Bài ca liên kết đất trời

“Con là Con Ta, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con” – Qua những lời nói trên đây được trích từ Thánh vịnh 2, Giáo Hội bắt đầu phụng vụ trong đêm thánh thiêng này.

 Bài ca liên kết đất trời

Lễ Giáng Sinh, Thánh lễ nửa đêm
Vương cung Thánh đường Vatican

Thứ Sáu, 24/12/2010


Anh chị em thân mến!

“Con là Con Ta, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con” – Qua những lời nói trên đây được trích từ Thánh vịnh 2, Giáo Hội bắt đầu phụng vụ trong đêm thánh thiêng này. Giáo Hội biết rằng ngay từ khởi nguyên, những lời trên đây thuộc về nghi lễ phong vương cho các bậc quân vương nhà Israel. Nhà vua, tự bản tính, là một hữu thể nhân văn như bao con người khác, nay đã trở nên “con Thiên Chúa” qua tiếng Chúa gọi và được Ngài cắt đặt để thi hành chức vụ của mình: đây là một cách thức Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử, một hành động mang tính quyết định, mà qua đó, Ngài ban cho con người này một cuộc hiện sinh mới và lôi kéo người ấy đến với hữu thể của Ngài. Bài đọc mà chúng ta vừa nghe được trích từ sách Tiên tri Isaia trình bày cùng một tiến trình, thậm chí còn rõ ràng hơn nữa, trong một tình thế âu lo và đe doạ mà dân tộc Israel đang phải trải qua: “Một trẻ thơ đã sinh ra cho chúng ta, một người con đã được ban tặng cho chúng ta, huy hiệu quyền uy nằm trên vai người” (9,5).

Việc phong vương được xem là một cuộc sinh nở mới. Bởi vì mọi người đều xem nhà vua là một hài nhi được sinh ra do quyết định của chính Thiên Chúa, là một trẻ thơ đến từ Thiên Chúa, nên nhà vua cấu tạo nên một niềm hy vọng. Tương lai được đặt trên đôi vai người. Nhà vua là người nắm giữ lời hứa hoà bình. Trong đêm khuya tại Bêlem, lời sấm này đã trở thành hiện thực mà vào thời Tiên tri Isaia, người ta vẫn chưa thể nào hình dung ra được. Vâng, ngày hôm nay đây, một Con Trẻ đã thực sự mang lấy quyền bính trên đôi vai mình. Trong Con Trẻ này, ta đã thấy xuất hiện vương quyền mới, vương quyền mà Thiên Chúa đã thiết lập trên trần gian này. Con Trẻ này đã thực sự sinh ra từ Thiên Chúa. Con Trẻ này là Lời Vĩnh Hằng của Thiên Chúa liên kết nhân loại với thần linh. Con Trẻ này xứng đáng có được những phẩm tước mà bài ca phong vương trong sách Tiên tri Isaia đã ghán ghép cho: Vị Cố-Vấn-Kỳ-Diệu – Thiên-Chúa-Mạnh-Mẽ – Người-Cha-Muôn-Thưở – Hoàng-Tử-Hoà-Bình (9,5). Phải, vị Vua này không cần đến những cố vấn là những bậc khôn ngoan của trần gian này. Người mang trong bản thân mình sự khôn ngoan và lời khuyên bảo của Thiên Chúa. Chính trong sự yếu đuối do sự kiện là một con trẻ mà Người là Vị Thiên Chúa mạnh mẽ, và như thế, Người chỉ cho chúng ta, khi đứng trước những quyền hành cao ngạo của trần gian này, thấy được sức mạnh của Thiên Chúa.

Thực ra, những lời nói trong nghi thức phong vương tại Israel vẫn luôn là những nghi lễ nói lên niềm hy vọng, niềm hy vọng nhìn về phía trước, hướng đến một tương lai xa xôi mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho chúng ta. Không một vị vua nào trong các vị vua của Israel được đón chào như thế lại có thể sống đúng theo nội dung kỳ diệu của những lời nói trên đây. Trong những vị vua này, mọi lời nói về chức vị làm con Thiên Chúa, về việc thiết lập di sản muôn dân, về sự thống trị các vùng đất xa xôi (Tv 2,8) vẫn hướng về những điều sẽ đến mai sau – bởi vì đó chỉ là những cột chỉ đường nói lên niềm hy vọng hướng đến một tương lai, mà vào lúc đó, chưa một ai có thể hiểu được. Như thế, những lời sấm trên đây đã bắt đầu được ứng nghiệm trong đêm hôm đó tại Bêlem, và sự ứng nghiệm này có một tầm vóc vô cùng lớn lao, nhưng đồng thời – đứng về góc độ con người mà nói – lại tầm thường bé nhỏ hơn những điều mà lời sấm ấy phải hé mở cho ta thấy. Sự ứng nghiệm này có một tầm vóc lớn lao, bởi vì Con Trẻ này thực sự là Con Thiên Chúa, thực sự là “Thiên Chúa sinh bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, được sinh ra mà không được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Khoảng cách nghìn trùng giữa Thiên Chúa và con người đã được vượt qua.

