Guiuan – nơi cơn bão huỷ diệt
Cho đến giờ, số liệu thương vong do thành phố cung cấp là 99 người thiệt mạng, 16 mất tích và hơn 2.700 người bị thương. Tỉ lệ người chết ở đây chỉ xấp xỉ 0,2%. Tuy nhiên khi hải quân Mỹ tiến vào đây, họ tính toán số người chết có thể lên tới 10% chứ không thấp như vậy.
Guiuan – nơi cơn bão huỷ diệt
Tôi có mặt tại sân bay quân sự Mactan ở Cebu vào lúc 6g sáng. Sau sáu giờ chờ đợi, cuối cùng tôi cũng đã lên được chiếc C-130. Từng đoàn người lặc lè hàng cứu trợ nối đuôi nhau lên chiếc máy bay to đùng.
Như ở hành tinh khác
Không như các máy bay dân sự, hơn 110 người của đoàn, gồm cả của các tổ chức phi chính phủ, người dân và cánh báo chí, chen chúc trong bụng của chiếc C-130. Phần lớn ngồi tạm trên các bao gạo và hàng hóa cứu trợ, số nhỏ còn lại đứng dọc phần hành lang nhỏ sát vách máy bay. Chỉ một số ít đứng là có được dây an toàn ở vách. Con chim sắt khổng lồ gầm rú đưa chúng tôi tới Guiuan sau gần một giờ bay.
Sau cú tiếp đất bầm dập kiểu “quân sự”, không từ ngữ nào chuẩn bị đủ cho tôi trước những gì chứng kiến ở đây. Không có thương vong nhân mạng lớn như Tacloban, nhưng sự hủy diệt ở Guiuan lớn gấp nhiều lần so với “thành phố chết”. Guiuan là nơi siêu bão Haiyan đổ bộ đầu tiên vào Philippines. Trong vài ngày đầu, thành phố bị cắt liên lạc hoàn toàn, cho đến khi các máy bay quân sự của Mỹ tiếp cận được vào đây.
Cửa đuôi chiếc C-130 từ từ mở ra và khung cảnh tan hoang đập ngay vào mắt chúng tôi. Dường như ai cũng có cảm giác đang ở hành tinh khác. Trước mắt mọi người là ngút ngàn hàng dừa trơ trụi và khô đét. Cả vùng đất bạt ngàn màu vàng úa và cháy đen – màu của hủy diệt. Guiuan hoàn toàn không còn một căn nhà nào nguyên vẹn sau bão Haiyan.
Ở sân bay Guiuan tình trạng cũng tương tự: tất cả tòa nhà đều tốc mái, các khung thép bị vặn xoắn thành hình thù kỳ quái. Hải quân Mỹ đang tích cực triển khai điều hành toàn bộ hoạt động cứu trợ ở đây. Các máy bay trực thăng Seahawk, Osprey, máy bay vận tải C-130 của Mỹ, Úc và nước chủ nhà cứ vài phút lại đáp xuống và cất cánh. Khung cảnh nhộn nhịp khiến ta cảm tưởng như ở một sân bay quốc tế thay vì của thị trấn nhỏ với 47.000 dân Guiuan.
“Toàn bộ dân chúng tôi không còn nhà cửa – thị trưởng Christopher Gonzales, 33 tuổi, kể khi cho chúng tôi đi nhờ xe đến tòa thị chính – Ngay nhà tôi cũng bị phá hủy”. Thật sự là toàn bộ nhà cửa ở thị trấn Guiuan không căn nào còn mái nguyên vẹn, kể cả trường học hay tòa nhà thị chính ba tầng.
Những dấu hiệu hồi sinh
Khu tầng 1 của tòa thị chính hiện được tận dụng để làm khu phát gạo và hàng cứu trợ cho dân. Lito Labicane, tình nguyện viên trực ở tòa thị chính, kể rằng ngay sau bão người dân đã ùa đến đòi lương thực. “Tôi chạy đến nhà ông thị trưởng thì thấy ông bị thương ở chân. Ông ra chỉ thị phát hết lương thực cho dân”. Quyết định nhanh chóng của ông Gonzales giúp tránh được tình trạng hôi của hỗn loạn, trong khi cùng lúc một số cửa hàng thực phẩm ở địa phương cũng mở cửa cho dân vào tự lấy đồ ăn.
Cho đến giờ, số liệu thương vong do thành phố cung cấp là 99 người thiệt mạng, 16 mất tích và hơn 2.700 người bị thương. Tỉ lệ người chết ở đây chỉ xấp xỉ 0,2%. Tuy nhiên khi hải quân Mỹ tiến vào đây, họ tính toán số người chết có thể lên tới 10% chứ không thấp như vậy. Thị trưởng Gonzales được dân coi là người hùng khi ông buộc toàn bộ người dân vùng thấp phải đi trú ẩn ở những nơi cao hơn, giúp tránh thương vong kiểu như ở Tacloban.
Bãi biển từng được coi là thiên đường của dân lướt sóng giờ giống một bãi rác lớn kéo dài vô tận. Pomingo Nuevo, người chở chúng tôi bằng xe ba bánh vòng quanh thành phố, đạp xe bằng chiếc dép duy nhất còn lại, chân phải ông đi chân không. Trong đêm bão đến, khi mái nhà bị thổi bay, người đàn ông 48 tuổi này cùng vợ và bốn con chui hết xuống gầm bàn tránh bão. “Gió bão lớn quá, vợ tôi hỏi phải làm gì, tôi đành nói là có chết thì chết cùng nhau, không cần chạy đâu hết” – ông kể. Nhà của ông bị phá sập hoàn toàn nhưng may mắn cả gia đình ông đều sống sót.
Nhưng ở Guiuan, giờ đã bắt đầu thấy những hình ảnh hồi sinh. Các đống đổ nát đang được gom gọn lại, người dân hối hả tìm gỗ, mái tôn lợp lại nhà. Cùng chịu sự phá hủy, ở Tacloban chỉ thấy chết chóc, buồn thảm; còn ở Guiuan, những dấu hiệu của sự hồi sinh đang xuất hiện đây đó. Người dân dù khó khăn vẫn nở nụ cười với khách mới đến.
THANH TUẤN