11/01/2025

Đi xa, năn nỉ… nhớ giùm

Là người đã đi đó đi đây từ Tây sang Đông vì công việc gần 20 năm nay, một dược sĩ đã góp nhặt nhiều thói quen xấu của người Việt mình khi ra nước ngoài.

Tính xấu người Việt: Đi xa, năn nỉ… nhớ giùm

Là người đã đi đó đi đây từ Tây sang Đông vì công việc gần 20 năm nay, một dược sĩ đã góp nhặt nhiều thói quen xấu của người Việt mình khi ra nước ngoài.

Minh họa: LAP 

Gửi bài viết đến Tuổi Trẻ, anh “năn nỉ” đề xuất chín điều nên tránh.

 

Tôi năn nỉ đấy. Hình ảnh của đất nước sẽ tiếp tục xấu đi nếu hôm nay nhiều người chúng ta không thay đổi một vài thói quen xấu.

Cụ thể, tôi xin liều mình kêu gọi (không dám yêu cầu) cô bác anh chị – những người chưa nhiều kinh nghiệm đi ra nước ngoài – chín điểm sau đây.

1 Đừng làm ồn ào nơi công cộng

Các bác quen ăn to nói lớn, quyền đó được coi trọng ở nhà mình nhưng ở nước ngoài nó được xếp sau quyền hưởng sự yên tĩnh của người khác. Nơi công cộng bao gồm trong nhà hàng, trên tàu hỏa, trong máy bay… Ở mấy chỗ đó, mong các bác nói chuyện nhỏ giùm. Người ta không hiểu mình nói gì nhưng người ta vẫn biết mình là người Việt Nam.

2 Đừng chen lấn nơi phải xếp hàng

Bến taxi là một, tiệc buffet là hai, quầy trả tiền là ba… Còn nhiều nữa, rất nhiều chỗ ta phải xếp hàng. Văn minh được xây dựng bởi những người có lương tri. Xếp hàng thì có lương tri hơn chen lấn, nhường nhịn thì có lương tri hơn giành giật. Chẳng lẽ mình muốn người ta nghĩ mình là người không biết điều sao?

3 Đừng trễ giờ và đừng trễ giờ

Đây là nỗi đau của hướng dẫn viên du lịch. Nỗi đau này đang lan sang các tài xế nước ngoài khi họ chở dân ta. Hẹn 7g phải đúng 7g. Trễ 10 phút là quá đáng lắm. Thế mà cô bác anh chị nhà ta cứ coi như không. Tôi đã chứng kiến mấy ông cảnh sát Tây Ban Nha đến nhắc nhở tài xế vì đậu xe lâu ở trước cửa khách sạn, ông tài xế quay sang nhăn nhó với anh hướng dẫn viên, hướng dẫn viên nhìn xuống xe mà “khóc” với số ít ỏi anh em chúng tôi có mặt đúng giờ.

4 Đừng cho shopping quan trọng hơn văn hóa

Có người Pháp nào đến vịnh Hạ Long chỉ để mua sắm? Có người Hi Lạp nào đến Hà Nội chỉ để shopping? Có người Tây Ban Nha nào đến Huế chỉ để vào chợ mua bán? Chắc là không.

Thế tại sao chúng ta nhăn nhó khi chương trình sắp xếp vào thăm viện Bảo tàng Louvre nổi tiếng thế giới của Pháp? Tại sao các bác lại đòi đi mua sắm thay vì đi thăm thành Acropolis ở Hi Lạp? Tại sao các anh chị không lắng nghe khi hướng dẫn viên giải thích lịch sử kiến trúc của thành phố Barcelona của Tây Ban Nha? Và nữa, lý do gì khiến anh chị muốn đi uống bia hơn xem điệu nhảy flamenco, hiểu thêm văn hóa xứ người?

