Câu chuyện thức tỉnh
Giờ nghỉ trưa, một người đàn ông trong bộ quần áo nhàu nát đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ và nhất định ngồi chờ cho đến giờ tiếp bạn đọc. Vào gặp chúng tôi, anh kéo tay áo lên chỉ những hình xăm vằn vện trên làn da sạm đen, tự giới thiệu: “Tôi… Tôi là tù mãn án. Tôi đến để kể một câu chuyện…”.
Câu chuyện thức tỉnh
Tờ giấy ra trại do trại giam Châu Bình cấp được bọc nilông cẩn thận là giấy tờ tùy thân duy nhất, Ngô Văn Kỳ lục ra thêm một tờ giấy mời màu xanh, cẩn thận đặt trước mặt chúng tôi: giấy mời đến dự buổi lễ tổng kết hoạt động năm 2013 của Hội Chữ thập đỏ P.10, Q.Tân Bình (TP.HCM), ghi tên: Anh Văn Kỳ. Tôi chưa hiểu được câu chuyện. Bỗng nhiên Kỳ đưa tay vò lên mớ tóc lún phún trên đầu, gương mặt chai sạn thoáng một nét rung động, đôi mắt bỗng loáng nước: “Đây là tờ giấy mời đầu tiên tôi nhận được trong đời. Đây là lần đầu tiên tôi được đối xử một cách công bằng, trân trọng. Đây là người đầu tiên mở vòng tay ra với tôi…”. Ngón tay Kỳ chỉ xuống cuối tờ giấy, nơi có chữ ký: Nguyễn Thị Thanh, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ P.10, Q.Tân Bình.
Ai cho tôi lương thiện?
Kỳ kể một mạch: “Tôi quê ở Long Xuyên, An Giang, theo cha mẹ lang thang lên TP.HCM từ ngày nhỏ xíu, sống vạ vật ở vỉa hè. Ủy ban P.10, Q.3 cho một căn nhà tình thương, mẹ buôn bán lặt vặt, trông hai đứa em nhỏ. Tôi dẫn cha mù đi bán vé số, vừa bán vừa xin, không ngày nào được đến trường. Một lần gần tết, cha tôi bị “thu gom” vào “nhà nuôi” (tức trung tâm bảo trợ xã hội – PV), tôi chạy thoát về nhà. Từ đó, tôi đi theo những đàn anh đường phố học “nghề” trộm cắp, cướp giật. 11 tuổi tôi đã “cứng nghề”, chỉ cần 10 giây là tôi đã tháo được một cốp xe máy, 30 giây một bình xăng con, kính xe hơi thì chỉ cần phẩy tay… Tôi bắt đầu kiếm được nhiều tiền, mang về nhà nói với má rằng “con lượm được”.
Giá như… Một giọt nước mắt rớt xuống hai bàn tay đã từng cướp giật như chớp, đâm chém chẳng chùn. Kỳ ngẩng lên: “Giá như tôi được gặp chị ấy sớm hơn, giá như có được năm, mười người mở lòng với tôi như vậy… thì chắc tôi đã thức tỉnh, đời tôi không đến nỗi suốt 27 năm không được làm người tốt lấy một ngày”. Nói rồi, Kỳ cáo từ để còn kịp kiếm một cuốc xe cuối ngày. |
12 tuổi tôi bị bắt lần đầu vào trường giáo dưỡng (Trung tâm Giáo dục, dạy nghề thiếu niên Gò Vấp, TP.HCM – PV), được dạy nhiều thứ nhưng không học được gì. Gần ba năm, tôi trở thành đại ca, đập phá trường học, đánh bạn, đâm bạn. Gia đình lãnh về, tôi bỏ nhà lên Bảo Lộc lập băng nhóm, trộm cắp xung quanh các khách sạn. Lại bị bắt, vào trại, hơn một năm bị sốt rét lại được cho về… Năm tôi 18 tuổi, ra trại lần thứ ba, nghĩ từ giờ không được bảo lãnh nữa, sẽ làm lại cuộc đời. Nhưng chưa kịp làm gì thì cha tôi mất, ba tháng sau mẹ cũng mất. Đi xin việc không ai nhận, tôi không biết làm sao, lại tiếp tục đi cướp giật, nuôi hai đứa em.
Năm nay tôi 38 tuổi, sống giang hồ, tù tội như thế đã 27 năm, hai đứa em tôi cũng đã chết do hút chích ma túy. Tôi lại có thêm hai đứa con gái, mẹ chúng nó cũng là dân cờ bạc. Tôi ra trại, quyết lần này sẽ sống đàng hoàng, làm nghề chạy xe ôm để kiếm tiền nuôi con. Vậy nhưng… khó quá”.