Thiên Chúa không chỉ cúi mình xuống như các Thánh vịnh vẫn nói như thế; Ngài đã thật sự “đi xuống”, đã bước vào trần gian, đã trở thành một trong những con người như chúng ta để lôi kéo tất cả chúng ta về với Ngài. Con Trẻ này thật sự là Đấng Emmanuel, “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Vương quốc của Ngài thật sự trải dài tới cùng bờ cõi trái đất. Trong khoảng cách hoàn vũ của Bí tích Thánh Thể cực thánh, Ngài đã thật sự xây dựng những ốc đảo hoà bình. Nơi nào bí tích này được cử hành, thì nơi đó ta có được một ốc đảo hoà bình, và hoà bình này là của riêng Thiên Chúa. Con Trẻ này đã thắp lên giữa lòng mọi người ánh sáng của sự tốt lành và đã mang đến cho họ sức mạnh để chống lại quyền lực chuyên chế. Trong mỗi thế hệ, Ngài xây dựng vương quốc của Ngài ngay từ bên trong, từ trong tâm hồn. Thật ra “ngọn roi của kẻ hà hiếp” vẫn chưa được bẻ gẫy. Ngày hôm nay, những đôi giày lính trận vẫn còn nện từng bước nghe rõ mồn một, và “chiếc áo choàng” vẫn ngày càng “phủ đầy máu đào” (Is 9,3tt). Như thế, thành phần cấu tạo nên đêm nay là niềm vui có Thiên Chúa hiện diện gần kề.

Chúng ta tạ ơn Chúa, bởi vì Ngài, như một bé thơ, đã trao ban chính mình vào trong đôi tay của chúng ta, Ngài ăn xin, nếu chúng ta có thể nói được như thế, tình yêu của chúng ta, Ngài đổ tràn hoà bình của Ngài vào trong tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, niềm vui này cũng chính là một lời kinh: Lạy Chúa, xin hãy thể hiện toàn bộ lời hứa của Ngài. Xin hãy bẻ gẫy những ngọn roi của kẻ hà hiếp. Xin hãy đốt cháy những đôi giày khua lộp độp. Xin hãy chấm dứt thời của những chiếc áo choàng đẫm máu đào. Xin hãy thực hiện lời hứa: “Hoà bình sẽ vô tận” (Is 9,6). Chúng con cảm tạ Chúa vì lòng Chúa nhân từ, nhưng chúng con cũng cầu xin Chúa: Xin hãy tỏ ra sức mạnh của Ngài. Xin hãy thiết lập trên trần gian sự thống trị của chân lý, của tình yêu Chúa – “vương quốc công lý, tình yêu và hoà bình”.

“Đức Maria hạ sinh con trai đầu lòng” (Lc 2,7). Với câu nói này, Thánh Luca thuật lại thật giản dị pathos [biến cố vĩ đại] mà các sấm ngôn trong lịch sử dân Israel đã chỉ cho thấy. Luca gán cho Con Trẻ từ ngữ “đứa con đầu lòng”. Trong ngôn ngữ Cựu Ước, “con đầu lòng” không có nghĩa là đứa con thứ nhất trong số những đứa con khác. Từ ngữ “con đầu lòng” là một tước vị danh dự, chẳng liên quan gì đến câu hỏi liệu sau đó còn có những anh chị em khác không. Như thế, trong sách Xuất Hành (4,22), Israel được Thiên Chúa gọi là “con trai đầu lòng của Ta”, và như thế, đã diễn tả sự tuyển chọn, phẩm giá độc nhất vô nhị của người con trai ấy, cũng như tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa Cha. Giáo Hội sơ khai vẫn biết rằng trong Đức Giêsu, lời nói này đã mặc lấy một chiều sâu mới; rằng trong Người đã tóm lược những lời Thiên Chúa hứa cho dân Israel. Như thế, Thư gửi tín hữu Do Thái gọi Đức Giêsu là “Trưởng tử”, để chỉ Người là Chúa Con được Thiên Chúa sai đến trần gian, sau khi đã được Cựu Ước chuẩn bị (x. Dt 1,5-7). Người con đầu lòng thuộc về Thiên Chúa một cách đặc biệt, và vì lý do đó – như trong nhiều tôn giáo khác – người con trai đầu lòng đó phải được dâng cho Thiên Chúa một cách đặc biệt, và phải được chuộc về bằng một hiến lễ thay thế, như thánh sử Luca tường thuật trong giai thoại dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh. Người con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa một cách đặc biệt, và ta có thể nói rằng người con trai ấy được chỉ định để làm hiến lễ.

