Phong trào đi học để dễ thăng tiến

Quan chức đi học để nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ tự nó không phải là việc không đáng khuyến khích, thậm chí ngược lại. Nhưng phải xác định động lực học tập đúng đắn trong bối cảnh khan hiếm công chức, viên chức tinh thông, thạo việc.

 

Phong trào đi học để dễ thăng tiến

Tiếp theo bài viết “Đừng để nhập nhằng quan chức và tiến sĩ” (Tuổi Trẻ ngày 17-1) của GS Trần Văn Thọ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện phân tích thêm về hệ quả của việc quan chức đi học lấy bằng cao thời nay.

 

Có một thời tuyệt đại đa số cán bộ, công chức, viên chức là những người xuất thân từ quân đội, nông dân. Có trình độ học vấn thấp, không được huấn luyện chuyên môn kỹ lưỡng, những con người chỉ quen cầm súng hoặc kéo cày tất nhiên không thể xử lý công việc trong môi trường công vụ một cách thành thạo và có hiệu quả.

Trong hoàn cảnh ấy, yêu cầu nhanh chóng cải thiện trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xuất hiện như một tất yếu. Có thể từ đó hiểu tại sao lại có hiện tượng ồ ạt đi học văn hóa, nghiệp vụ trong khu vực công; hiện tượng kéo dài, trở thành phong trào và là một điểm rất riêng của Việt Nam.

Quan chức đi học để nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ tự nó không phải là việc không đáng khuyến khích, thậm chí ngược lại. Nhưng phải xác định động lực học tập đúng đắn trong bối cảnh khan hiếm công chức, viên chức tinh thông, thạo việc: học là để làm việc tốt hơn, có hiệu quả hơn tại các vị trí trong bộ máy chứ không chỉ đơn giản là để đạt được trình độ học vấn, chuyên môn cao hơn, càng không phải chỉ để có bằng cấp mà đem khoe khoang với xã hội.

 

Ông Đào Văn Hải, (vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công thương):

Không có quy định nào cấm quan chức không được hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận văn. Vì thời gian hướng dẫn có thể là ngoài giờ. Hơn nữa, khi công việc được giao mà họ hoàn thành tốt thì tại sao lại ngăn cấm?

L.THANH ghi

 

Vấn đề là phải làm thế nào xây dựng được một bộ tiêu chí đo lường hiệu quả học tập trong mối quan hệ so sánh với yêu cầu về nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Người học giỏi, học có kết quả tốt không nhất thiết là người có bằng cấp cao, với thứ hạng cao, mà trước hết là người biết xử lý công việc chuyên môn nhanh, gọn, chính xác với chi phí hợp lý.

Không có một bộ tiêu chí đặc thù như thế, việc dựa vào bằng cấp để đánh giá hiệu quả học tập của công chức, viên chức là điều không tránh khỏi. Nói khác đi, nếu không có cách gì để trả lời câu hỏi người đi học phải thu được cái gì thì mới gọi là có ích cho việc cải thiện chất lượng của nền công vụ, thì người ta buộc phải thừa nhận người có bằng đại học tốt hơn người có bằng cao đẳng, thạc sĩ tốt hơn cử nhân…

Tất nhiên, một khi có quá nhiều người có bằng cao đẳng thì người nào lấy thêm được bằng đại học sẽ có ưu thế cạnh tranh để được bổ nhiệm, để thăng tiến; khi xung quanh toàn những người có bằng đại học, ai lấy được bằng thạc sĩ sẽ trở thành ứng viên chói sáng. Cứ như thế, con người ta bị cuốn dần theo vòng xoáy đòi hỏi về bằng cấp và cứ phải học để lấy được bằng cấp cao hơn. Bởi vậy mới có chuyện đặt điều kiện quan chức cấp cao phải có văn bằng tiến sĩ; chưa nói đến hiện tượng quan chức hành chính đăng ký xin công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, vốn là những chức vụ thuần túy đại học.

Hậu quả ai cũng thấy. Một mặt, một số lượng không nhỏ thành viên trong bộ máy công quyền dành một khối lượng không nhỏ thời gian cho việc đi học, thay vì dành cho công vụ; ngân sách công phải đầu tư một khoản đáng kể cho việc học của quan chức, nhân viên. Mặt khác, thói tôn sùng bằng cấp, học vị phổ biến khiến người ta có thể làm mọi việc, trả bằng mọi giá để có được tấm văn bằng, chức danh khoa học mong đợi. Rốt cuộc, không ít quan chức có bằng nhưng không hề có thêm kiến thức; môi trường giáo dục, về phần mình, bị hoành hành bởi tệ nạn mua bằng bán điểm, trở nên vẩn đục, xuống cấp, nếu không muốn nói là suy đồi.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
(phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – luật, ĐHQG TP.HCM)