16/01/2025

Bên lằn ranh sinh – tử

Đọc phóng sự “18 giờ kinh hoàng trên biển” trên Tuổi Trẻ ngày 12-6, nhiều bạn đọc đã thắt tim trước lằn ranh sinh tử của 16 ngư dân trên tàu đánh cá QNg 96084 của Lý Sơn. Ít ai biết rằng trong các ngư dân ấy có hai cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ.

Bên lằn ranh sinh – tử

Đọc phóng sự “18 giờ kinh hoàng trên biển” trên Tuổi Trẻ ngày 12-6, nhiều bạn đọc đã thắt tim trước lằn ranh sinh tử của 16 ngư dân trên tàu đánh cá QNg 96084 của Lý Sơn. Ít ai biết rằng trong các ngư dân ấy có hai cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ.

16 người (trong đó có hai cộng tác viên Tiến Long và Trần Mai) trên mũi tàu còn lại và chờ đợi tàu đến cứu – Ảnh: Chu Văn Túc 

Đó là Đặng Tiến Long và Trần Mai, cả hai đều là sinh viên báo chí mới ra trường và tình nguyện ra vùng biển nóng Hoàng Sa. Dưới đây là câu chuyện của họ trong 18 giờ sinh – tử ấy.

Thoát chết trong gang tấc

 

“Trước giờ tui tưởng nghề bút mực của bọn ông sướng lắm, ai ngờ cũng nguy hiểm không khác gì ngư dân. Suýt mất mạng rồi”

Ngư dân BÙI VĂN ĐẠI

 

Trước giờ xuất phát chúng tôi đã có một đêm thao thức không ngủ. Hình ảnh ngư dân can trường bám biển, hay lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư làm nhiệm vụ được chiếu trong chương trình truyền hình trực tiếp “Tổ quốc nhìn từ biển” (tối 8-6) càng thôi thúc chúng tôi ra ngay vùng biển nóng.

Suốt đêm, chúng tôi hăm hở bàn từ phương án tác nghiệp, phân công người chụp, người quay, đến việc lên đề cương, chuẩn bị máy móc, thiết bị đầy đủ cho chuyến ra khơi dài ngày.

9g ngày 9-6, tàu QNg 96084 từ Lý Sơn (Quảng Ngãi) thẳng tiến Hoàng Sa. Trước khi mất sóng điện thoại, chúng tôi tranh thủ gọi điện cho gia đình, háo hức nói về những dự định của chuyến đi hứa hẹn nhiều trải nghiệm nhớ đời.

Thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh tâm sự: “Ngư dân mình xưa nay lầm lũi bám biển, thường xuyên giáp mặt với bao hiểm nguy rình rập. Người trong bờ cũng chỉ biết qua lời kể. Mới hôm qua báo Tuổi Trẻ trao quà, ngư dân thấy rất ấm lòng và vững tâm hơn để bám biển. Giờ hai anh cùng đi tụi tui rất mừng. Còn gì quý hơn khi có người chia sẻ khó nhọc với mình. Nhưng nói trước để trụ được gần tháng trên biển không phải dễ đâu”.

Không những không nhụt chí, lời nói chân chất của Thạnh tiếp thêm sức lực cho chúng tôi. Mọi người trên tàu rôm rả bàn nhau kỹ lưỡng phương án đối phó khi gặp tàu Trung Quốc vây ép.

Anh Thạnh phân công người chuẩn bị cắt can nhựa, lấy túi bóng bọc máy móc, thiết bị, chuẩn bị dây cước để thả trôi các can nhựa đựng thiết bị khi không may tàu Trung Quốc áp sát và nhảy lên tàu.

Anh em ra chỉ tiêu cho hai “ngư dân” đặc biệt phải “đánh bắt” được nhiều hình ảnh đẹp, ý nghĩa mới được vào đất liền.

15g, đám cháy bùng lên dữ dội khi trên tàu có 4 tấn dầu và bảy bình gas lớn, hai bình khí lặn nằm rất gần miệng lửa. Không kịp vơ lấy quần áo, mọi người đã nháo nhào lao xuống biển, dùng hết sức bơi thật xa quả “bom tấn” có thể phát nổ bất cứ khi nào.

Lúc đó, Trần Mai đang mệt lả vì say sóng. Nghe tri hô, Mai nhảy nhanh xuống biển khi không có vật gì bám víu. Thấy vậy, anh Bùi Văn Đại lập tức phi xuống giúp đỡ Mai.

Đang ngùn ngụt cháy, con tàu bất ngờ tự sang cần số tăng ga lao vùn vụt về phía hai người đang chới với trên mặt nước. Hai người cấp tốc bơi rẽ về hai hướng tránh tàu. Cùng lúc lái tàu Nguyễn Bình kịp nhảy vào cabin gạt cần số về 0.

