Cạnh tranh, đối đầu và hỗ tương

Đó là ba động thái chính của thế giới hiện nay. Cạnh tranh nhau khốc liệt không chỉ trên thị trường mà còn trong cả nguồn cung cấp nguyên, nhiên liệu…, thậm chí nay đang đua nhau đến Bắc cực! Từ đó dẫn đến tranh chấp vùng ảnh hưởng, đối đầu quân sự, ngoại giao…

 

Cạnh tranh, đối đầu và hỗ tương

Đó là ba động thái chính của thế giới hiện nay. Cạnh tranh nhau khốc liệt không chỉ trên thị trường mà còn trong cả nguồn cung cấp nguyên, nhiên liệu…, thậm chí nay đang đua nhau đến Bắc cực! Từ đó dẫn đến tranh chấp vùng ảnh hưởng, đối đầu quân sự, ngoại giao… Nguy cơ xung đột cứ lấp ló tại một số điểm nóng.

Nhưng dù có lúc hầm hè nhau đến mức điều tàu chiến, giương tên lửa, các nước cuối cùng cũng dằn tham vọng hoặc giận dữ xuống, duy trì đối đầu ở mức chưa “hạ thủ bất hoàn”. Trong góc nhìn kinh tế, đó là do thế giới ngày nay đã khác trước, các nền kinh tế tùy thuộc nhau một cách “gỡ không ra”.

Thương mại lấn át thù hằn

Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, nhờ sự hỗ tương, phụ thuộc của kinh tế thế giới mà chiến tranh giữa các cường quốc vẫn chưa xảy ra. Sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, mà ngày nay được xem là hiển nhiên trong một “thế giới phẳng”, thật ra khá mới mẻ.

Năm 1977, khi thế giới còn đang phân thành hai khối thù nghịch trong cao trào chiến tranh lạnh, nhà kinh tế học Albert O. Hirschman (vừa qua đời gần cuối năm 2012, thọ 97 tuổi) đã dự báo rằng thương mại làm dịu các mối thù hằn khiến con người không nhìn nhau như những bộ lạc tranh nhau sự sống, mà như là những đối tác thương mại tiềm năng, như ông viết trong sách The passions and the interests.

Lý thuyết hỗ tương, phụ thuộc kinh tế của Hirschman giải thích tại sao ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật tuy vẫn thường “nắn gân” nhau nhất nhưng cũng lại ráng vuốt giận, nhịn nhau.

Các con số thương mại Mỹ – Trung là một minh họa. Năm 1979, tức khi Trung Quốc bắt đầu cải cách, thương mại giữa hai nước mới chỉ 2 tỉ USD, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 23 của Mỹ và là nguồn nhập khẩu lớn thứ 45 của Mỹ. Năm 2012, thương mại hai chiều đã lên đến 536 tỉ USD, và năm 2013 ước tính là 558 tỉ USD; Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ (sau Canada và Mexico) và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ.

Trung Quốc vẫn cứ đều đều xuất siêu sang Mỹ: năm 2012 là 315 tỉ USD, năm 2013 ước tính 322 tỉ USD (nguồn: China-U.S. Trade Issues, Congressional Research Service). Nhưng ở chiều ngược lại, Mỹ nhập siêu cũng không phải chỉ là thiệt hại. Người dân Mỹ mua sắm hàng tiêu dùng “made in China” giá rẻ cũng là một thứ “trợ cấp” đồng thời làm giàu cho giới chủ Mỹ.

Thương vụ iPod video 30 GB của Tập đoàn Apple của Mỹ là một ví dụ cụ thể, được chính Cơ quan Nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ (IRS) dẫn ra cho giới lãnh đạo chính trị. Apple đặt Foxconn của Đài Loan sản xuất. Foxconn qua Trung Quốc đặt gia công lắp ráp với linh kiện nhập chủ yếu từ Nhật. Giá thành mỗi cái iPod là 144 USD, nhân công Trung Quốc được 4 USD, các hãng sản xuất linh kiện Nhật được 140 USD. Đem về bán lẻ tại Mỹ giá 299 USD; trừ đi phí chuyên chở, hoa hồng, quảng cáo… Hãng Apple thu được 80 USD mỗi cái.

Chính nhờ nguồn gia công giá rẻ từ “quốc gia đối thủ” mà sản phẩm của Apple vẫn cứ giữ tính cạnh tranh, đồng thời duy trì được chi phí nghiên cứu và phát triển và trả lương cao cho các chuyên gia ở Mỹ. Thành ra, cái gọi là xuất siêu của Trung Quốc cũng không hẳn là thua thiệt cho giới chủ Mỹ, đồng thời còn cho thấy quan hệ “như sam” Mỹ – Trung – Nhật. Kết luận của IRS: “Trong nhiều trường hợp, hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc thật ra là nhập khẩu từ nhiều nước khác”!

Kinh tế quyết định tất cả

Trong năm 2013, ngoài các cuộc chạm trán trên Thái Bình Dương còn sôi nổi một cuộc chạm trán ở châu Âu giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU). Nước Nga của ông Putin đang “phục hận” cho nước Nga của các ông Gorbachev và Yeltsin bằng cách xây dựng một khối kinh tế chung gọi là Liên minh thuế quan, hiện gồm Nga, Belarus và Kyrgyzstan, đến tháng 1-2015 thêm Armenia.

Việc Ukraine vừa chê EU quay về lại với Nga, trong khi Latvia sử dụng đồng euro từ ngày 1-1-2014 là hai ví dụ sinh động của sự tranh giành ảnh hưởng giữa EU và Nga, và sự đắn đo quyết định trên lợi ích kinh tế. Ukraine với dân số đông những 44,5 triệu người làm sao có thể tin rằng EU, đang vất vả cứu trợ các thành viên vỡ nợ, còn có thể “chu cấp” nổi cho mình.

Ngược lại, Latvia, đã gia nhập EU từ năm 2004, dân số chỉ 2,17 triệu người, đang buôn bán nhiều với EU (chiếm 72% xuất khẩu của Latvia năm 2011), có thể yên tâm gia nhập khối euro hơn là quay về với Nga, khi mà giao thương với Nga chưa đầy 10%.

Nhưng đằng sau sự tranh giành ảnh hưởng đó là sự tranh chấp không gian sinh tồn giữa Nga và NATO: bên nào cũng cần tiền đồn làm trái độn răn đe hay phòng thủ.

Hỗ tương, phụ thuộc kinh tế đang và sẽ còn níu tay thần chiến tranh trong một thời gian. Níu được bao lâu? Hai mươi năm nữa, khi mà nền sản xuất các nước đang phát triển bớt “chân tay”, thêm “chất xám”, nên sẽ một mất một còn vì cùng “thặng dư”?

DANH ĐỨC