Đánh thức nội lực thành sức mạnh dân tộc
“Không đủ nội lực sẽ khó giữ chủ quyền” – ý kiến của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khiến ai đọc cũng đều phải suy nghĩ. Nhưng nội lực ấy ở đâu?
Đánh thức nội lực thành sức mạnh dân tộc
Ảnh: VIỆT DŨNG
Tự chữ nội lực đã cho thấy đó là nhân tố nằm ở bên trong của dân tộc, không có thể vay mượn hay nhập khẩu từ đâu đến. Dân tộc là một cộng đồng, rất đông đảo và đương nhiên rất phức tạp. Không chỉ là sự khác biệt về thế hệ, thành phần xã hội, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, học vấn hay giới tính… mà suy cho cùng chính là: lợi ích.
Mang lại lợi ích cho toàn dân
Cách mạng Tháng Tám 1945 là một sự kiện, một hiện tượng lịch sử tuy diễn ra cách nay đã gần bảy thập kỷ, nhưng nếu khảo sát kỹ sẽ tìm ra nhiều bài học lớn cho ngày hôm nay và lâu dài hơn nữa.
Trong đó có cả bài học về lợi ích. Lợi ích của một dân tộc không chỉ là định lượng cộng lại lợi ích của mọi thành viên trong cộng đồng để rồi tính toán “ăn cho đều chia cho sòng”, mà lợi ích là trách nhiệm đối với tương lai của dân tộc. Nhưng tương lai ấy phải thuộc về tất cả.
“Tổ quốc trên hết” đã trở thành cái thước đo, hòn đá thử vàng, tấm kính chiếu yêu để giữ lại những ai có tài đức phụng sự Tổ quốc và thải loại những ai đi ngược cái mục tiêu đó” Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Có một câu hỏi với người chép sử cuộc cách mạng 68 năm trước: tại sao từ chiến khu về tới Hà Nội, Cụ Hồ, một lãnh tụ sáng lập Đảng Cộng sản ở VN, một nhà hoạt động cộng sản quốc tế, lại chọn nơi lưu trú và dùng làm bản doanh cách mạng tại ngôi nhà của người thuộc loại giàu nhất, ở phố giàu nhất của Hà Nội là ngôi nhà số 48 Hàng Ngang của một gia đình tư sản là ông bà Trịnh Văn Bô?
Tại sao Cụ Hồ không chọn một xóm thợ, sẽ có những người lao động nghèo khổ, vô sản sẵn sàng làm cách mạng “nếu có mất thì chỉ mất xích xiềng”?
Những bài học và tấm gương lịch sử vẫn cho thấy đoàn kết mọi giai tầng chính là nhân tố xuyên suốt mọi thắng lợi của dân tộc ta.
Chọn ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nói cho đúng hơn là chấp thuận phương án mà các đồng chí của mình, những người đã từng hoạt động trong nước, những người góp phần quan trọng vào cuộc cách mạng này (như Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp…) lựa chọn, vị Chủ tịch Ủy ban Giải phóng dân tộc vừa được bầu ở Đại hội Quốc dân Tân Trào muốn đưa ra một thông điệp: đây là cuộc cách mạng của toàn dân vì nó đem lại lợi ích cho toàn dân, trừ những kẻ tay sai của ngoại bang. Lợi ích ấy chính là độc lập và tự do mà ai cũng khao khát.
“Tổ quốc trên hết”
Đọc cương lĩnh của Mặt trận Việt minh thấy những mục tiêu căn bản của một cuộc cách mạng vô sản theo sách vở đã được “gác lại” để tập trung hết thảy cho lợi ích dân tộc với lý luận: không có độc lập dân tộc thì giai cấp nào cũng không thoát khỏi ách nô lệ.
Nhờ vậy mới có một cuộc cách mạng đạt tới những mục tiêu rất triệt để là đánh đổ cả chế độ thuộc địa trăm năm và phong kiến ngàn năm.
Tất cả quy về một mối được ghi thành một biểu ngữ “Tổ quốc trên hết”. Trong Cách mạng Tháng Tám và cho đến những ngày đầu miền Bắc được giải phóng, trong dân vẫn còn giữ được tập quán là lập “Bàn thờ Tổ quốc” với lá quốc kỳ và dòng biểu ngữ trên.
