Bắp sú được mùa, nông dân lỗ nặng

Các bắp sú bị nứt đôi do quá vụ nhưng người dân chẳng buồn thu hoạch. Ông Hồ Kim Ánh cho biết mới bán được 8.000 bắp sú với giá 1.000 đồng/bắp. “Dù lỗ nhưng còn may bởi bán được. Khu này có người trồng mấy chục nghìn gốc mà không bán được”

 Bắp sú được mùa, nông dân lỗ nặng

Nông dân ở các huyện Đơn Dương, Lạc Dương và TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang như “ngồi trên lửa” vì hàng ngàn hecta sú (một loại bắp cải) đến vụ thu hoạch mà không tìm được người mua.

 

Thời điểm này nông dân Lâm Đồng phải năn nỉ thì chủ vựa mới chịu mua bắp sú với giá rẻ hoặc nhận ký gửi - Ảnh: Mai Vinh

 

Khu vực phường 7 (Đà Lạt) có 90ha đất nông nghiệp nhưng hiện tại có hơn 20ha trồng sú. Đến làng rau Phước Thành (P.7, Đà Lạt) thời điểm này sẽ thấy một khung cảnh đìu hiu khắp các khu vườn. Các bắp sú bị nứt đôi do quá vụ nhưng người dân chẳng buồn thu hoạch. Ông Hồ Kim Ánh cho biết mới bán được 8.000 bắp sú với giá 1.000 đồng/bắp. “Dù lỗ nhưng còn may bởi bán được. Khu này có người trồng mấy chục nghìn gốc mà không bán được”.

Nếu không tính tiền nhân công thì chi phí đầu tư một bắp sú đến kỳ thu hoạch là 2.000 đồng. Như vậy ông Ánh lỗ 1.000 đồng/bắp. Ông Nguyễn Xuân, cạnh nhà ông Ánh, đang hồi hộp vì nếu trong 20 ngày nữa không có người tới mua thì ông chỉ còn cách cho máy cày băm nát sú thành phân xanh làm tốt đất chuẩn bị cho vụ rau tới. Đến thời điểm này, ông Xuân chắc chắn mất trắng 7.000 bắp sú vì đã nở toác ra, không thể bán được.

Ông Đỗ Văn Gênh, quản lý việc thu mua tại vựa rau Tường Vy – 18A Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP Đà Lạt, cho biết hiện tại vựa này và nhiều vựa khác trên địa bàn tỉnh đã ngưng thu mua sú để giải quyết cho hết lượng hàng xuất khẩu mà cách đây hai tháng thương lái đặt mua với giá 5.000 đồng/bắp. Để giải quyết cho một số nông dân làm ăn lâu năm, các thương lái “gợi ý” người dân ký gửi vào kho lạnh, khi nào bán được thì thanh toán, nhưng không cam kết sẽ bán được nhanh. Hiện kho của ông Gênh đã nhận hơn 10.000 bắp sú ký gửi.

Lý giải việc nhiều nông dân trồng sú liên tiếp thua lỗ trong nhiều vụ, bà Lê Thị Bé – trưởng Phòng nông nghiệp huyện Đơn Dương – cho biết tại Lâm Đồng các loại rau được trồng luân phiên và không đồng loạt, cứ đất trống là gieo trồng. May mắn mùa thu hoạch trúng thời điểm thị trường khan hàng hoặc lúc các thương lái làm hợp đồng chuẩn bị xuất khẩu thì được giá cao. Mùa thu hoạch rơi vào thời điểm thị trường bị ứ đọng hàng thì lỗ. “Chúng tôi muốn khuyến cáo nông dân cũng không dám vì thiếu thông tin dự báo về thị trường. Chẳng hạn sắp tới thị trường cần bao nhiêu tấn rau, thiếu loại rau nào, khu vực nào đang trồng nhiều loại rau gì… Không chỉ riêng bắp sú mà với tất cả loại rau có thể dễ dàng lâm vào cảnh rớt giá chỉ trong thời gian ngắn”.