Hãy nhìn lại xem người nước ngoài vào Việt Nam họ thường làm gì để so sánh. Ta ít khi bắt gặp du khách nước ngoài trong siêu thị mà thường gặp họ ở địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Sau chuyến du lịch về, dường như chắc chắn một điều là khách du lịch nước ngoài biết thêm nhiều về lịch sử Việt Nam hơn chúng ta biết về nước họ (ngoại trừ giá các mặt hàng).

5 Đừng ngồi các kiểu ở chỗ đông người

Vụ này căng đây. Với người nước ngoài, họ chỉ ngồi khi có ghế. Không có ghế, người ta chỉ đứng dù có mỏi chân. Ai ngồi thì có nghĩa là đang quá mệt và thường họ kiếm một góc khuất, ngồi bệt xuống dựa lưng vào vách tường, chân duỗi thẳng, và tất nhiên khi thấy bớt mệt thì đứng lên ngay.

Còn ta? Ta ngồi bất kể lúc nào đoàn ngừng di chuyển! Trong sân bay, nếu các bạn thấy 4-5 nhóm khách du lịch ở khu vực không có ghế, trong đó có một nhóm kẻ đứng người ngồi lổm nhổm thì đến 90% chắc chắn rằng nhóm đó là người anh em của chúng ta. Tại sao lạ vậy? Có lẽ vì ta có thói quen thích chọn cái khỏe hơn, mà ngồi thì khỏe hơn đứng là tất nhiên rồi. Chẳng ai biết đó là hình ảnh nhếch nhác trong con mắt người nước ngoài.

6 Đừng cố giành phần ưu tiên

Khi máy bay chưa ngừng hẳn, tất cả hành khách còn ngồi yên, ta đừng tranh thủ đứng lên lấy hành lý trước. Tiếp viên lại phải chạy đến bảo: “Anh ơi, anh làm ơn ngồi xuống khi đèn hiệu cài dây an toàn chưa tắt”. Họ nói bằng tiếng Anh nhưng ai cũng hiểu khi người ta thể hiện những cái lắc đầu sau câu nói thì chẳng phải hay ho gì. Nguyên lý ở đây là: ở những chỗ cần trật tự, đừng cố giành phần ưu tiên.

7 Đừng quên người khác khi ăn buffet

Trong bữa tiệc buffet, đĩa của mình chất quá đầy thức ăn sẽ trông không đẹp mắt. Sau đó ăn không hết bỏ thừa lại vừa phí thức ăn vừa gây khổ cho người dọn dẹp. Đồng ý là chúng ta có quyền lấy bao nhiêu tùy ý vì đã trả tiền rồi nhưng việc gì cũng phải phù hợp. Không phù hợp trong trường hợp này rất khó coi. Phải biết nghĩ cho người khác.

8 Đừng vi phạm nội quy dù nhỏ nhất

Trong khách sạn có những quy định như không hút thuốc trong phòng, không gây ồn ào vào ban đêm. Nhiều nơi tham quan yêu cầu không chụp hình hay cho chụp hình nhưng không được sử dụng đèn flash thì mong cô bác anh chị chấp hành nghiêm chỉnh giùm. Mình thèm hơi thuốc lá lúc nửa đêm như thế nào thì người khác cũng cần cái không khí trong lành không khói thuốc như vậy. Sao nỡ bắt họ phải chịu đựng chúng ta?

9 Đừng làm điều gì dại dột

Tôi xin dè dặt nói ra điều này: Ở những nước phát triển, người ta thông minh và nhiều kinh nghiệm hơn chúng ta. Xã hội của họ được xây dựng và quản lý bằng cả hai phương tiện pháp luật và kỹ thuật. Về pháp luật họ rất nghiêm, ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Về kỹ thuật họ cũng rất tài, đừng thấy người ta không có mặt tại quầy hàng mà động lòng tham, táy máy, coi chừng bị phát hiện bằng camera hay con chip gắn trên hàng hóa. Tiền bạc xài hết rồi kiếm lại dễ dàng (nhất là đối với những người có tiền để đi du lịch như cô bác), nhưng uy tín để mất đi mười năm sau chưa biết có lấy lại nổi không.

HOÀNG MẠNH HẢI