Trường hay nhờ ai?

Hai câu chuyện đẹp về hai ngôi trường ở Bình Phước và Cần Thơ nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc trong tuần.

 

Trường hay nhờ ai?

Hai câu chuyện đẹp về hai ngôi trường ở Bình Phước và Cần Thơ nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc trong tuần.

Diễn đàn kỳ này giới thiệu ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục về kinh nghiệm, giải pháp xây dựng nhà trường trong bối cảnh khó khăn, nền giáo dục còn nhiều yếu kém mà vẫn có thể đảm bảo chất lượng giảng dạy, hình thành nhân cách cho học sinh.

 

Nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân – Ảnh tư liệu

* Nhà giáo ưu tú LÊ ĐỨC HÂN (nguyên hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp, TP.HCM):

 

Quan trọng là người đứng đầu

Có vô vàn yếu tố để làm nên một ngôi trường tốt, nhưng theo tôi, quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu. Với hơn 40 năm trong nghề, hai lần đứng ra thành lập trường trong điều kiện hết sức gian khó (Trường chuyên huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh năm 1978 và Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp, TP.HCM) và đưa trường trở thành lá cờ đầu của ngành giáo dục, tôi càng thấm thía vai trò quyết định của hiệu trưởng.

Tố chất số 1 của người đứng đầu theo tôi phải là tấm lòng, sự tâm huyết, đức hi sinh và sự nêu gương. Dù anh giỏi đến đâu mà không có tâm huyết, không đam mê thì không bao giờ có hiệu quả. Muốn anh em tâm huyết, muốn cả hội đồng sư phạm tâm huyết, muốn phụ huynh tâm huyết, muốn học trò say mê thì người đứng đầu phải rất tâm huyết. Tâm huyết thể hiện ở chỗ tất cả vì mái trường thân yêu, tất cả vì giáo viên thân yêu và tất cả vì học sinh thân yêu.

 

“Nhà giáo đến với nhà trường phải vì mục tiêu trồng người, vì cuộc đời chứ không chỉ vì nghề nghiệp, vì cuộc sống”

 

Người đứng đầu phải tập trung cao độ để xây dựng đội ngũ, phải đến với giáo viên bằng tất cả tấm lòng, coi giáo viên là đồng nghiệp chí thân, người bạn chân tình, người anh em thương yêu để có thể tập hợp quanh mình một đội ngũ sư phạm tâm huyết cùng chí hướng, cùng hệ giá trị, đồng sức đồng lòng vì sự nghiệp chung của nhà trường.

Người đứng đầu phải vô cùng thương yêu giáo viên. Nghiêm thì rất nghiêm nhưng đừng quá nguyên tắc theo lối hành chính đối với giáo viên mà ngược lại phải hành xử với họ bằng tình cảm, bằng tình yêu thương để họ cảm phục, hết lòng với nhà trường, để họ không phải đối phó, mọi thứ tỏ ra chỉn chu, chấp hành nhưng thực chất là vô hồn, không hiệu quả…

Tất nhiên, không thể chỉ kêu gọi, chỉ tấm lòng mà có thể tập hợp được anh em. Điều quan trọng nữa là hiệu trưởng phải đảm bảo được cho các thầy cô một đời sống đủ để họ yên tâm cống hiến. Thời còn làm ở Trường Nguyễn Du, tôi luôn đảm bảo rằng thu nhập của thầy cô có thể chưa bằng các quận trung tâm nhưng chắc chắn phải là cao nhất của Gò Vấp. Giờ giảng của thầy cô được tính gấp ba, bốn, thậm chí năm lần giờ giảng của các đồng nghiệp trong quận. Nhiều người thắc mắc tôi lấy đâu ra tiền để làm điều đó. Tôi cũng công khai luôn là có hai nguồn. Thứ nhất là hỗ trợ của địa phương, thứ hai là từ phía phụ huynh.

Với địa phương, anh phải quan hệ tốt với chính quyền, làm cho chính quyền thấy được trường của anh có tác dụng tốt, ảnh hưởng tốt đối với xã hội, đối với phụ huynh và đóng góp thành tích lớn cho quận về giáo dục. Từ đó quận sẽ quan tâm, tạo điều kiện, cơ chế đặc biệt cho nhà trường.

