Dấu Thánh giá và Danh Thiên Chúa

Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi Cực Thánh hôm nay, một cách nào đó, tóm tắt sự mạc khải của Thiên Chúa trong mầu nhiệm phục sinh; Đức Kitô chết và sống lại, Người về trời ngự bên hữu Chúa Cha và đổ tràn Thánh Thần. Tâm trí và ngôn ngữ con người không thích hợp để cắt nghĩa mối tương giao hiện có giữa Cha, Con và Thánh Thần, thế nhưng, các Giáo phụ đã tìm cách minh hoạ mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, bằng cách sống mầu nhiệm này với một niềm tin sâu xa vào đời sống Chúa Ba Ngôi.

 Dấu Thánh giá và Danh Thiên Chúa

Kinh Truyền TinQuảng trường Thánh Phêrô – Chúa Nhật IX TN Lễ Chúa Ba Ngôi, 30/5/2010

Anh chị em thân mến!

Sau Mùa Phục Sinh được kết thúc với Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống vừa qua, phụng vụ lại quay về “mùa Quanh Năm”. Nhưng điều này không có nghĩa là sự dấn thân của Kitô hữu giảm dần xuống. Mà trái lại, một khi bước vào đời sống thần linh qua các Bí tích, chúng ta được mời gọi mỗi ngày đều mở rộng tâm hồn đón nhận Ơn Chúa tác động, để lớn lên trong tình yêu đối với Chúa và tha nhân. Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi Cực Thánh hôm nay, một cách nào đó, tóm tắt sự mạc khải của Thiên Chúa trong mầu nhiệm phục sinh; Đức Kitô chết và sống lại, Người về trời ngự bên hữu Chúa Cha và đổ tràn Thánh Thần. Tâm trí và ngôn ngữ con người không thích hợp để cắt nghĩa mối tương giao hiện có giữa Cha, Con và Thánh Thần, thế nhưng, các Giáo phụ đã tìm cách minh hoạ mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, bằng cách sống mầu nhiệm này với một niềm tin sâu xa vào đời sống Chúa Ba Ngôi.

Thực thế, Chúa Ba Ngôi đến ở với chúng ta ngày chúng ta được rửa tội: “Ta rửa con – thừa tác viên nói – nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Cứ mỗi lần chúng ta làm dấu Thánh giá trên mình, chúng ta nhắc lại Danh Chúa, mà qua đó, chúng ta được rửa tội. Nhà thần học Romano Guardini ghi nhận về dấu Thánh giá như sau: “Chúng ta làm dấu Thánh giá trước khi đọc kinh, để… chúng ta có thể đặt mình cách thiêng liêng trong trật tự; đặt trí tưởng tượng, tâm hồn và ý chí vào trọng tâm là Thiên Chúa; sau khi đọc kinh, để cho những gì Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta có thể ở lại trong tâm hồn… Dấu Thánh giá ôm trọn cả hữu thể, xác và hồn,… và tất cả đều được thánh hiến cho Danh Chúa Ba Ngôi” (Lo spirito della liturgia. I santi segni, Brescia 2000, 125-126).

Như thế, chúng ta tìm thấy trong dấu Thánh giá và trong Danh Thiên Chúa hằng sống lời loan báo làm nảy sinh đức tin và gợi cảm hứng cho lời cầu nguyện. Và cũng như Tin Mừng của Đức Giêsu hứa cho các Tông đồ rằng “khi nào Thần Chân Lý đến, Người sẽ cho anh em biết tất cả sự thực” (Ga 16, 13), thì cũng xảy ra như thế trong phụng vụ Chúa Nhật, khi các linh mục phân phát hàng tuần bánh Lời Chúa và bánh Thánh Thể. Thánh Quản xứ Ars cũng nhắc lại điều này cho giáo dân của mình: “Ai đã đón tiếp linh hồn anh chị em? – Thánh nhân hỏi  - , khi anh chị em bước vào đời? Linh mục. Ai nuôi dưỡng linh hồn anh chị em, và mang lại cho linh hồn sức mạnh để tiến bước trên cuộc hành trình dương gian? Linh mục. Ai chuẩn bị cho linh hồn anh chị em ra trình diện trước toà Chúa, bằng cách rửa linh hồn anh chị em lần cuối cùng trong máu Đức Giêsu Kitô? Linh mục, vẫn luôn luôn là linh mục” (Thư triệu tập Năm Linh mục).

Các bạn thân mến, chúng ta hãy dùng lời kinh của Thánh Hilariô de Poitiers để cầu nguyện: “Xin hãy giữ đức tin con được ngay thẳng, và xin cũng hãy ban cho con, cho đến hơi thở cuối, tiếng nói lương tâm, để con luôn sống trung thành với điều con đã tuyên hứa trong ngày được tái sinh, khi con được rửa tội trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Về Chúa Ba Ngôi, XII, 57, CCL 62/A, 627). Khi kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc, là thụ tạo đầu tiên được Chúa Ba Ngôi cư ngụ một cách sung mãn, chúng ta hãy cầu xin Mẹ phù hộ, để chúng ta có thể tiếp tục cuộc lữ hành trần thế một cách tốt đẹp.