Đủ thứ rau, củ, quả… Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Tại các chợ đầu mối, nông sản được nhập về hiện nguyên hình là hàng Trung Quốc. Nhưng cũng hàng đó khi đến các chợ lẻ, lập tức nó trở thành… hàng Việt!

Đủ thứ rau, củ, quả… Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Tại các chợ đầu mối, nông sản được nhập về hiện nguyên hình là hàng Trung Quốc. Nhưng cũng hàng đó khi đến các chợ lẻ, lập tức nó trở thành… hàng Việt!

Gừng, hành, tỏi… có xuất xứ từ Trung Quốc nhập về chợ đầu mối với số lượng lớn, thế nhưng khi ra chợ lẻ thì người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là hàng Trung Quốc đâu là hàng Việt – Ảnh: TỰ TRUNG 

Không chỉ khoai tây Trung Quốc đột lốt khoai Đà Lạt, các mặt hàng như bắp cải, bông cải, gừng, tỏi, cà rốt, hành tây… người tiêu dùng cũng đang tù mù thông tin xuất xứ. Dù nhập hàng từ Trung Quốc nhưng không ít người bán vẫn giới thiệu hàng Đà Lạt, Tiền Giang…

 

Tại các chợ đầu mối ở TP.HCM, hàng nông sản Trung Quốc được nhập về ồ ạt. Tuy nhiên khi ra đến chợ lẻ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm hàng Trung Quốc lại vắng bóng. Nhiều tiểu thương bán lẻ một mực khẳng định với khách hàng các loại hành, tỏi, bắp cải, bông cải, quýt, nho… là hàng trong nước, hoặc nhập khẩu từ những nước khác chứ không phải hàng Trung Quốc.

Ùn ùn về chợ đầu mối

Chị Nguyễn Thanh, chủ một vựa gừng, hành, tỏi khô tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM), cho biết hành trong nước hiện nay hầu hết chỉ có hành Vĩnh Châu (Sóc Trăng), tỏi, gừng lấy từ một số tỉnh miền Tây, miền Bắc và Đà Lạt. Tuy nhiên, số lượng này so với hàng Trung Quốc không đáng kể. Hành, tỏi, gừng trong nước chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng hàng, chưa kể còn phụ thuộc mùa vụ.

Tương tự, chủ vựa Hồng T., tại chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết mỗi đêm có tới cả chục tấn hành, gừng, tỏi, cà rốt… nhập từ Trung Quốc được chuyển ra chợ hoặc theo xe về tỉnh. “Hàng Trung Quốc là chính, nói ra làm gì, cứ thế mà bán thôi” – chủ vựa này nói ngắn gọn.

 

Xây dựng quy chuẩn an toàn cho trái táo

UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật TP.HCM cho năm 2013 về an toàn vệ sinh đối với các loại táo – chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn thực phẩm. Theo đó, quy chuẩn này sẽ được áp dụng để thực hiện chứng nhận và công bố hợp quy cho các loại táo. Đối tượng áp dụng là tất cả tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu và kinh doanh các loại táo trên địa bàn TP.HCM, các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo UBND TP.HCM, quy chuẩn quốc gia về mặt hàng táo tại VN hiện nay vẫn chưa được ban hành. Trong khi đó lượng trái cây nhập khẩu vào VN nói chung, TP.HCM nói riêng tương đối lớn, chưa được kiểm soát về dư lượng hóa chất, kim loại nặng và vi sinh vật. Vì thế, quy chuẩn kỹ thuật với táo được ban hành nhằm đảm bảo vệ sinh và an toàn với sức khỏe người sử dụng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ngăn chặn táo nhập khẩu kém chất lượng vào TP.HCM.

Q.THANH

 

Tại chợ đầu mối Bình Điền, các mặt hàng gừng, tỏi, cà chua, bắp cải, bông cải, cải thảo… nhập khẩu từ Trung Quốc kéo về chợ ùn ùn. Mỗi đêm có hàng chục xe container đông lạnh chở cà rốt, khoai tây, bông cải, bắp cải… nhập khẩu từ Trung Quốc tập kết về chợ, xe nào cũng đầy ắp hàng.