Nguồn thứ hai là phụ huynh. Sai lầm của các trường hiện nay là không làm cho phụ huynh hiểu hết được trách nhiệm của mình đối với ngôi trường mà họ gửi gắm con em. Ai cũng biết mình đưa con đến trường thì trách nhiệm của trường là giáo dục, chăm sóc con em, nhưng không phải ai cũng hiểu được mình cũng là thành viên của nhà trường và phải có trách nhiệm với nhà trường. Tôi nhớ mỗi kỳ họp phụ huynh tôi đều tuyên bố họp phụ huynh là để cùng bàn cách xây dựng trường chứ không phải kêu gọi đóng tiền. Nhà trường phải làm cho phụ huynh hiểu và tin rằng con em họ được học tập trong môi trường tốt nhất, yên tâm nhất và minh bạch nhất thì họ sẽ không tiếc công, tiếc sức.

Tôi hay nói muốn xây trường, muốn nâng cao đời sống của thầy cô thì phải là học trò, chứ bản thân ta không làm được. Học sinh giỏi sẽ xây trường, học sinh giỏi sẽ khiến thầy cô sung sướng, đời sống được nâng cao. Cứ làm tốt đi rồi xã hội sẽ ưu ái. Năm 2006 tôi nghỉ hưu, nhà giáo Lê Thị Hồng Việt làm hiệu trưởng bốn năm, sau đó cô Việt nghỉ hưu và thầy Trịnh Vĩnh Thanh tiếp nối công việc hiệu trưởng. Trường Nguyễn Du vẫn tiếp tục được truyền thống của những năm trước đó mà nguyên nhân quan trọng, theo tôi, chính là vai trò của người đứng đầu.

NHẬT HUY ghi

 

 

 

Bà Ngô Thị Thu Hà – Ảnh: Nguyễn Khánh

* Bà NGÔ THỊ THU HÀ (phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ):

 

Trường tốt phải là nơi trẻ con thích đi học

Tôi quan niệm một trường học tốt phải là nơi trẻ con thích đi học. Trường học tốt, giáo viên tốt không phải là nơi dạy cho 95% học sinh đạt học lực loại giỏi mà là nơi dạy cho 5% học sinh từ yếu kém, thiếu tự tin thành người có kiến thức, kỹ năng và tự tin hơn trong cuộc sống. Trường học tốt phải không chỉ khiến học sinh vui, mà còn làm các em được tôn trọng, tôn trọng cá tính, suy nghĩ của mỗi học sinh. Trường học tốt thì không đối xử phân biệt đối với học sinh, đặt ra những quy định để nảy sinh ra những vấn đề khiến một số học sinh thấy mình bị xa lánh, kỳ thị, không được yêu thương, tin tưởng.

Để làm được điều này, tôi nghĩ chưa phải là chuyện xây dựng chương trình mới, trang bị phòng học mới, công nghệ hiện đại mà cốt lõi vấn đề là phải thay đổi triết lý giáo dục một cách thật sự. Triết lý này phải thấm được tới các cấp quản lý, trong mỗi giáo viên, cán bộ quản lý. Sau nữa là sự thay đổi thật sự về nhận thức, tư duy của người làm giáo dục. Hiện nay tôi biết giáo viên, lãnh đạo ở các cấp đang bị “trói buộc” hoặc tự “trói” mình vào nhiều quy định và lo sợ “vượt rào”. Nếu việc này không được cởi bỏ thì sẽ chẳng thể có những mô hình giáo dục tốt, những thay đổi cần thiết trong giáo dục.

Để cởi bỏ những bất cập trong tư duy về giáo dục phải từ các nhà quản lý. Trên thực tế hiện nay đã có những ngôi trường làm tốt trách nhiệm giáo dục học sinh bằng sự mạnh mẽ đổi mới và tình yêu thương với học sinh… Điều đó có thể cho thấy không cần ngồi trông chờ một sự hỗ trợ, các nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo có thể trở thành những người làm thay đổi những bất cập để có thêm những ngôi trường tốt hơn.

