Nỗi niềm “thợ dạy”

”Cô ơi, mấy mươi năm đất nước thống nhất, sao chuyện người không yêu người ngày càng có vẻ nhiều lên vậy?”

 Nỗi niềm “thợ dạy”

“Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người yêu người, sống để yêu nhau” – đó là câu thơ mà tôi thích nhất của Tố Hữu khi còn là học sinh. Bây giờ, thỏa được ước nguyện đứng trên bục giảng để truyền lại cho các em học sinh, tôi vẫn giảng hai câu ấy với tràn đầy cảm xúc.

Thế nhưng trong những năm gần đây, tôi đã nhiều lần lúng túng trước những câu hỏi của các cô cậu học trò khi hào hứng giảng về hai chữ “tình người” trong hai câu thơ trên. Không lấy đâu xa, các em đem những chuyện mắt thấy tai nghe, những chuyện đọc được trên những tờ báo nghiêm túc để hỏi. Như mới đây một em đã hỏi tôi rằng: ”Cô ơi, mấy mươi năm đất nước thống nhất, sao chuyện người không yêu người ngày càng có vẻ nhiều lên vậy?”. Em dẫn chuyện một viên thuốc giá chỉ từ chục ngàn đồng, nhưng khi đến tay người bệnh nghèo thì đến 60.000-70.000 đồng. Không thể giải thích với các em một cách đơn giản như ngày xưa thầy cô của tôi vẫn nói: do bọn tư thương! Bây giờ ai cũng biết mỗi mình “bọn tư thương” thì làm được gì, nếu không được tiếp tay bởi những cán bộ biến chất. Hay nữa, các em đem chuyện ông cán bộ này, bà cán bộ kia khi lên báo, lên tivi thì luôn vì người nghèo, nhưng cuộc sống sao có khoảng cách quá xa so với những người nông dân, công nhân? Như thế thì đâu phải “người yêu người sống để yêu nhau”…

Là người lớn, tôi hiểu những điều các em hỏi là không thể có trong cuộc sống. Nhưng làm sao có thể nói với các em sự trần trụi của cuộc sống. Thật đáng quý vì các em cũng còn băn khoăn khi thấy những khoảng cách của các bài văn, bài thơ đẹp ngày càng xa với thực tế cuộc sống. Chúng tôi – những thầy cô giáo – phải làm gì đây? Bịt mắt các em cũng không được, mà nói huỵch toẹt cũng không được.

Tôi kể một chuyện như thế để thấy rằng bây giờ muốn làm một người giáo viên đúng nghĩa thật khó.

Vậy mà tại một cuộc hội thảo bàn về chất lượng giáo viên phổ thông hiện nay diễn ra hồi giữa tuần, một vị giáo sư đã bảo giáo viên bây giờ chỉ là “thợ dạy”! Xung quanh hai chữ “thợ dạy” này, mấy hôm nay giới gõ đầu trẻ bàn tán dữ lắm. Người thì cay nghiệt bảo: Nói thế là quá đúng. Và thử hỏi ở nước mình bây giờ có ai không phải là thợ. Học sinh là “thợ học”, giáo sư là “thợ nghiên cứu” vì có mấy công trình ích nước lợi dân đâu…, nên giáo viên là “thợ dạy” cũng chuyện bình thường! Nhưng cũng có người không chịu, bảo rằng vẫn còn không ít giáo viên xứng đáng với nghiệp “trồng người”, đừng quơ đũa cả nắm.

Theo dõi nội dung của cuộc hội thảo, một lần nữa lại thấy câu chuyện giáo dục nước ta bây giờ đúng nghĩa là một cuộn chỉ rối, chẳng biết đâu là mối để gỡ. Nhưng nói gì thì nói, bất cứ cuộc hội thảo nào rồi cũng có nói về chuyện thu nhập của giáo viên. Người ta bảo thầy chỉ ra thầy khi đừng loay hoay vì cơm áo gạo tiền. Nhưng chuyện thu nhập của nhà giáo là một câu chuyện vào loại “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nó không chỉ nhàm mà còn khiến giới giáo viên dị ứng, bởi cho dù có là “thợ dạy” đi nữa, chúng tôi cũng có lòng tự trọng, không muốn mình cứ bị bêu lên mặt báo mãi vì… cái miếng ăn.

Có làm được gì thì làm, xin đừng nói; có bàn gì thì bàn, xin né giùm hai chữ “tiền lương”. Đó là tâm sự thật lòng của giới “thợ dạy” chúng tôi vậy.