Con tàu hung hăng vượt qua Mai và Đại khoảng 30m rồi đứng khựng lại. Cả hai thoát chết trong gang tấc. Từ xa, nhiều ngư dân chết lặng.

“Trước giờ tui tưởng nghề bút mực của bọn ông sướng lắm, ai ngờ cũng nguy hiểm không khác gì ngư dân. Suýt mất mạng rồi” – Đại nói với Mai.

Sợ chúng tôi gặp nguy hiểm, các ngư dân bơi ngược sóng nối lại thành một vòng tròn, kết phao lớn nhất cho chúng tôi bám giữ. Còn ngư dân, ba bốn người chia nhau bám víu một can nhựa, mảnh phao ít ỏi. Ngư dân khỏe tự bơi giữa dòng.

Lửa tắt, họ lên hết trên mũi thuyền rồi ra sức kéo chúng tôi lên. Đêm về gió rít mạnh lạnh nổi da gà. Ngư dân ngồi xúm lại thành vòng tròn để chúng tôi vào giữa cho đỡ lạnh.

Đến khuya thấy chúng tôi run rẩy, một vài ngư dân ôm choàng chúng tôi từ phía sau. Hơi ấm tình người thật thánh thiện, ấm áp. Trong tiếng gió, chúng tôi nghe ngư dân xầm xì: “Gắng siết tay chặt vào cho hai đứa đỡ lạnh”.

 

Clip Trên mọi nẻo đường

 

Chuyến đi nhớ đời

Trong giờ phút “sinh tử” , chuyện gia cảnh, công việc được kể cho nhau nghe để giết thời gian. Trên tàu có sáu ngư dân đã có vợ con, còn lại đang ở tuổi đôi mươi.

Chúng tôi lặng người trước câu chuyện của ngư dân Lê Văn Trị. Trị đi biển từ nhỏ, đã nhiều lần gặp nạn trên biển. Lúc gặp gió bão chết máy trôi dạt, khi bị Trung Quốc bắt đập phá hết tài sản… Nhiều lần chết đi sống lại khiến Trị chai sạn với cái chết. Nhưng lần này anh rất sợ chết. Đứa con lớn năm nay thi đại học, Trị tính sau chuyến đi biển này sẽ dồn tiền cùng con đi thi. Ai ngờ…

“Không may xảy ra chuyện gì chắc con tui sốc mà nghỉ thi mất”. Trút một hơi thở nặng nhọc, Trị nhìn sang hai chúng tôi: “Hai đứa còn trẻ, bằng tuổi con tuổi cháu làm chi liều lĩnh vậy trời. Biết sinh nghề tử nghiệp, đi ra đến đây chắc mấy đứa cũng chuẩn bị tâm lý đương đầu với khó khăn nhưng lỡ có chuyện gì thì thấy tiếc cho hai đứa quá”.

Riêng hai chúng tôi, hình ảnh bà mẹ mắt bịn rịn ngăn không cho đi ám ảnh khiến chúng tôi phần nào thấy tủi thân. Nhưng dường như đứng trước lằn ranh sống chết, bản năng sống càng trỗi dậy mãnh liệt hơn.

Chúng tôi cố dùng chút sức lực còn lại để hát bài Nơi đảo xa. Giọng Quảng Ngãi, giọng Hà Tĩnh quyện thành thứ âm thanh nghe lạ tai, đáng cười mà miệng người hát lại run run, nước mắt ứa chảy.

Bình minh vừa rạng kết thúc một đêm dài thăm thẳm, chúng tôi được tàu HP17 phát hiện cứu kịp thời.

Trước khi tàu cập bờ, anh Chu Văn Túc – phó thuyền trưởng tàu HP17 – trao cho chúng tôi một USB chứa tất cả hình ảnh, video mà anh đã chụp và quay lại cảnh cứu nạn.

Vỗ vai chúng tôi, anh nói: “Các bạn xứng đáng được sử dụng những tư liệu này”. Với chúng tôi, những hình ảnh này không chỉ là tư liệu quý giá mà còn là kỷ vật của một chuyến đi đời người.

 

Hai cộng tác viên Trần Mai (bước lên tàu) và Tiến Long (cầm phao) trong giây phút được tàu HP 17 cứu sống – Ảnh: Chu Văn Túc

Phóng viên Tấn Vũ (trái) và Viễn Sự đưa tin từ Hoàng Sa – Ảnh: Công Hạnh – My Lăng – Thuận Thắng
Phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Hoàng Sa – Ảnh: Công Hạnh – My Lăng – Thuận Thắng

Những trang báo nóng Tuổi Trẻ được chuyển đến các tàu của cảnh sát biển và kiểm ngư – Ảnh: Công Hạnh – My Lăng – Thuận Thắng

 

TIẾN LONG – TRẦN MAI