Vĩnh Hà ghi

 

 

 

 

Ông Nguyễn Văn Hùng – Ảnh nhân vật cung cấp

* Ông NGUYỄN VĂN HÙNG (giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước):

 

Con nhà nghèo biết vượt khó

Để có được thành công chỉ sau 10 năm thành lập, Trường THPT chuyên Quang Trung luôn được tỉnh Bình Phước tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, cơ chế tài chính. Ngoài hệ thống trường lớp đạt chuẩn quốc gia, tỉnh còn xây dựng ký túc xá 800 chỗ cho các em ở miễn phí. Học sinh giỏi được cấp học bổng (hầu hết học sinh trong trường đều có học lực giỏi, xuất sắc – PV), học sinh thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn được cấp thêm 400.000 đồng/em/tháng.

Với giáo viên, ngoài việc tạo điều kiện có chỗ ở ổn định, hằng tháng tỉnh còn hỗ trợ thêm 50% lương. Nhờ đó nhà trường đã xây dựng được đội ngũ giáo viên tâm huyết đến từ các trường sư phạm nổi tiếng trong cả nước. Đội ngũ giáo viên của trường phần lớn còn trẻ nhưng vừa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, vừa tâm huyết với nghề, tận tâm, tận lực truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Có thể nói yếu tố tạo nên thành công của Trường THPT chuyên Quang Trung còn là đức tính siêng năng, cần cù, nỗ lực trong học tập của học sinh. Biết mình là “con nhà nghèo”, đến từ các vùng quê nghèo của một tỉnh miền núi nghèo với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, các em không ỷ lại mà luôn biết nỗ lực vượt qua khó khăn, tự ý thức vươn lên trong học tập.

 

 

 

 

Ông Phạm Xuân Tiến – Ảnh nhân vật cung cấp

* Ông PHẠM XUÂN TIẾN (phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội):

 

Học sinh không sợ nói sai

Ta hoàn toàn có thể xây dựng những ngôi trường có mô hình giáo dục tốt ngay trong bối cảnh ngành GD-ĐT còn nhiều bất cập, khó khăn. Tôi nói ngay vào mô hình trường học mới mà Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm vài năm qua. Đó là mô hình tốt mà thực tế đã chứng minh ta có thể làm tốt cả khi điều kiện giáo dục còn chưa tốt như mong muốn.

Tại Hà Nội, ban đầu Bộ GD-ĐT chỉ chỉ định cho thí điểm ở một trường tiểu học. Với những đặc thù của thủ đô, không ít người đã nghĩ việc thực hiện mô hình này sẽ khó hoặc có thể chỉ áp dụng theo kiểu “phong trào”, nhưng những thay đổi có thật ở Trường tiểu học Tả Thanh Oai, Hà Nội đã được lãnh đạo các trường tiểu học tới học tập, từ chỗ thiếu tin tưởng nhiều hiệu trưởng đã thể hiện quyết tâm.

Năm học 2013-2014, Hà Nội có 100 trường đăng ký thực hiện theo mô hình này. Nhưng để đảm bảo chất lượng chúng tôi chỉ cho phép 47 trường tiểu học thực hiện. Trong số này có những trường sĩ số học sinh rất đông, 55-56 học sinh/lớp, có những trường còn khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không đồng đều về chất lượng và còn dè dặt, bỡ ngỡ với đổi mới phương pháp. Nhưng mạnh dạn thử, nỗ lực làm.

Với mô hình này, học sinh là người chủ động trong tổ chức việc học, từ công việc tự quản, giữ gìn, trang trí lớp học, góc học tập, thư viện, tới việc làm quen với cách hợp tác theo nhóm, chủ động suy nghĩ, trình bày, tranh luận… Nếu nhiều học sinh trường công lập theo mô hình truyền thống bị áp đặt và nhồi nhét kiến thức thì học sinh của mô hình này không sợ khi nói sai, việc học trở nên nhẹ nhàng hơn nhưng chính đây là cách các em học được những kỹ năng cần thiết.

V.H. – BÙI LIÊM ghi