Thánh Phêrô và Phaolô là mẫu mực cho các vị mục tử trong Giáo Hội

Chứng tá tình yêu và lòng trung thành của hai Thánh Phêrô và Phaolô soi sáng cho những vị mục tử trong Giáo Hội biết dẫn đưa con người về với chân lý, làm cho họ thấm nhuần niềm tin vào Đức Kitô.

Thánh Phêrô và Phaolô là mẫu mực cho các vị mục tử trong Giáo Hội

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, 29/6/2011

Anh chị em thân mến!

Thánh lễ mừng kính trọng thể hai Thánh Phêrô và Phaolô kéo dài và rất sốt sắng. Và chúng ta đã nghĩ đến bài Thánh thi tuyệt vời của Giáo Hội Rôma bắt đầu bằng chữ «O Roma felix! [Ôi Rôma hạnh phúc!]. Ngày hôm nay, trong ngày lễ kính trọng thể hai Thánh Phêrô và Phaolô là Quan thầy của thành phố này, chúng ta cũng xướng lên bài ca: «Ngươi được nhuộm hồng, ôi kinh thành Rôma đại phúc, nhờ dòng máu quý giá của hai hoàng tử vĩ đại như thế. Không phải vì tiếng tăm của ngươi, mà là vì chính công trạng của các ngài mà ngươi vượt xa mọi vẻ đẹp trên trần gian này». Cũng như các thánh thi trong truyền thống Đông Phương đã hát lên ca ngợi hai vị đại Tông đồ là những đôi «cánh» của kiến thức về Thiên Chúa đã rảo quanh trái đất cho đến tận cùng bờ cõi địa cầu và đã bay vút lên Trời cao; các ngài  cũng là những «bàn tay» của Tin Mừng ân sủng, những «bàn chân» của chân lý loan truyền, những «dòng sông» của sự khôn ngoan, những «cánh tay» của Thánh giá (x. mhn, quyển 5, 1899, tr.385).

Chứng tá tình yêu và lòng trung thành của hai Thánh Phêrô và Phaolô soi sáng cho những vị mục tử trong Giáo Hội biết dẫn đưa con người về với chân lý, làm cho họ thấm nhuần niềm tin vào Đức Kitô. Đặc biệt, Thánh Phêrô biểu thị cho sự hợp nhất của Tông đồ đoàn. Chính vì lý do này mà trong phụng vụ được cử hành sáng nay tại Vương cung Thánh đường Vatican, tôi đã trao cho 41 vị Tổng Giám mục dây pallium biểu lộ sự hiệp thông với Giám mục Rôma trong sứ mệnh dẫn đưa dân Chúa đến ơn cứu độ. Thánh Irênê, Giám mục Lyon, đã viết rằng “propter potentiorem principalitatem [do công quốc đặc trưng của Giáo Hội Rôma], nên mỗi Giáo Hội”, nói cách khác các tín hữu ở khắp nơi “phải  quy về Giáo Hội Rôma, bởi vì truyền thống bắt nguồn từ các Tông đồ được bảo tồn trong Giáo Hội này” (Adversus haereses [Chống lạc giáo], III, 3, 2); đó là vào thế kỷ II.

Giáo hội được xây dựng trên lời tuyên tín của Thánh Phêrô mà ta đọc thấy trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu: «Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống»  (16,16). Tối thượng quyền của Phêrô là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đặc biệt yêu thích ngài, cũng giống như ơn gọi linh mục vậy: «không phải phàm nhân mạc khải cho con điều đó, nhưng là Cha Ta Đấng ngự trên trời» (Mt 16,17). Đó là điều đang xảy ra cho những ai quyết định đáp lại tiếng Chúa gọi bằng cả cuộc đời mình. Hôm nay, tôi rất vui  khi nhớ lại điều này trong ngày tôi mừng 60 năm thụ phong linh mục. Xin cảm ơn anh chị em đã hiện diện và cầu nguyện cho tôi! Tôi biết ơn anh chị em, và nhất là biết ơn Chúa đã gọi và trao cho tôi thừa tác vụ, và tôi cảm ơn những ai, trong dịp này, đã biểu lộ với tôi tâm tình gần gũi và nâng đỡ sứ mệnh của tôi qua lời cầu nguyện mà mỗi cộng đoàn Hội Thánh không ngừng dâng lên Chúa (x. Cv 12,5), được biểu lộ qua việc chầu  Thánh Thể để gia tăng sức mạnh và được tự do rao giảng Tin Mừng.

Trong dịp này, tôi vui mừng chào Phái đoàn do Đức Thượng phụ Giáo chủ Đại kết Constantinople cử đến ngày hôm nay đang hiện diện tại Rôma, dựa theo một thói quen đầy ý nghĩa, để tôn kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, và để chia sẻ với tôi niềm hy vọng mong cho các Kitô hữu được hợp nhất theo ý Chúa muốn. Chúng ta hãy tin tưởng cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, là Nữ vương các Tông đồ, cho mỗi người đã được rửa tội ngày càng trở nên «viên đá sống động» xây dựng Nước Chúa.