20/01/2025

Đặt tên cho con

Cái tên không làm nên tính cách và số phận con người! Quan trọng vẫn là quá trình giáo dục đúng cách của gia đình, nhà trường, xã hội đối với một người ngay từ khi còn là đứa trẻ để họ tích luỹ, trau dồi, rèn luyện bản thân, trở thành những công dân có tri thức và ứng xử có văn hoá.

 

Đặt tên cho con

Một cô bạn lém lỉnh đố tôi: “Cái gì rõ ràng là của mình, nhưng bản thân mình ít khi xài mà phần nhiều là để cho người khác xài?!”. Câu đố khiến cho cả đám bạn vừa cười nghiêng ngả vừa vắt óc nghĩ mãi chưa ra, thì cô bạn buông một đáp án khiến mọi người lại vừa cười vừa gật gù – đó là cái tên!

 

Đặt tên cho con
Minh họa: DAD

 

Năm người mười ý

Một đồng nghiệp trẻ ở cơ quan tôi mới mang bầu được gần ba tháng, vậy mà chuyện đặt tên cho em bé là đề tài được cả nhà bàn bạc rôm rả như một đại sự chẳng kém gì việc chuẩn bị cho đám cưới của bố mẹ nó! Tuy chưa biết giới tính của con nhưng ông bà nội, ngoại, vợ chồng, thậm chí chị gái ruột cũng lập kế hoạch, lên danh sách đặt tên cho con, cho cháu. Trong tủ sách, trên bàn, trong ngăn kéo, trên kệ giường… chỗ nào cũng thấy các loại sách tư vấn cách đặt tên cho con. Nào là “Đặt tên con theo Kinh dịch”, “Đặt tên con theo phong thủy”, “Đặt tên con theo ngũ hành”, “Đặt tên con theo tuổi bố mẹ”, “Đặt tên con theo ngày tháng năm sinh”… Năm người mười ý! Mỗi người lại trang bị ít nhất hai cái tên chuẩn bị cho hai trường hợp giới tính của em bé. Chỉ tính sơ sơ thế, tối thiểu em bé phải đứng trước sự lựa chọn từ hàng tá những cái tên đầy ý nghĩa, kêu như chuông!

Nếu là bé trai, ông nội quyết định phải đặt những cái tên đầy hoài bão nam nhi cho xứng với cháu đích tôn kiểu như: Thành Đạt, Đăng Khoa, Tuấn Kiệt, Trường Giang, Sơn Hải… Ông ngoại thì chốt đúng một cái tên mà ông khẳng định như đinh đóng cột rằng đó là cái tên toát lên nhất vẻ nam tính, mạnh mẽ, đậm chất “tu mi nam tử”: Hùng Mạnh!!!

Bà nội thì thủng thẳng: Nếu là con trai, vợ chồng nên đặt những cái tên cho con nó thông minh, khôi ngô, tuấn tú như: Anh Tuấn, Minh Quang, Anh Khôi, Tuấn Tú… Còn nếu là con gái, thì đặt cho con nó cái tên thật mỹ miều, yểu điệu thục nữ: Kim Chi, Ngọc Diệp, Trâm Anh, Bảo Châu, Minh Ngọc… để chỉ con nhà quyền quý, danh giá, lá ngọc, cành vàng! Đấy, tôi chỉ đưa có vài cái tên ấy thôi cho vợ chồng anh chị dễ lựa chọn! Bà ngoại nhỏ nhẹ: Đặt tên con thế nào để sau này nó giàu sang, khấm khá cho bố mẹ nó được nhờ, ví dụ như: Phú Quý, Tấn Lộc… nếu là con trai; Kim Ngân, Bảo Kim… nếu là con gái!

Còn hai vợ chồng trẻ thì đau đầu vì sức ép vô hình tứ phía, tứ thân phụ mẫu, chưa kể cô chị ruột muốn “cháu gái” mình có cái tên như ca sĩ nổi tiếng tài hoa của Trung Quốc là Mai Diễm Phương, bản thân bà mẹ trẻ thì lại muốn “con gái” mình mang tên những loài hoa kiều diễm: Hồng Nhung, Hoàng Lan, Kim Liên, Tường Vy…, còn ông bố trẻ thì mong ngóng “con trai của bố” ra đời để bổ sung cho tên mình được hoàn chỉnh hơn: Bố tên là Hùng Vỹ thì tên con sẽ phải là Anh Đại!!!

Đủ kiểu kỷ niệm

Lại có những phụ huynh thích đặt tên con theo địa danh mà mình có nhiều kỷ niệm ở đó. Ông anh ruột cô bạn tôi có vợ từng ở Hà Giang, nên bé con của họ được đặt tên địa danh ấy. Lại có hai vợ chồng đi du lịch Pháp hưởng tuần trăng mật, mê mẩn kiến trúc, cảnh sắc, ẩm thực bản địa, về nhà chồng cứ khăng khăng ép vợ đặt tên con trai là Pháp!

Một dạo, báo chí đăng tin về người K’Dong ở xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cách đây mấy năm rộ lên “mốt” đặt tên trẻ con theo tên các hãng điện thoại, nào là Đinh Nô Ki A, Đinh Sam Sung, Đinh Mô Tô Rô La… hoặc tên của diễn viên Hàn Quốc: Đinh San Ốc, Đinh Hy Su, Đinh Hiên U…

Có lần, tôi đọc trên một tờ báo chuyên ngành an ninh một bài báo bàn về chuyện họ tên có sự liên quan, ảnh hưởng gì đến tính cách hoặc số phận của con người đó không? Trong đó nêu ra rất nhiều cái tên mang ý nghĩa lương thiện nhưng trong một giai đoạn của cuộc đời họ lại phạm vào tội lỗi đáng lên án! Ngược lại, có những cái tên nghe có vẻ xấu xí, vô nghĩa nhưng sự nghiệp của họ lại đạt được nhiều thành công!

Thực tế, có rất nhiều trường hợp cụ thể, cái tên không làm nên tính cách và số phận con người! Quan trọng vẫn là quá trình giáo dục đúng cách của gia đình, nhà trường, xã hội đối với một người ngay từ khi còn là đứa trẻ để họ tích luỹ, trau dồi, rèn luyện bản thân, trở thành những công dân có tri thức và ứng xử có văn hoá.

Bùi Thúy Hạnh