Cảm ơn vì con đến bên mẹ
“Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con chào đời. Ấp trong đáy lòng, có chăng tiếng cười, của một hài nhi đang lớn dần…”, nhịp điệu dìu dặt, ca từ thấm thía của Nhật ký của mẹ cứ vấn vít trong suốt buổi trao giải “Nhật ký người mẹ”
Cảm ơn vì con đến bên mẹ
Bé Hoàng Khang (gần 5 tuổi, mắc bao chứng bệnh bẩm sinh, chưa thể tự ngồi, chưa nói được) trong vòng tay mẹ tại buổi lễ trao giải cuộc thi viết “Nhật ký người mẹ” – Ảnh: Thanh Đạm
Vấn vít trong từng bước mẹ Kim Chi (tác giả bài viết Nuôi con bằng sữa mẹ) đỡ con trai Bảo Long bước lẫm chẫm khắp khán phòng. Vấn vít trong bàn tay vỗ về của mẹ Nguyễn Thị Liễu với bé Hoàng Khang ôm chặt trước ngực. Vấn vít trong từng lời tâm sự bất tận của các bà mẹ về những đứa con của mình…
Vượt lên hi vọng
Thể lệ gói gọn trong 600 chữ của cuộc thi (do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Nutifood tài trợ) là cả một thử thách bởi các bà mẹ luôn có một trời tâm sự ngọt ngào về con mình, và 700 bài dự thi gửi đến lại là cả một thử thách đối với ban giám khảo. Không phải ngẫu nhiên hầu hết các bài được chọn vào chung khảo đều là những câu chuyện mà trong đó mẹ và con phải cùng nhau vượt qua những thử thách nghiệt ngã, những lằn ranh sinh – tử, hi vọng – tuyệt vọng của cuộc đời. Từ ngày “ấp trong đáy lòng” là bao ngày mẹ mong một thiên thần, một ánh mắt trong veo, một tiếng cười, một tiếng gọi “mẹ ơi”, một ngày con lớn khôn. Thế nhưng lại có những bà mẹ phải tuyệt vọng trước ánh mắt con đau đớn, phải hi vọng qua năm qua tháng một tiếng “mẹ ơi”, phải cùng con “đi trong đất chết để tìm sự sống”. Yêu con trong hi vọng đã là vĩ đại, yêu con trong tuyệt vọng lại càng khiến người ta phải “nghiêng mình”, như lời nhà văn Trầm Hương, thành viên ban giám khảo, lặp đi lặp lại trong nỗi xúc động của một bà mẹ trước những bà mẹ.
Bé Linh đã thành chàng kỹ sư tin học Trên sân khấu, bà Lê Thị Hồng (bài viết Tìm lại sự sống) như vẫn còn bàng hoàng khi kể lại những ngày tai nạn khủng khiếp ập xuống với “bé Linh” của bà khi Linh bị cháy như cây đuốc sống vì rót nhầm can xăng vào bếp dầu hỏa: “Bé bị cuốn băng trắng toát từ đầu tới chân, da cháy đen nứt nẻ… Tôi chăm sóc con từng li từng chút mỗi ngày mà vẫn không biết có phải con mình không. Không còn hi vọng gì, chỉ tự nhủ một điều: Chỉ cần con còn sống”. Vượt qua những ngày “đi trong đất chết để tìm ra sự sống” ấy bằng tất cả nghị lực và tình yêu thương của cả mẹ và con, “bé Linh” nay đã là chàng kỹ sư tin học Nguyễn Ngọc Linh, cao ráo, nam tính ngồi ở hàng ghế phía dưới mỉm cười với mẹ. |
Cả chị Đinh Thị Thu Trang (tác giả bài viết Ở mãi bên ba mẹ, con nhé!), chị Nguyễn Thị Liễu (tác giả bài viết Những vòng thi “thử thách cuộc đời”) và nhiều người khác đều kể rằng 600 chữ gửi đến dự thi ấy đã được viết trong đêm, khi hàng ngàn công việc không tên của một bà mẹ đã hoàn thành mà trái tim mẹ vẫn còn thổn thức, thắc thỏm cùng con. Hôm nay, bước ra khỏi trang nhật ký, chị Liễu một lần nữa gạt nước mắt hát Nhật ký của mẹ từ đáy tim, một lần nữa lặp lại mơ ước: một ngày bé Khang tự đi được trên đôi chân mình, tự cất lên được tiếng “mẹ ơi”. Ở dưới, không biết Khang có nghe được tiếng mẹ không, nhưng khi mẹ quay lại ôm lên ngực với tư thế quen thuộc, cậu bé 5 tuổi chưa thể tự ngồi với đủ thứ bệnh trên người đã ôm choàng lấy cổ mẹ, áp môi vào mặt mẹ mà hôn.