Kỳ ngừng lời. Đúng là làm một người lương thiện thật không dễ. Chừng như sợ tôi không hiểu những khó khăn mình gặp phải, Kỳ một lần nữa kéo cao hai ống tay áo, giải thích: “Ở trong trại đã lỡ xăm trổ vầy rồi, đâu nghĩ tới một ngày ai thấy mình cũng ngại, cũng e sợ. Từ ngày ra trại Châu Bình đến nay, trong sáu tháng tôi ròng rã đi xin việc gần hai chục lần. Cũng chỉ là khuân vác, đẩy hàng, giữ xe, dọn dẹp quầy chợ… Thế nhưng lần nào cũng vậy, làm được vài buổi là thấy nhiều ánh mắt khác, rồi chủ đến gặp nói khéo: Anh thông cảm, chỗ làm này của thằng em xin về quê có việc, nay nó lên lại… Nghe vậy là hiểu rồi. Chạy xe ôm thì chỗ nào cũng đã có người đậu sẵn, năn nỉ lắm thì mới chở được một vài khách mà họ chê trả rẻ, không đi. Khách nghe nói mình là tù mới về thì cũng lại sợ nữa…”.
Nghe như tiếng thét “Ai cho tao lương thiện?” của Chí Phèo từ những bóng tối xa xăm xưa cũ vọng về. Tôi nhìn những vết xăm trên tay Kỳ, nhìn ánh mắt nửa tuyệt vọng, nửa bất cần, nửa khẩn khoản của Kỳ, và nhắc mình rằng anh ấy đã chờ đợi suốt một buổi trưa trước cổng tòa soạn báo, để tin vào khát khao làm người lương thiện ấy. Kỳ lại giở tờ giấy mời, chỉ tên chị Thanh, lặp lại: “Cả đời, hôm nay mới có một người tin tôi, lắng nghe tôi…”.
Giọt nước mắt 27 năm
Đã hai ngày không chạy được cuốc xe nào, sáng hôm ấy Kỳ ngồi trên chiếc xe máy cũ nát không giấy tờ được một người quen cho khi ra trại mà gặm nhấm sự tuyệt vọng. Lấy đâu tiền mua sữa, gửi cơm gạo của hai đứa con gái cho bà chủ nhà trọ, lấy đâu tiền ăn, tiền thuê chỗ ngủ tối nay? Anh em chiến hữu còn đầy thành phố, sẵn sàng giúp đỡ, cho mượn, nhưng nhận tiền của họ tức là quay lại con đường cũ… Nghĩ đến quẫn trí. Rồi Kỳ nhớ trong những chương trình thời sự trên tivi mà phần lớn được xem trong trại giam, có những cán bộ của hội chữ thập đỏ thường xuyên mang quà đi thăm tặng người nghèo. Thử một lần xem sao. Nghĩ vậy, Kỳ liền lên xe chạy quanh một vòng, đăm đăm nhìn vào các biển hiệu, tìm dấu chữ thập đỏ. Không thấy. Kỳ tấp vào lề đường hỏi thăm, một người dân chỉ vào trụ sở UBND P.10, Q.Tân Bình. Nhìn thấy những tấm bảng đỏ, giật mình thon thót trong tâm thức, nhưng rồi Kỳ vẫn tự động viên mình để bước vào.
Khu vực của Hội Chữ thập đỏ phường chỉ là một chiếc bàn làm việc trong một góc phòng tận lầu 2. Kỳ đã đội chiếc mũ bảo hiểm lên đến tận nơi và gặp chị Nguyễn Thị Thanh. “Tôi kể câu chuyện của mình, lòng không hi vọng gì. Thế nhưng chị ấy gọi cho tôi ly cà phê đá, lắng nghe và trò chuyện với tôi như người nhà. Chị cho mấy ký gạo, mấy hộp sữa. Rồi chị viết giấy mời đến dự hội nghị tổng kết để biết về hoạt động của Hội Chữ thập đỏ…”.