Theo ước tính, mỗi đêm có hàng trăm tấn rau củ các loại nhập khẩu từ Trung Quốc được đưa về chợ này, sau đó hàng được chuyển đi tiêu thụ ở các chợ lẻ.

Theo số liệu của ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM), riêng trong đêm 18-6 chợ cho nhập 15 tấn táo Trung Quốc, lê Trung Quốc khoảng 5 tấn. Thông thường trung bình mỗi đêm lượng tỏi Trung Quốc về chợ 15-20 tấn, gừng 5-7 tấn.

Trước đây ước tính mỗi sạp nhập về từ 1-3 tấn nho/đêm để tiêu thụ. Hiện giá táo nhập được niêm yết ở mức 22.000 đồng/kg, lê 23.000 đồng/kg, gừng 20.000 đồng/kg…

Tại chợ Thủ Đức, rất nhiều sạp chuyên buôn hàng trái cây hoặc rau củ Trung Quốc. Đa số hàng được nhập về đóng trong các thùng giấy, thùng xốp hoặc đóng bao. Hàng được vận chuyển đến chợ bằng xe container lạnh với những sạp lớn, hoặc xe tải lạnh với sạp nhỏ.

Tại sạp, các tiểu thương chỉ xếp lên một lượng hàng nhất định. Khi có khách mua, người của sạp sẽ dẫn ra lấy thẳng hàng từ xe xuống.

Xóa nhãn Trung Quốc khi về chợ lẻ

Trong khi tại chợ đầu mối hàng nông sản nhập từ Trung Quốc chiếm tỉ trọng áp đảo thì khi về chợ lẻ “vết tích” để công khai hàng có xuất xứ từ Trung Quốc gần như không có.

Chị Hoàng, thường xuyên mua các loại rau, củ, gừng, tỏi tại các chợ như Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Tân Định (Q.1)… cho biết rất ít khi thấy tiểu thương ghi thông tin gừng, tỏi Trung Quốc. “Nhiều lần đi mua gừng thấy ngoài chợ có loại gừng củ rất to, vỏ vàng, đẹp. Hỏi gừng ở đâu, người bán luôn khẳng định gừng Tiền Giang. Mới đây tôi mới biết những loại gừng như thế là gừng Trung Quốc” – chị Hoàng bức xúc.

Ngay cả các loại bông cải, bắp cải, cải thảo, cà chua… nhiều bà nội trợ cho biết dù đi rất nhiều chợ và siêu thị cũng không mấy khi thấy người bán ghi thông tin xuất xứ hàng. Nếu hỏi, các tiểu thương cũng luôn khẳng định là hàng Đà Lạt, Tiền Giang…

Khảo sát thực tế tại các chợ cho thấy không chỉ các mặt hàng nông sản nói trên bị lập lờ xuất xứ mà còn nhiều mặt hàng khác đã bị người bán hàng thay tên đổi họ. Ông Trần Phương, một đầu mối thường xuyên đánh hàng nông sản Trung Quốc về TP.HCM, cho biết phải đến 90% quýt nhập khẩu về VN là quýt Trung Quốc. Tại chợ đầu mối, quýt đóng trong các thùng xốp, có dán một số thông tin bằng chữ Trung Quốc. Tuy nhiên, các tiểu thương mang về chợ lẻ bán lại xóa hết dấu vết hàng Trung Quốc, sau đó họ khẳng định với người tiêu dùng là “quýt Thái”. Đến nay vẫn rất nhiều người tiêu dùng nhầm tưởng trái quýt nhỏ, có vỏ màu vàng là quýt Thái.

Ngoài ra, theo ông Phương, hành tây Trung Quốc nhập khẩu về tràn ngập chợ đầu mối. Tuy nhiên khi ra chợ bán lẻ, người bán hàng hầu như không thừa nhận đó là hành tây Trung Quốc mà khẳng định là hành tây Đà Lạt. Chưa kể củ hành tím, bắp cải, bông cải, cải thảo là những mặt hàng thường xuyên được nhập về từ Trung Quốc nhưng tại các chợ bán lẻ rất ít tiểu thương khẳng định bán hàng Trung Quốc.

