10/01/2025

Lúng túng xử lý nữ sinh mang thai

Ông Ngũ Duy Anh – vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT) – cho biết: để được bảo lưu kết quả học tập, ngoài việc nhà trường tạo điều kiện xem xét thì chính học sinh và gia đình cũng phải tuân thủ đúng quy chế.

 

Lúng túng xử lý nữ sinh mang thai

Một bạn đọc gọi cho Tuổi Trẻ thông tin: “Tại Trường dự bị ĐH Dân tộc trung ương Nha Trang, hai năm nay có hai nữ sinh người dân tộc thiểu số lỡ mang thai đã phải nghỉ học nhưng không được bảo lưu kết quả học tập”.
Các giấy tờ đang lưu giữ tại Trường dự bị ĐH Dân tộc trung ương Nha Trang về việc nghỉ học do mang thai của Ka H. và Kizi N.Y. – Ảnh: Duy Thanh

 

Bạn đọc này cho biết thêm: “Đối với các nữ sinh người dân tộc thiểu số, do gia đình tổ chức “bắt chồng” cho các em thường xảy ra ngay cả trong thời gian các em đang học tập nên dễ dính bầu. Tôi không rõ có quy định nào không cho phép nữ sinh lỡ mang bầu không được bảo lưu kết quả học tập hay không, nhưng rõ ràng khi nhà trường không tạo điều kiện thì các nữ sinh này rất khó có cơ hội vào ĐH”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Trường dự bị ĐH Dân tộc trung ương Nha Trang (thuộc Bộ GD-ĐT, trụ sở đóng ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) hằng năm tuyển khoảng 1.000 học sinh là người dân tộc thiểu số 11 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên, vừa thi xong ĐH nhưng không đỗ, có điểm thi gần đạt đến điểm chuẩn tuyển sinh của các trường. Những học sinh này sẽ được đào tạo trong vòng tám tháng, nếu đạt các yêu cầu thì sau đó được phân bổ vào các trường ĐH để học. Nhà nước hỗ trợ hầu như toàn bộ kinh phí học tập, ăn ở cho các học sinh của trường. Hai nữ sinh mà bạn đọc Tuổi Trẻ phản ánh phải rời trường vì mang thai là Ka H. (20 tuổi, ở tỉnh Lâm Đồng, học sinh của trường khóa 2012-2013) và Kizi N.Y. (19 tuổi, ở tỉnh Kon Tum, học sinh khóa 2013-2014).

Phải đi luyện thi lại

 

“Với các em học sinh người dân tộc thiểu số , việc được hưởng ưu tiên theo học dự bị ĐH là một cơ hội tốt để phát triển trong tương lai, nên nếu vì một lý do nào đó các em không được bảo lưu kết quả, gián đoạn việc học tập là điều rất đáng tiếc”

Ông NGŨ QUY ANH

 

Ka H. cho biết bạn vào học tại trường tháng 9-2012 và sinh con tháng 12-2012. Tháng 9-2013, Ka  H. gửi con gái nhỏ cho mẹ ở quê nuôi, trở lại trường xin học nhưng không được nhận. H. đã đăng ký ôn thi ngay tại trung tâm bồi dưỡng của trường để chuẩn bị thi tự do vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vào mùa hè năm nay. “Không biết sắp tới có đậu ĐH không, nhưng em thèm học lắm và ước mơ được làm cô giáo. Em không muốn lại địu con lên nương rẫy khổ cực như bà, như mẹ” – Ka H. thổ lộ.

Còn ông Kizi Đăm K., cha của Kizi N.Y., cho biết: “Gia đình rất muốn bảo lưu kết quả học tập của Y. để khi cháu sinh xong tiếp tục được học tập, nhưng mấy thầy nói chưa biết cấp trên có đồng ý hay không, ngoài ra cũng phân tích là nếu được bảo lưu thì tháng 9-2014 Y. phải nhập học lại, khi đó cháu vừa sinh được ba tháng thì cũng rất khó. Gia đình tiếc lắm nhưng đành rút hồ sơ cho Y. nghỉ học”.

Chiều 8-4, thạc sĩ Hồ Trường – hiệu trưởng Trường dự bị ĐH Dân tộc trung ương Nha Trang – khẳng định trường không kỷ luật buộc thôi học đối với hai nữ sinh Ka H. và Kizi N.Y. “Ka H. mang bầu mà không ai biết, kể cả những bạn ở cùng phòng ký túc xá. Đến tháng 12-2012 em này đau bụng, được bạn chở đến một bệnh viện ở Nha Trang sinh thì khi đó trường mới biết. Khoảng một tuần sau khi Ka H. xuất viện, gia đình em đến trường rút toàn bộ hồ sơ và đến nay không quay lại làm các thủ tục chấm dứt học tập nên trường đưa vào danh sách học sinh tự thôi học” – ông Trường nói.