Có bà mẹ đã phải chia tay vĩnh viễn với núm ruột của mình. Chị Phan Lê Châu Nữ (bài viết Ngủ ngoan nhé, con trai của mẹ) gửi đến những dòng thư như là gửi cho bé Nấm ở phương trời xa xôi: “Bé không còn trên đời này để chia vui với mẹ, nhưng có lẽ nơi nào đó bé vẫn biết điều này, vẫn dõi theo mẹ…”. Tình yêu của mẹ vẫn còn đấy, vẫn vô tận, ngay cả khi con đã đi xa.
Nếu có cái gì vượt được lên trên hi vọng, trên vô thường, ấy ắt là tình mẹ yêu con.
Vượt lên chính mình
Chuyện mẹ con là chuyện muôn đời, nhưng cũng không thể tránh được những tác động của xã hội, và giữa những cọ xát ấy, tình yêu thương lại càng lấp lánh thêm, ấm áp thêm. Câu chuyện của chị B.Đào (bài viết Ngọn nến hồng của mẹ), một người mẹ có H., với nỗi lo âu thắt ruột từng phút, từng giờ, từng ngày cho con mình là một câu chuyện mang đậm tính thời sự. Nghe con múa hát bài Ba ngọn nến, chị viết: “Ngọn nến vàng và ngọn nến xanh trong bài con hát sẽ dần lụi tàn, ngọn nến hồng sẽ sáng mãi…” như nghe được ruột người mẹ quặn lại vì tiếc nuối sự sống, tiếc nuối cuộc đời làm mẹ. Mỗi ngày trong gia đình ấy, những ngọn nến vẫn lung linh trước gió lớn như nhắc nhở rằng từng hơi thở của cuộc sống đều cần được trân trọng, nâng niu. Nhận được hàng ngàn lượt bình chọn của độc giả, chị Đào có thể an tâm rằng khi bí mật cuộc đời mình được chia sẻ, hơi ấm và ánh lung linh trong ngọn nến của chị cũng đã được nhân lên cho nhiều người.
Một vấn nạn thời đại khác là ly hôn cũng không vắng mặt, và “nhật ký người mẹ” đã chỉ ra rằng tình yêu vô điều kiện với con còn giúp cha mẹ vượt qua được chính bản thân mình. Những câu chuyện rất riêng tư được chia sẻ trong các bài dự thi đã truyền lửa cho người đọc, cho ban giám khảo về một hi vọng cho hạnh phúc, vốn là thứ đang ngày càng mong manh, ngày càng dễ vỡ trong những cọ xát với cuộc sống hiện tại. Cùng với con trai nhỏ từ Hà Nội vào, chị Nguyễn Thị Hồng Vân (bài viết Cảm ơn con, sợi dây kết nối yêu thương) nói chị không nghĩ mình có giải thưởng, cũng không thấy câu chuyện của mình có gì đặc biệt khi đứng bên cạnh câu chuyện của các bà mẹ đầy yêu thương và thừa dũng cảm khác. Thế nhưng giải nhất của cuộc thi đã được trao cho chị, đúng hơn là trao cho hạnh phúc viên mãn sau sóng gió của gia đình chị, vì đó là mục đích cuộc đời mà người người đều ước mong.
“Nhật ký người mẹ” khép lại với một niềm hạnh phúc như thế. Tất cả người đọc, ban giám khảo đều nói lời cảm ơn các bà mẹ đã dự thi với câu chuyện tuyệt vời của đời mình, và các bà mẹ thì “cảm ơn vì con đến bên mẹ”.
PHẠM VŨ