Ngọn lửa của Thánh Thần

Trong buổi cử hành long trọng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được mời gọi tuyên xưng đức tin vào sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần, và kêu cầu Người hiện xuống trên chúng ta, trên Giáo Hội và trên toàn thế giới. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!

 Ngọn lửa của Thánh Thần

Cử hành Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống – Vương cung Thánh đường Vatican – Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, 23/5/2010

Anh chị em thân mến,

Trong buổi cử hành long trọng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được mời gọi tuyên xưng đức tin vào sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần, và kêu cầu Người hiện xuống trên chúng ta, trên Giáo Hội và trên toàn thế giới. Chúng ta hãy dùng chính lời kêu cầu của Giáo Hội để đặc biệt cầu nguyện với Chúa Thánh Thần: Veni, Sancte Spiritus! – Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! -. Một lời nguyện tắt rất đơn giản, nhưng đồng thời lại vô cùng sâu xa, được vọt lên trước tiên từ quả tim của Đức Kitô. Thực thế, Thần Khí là hồng ân mà Đức Giêsu đã cầu xin và không ngừng cầu xin Cha cho bạn hữu của Người; là ân huệ đầu tiên và chính yếu mà Đức Giêsu đã có được khi Người sống lại và lên trời.

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay, với khung cảnh bữa Tiệc Ly, nói với chúng ta về lời kinh này của Đức Kitô. Chúa Giêsu nói với các môn đệ của mình rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, các con sẽ giữ những lệnh truyền của Thầy. Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với các con luôn mãi” (Ga 14,15-16). Ở đây, chúng ta thấy được tâm hồn đang cầu nguyện của Đức Giêsu, tâm hồn hiếu thảo và huynh đệ của Người. Lời kinh này đạt đến đỉnh điểm và được nên trọn trên Thập giá, và trên Thập giá, lời kinh của Đức Kitô chỉ là một với hiến tế trọn vẹn của Người, và như thế, ta có thể nói được rằng lời kinh của Đức Kitô trở nên dấu ấn hiến tế trọn vẹn vì yêu mà Người đã dành cho Chúa Cha và cho nhân loại: lời kinh và ơn ban Thánh Thần đã gặp nhau, trộn lẫn với nhau, trở nên một thực tại duy nhất. “Và Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với các con luôn mãi”. Trong thực tế, lời kinh của Đức Giêsu – lời kinh trong bữa Tiệc ly và lời kinh trên Thánh giá – cũng là một lời kinh trên Thiên đàng, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Chúa Cha. Thực thế, Đức Giêsu luôn sống chức linh mục để bầu cử cho dân Chúa và nhân loại, và như thế, Người cầu nguyện cho tất cả chúng ta, khi Người xin Cha ban Thánh Thần.

Trình thuật về ngày lễ Ngũ Tuần trong Sách Công vụ Tông đồ - mà chúng ta vừa lắng nghe trong bài đọc I (x. Cv 2,1-11) – trình bày “hướng đi mới” trong chương trình của Thiên Chúa được bắt đầu bằng biến cố Đức Kitô sống lại, một chương trình ảnh hưởng trên con người, lịch sử và vũ trụ. Hơi thở thần linh, là Thánh Thần, giờ đây, từ Con Thiên Chúa tử nạn và phục sinh và trở về với Chúa Cha, đã thổi trên nhân loại, với một năng lực phi thường. Và sự thông truyền mới mẻ và quyền năng do chính Chúa thực hiện này sẽ phát sinh điều gì? Nơi đâu có xâu xé và chia rẽ, nơi đó sẽ được Thiên Chúa tạo nên sự hợp nhất và thông cảm. Một tiến trình tái thống nhất đang được thực hiện giữa những bộ phận cấu thành khác nhau của gia đình nhân loại, bị phân ly và chia rẽ; con người lắm khi bị giản lược thành những cá nhân ganh đua hay xung đột với nhau, được Thần Khí của Đức Kitô tác động, sẽ mở rộng tâm hồn trải nghiệm sự hiệp thông, đến độ biến họ thành một cơ cấu mới, một chủ thể mới, đó là Giáo Hội. Và hiệu quả công việc của Thiên Chúa là sự hợp nhất; chính vì thế, hợp nhất là dấu chỉ để nhận ra nhau, là “tấm bưu thiếp” của Giáo Hội dọc suốt lịch phổ quát của mình. Ngay từ lúc khởi đầu, ngay từ ngày lễ Ngũ tuần, Giáo Hội nói mọi ngôn ngữ. Giáo Hội phổ quát dẫn đầu các Giáo Hội địa phương, và các Giáo Hội địa phương phải luôn đi theo Giáo Hội toàn cầu, dựa theo một tiêu chuẩn hợp nhất và phổ quát. Giáo Hội không bao giờ bị giam giữ vào trong những biên giới chính trị, sắc tộc hay văn hoá; Giáo Hội không thể lẫn lộn với các Quốc gia, lại càng không phải hoà lẫn với những Liên bang Quốc gia, bởi vì sự hợp nhất của Giáo Hội thuộc về chủng loại khác, và Giáo Hội khát vọng vượt qua mọi biên giới của con người.