Trường hợp của em Kizi N.Y., ông Hoàng Trọng Ngộ – hiệu phó nhà trường – cho biết: “Khi biết em Y. mang thai, gia đình em có đến trường đề nghị bảo lưu kết quả học tập. Tuy nhiên, chúng tôi kiểm tra thì thấy không có quy định nào về việc cho bảo lưu đối với trường hợp nữ sinh mang thai cả. Tôi đề nghị gia đình em bổ sung chứng nhận kết hôn nếu có để trường làm hồ sơ, gửi văn bản hỏi ý kiến Bộ GD-ĐT, nhưng sau đó gia đình quyết định để Y. làm đơn xin thôi học”.

Cả ông Trường, ông Ngộ đều nói việc bảo lưu kết quả của học sinh chỉ có giá trị đến năm học kế tiếp, còn đối với những học sinh tự ý bỏ học hoặc đã xin thôi học thì không còn cơ hội quay lại trường. Hai ông thừa nhận trường rất lúng túng khi xử lý hai trường hợp nữ sinh mang thai vì chưa có tiền lệ. Khi chúng tôi hỏi vì sao sau khi xảy ra vụ việc của Ka H. trường không có văn bản hỏi ngay ý kiến của bộ thì có thể đã “cứu” được trường hợp của Kizi N.Y., ông Trường thừa nhận trường có chậm trễ trong việc hỏi ý kiến bộ. Còn ông Ngộ cho hay trường định làm văn bản hỏi thì gia đình em Y. rút hồ sơ nên thôi. “Chúng tôi sẽ sớm làm văn bản gửi bộ để hỏi rõ hướng xử lý khi có những trường hợp nữ sinh đang học nhưng mang bầu, tránh làm mất cơ hội học tập rất quý đối với các em là đồng bào dân tộc thiểu số” – ông Trường nói.

Tuân theo quy chế

Ngay sau khi nhận được phản ánh của Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Trường dự bị ĐH Dân tộc trung ương Nha Trang có báo cáo cụ thể. Theo báo cáo nhà trường gửi Bộ GD-ĐT ngày 10-4, khi mang thai và cả khi nghỉ sinh gần chín tháng, học sinh Ka H. và gia đình hoàn toàn không có đơn đề nghị được bảo lưu kết quả tuyển sinh và không thuộc diện được bảo lưu kết quả tuyển sinh theo Quy chế tuyển chọn, tổ chức bồi dưỡng và xét tuyển vào học trình độ ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp đối với học sinh hệ dự bị ĐH. Vì vậy sau khi sinh chín tháng, học sinh đến xin bảo lưu kết quả thì nhà trường không có căn cứ để thực hiện. Với trường hợp của Kizi N.Y., dù nhà trường đã tạo điều kiện bằng cách đề nghị em làm đơn xin bảo lưu, kèm giấy chứng nhận đăng ký kết hôn để nhà trường có căn cứ làm văn bản xin ý kiến của Bộ GD-ĐT, nhưng sau đó gia đình tự nguyện xin thôi học nên trường cũng không có cơ sở để thực hiện việc bảo lưu kết quả học tập.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngũ Duy Anh – vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT) – cho biết theo Quy chế tuyển chọn, tổ chức bồi dưỡng và xét tuyển vào học trình độ ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp đối với học sinh hệ dự bị ĐH, việc bảo lưu kết quả cho những học sinh trúng tuyển học hệ dự bị ĐH được thực hiện đối với những trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc đang học hệ dự bị ĐH bị ốm dài ngày, có xác nhận của bệnh xá hoặc bệnh viện.

Theo ông Ngũ Duy Anh, để được bảo lưu kết quả học tập, ngoài việc nhà trường tạo điều kiện xem xét thì chính học sinh và gia đình cũng phải tuân thủ đúng quy chế. Theo đó, trong những trường hợp tương tự, học sinh và gia đình cần có đơn xin bảo lưu kết quả học tập, trong đó cần trình bày rõ lý do, nguyện vọng, kèm theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về tình trạng sức khỏe cũng như các lý do khác của học sinh để nhà trường xem xét, quyết định. Thời gian bảo lưu kết quả học tập bao lâu sẽ do hiệu trưởng nhà trường xem xét sau khi căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.

NGỌC HÀ – DUY THANH

 

 

Cần tăng cường tuyên truyền về giới tính

“Bộ GD-ĐT không khuyến khích các em đang còn là học sinh lại lập gia đình và mang thai. Tuy nhiên, với những trường hợp này, nếu các em chấp hành tốt quy chế, có báo cáo đầy đủ, kịp thời, chắc chắn nhà trường sẽ xem xét tạo điều kiện bảo lưu kết quả học tập. Các em thuộc diện đồng bào dân tộc thiểu số theo học dự bị ĐH chính là đối tượng tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Qua vụ việc này, chúng tôi đề nghị các nhà trường tăng cường công tác phổ biến các quy chế của bộ, quy định của nhà trường về học tập và rèn luyện của học sinh để học sinh và phụ huynh nắm vững các thông tin liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình và thực hiện đúng quy chế, quy định. Đồng thời, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về giới tính, sức khỏe sinh sản, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra” – ông Ngũ Duy Anh khuyến cáo.