VN còn yếu kém trong bảo vệ động vật hoang dã

Theo báo cáo của Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), Việt Nam là một trong ba quốc gia tỏ ra kém hiệu quả nhất thế giới trong việc ngăn chặn nạn buôn bán bộ phận động vật hoang dã.

 

VN còn yếu kém trong bảo vệ động vật hoang dã

 

Theo báo cáo của Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), Việt Nam là một trong ba quốc gia tỏ ra kém hiệu quả nhất thế giới trong việc ngăn chặn nạn buôn bán bộ phận động vật hoang dã.

 

 

 

Tê giác trắng trong vườn thú Tanzania – Ảnh: thepromota.co.uk

 

 

Tê giác Nam Phi đang bị tận diệt để lấy sừng – Ảnh: National Geographic

 

Báo cáo cho biết WWF đã khảo sát tại 23 quốc gia ở châu Âu và châu Á, nơi hoạt động buôn bán ngà voi, sừng tê giác và xương hổ diễn ra sôi động nhất. Đó là những địa chỉ về nguồn cung cấp, điểm trung chuyển và điểm đến của ngà voi, sừng tê giác và xương hổ. Ở từng nước khảo sát, WWF cho điểm xanh, vàng và đỏ với từng động vật trên.

 

Các chuyên gia WWF nhấn mạnh tội ác đối với tự nhiên không chỉ đe dọa các loài sinh vật này mà còn là một nguy cơ lớn đối với con người bởi nó đe dọa sự đa dạng sinh học. Tội ác này còn là mối đe dọa đối với sự ổn định quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Dấu xanh là có tiến bộ, dấu vàng là thất bại một phần và dấu đỏ là thất bại toàn diện. WWF đánh hai dấu đỏ đối với Việt Nam, Lào và Mozambique. Điều đó có nghĩa đây là ba quốc gia bị đánh giá yếu kém nhất trong việc chống lại nạn buôn bán bộ phận động vật hoang dã. Việt Nam có hai dấu đỏ đối với tê giác và hổ.

 

Theo WWF, Việt Nam là quốc gia khách hàng lớn nhất của sừng tê giác.
“Đã đến lúc Việt Nam phải đối mặt với sự thật là việc tiêu thụ sừng tê giác bất hợp pháp ở quốc gia mình đang thổi bùng cơn sốt săn tê giác có nguy cơ tuyệt chủng ở châu Phi – báo cáo dẫn lời chuyên gia Elisabeth McLellan, giám đốc Chương trình Sinh vật toàn cầu của WWF – Việt Nam cần phải chống lại nạn buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp. Chính phủ Việt Nam cần gia tăng mức phạt đối với hành vi buôn bán sừng tê giác, triệt phá thị trường bán lẻ, trong đó có hành vi quảng cáo sừng tê giác qua mạng Internet”.
Trong năm 2011, có tới 448 tê giác Nam Phi bị sát hại để lấy sừng. Một con số kỷ lục! Tính từ đầu năm 2012 đến nay, Nam Phi đã mất thêm 262 con tê giác. Theo WWF, Mozambique đã thất bại trong việc ngăn chặn công dân nước mình săn tê giác ở Nam Phi và cũng không kiểm soát được hoạt động buôn bán ngà voi.
WWF ghi nhận Việt Nam đã nhiều lần thu giữ sừng tê giác từ buôn bán bất hợp pháp trong giai đoạn 2004-2008, nhưng từ đó đến nay chưa thực hiện được đợt thu giữ nào đáng kể. WWF cho rằng Chính phủ Việt Nam cần đưa ra các quy định pháp luật tập trung vào việc ngăn chặn buôn bán sừng tê giác, đồng thời xóa bỏ những lỗ hổng pháp lý đang tạo điều kiện cho việc buôn bán và tiêu thụ này phát triển mạnh. Chính phủ Việt Nam cũng cần có những biện pháp giám sát những kẻ từng bị phát hiện mua bán hoặc tiêu thụ sừng tê giác. Chuyên gia WWF Wendy Elliott cho biết nhu cầu sừng tê giác ở Việt Nam xuất phát từ tin đồn vô căn cứ là sừng tê giác có thể giúp trị bệnh ung thư. Trên thực tế, các nghiên cứu khoa học đều cho thấy sừng tê giác không hề có công dụng này.
WWF cũng đánh giá Việt Nam là chưa công bố được rõ ràng các biện pháp để tuân thủ quy định cấm nuôi hổ vì mục đích y tế.
Về voi, Việt Nam nhận một dấu vàng. Theo WWF, Việt Nam chủ yếu là điểm trung chuyển ngà voi từ châu Phi sang Trung Quốc. Tuy ghi nhận Việt Nam đã có một số tiến bộ, trong đó có việc thu giữ hơn 10.000kg ngà voi từ năm 2009-2011, nhưng theo WWF, các quy định pháp lý về việc cấm buôn bán ngà voi của Việt Nam vẫn còn khá sơ sài.
Hằng năm, có hàng chục ngàn voi châu Phi bị sát hại lấy ngà để tiêu thụ ở Trung Quốc và Thái Lan, hai quốc gia khách hàng lớn nhất. “Dòng ngà voi lớn đổ về Trung Quốc cho thấy ngà voi bất hợp pháp đã len lỏi vào thị trường buôn bán hợp pháp” – WWF nhấn mạnh.
“Vấn đề hiện tại là làm sao siết chặt các quy định pháp luật này để ngăn chặn hành vi buôn bán bất hợp pháp một cách hiệu quả” – chuyên gia WWF Elliott nhấn mạnh.
WWF khẳng định có nhiều dấu hiệu cho thấy các băng đảng tội phạm có tổ chức quốc tế đang tham gia hoạt động buôn bán bất hợp pháp bộ phận động vật hoang dã.