Anh chị em thân mến, từ những suy nghĩ trên ta thấy xuất hiện một tiêu chuẩn thực tiễn để phân định trong đời sống Kitô hữu: đó là, khi một người hay một cộng đoàn khép kín theo lề lối suy nghĩ và hành động riêng của mình, thì đó là dấu hiệu họ đã rời xa Thánh Thần. Con đường Kitô hữu và con đường các Giáo Hội địa phương phải luôn đối chiếu với con đường của Giáo Hội duy nhất và Công giáo, và phải luôn hoà hợp với con đường đó. Điều này không có nghĩa hợp nhất do Thánh Thần tạo nên là một loại chủ nghĩa bình quân. Mà trái lại, đúng hơn, nó có nghĩa là một loại hình tháp Babel, nghĩa là áp đặt một nền văn hoá mà chúng ta có thể gọi là “kỹ thuật”. Thực thế, Sách Thánh cho chúng ta biết (x. St 11,1-9) qua câu chuyện tháp Babel, tất cả chỉ nói một ngôn ngữ. Còn trái lại, trong ngày lễ Ngũ tuần, các Tông đồ nói nhiều thứ tiếng khác nhau khiến cho mỗi người đều hiểu được sứ điệp trong ngôn ngữ địa phương của mình. Sự hợp nhất của Thần Khí được biểu lộ qua nhiều cách hiểu khác nhau. Tự bản tính, Giáo Hội là duy nhất và đa dạng, được Chúa chỉ định để sống với các quốc gia, các dân tộc và trong những bối cảnh xã hội khác biệt nhau. Giáo Hội đáp lại ơn gọi của mình là dấu chỉ và khí cụ hợp nhất cho toàn thể nhân loại (x. Lumen gentium,  -  Ánh sáng muôn dân  -  s. 1), nếu Giáo Hội duy trì được sự tự trị đối với mọi Quốc gia và mọi nền văn hoá riêng biệt. Ở khắp nơi, Giáo Hội phải luôn luôn thực sự là công giáo và phổ quát, là ngôi nhà của mọi người, mà nơi đó, mọi người có thể gặp lại nhau.

Trình thuật trong Sách Công vụ Tông đồ cũng đưa ra cho chúng ta một điểm khởi hành khác rất cụ thể. Phổ quát tính của Giáo Hội được diễn tả theo bảng liệt kê những dân tộc dựa theo truyền thống cổ xưa: «Parthes, Mêđia và Êlamit…». Ta có thể ghi nhận Thánh Luca còn vượt qua cả con số 12 là con số diễn tả phổ quát tính. Thánh sử nhìn qua bên kia chân trời châu Á và tây bắc châu Phi, và Thánh sử còn kể thêm ba yếu tố khác nữa: «Người Rôma», nghĩa là thế giới Tây phương; «Người Do Thái và những tân tòng», bao gồm một cách mới mẻ sự hợp nhất giữa Israel và thế giới; và cuối cùng, «những người Crêta và Ả Rập», tượng trưng cho Tây phương và Đông phương, hải đảo và đất liền. Sự mở rộng những chân trời này sẽ xác định tính mới mẻ của Đức Kitô trong chiều kích không gian của con người, của lịch sử các dân tộc: Thánh Thần bao hàm những con người và những dân tộc, và qua họ, Người vượt qua những bức tường và những rào cản.

Vào ngày lễ Ngũ tuần, Thánh Thần biểu hiện qua một ngọn lửa. Ngọn lửa đậu xuống trên các môn đệ đang tụ họp, ngọn lửa thắp sáng trong lòng họ và mang lại cho họ một niềm hăng say mới để phục vụ Thiên Chúa. Như thế, đã ứng nghiệm điều Chúa Giêsu tiên báo: «Thầy đã đến đem lửa xuống trần gian, và Thầy đã mong cho lửa ấy cháy lên biết bao» (Lc 12,49). Các Tông đồ, cùng với các tín hữu thuộc các cộng đoàn khác nhau, đã mang ngọn lửa thần linh này đến tận chân trời góc biển; như thế, họ đã mở ra một con đường cho nhân loại, một con đường sáng chói, và họ đã cộng tác với Thiên Chúa, Đấng nhờ ngọn lửa của mình, muốn canh tân bộ mặt trái đất. Ngọn lửa này khác hẳn với chiến tranh và bom đạn! Ngọn lửa của Đức Kitô, do Giáo Hội làm lan toả, thì khác xa biết bao, nếu ta so sánh với những ngọn lửa do những nhà độc tài thuộc mọi thời đại cho đến thế kỷ vừa qua đốt lên, và để lại sau họ một vùng đất bị thiêu rụi. Lửa của Thiên Chúa, lửa của Thánh Thần, là lửa của bụi gai cháy rực nhưng không hề bị thiêu rụi (x. Xh 3,2). Đây là một ngọn lửa rực cháy, nhưng không phá huỷ; mà trái lại, khi bừng lên, ngọn lửa ấy làm xuất hiện phần tốt đẹp nhất của con người, và là phần thực nhất; và giống như trong sự nóng chảy, ngọn lửa ấy làm xuất hiện hình thái nội tâm và ơn gọi của con người là phục vụ chân lý và tình yêu.

