Quái vật giận dữ

Mỗi chiều đón con tan học, mẹ thường nán lại thêm một chút để con được thỏa thích chạy giỡn cùng các bạn. Đồng thời mẹ cũng muốn được tận hưởng những phút giây yên bình ngắm con vô tư đùa vui.

 

Quái vật giận dữ

 

TT – Mỗi chiều đón con tan học, mẹ thường nán lại thêm một chút để con được thỏa thích chạy giỡn cùng các bạn. Đồng thời mẹ cũng muốn được tận hưởng những phút giây yên bình ngắm con vô tư đùa vui.

 Chiều hôm kia, mẹ đang thích thú nhìn con chơi bập bênh thì bỗng giật mình vì tiếng khóc thét của một bé gái, kèm theo đó là tiếng quát nạt đầy giận dữ của một người đàn ông: “Nín dứt! Nín ngay cho tao!”. Con trai đang chơi cũng hoảng sợ chạy lại ôm chầm lấy mẹ. Mọi ánh mắt đồng loạt đổ dồn về hướng phát ra tiếng khóc. Người đàn ông thấy vậy vội nắm tay cô bé lôi đi, miệng không ngừng hầm hè: “Hôm nay học ai mà cứng đầu thế? Về nhà tao cho một trận”.

Khi cả hai đã khuất dạng sau cánh cổng, sân trường lại được trả về với âm thanh ồn ào vốn có, mẹ thở phào nói nhỏ với chính mình: “Con nít biết gì đâu mà hầm hừ ghê thế!”. Con trai tròn mắt nhìn mẹ thật ngây thơ: “Mẹ còn dữ hơn chú ấy”. Mẹ vừa cười vừa xoa đầu con: “Khỉ con, mẹ dữ như thế hồi nào?”. “Thì cái hôm mẹ đá hết đồ chơi của con ra đường đó. Nhìn mẹ đáng sợ như quái vật!”. Bất giác, mẹ thấy choáng như chính mình là người vừa gào thét con lúc nãy. Sao con trai vẫn chưa quên? Bởi chuyện đó xảy ra đã gần một năm rồi và khi ấy con chỉ mới lên 3. Làm sao trí óc non nớt có thể nhớ lâu như vậy?

Hôm đó là chủ nhật, thay vì ở nhà chở hai mẹ con đi chơi như lời hứa từ trước thì sáng sớm bố con đã ra khỏi nhà. Mãi đến khi trời chiều nắng tắt bố con quay về trong tình trạng nồng nặc hơi men. Nhìn thấy bố ngật ngưỡng bước vào đã nằm bệt xuống sàn nhà, tay chân sải rộng, không biết trời trăng là gì khiến mẹ nổi cơn tam bành. Cộng thêm việc con rủ bạn trong xóm qua chơi bày bừa đồ chơi khắp nhà. Chơi một chút lại khóc, lại méc, lại la hét giành giật khiến mẹ muốn phát điên. Thế là mẹ hành động như một con robot bị sai khiến, không hề suy nghĩ: “Con dẹp đồ chơi vào ngay! Còn mấy đứa ai về nhà nấy!”. Đang chơi vui tự nhiên bị mẹ bắt dẹp nên dĩ nhiên phản ứng của con là khóc lóc không đồng ý. Nhưng lúc đó tiếng khóc của con chỉ làm sục sôi thêm cơn giận… bố của mẹ. Không nói không rằng, mẹ bước đến và đá phăng hộp đồ chơi của con ra đường. Tiếp đó, mẹ túm lấy con và hét thật to: “Sao con hư quá vậy? Sao con không nghe lời mẹ?”. Vừa lúc đó bố thức dậy, nháo nhào giành con ra khỏi tay mẹ. Mẹ cũng vừa kịp tỉnh khỏi cơn say đáng sợ của mình.

Hồi tưởng chuyện cũ, mẹ thấy xấu hổ với bản thân và có lỗi với con. Thật sự mẹ không nên trừng phạt con trong cơn nóng giận. Vì khi đó dù vô ý mẹ cũng đã để lại trong tâm hồn non nớt của con một vết thương lâu lành.

 

BÚT NAM