“Thà giúp lầm chứ không bỏ sót…”
Chúng tôi tìm đến chiếc bàn nhỏ của chị Nguyễn Thị Thanh ở trụ sở P.10, Q.Tân Bình. Hết sức ngạc nhiên khi biết người khách kỳ lạ của mình hôm ấy đã tìm đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ, chị cởi mở: “Hôm ấy thật sự tôi không còn tiền trong túi, nếu có cũng cho anh ấy rồi. Không phải nhẹ dạ cả tin mà cho, nhưng tôi nghĩ thà giúp lầm còn hơn bỏ sót. Làm công tác chữ thập đỏ phường này 14 năm, đã gặp biết bao nhiêu người khổ, cảnh khổ, giúp được gì cho người ta, tôi luôn sẵn sàng giúp, bằng vật chất, bằng việc làm, bằng lời nói. Tôi tâm niệm: Nếu người ta nói dối, lừa mình thì họ mang tội. Nếu mình vì nghi ngờ mà không giúp người thì mình mang tội… Các chi hội chữ thập đỏ của chúng tôi nuôi heo đất để tương trợ lẫn nhau. Biết đâu một món tiền nhỏ có thể giúp một gia đình vượt qua cơn ngặt nghèo. Biết đâu một lời nói có thể chuyển hóa một con người…”.
Nói một hơi những quan niệm sống của mình như đã cất sẵn trong lòng từ lâu lắm, chị Thanh vẫn chưa hết ngạc nhiên: “Anh ấy xúc động đến mức tìm đến nhà báo? Vậy chắc anh ấy đã hạ quyết tâm kiếm sống lương thiện rồi. Được vậy mừng quá. Hôm ấy, tôi nói với Kỳ: quyết tâm “gác kiếm” đi, đứng lên, lao động bằng sức của mình mà lo cho con mình thành người. Nếu quyết được vậy thì giúp được gì tôi sẽ cố giúp, dù anh không phải người thuộc địa phương của tôi…”.
PHẠM VŨ
Học làm người tốt Để được chứng kiến thêm nữa câu chuyện mang nhiều chất “phim” này, chúng tôi đã đến dự buổi tổng kết của Hội Chữ thập đỏ P.10, Q.Tân Bình. Từ sớm, hội trường tấp nập người ra vào. Chị Thanh, trong vai trò chủ trì, tất bật với các công tác tổ chức. Và ở băng ghế cuối cùng, Ngô Văn Kỳ ngồi lẻ loi, đăm đăm nhìn lên sân khấu, lặng lẽ giữa tiếng loa ồn ào. Hơi ngạc nhiên khi thấy tôi đến bên cạnh, Kỳ yên lặng một lúc rồi tiếp tục câu chuyện của mình: “Đây là lần đầu tôi dự một cuộc họp thế này, dự bằng giấy mời chính thức. Tôi rất tự hào, dù rằng tấm giấy mời ấy đến với tôi một cách tình cờ. Những lần khác, tôi dự họp với hàng ngàn tù nhân trong hội trường trại giam…”. Lễ tổng kết ở một ủy ban phường không có tiết mục gì hấp dẫn nhưng người đàn ông đã từng ngang dọc giang hồ ngồi bên cạnh tôi háo hức, say mê theo dõi, nghe nuốt lấy từng lời. Tròn mắt khi nghe giải thích về tác dụng của những con heo đất mà mỗi chi hội đang nâng niu mang về, chuẩn bị cho một mùa tích góp, chia sẻ mới; ngẩn ngơ khi nghe giải thích về hoạt động, ý nghĩa của các quán cơm 2.000 đồng, quán cơm chay từ thiện mà mình cũng thường xuyên đến “ăn ké”, Kỳ lại thì thầm, lặp lại: “Nếu được người tốt mở lòng giúp đỡ thì người xấu cũng sẽ bớt đi. Hôm nay nghe mọi người nói, tôi mới hiểu mình cũng đã được hưởng sự giúp đỡ của nhiều người. Từ nay có người đã tin tưởng tôi, tôi sẽ cố gắng sống cho có ý nghĩa, không làm cho người ấy phải thất vọng”. Hỏi trước giờ đã làm gì tốt, giúp đỡ cho người khác chưa, Kỳ sốt sắng: “Có. Trước đây tôi thường “cản địa” cho đàn em. Có một lần giật dây chuyền của bà kia, bà đuổi theo kịp, khóc xin, tôi đã trả lại…”. Thấy chị Thanh lắc đầu, Kỳ gãi đầu: “Đấy là chuyện xưa rồi. Còn bây giờ, chạy xe ôm tôi không dám ra giá, ai cho bao nhiêu thì cho. Thỉnh thoảng gặp người không có tiền, tôi vẫn chở về giúp… Chưa có việc làm nên tôi chỉ biết làm vậy thôi”. Kết thúc buổi lễ, chị Thanh gọi Kỳ ngồi lại, mời thêm ly cà phê đá. Cả hai cùng nói đến chuyện tìm cho Kỳ một chỗ làm ở những nơi chị Thanh quen biết. Câu chuyện chưa kết thúc, nhưng khi chào chị Thanh ra về, Kỳ đã mỉm cười thật hiền lành. Trước mặt là một con đường mới… |