Biết bao nhiêu sự việc đã trở thành biểu tượng trong giai đoạn lịch sử hào hùng và thăng hoa tính cách một dân tộc thành một đạo lý cách mạng: vì lợi ích quốc gia, Đảng sẵn sàng tự ẩn mình để Mặt trận Việt minh đóng vai trò dẫn dắt đất nước (tháng 11-1945 tuyên bố tự giải tán), nhiều bộ trưởng Việt minh nhường “ghế” trong chính phủ cho các thành phần xã hội khác…
“Tổ quốc trên hết” đã trở thành cái thước đo, hòn đá thử vàng, tấm kính chiếu yêu để giữ lại những ai có tài đức phụng sự Tổ quốc và thải loại những ai đi ngược mục tiêu đó. Vì thế mới có những Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Phan Kế Toại, Trần Hữu Tước, Phạm Ngọc Thạch… Vì thế mới có những Trịnh Văn Bô, Ngô Tử Hạ, Lợi Quyền, Nguyễn Sơn Hà…, trong đó có nhiều người sau này tự nguyện gia nhập Đảng khi đã giác ngộ coi đó là vì Tổ quốc.
Đánh thức nội lực
Cái nội lực của một dân tộc sẽ được phát huy cao độ khi mọi người dân được quyền tự do lựa chọn con đường và phương cách phụng sự Tổ quốc. Chúng ta sẽ đánh mất cái nội lực ấy chừng nào chúng ta không tôn trọng cái quyền tự do đó bằng những áp đặt các giá trị hoặc xa lạ, hoặc chưa thích hợp đối với thực tiễn của xã hội. Thực tiễn luôn là thước đo của chính sách cũng là năng lực của người lãnh đạo.
Đúng là nội lực ở trong dân, nhưng đánh thức và tích hợp nguồn nội lực ấy thành sức mạnh dân tộc thì cái quyết định lại là những người lãnh đạo. Mà phẩm chất cao nhất của người lãnh đạo đương nhiên là sự sáng suốt, nhưng cái quyết định sự sáng suốt ấy chính là đức hi sinh và tinh thần gương mẫu. Chúng ta đã từng có những thế hệ làm được việc ấy, nhờ đó đã thuyết phục cũng như dắt dẫn được nhân dân làm theo gương hi sinh và sự gương mẫu ấy.
Nhưng khoảng cách của gần bảy thập kỷ kể từ khi đức hi sinh và sự gương mẫu của cả một thế hệ đạt tới đỉnh cao của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, nó đã nhiều lần phát huy trong những thử thách sống còn của dân tộc trước nguy cơ đến từ những kẻ thù của nền độc lập dân tộc. Nhưng làm thế nào để nó được kế thừa và phát huy trong cuộc đấu tranh xây dựng một xã hội mới khi mà lợi ích có thể đong đếm và tính toán như ứng xử trước một cái bánh?
Câu trả lời phụ thuộc vào phương cách ứng xử trước lợi ích của cộng đồng xã hội luôn nhìn vào lớp người đang đảm nhận vai trò lãnh đạo dân tộc luôn phải là những tấm gương của đức hi sinh và tinh thần gương mẫu. Điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói và làm từ lâu. Do vậy, học Bác thì phải làm theo Bác.
Chữ “đồng” Đối với một dân tộc, nhất là một dân tộc do vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử phải chịu đựng nhiều thử thách như dân tộc VN ta, có một yếu tố cực kỳ quan trọng được cô đọng lại trong một chữ. Đó là chữ “đồng”. Nhưng chữ “đồng” ấy cũng có những giá trị thiêng liêng tạo nên sức mạnh của một dân tộc như “đồng bào”, “đồng chí”, “đồng tâm”… và ngược lại là “đồng bọn”, “đồng đảng”, “đồng phạm”… Vì biểu hiện của sức mạnh dân tộc chính là sự đoàn kết của tất cả vì lợi ích chung, còn sự suy vong của dân tộc luôn đi cùng với chia rẽ vì lợi ích bộ phận (mà nay có người dùng là “cục bộ” hay “lợi ích nhóm”)… Bài học ấy đã được người lãnh đạo tối cao cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 tổng kết thành một lời hô hào khích lệ, cũng là lời tiên đoán sáng suốt “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng” (câu thơ của Hồ Chí Minh trên tờ Việt Nam Độc Lập trước ngày cách mạng thành công). |
DƯƠNG TRUNG QUỐC