dứt điểm vấn đề lạm dụng ma tuý ở Mỹ.

Các chính quyền cứ đổ lỗi cho nhau và chính sách thực thi luật biên giới của Mỹ còn lỏng lẻo khiến số trẻ em tiếp tục vượt biên có chủ đích từ gia đình. Các gia đình gửi con cái đi khỏi các nước Trung Mỹ đầy bạo lực và khó khăn kinh tế, còn những kẻ tội phạm lại được hưởng lợi từ việc buôn bán người và buôn lậu. Tính từ tháng 10-2013 đến tháng 10-2014, sẽ có khoảng 90.000 trẻ em đến Mỹ theo con đường bất hợp pháp, khiến nó trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực biên giới.

Bóng dáng nhóm lợi ích

Nhiều nhà phê bình cho rằng có các nhóm lợi ích lớn và đầy quyền lực đang đứng sau hưởng lợi từ việc di dân trái phép. Các nhóm này sẽ chẳng có lợi lộc gì trong việc hợp tác để chấm dứt tình trạng trên. Nền nông nghiệp Mỹ phụ thuộc vào nguồn lao động rẻ mạt thu hái rau quả. Chủ trang trại không muốn những công nhân này trở thành công dân Mỹ vì như vậy chi phí sẽ tăng cao.

Đảng Dân chủ đang phải phụ thuộc nhiều vào số lá phiếu của các cử tri gốc Latin. Đảng Cộng hoà cho rằng Tổng thống Barack Obama “cố ý” để hàng ngàn trẻ em nhập cư trái phép vào Mỹ vì đây sẽ là những phiếu bầu (tương lai) của Đảng Dân chủ. Đảng Cộng hoà cáo buộc các tổ chức phi chính phủ thân Dân chủ đang cứu trợ người nhập cư trái phép đã cố tình trầm trọng hóa cuộc khủng hoảng để thu hút nguồn tài trợ hàng triệu USD và để hình thành các khu vực bỏ phiếu chính trị.

Một số nhà phê bình khác thấy thực tế là dân số Mỹ đang suy giảm và già đi, và để tăng trưởng thì nước Mỹ cần một phân khúc lớn những người trong độ tuổi lao động và tiêu dùng. Những nhân sự “mới” này sẽ đóng góp những khoản thuế để trang trải chi phí bảo hiểm y tế và lương hưu cho những người dân Mỹ đang già đi.

Các nhà bình luận từ nhiều góc độ khác nhau không ngừng hối thúc mọi người nhớ rằng hầu hết người dân Mỹ cho rằng nước Mỹ có bổn phận phải chấp nhận người nhập cư. Ngoài những thổ dân Mỹ, tất cả người dân sống ở Mỹ, kể cả những người sáng lập nước Mỹ, đều là người nhập cư. Có nghĩa là ai cũng được chào mừng ở đây! Tuy nhiên, người Mỹ thích một quy trình trật tự và hợp pháp.

Điều dễ nhận thấy là cuộc khủng hoảng biên giới ở quy mô hẹp đã bùng phát thành một trận chiến về nhập cư. Chính sách nhập cư vẫn bế tắc kể từ khi ông Obama lên nắm quyền năm 2008. Vì vậy kể cả nếu cuộc khủng hoảng biên giới có được giải quyết trong tháng 9 tới, vấn đề này sẽ vẫn tồn tại.

Chẳng ai có thể đoán trước được cuộc khủng hoảng biên giới này sẽ còn gây ra những tổn hại gì cho các mối quan hệ của quốc hội và tổng thống cùng với nền dân chủ lập hiến của nước Mỹ, chưa nói đến những tổn hại cho người dân Mỹ và những đất nước láng giềng ở khu vực Mỹ Latin.

TS TERRY F.BUSS (viện sĩ Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ)
THUÝ ĐÀO chuyển ngữ