Giáo phụ Origène, qua một trong những bài giảng của mình về Tiên tri Giêrêmia, đã nhắc lại một lời nói được cho là của Đức Giêsu mà ta không thấy được ghi chép trong Sách Thánh, nhưng có thể đó là lời của Chúa, lời nói đó như sau: «Ai ở bên cạnh Ta là ở gần ngọn lửa» (Bài giảng về Giêrêmia l. I III). Quả thực, trong Đức Kitô, Thiên Chúa hiện diện một cách sung mãn, và sự hiện diện này được Sách Thánh so sánh như một ngọn lửa. Chúng ta vừa ghi nhận là trong Sách Thánh, lửa Thánh Thần đốt cháy nhưng không thiêu rụi. Tuy nhiên, ngọn lửa này thể hiện một sự biến đổi, và để được thế, ngọn lửa này phải thiêu huỷ một cái gì đó trong con người chúng ta, đó là những cặn bã làm hư hỏng con người, và ngăn cản nó trong những tương giao với Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng tác dụng của ngọn lửa thần linh này làm chúng ta hoảng sợ, chúng ta sợ mình bị đốt cháy, và chúng ta muốn ở nguyên trạng hơn. Vì chúng ta lệ thuộc vào sự kiện là rất lắm khi, cuộc đời của chúng ta được tổ chức theo một luận lý có, luận lý chiếm hữu, chứ không theo luận lý trao ban bản thân mình. Nhiều người tin vào Thiên Chúa, và thán phục dung mạo của Đức Giêsu Kitô, nhưng khi họ được yêu cầu đánh mất một cái gì đó của mình, thì họ thối lui, họ sợ những đòi hỏi của đức tin. Người ta sợ bổn phận phải từ bỏ một cái gì đó đẹp đẽ mà mình đang quyến luyến; sợ rằng đi theo Đức Kitô sẽ bị tước mất tự do, tước mất đi một vài kinh nghiệm nào đó, tước mất đi một phần của chúng ta. Một mặt, chúng ta muốn ở với Đức Giêsu, muốn dõi bước theo Người gần hơn, nhưng mặt khác, chúng ta lại sợ những hậu quả kéo theo.

Anh chị em thân mến, chúng ta cần phải nghe điều Chúa Giêsu vẫn thường nói với các bạn hữu của mình: «Đừng sợ». Cũng như Simon Phêrô và các môn đệ khác, chúng ta phải để cho sự hiện diện và ân sủng của Người biến đổi tâm hồn luôn bị tác động bởi những yếu đuối của con người chúng ta. Chúng ta cần nhận ra rằng đánh mất một cái gì đó, ngay cả đánh mất chính mình cho Thiên Chúa thực, cho Thiên Chúa tình yêu và sự sống, thì trong thực tế, chính là chiến thắng, chính là tìm lại được chính mình một cách sung mãn hơn. Ai phó thác vào Đức Giêsu thì cảm nghiệm được trong cuộc sống bình an và niềm vui tâm hồn mà thế gian không ban tặng được, cũng như không thể tước mất của chúng ta những điều Thiên Chúa đã ban tặng. Do đó, chúng ta phải cố gắng để cho ngọn lửa Thánh Thần tác động trên chúng ta! Sự đau đớn Người gửi đến thì cần để cho chúng ta được biến đổi. Đó chính là thực tế của Thánh giá: chẳng phải là không có ý nghĩa khi «lửa» trong ngôn ngữ của Đức Giêsu biểu thị cho mầu nhiệm Thập giá, mà không có mầu nhiệm Thập giá, thì cũng chẳng có Kitô giáo. Chính vì thế, được lời ban sự sống soi sáng và uỷ lạo, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đốt lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu Chúa! Chúng ta biết rằng đây là một lời kinh thực táo bạo, vì qua lời kinh này, chúng ta cầu xin lửa của Chúa tác động trên chúng ta; nhưng nhất là chúng ta biết rằng ngọn lửa này – và chỉ ngọn lửa này thôi – mới có quyền cứu thoát chúng ta. Chúng ta không muốn, để bảo vệ đời mình, chúng ta lại đánh mất đi sự sống đời đời mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta. Chúng ta cần ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, bởi vì chỉ có Tình Yêu mới cứu chuộc chúng ta. Amen.