11/01/2025

Nông dân ‘hiến’ thận lấy tiền

Cả người dân lẫn cơ quan chức năng H.Cờ Đỏ, Cần Thơ đều khẳng định đang có tình trạng một số người đi hiến thận ở TP.HCM và được nhận lại 120 triệu đồng mỗi người.

 

Nông dân ‘hiến’ thận lấy tiền

Cả người dân lẫn cơ quan chức năng H.Cờ Đỏ, Cần Thơ đều khẳng định đang có tình trạng một số người đi hiến thậnở TP.HCM và được nhận lại 120 triệu đồng mỗi người.

 

Nông dân ‘hiến’ thận lấy tiền
Ông Tranh với vết mổ sau khi hiến thận – Ảnh: Duy Khang

 

Ngày 11.4, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Lê Văn Tâm cho biết đã ký văn bản giao Chủ tịch UBND H.Cờ Đỏ phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin – Truyền thông và Công an huyện kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến việc nhiều người dân ở xã Thạnh Phú đi “hiến” thận để lấy tiền.

Một gia đình có 5 người hiến thận

Theo chính quyền địa phương, từ năm 2012 đến đầu năm 2014, tại xã Thạnh Phú (H.Cờ Đỏ) có tổng cộng 8 người đi hiến thận. Ngoài trường hợp đi bán thận tại Trung Quốc (năm 2012), ở ấp 5 còn có Ngô Ngọc Bích (41 tuổi) và Ngô Phú Anh (39 tuổi, người đã rủ Danh Lan đi bán thận) đều là con của ông Ngô Văn Y (68 tuổi, ngụ ấp 5) đi hiến thận. Trả lời PV Thanh Niên, ông Y khẳng định không hề hay biết chuyện các con mình đi hiến thận để lấy tiền, nếu biết gia đình sẽ không đồng ý. Những người khác trong gia đình ông thì bác bỏ thông tin này.

 

 
 

Trước khi mổ, có người còn động viên tôi là sau khi về họ sẽ tác động đến địa phương cấp cho sổ bảo hiểm. Có đau ốm, bệnh tật gì thì bảo hiểm sẽ lo hết

 

Ông Hồ Văn Tranh

 

 

Thế nhưng, Công an H.Cờ Đỏ cho biết đã xác định gia đình ông Y có đến 5 người hiến thận. Ngoài Ngọc Bích, Phú Anh thì trước Tết Nguyên đán 2014, Ngô Hoàng Sơn (43 tuổi) rủ 2 người em là Ngô Phú Em (31 tuổi) và Ngô Thanh Hoài (28 tuổi) lên TP.HCM hiến thận. Ngoài ra, còn có 3 trường hợp hiến thận khác là Hồ Văn Tranh (45 tuổi); Nguyễn Văn Bình (39 tuổi, em rể Tranh, không rõ địa chỉ) và Lê Văn Giòn (36 tuổi, cùng tạm trú ấp 6).

Cũng theo thông tin từ Công an H.Cờ Đỏ, các trường hợp trên đều là những hộ dân nghèo, tạm trú lâu dài tại địa phương và không có đất sản xuất. Qua xác minh của ngành chức năng, những người hiến thận đều có làm hồ sơ, thủ tục tự nguyện hiến, tặng thận tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM). Sau khi hiến thận xong, người hiến được nhận 120 triệu đồng.

Hiến hay bán ?

Ông Hồ Văn Tranh kể trước đó có lên TP.HCM tìm việc làm phụ hồ và được một người quen cho mượn 5 triệu đồng. Về sau, người này nói đang bị hư 2 quả thận nên nhờ ông giúp đỡ hiến cho 1 quả. Nghĩ ơn nghĩa nên ông Tranh đã làm giấy tự nguyện hiến thận và đến một phòng công chứng tại TP.HCM để chứng thực về việc không khiếu nại về sau. Ông Tranh được đưa đến Bệnh viện Nhân dân 115 để cắt thận và nhận 120 triệu đồng từ ân nhân. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng đi hiến thận trở về nhà, vết mổ trên người ông vẫn còn đau và đi lại rất khó khăn, không chạy xe gắn máy được. “Trước khi mổ, có người còn động viên tôi là sau khi về họ sẽ tác động đến địa phương cấp cho sổ bảo hiểm. Có đau ốm, bệnh tật gì thì bảo hiểm sẽ lo hết”, ông Tranh nói.

Ông Võ Hải Triều, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, xác nhận có một số người dân đến xin xác nhận việc đăng ký hiến thận, nhưng chính quyền địa phương chỉ xác nhận các trường hợp người dân ngụ tại địa phương chứ không xác nhận việc “hiến” thận. “Sau khi phát hiện, chúng tôi có báo cáo lên cơ quan cấp trên đồng thời tuyên truyền giáo dục bà con nâng cao nhận thức, đừng để bị kẻ xấu lợi dụng hoặc nghe lời người khác làm hại sức khỏe của mình”, ông Triều nói.

Trao đổi với Thanh Niên về thông tin trên, TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, nói: “Chúng tôi phải kiểm tra lại, vì có thể những người cho thận được đưa lên TP.HCM, rồi sau đó ra nước ngoài để lấy thận, hoặc họ nói không chính xác”. Về câu hỏi “Có trường hợp nào người nhận thận nhờ bệnh viện đưa tiền cho người cho thận hay không”, ông Phú khẳng định: “Bệnh viện không bao giờ làm việc đó, vì như thế là sai. Còn việc người nhận thận lén đưa tiền cho người hiến thận thì bệnh viện không thể kiểm soát được”.

Ông Phú cũng cho biết thêm, người cho và nhận thận khi đến Bệnh viện Nhân dân 115 phải trải qua trình tự 8 bước, từ tư vấn, làm các thủ tục giấy tờ, trong đó có xác nhận của chính quyền địa phương. Người cho thận phải có sự đồng ý, ký tên của người thân trong gia đình là bố, mẹ hoặc vợ (chồng); đến kiểm tra sức khỏe, rồi thông qua hội đồng ghép thận của bệnh viện.

 

Nhận tiền là mua bán

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia ghép tạng, thận ở TP.HCM cho rằng cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ các tình tiết như người hiến thận đã nhận tiền từ chính người nhận thận hay qua trung gian là ai? Nếu nhận tiền từ người nhận thận thì đó là hình thức mua bán thận trực tiếp; còn nếu nhận từ cá nhân, bác sĩ, bệnh viện thì mua bán qua trung gian. Làm rõ việc này nhằm ngăn chặn những kẻ trung gian, những đường dây mua bán tạng, thận.

GS-TS Trần Ngọc Sinh – Trưởng bộ môn tiết niệu Trường đại học Y Dược TP.HCM nhìn nhận, do nguồn thận cho, hiến rất khan hiếm nên dễ dẫn đến việc mua bán thận. Việc mua bán có thể núp bóng dưới hình thức như làm giấy tình nguyện hiến thận để lách luật. Một bác sĩ ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết bình quân mỗi tuần có gần 10 trường hợp gọi hoặc đến bệnh viện hỏi về việc cho, hiến thận, nhưng tìm hiểu thì thấy phần lớn những người này muốn bán thận lấy tiền.

 

Mai Trâm – Thanh Tùng