Trong hy tế của Đức Giêsu trên Thập giá, vận mệnh của người con đầu lòng đã được ứng nghiệm một cách hết sức đặc biệt. Trong chính bản thân Người, Người hiến dâng nhân tính cho Thiên Chúa và kết hợp con người với Thiên Chúa như thế nào để cho Thiên Chúa trở nên mọi sự cho mọi người. Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Côlôxê và tín hữu Êphêxô, đã khai triển và đào sâu ý tưởng về Đức Giêsu là trưởng tử: Trong những lá thư ấy, chúng ta đọc thấy rằng Đức Giêsu là Trưởng tử của mọi công trình sáng tạo – là mẫu mực đích thực của con người mà Thiên Chúa đã dựa vào đó để tạo dựng con người. Con người có thể là hình ảnh của Thiên Chúa, bởi vì Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Con Người, là hình ảnh đích thực về Thiên Chúa và về con người. Ngoài ra, những lá thư này cũng nói với chúng ta rằng Đức Giêsu là Trưởng tử giữa những người đã an giấc. Khi phục sinh, Người đã triệt hạ cho tất cả chúng ta bức tường sự chết. Người đã mở ra cho con người chiều kích của cuộc sống vĩnh hằng trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Và sau cùng, chúng ta cũng biết được rằng Đức Giêsu là người con đầu lòng của vô số đông đảo anh em.

Vâng, đúng thế, ngày hôm nay Người thật sự là người con đầu lòng trong số đông đảo anh chị em: người con đầu lòng mang lại cho chúng ta khả năng hiệp thông với Thiên Chúa. Thiên Chúa thiết lập nên tình huynh đệ đích thực – không phải là tình huynh đệ giữa Cain và Abel, giữa Romulus và Remus, đã bị biến thể vì tội lỗi, nhưng là tình huynh đệ mới mà trong đó chúng ta tạo nên gia đình của Thiên Chúa. Gia đình mới này đã được bắt đầu khi Đức Maria quấn “người con đầu lòng” trong tã và đặt nằm trong máng lừa ăn. Chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Giêsu: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã muốn được sinh ra như người con đầu lòng của vô số anh em, xin hãy ban cho chúng con tình huynh đệ thật. Xin hãy giúp chúng con trở nên giống Chúa. Xin hãy giúp con nhận ra trong bản thân con người khác đang cần đến con, nhận ra trong những người đang đau khổ hay bị bỏ rơi, trong tất cả mọi người, gương mặt của Chúa, và xin hãy giúp con sống với Chúa như những người anh chị em để trở nên một gia đình, gia đình của Chúa.