Trong khi đó, các siêu thị đều khẳng định hầu như không kinh doanh hàng nông sản Trung Quốc. Đại diện hệ thống Big C cho biết trước đây một số mặt hàng rau củ, trái cây có nguồn gốc Trung Quốc được đưa vào kinh doanh tại hệ thống. Tuy nhiên, hiện chỉ còn nấm Trung Quốc là mặt hàng thực phẩm tươi duy nhất còn kinh doanh ở mức hạn chế. Đại diện hệ thống Co.op Mart cũng cho biết hiện không kinh doanh mặt hàng rau củ, trái cây có nguồn gốc Trung Quốc.

Ra khỏi thùng là thành hàng Việt!

Theo các đầu mối nhập hàng nông sản Trung Quốc, các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng ăn uống là những nơi tiêu thụ lượng hàng không nhỏ. Chưa kể đặc thù là rau củ tươi sống, bán lẻ số lượng theo yêu cầu của người mua nên các tiểu thương chỉ cần lấy hàng ra khỏi bao, thùng… là có thể giấu nhẹm xuất xứ.

Cũng vì thế, người tiêu dùng khó biết được thông tin xuất xứ của các loại rau củ Trung Quốc.

Ghi nhận quá trình nhập khẩu và tiêu thụ hàng nông sản Trung Quốc cho thấy hàng về khu vực phía Nam theo hai hướng, một là theo xe container, xe tải vận chuyển từ các cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn vào bằng đường bộ, hai là nhập về bằng đường biển qua cảng Cát Lái. Hầu hết đều tập kết tại các chợ đầu mối như Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức…

Tại đây các loại táo, lê, nho, cà rốt, gừng… thường được đóng trong các thùng giấy; quýt, bắp cải, bông cải, cải thảo, cà chua, chanh… đóng trong thùng xốp; hành tây, tỏi, khoai tây… đóng trong các bao tải hoặc nilông… Khối lượng khoảng 10-25kg/thùng, bao.

Các mặt hàng này tại chợ đầu mối hoàn toàn có thể nhận biết xuất xứ do trên thùng xốp, thùng giấy, thậm chí bao tải… có để các thông tin xuất xứ, chữ ghi bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, một số bằng tiếng Việt nhưng vẫn đề xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên, các tiểu thương bán lẻ lấy hàng tại chợ đầu mối, khi về đến chợ đã tháo hàng ra khỏi thùng, bóc bỏ lớp băng dính trên thùng xốp có chữ Trung Quốc, sau đó bán lẻ cho người tiêu dùng với lời giới thiệu là hàng Thái, hàng Đà Lạt…

BẠCH HOÀN – DŨNG TUẤN

 

 

Đủ loại hành, tỏi… nhập từ Trung Quốc

Thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm tháng đầu năm nay kim ngạch nhập khẩu các loại rau quả từ Trung Quốc khoảng 8,58 triệu USD. Tính chung năm tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu nông sản Trung Quốc lên đến 48,87 triệu USD, thấp hơn cùng kỳ năm 2012 khoảng 3,5 triệu USD nhưng cao hơn năm 2011 khoảng 7 triệu USD.

Tại khu vực phía Nam, song song với nguồn hàng được vận chuyển vào bằng đường bộ qua các cửa khẩu khu vực biên giới, hàng còn được nhập về qua đường tàu biển. Tại TP.HCM, cảng Cát Lái là nơi thông quan đa số hàng nông sản nhập khẩu.

Theo hải quan cảng Cát Lái, trong năm 2012 lượng khoai tây nhập khẩu về qua cảng lên đến 8.630 tấn, tỏi hơn 13.000 tấn, gừng hơn 3.000 tấn. Đáng chú ý cà rốt nhập tới 27.159 tấn, táo 37.061 tấn. Trong năm tháng đầu năm nay, dù đã giảm nhưng táo nhập về qua cảng Cát Lái vẫn khoảng 8.450 tấn…