Sau cùng, bài Tin Mừng lễ Giáng Sinh kể lại cho chúng ta nghe có một số đông đảo các thiên thần thuộc đạo binh thiên quốc ca tụng Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao thẳm và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Trong bài ca Gloria [Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời] mà các thiên thần đã cất lên để ca mừng biến cố Đêm giáng sinh, Giáo Hội đã khai triển thành bài ca mừng vinh danh Thiên Chúa. “Chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa”. Chúng con cảm tạ Chúa vì vẻ đẹp, vì sự cao cả, vì sự tốt lành của Chúa đã trở nên hữu hình cho chúng con trong đêm nay. Sự xuất hiện của vẻ đẹp, của cái đẹp làm cho chúng ta hạnh phúc mà không cần phải hỏi chúng có giúp ích gì cho chúng ta không. Vinh quang Thiên Chúa phát sinh mọi vẻ đẹp làm cho chúng ta ngạc nhiên và vui sướng. Ai thoáng thấy Thiên Chúa đều cảm thấy vui mừng, và trong đêm nay, chúng ta thấy có một cái gì đó về ánh sáng của Thiên Chúa. Nhưng sứ điệp của các thiên thần trong Đêm thánh thiêng này cũng nói về con người: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Bản dịch Latinh của bài ca các thiên thần mà chúng ta vẫn dùng trong phụng vụ, bắt nguồn từ Thánh Giêrônimô, thì hơi khác đi một chút: “Bình an cho người thiện tâm”. Câu nói “người thiện tâm” trong những thập niên vừa qua đã được sử dụng một cách đặc biệt trong bảng từ vựng của Giáo Hội. Nhưng đâu là bản dịch chính xác? Chúng ta phải đọc cả hai bản văn liền lại với nhau; như thế chúng ta mới có thể thật sự hiểu được bài ca của các thiên thần. Chú giải nào chỉ hoàn toàn nhìn thấy hành động của một mình Thiên Chúa, như thể Ngài không hề kêu gọi con người đáp trả lại tình yêu của Ngài một cách tự do, thì đó là một chú giải sai lạc. Tuy nhiên, cũng sai lạc nếu ta chấp nhận một lối chú giải mang tính giáo hoá cho rằng con người, với thiện ý riêng, có thể cứu thoát được chính mình. Hai yếu tố này phải đi chung với nhau: ân sủng và tự do; tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta trước, và không có tình yêu này thì chúng ta không  thể nào yêu mến Thiên Chúa được, và lời đáp trả Ngài chờ đợi nơi chúng ta, lời đáp trả Ngài yêu cầu chúng ta một cách thật rõ ràng qua biến cố Con Thiên Chúa giáng sinh. Chúng ta không thể nào phân chia tác động hỗ tương giữa ân sủng và tự do, hay tác động hỗ tương giữa tiếng gọi và lời đáp trả, thành hai thực thể khác biệt nhau. Cả hai đều được bện tết vào nhau mà ta không thể nào phân lìa được.

Như thế, sứ điệp của các Thiên thần đồng thời cũng là lời hứa hẹn và kêu gọi. Thiên Chúa đã thể hiện trước khi Ngài trao ban Con một mình cho chúng ta. Thiên Chúa ngày càng thể hiện trước cho chúng ta mà chúng ta không thể nào ngờ tới được. Thiên Chúa không ngừng tìm kiếm chúng ta, không ngừng nâng chúng ta dậy, bao lâu chúng ta cần đến Ngài. Thiên Chúa không bỏ rơi con chiên đi lạc trong hoang địa không biết đường về. Thiên Chúa không hề thất vọng vì tội lỗi của chúng ta. Ngài luôn luôn bắt đầu lại với chúng ta. Tuy nhiên Ngài vẫn luôn chờ đợi tình yêu của chúng ta. Ngài yêu mến chúng ta, để chúng ta có thể trở nên những con người biết yêu mến và như thế, để có được hoà bình trên mặt đất này.

Thánh Luca đã không nói rằng các thiên thần ca hát. Ngài viết rất bình dị: đạo binh trên trời ca ngợi Thiên Chúa và cất tiếng ca: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời…” (Lc 2,13 tt). Nhưng con người vốn dĩ vẫn biết rằng lời nói của các thiên thần thì khác với lời nói của con người, và rằng chính trong đêm mang sứ điệp vui tươi này, đã có một bài ca của các thiên thần ca ngợi vinh quang Thiên Chúa. Như thế, bài ca của các thiên thần đã được các tín hữu ngay từ thời Giáo Hội sơ khai nhận ra như một bản nhạc đến từ Thiên Chúa, và hơn thế nữa, như một lời mời gọi mọi người cùng ca ngợi Thiên Chúa với những ai vui mừng vì biết rằng mình được Thiên Chúa yêu mến. Thánh Âu Tinh nói Cantare amantis est: ca hát là đặc điểm của người đang yêu. Như thế, theo dòng thời gian, bài ca của các thiên thần ngày càng trở nên một bài ca của tình yêu và niềm vui, một bài ca của những người đang yêu. Vào giờ phút này, với tâm tình biết ơn, chúng ta kết hợp với bài ca của biết bao thế kỷ, bài ca nối kết trời và đất, nối kết thiên thần và con người. Vâng, đúng thế, chúng con ca ngợi Chúa vì vinh quang cao cả Chúa. Chúng con ca ngợi Chúa vì tình yêu bao la của Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con ngày càng kết hợp với Chúa trong tình yêu, và như thế, trở nên những con người xây dựng hoà bình. Amen.