Kiệt sức nghề nghiệp và cách hoá giải

Cuộc sống của mỗi chúng ta được hình thành và phát triển qua những mối liên hệ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó không thể không kể đến mối liên hệ của mỗi chúng ta với nghề nghiệp của mình. Khi mối liên hệ này không tốt đẹp, thuận lợi, sẽ tạo ra những khó khăn, cản trở sự thăng tiến của chúng ta và có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức về mặt tinh thần vì nghề nghiệp. Những số liệu mới nhất cho thấy số người rơi vào tình trạng kiệt sức nghề nghiệp ngày càng gia tăng.

 

KIỆT SỨC NGHỀ NGHIỆP VÀ CÁCH HOÁ GIẢI
Cuộc sống của mỗi chúng ta được hình thành và phát triển qua những mối liên hệ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó không thể không kể đến mối liên hệ của mỗi chúng ta với nghề nghiệp của mình. Khi mối liên hệ này không tốt đẹp, thuận lợi, sẽ tạo ra những khó khăn, cản trở sự thăng tiến của chúng ta và có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức về mặt tinh thần vì nghề nghiệp. Những số liệu mới nhất cho thấy số người rơi vào tình trạng kiệt sức nghề nghiệp ngày càng gia tăng. Do đó, trong giới hạn của bài này, sau khi đưa ra định nghĩa về từ ngữ, chúng tôi sẽ bàn tới các biểu hiện và quy trình diễn tiến của tình trạng kiệt sức nghề nghiệp cũng như những yếu tố ảnh hưởng, cuối cùng là một vài đề nghị về cách phòng ngừa và hóa giải chứng kiệt sức này.
1.      Kiệt sức nghề nghiệp và sự căng thẳng
1.1.      Định nghĩa
Từ ngữ “kiệt sức nghề nghiệp – burnout” trong lãnh vực tâm lý xuất hiện và mang ý nghĩa chuyên biệt vào thập niên 70 tại Hoa Kỳ trong bối cảnh của những người làm về dịch vụ trực tiếp giúp người như bác sĩ, tâm lý gia, nhân viên ý tế xã hội…
“Kiệt sức nghề nghiệp” là một trạng thái kiệt sức, cạn kiệt hoàn toàn các nguồn sinh lực, sự kéo dài liên lỉ của 3 yếu tố: kiệt quệ tình cảm, rã rượi thể lý, buông xuôi ý chí. Tình trạng kiệt sức này xuất hiện khi một người cảm thấy choáng ngợp, áp đảo đến suy sụp và không thể đáp ứng những đòi hỏi liên tục của công việc. Họ bắt đầu mất dần sự thích thú và động lực của công việc, niềm đam mê nghề nghiệp bị tan biến, cảm giác không được đón nhận và tưởng thưởng đúng như nghề nghiệp chuyên môn. Chứng kiệt sức nghề nghiệp sẽ làm cho người rơi vào tình trạng này cảm thấy mình bị khống chế năng xuất làm việc, sinh lực bị bào mòn, cảm nghĩ mình vô dụng, vô vọng, hoài nghi và sự bực bội ngày càng gia tăng. Họ cảm thấy mình chẳng có gì đáng để dấn thân và trao tặng.
1.2. Sự khác biệt giữa căng thẳng- stress và tình trạng kiệt sức nghề nghiệp
Kiệt sức nghề nghiệp có thể là một sự căng thẳng kéo dài liên lỉ, nhưng không phải là một tình trạng căng thẳng nặng. Sự căng thẳng nặng (stress) liên quan đến cái gọi là “quá nhiều”: quá nhiều áp lực đòi hỏi về thể lý cũng như tâm lý. Người bị căng thẳng vẫn có thể tưởng tượng, suy nghĩ, nếu người đó có thể điều khiển và sắp xếp lại những đòi hỏi và họ sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Chứng kiệt sức nghề nghiệp liên quan đến cái gọi là “không đủ”. Người bị kiệt sức nghề nghiệp cảm thấy trống rỗng, mất hết động cơ và nghị lực. Người trải nghiệm chứng kiệt sức nghề nghiệp thường mất hết hy vọng và không tin tưởng bất cứ sự thay đổi tích cực nào cho bản thân cũng như hoàn cảnh. Nếu căng thẳng quá mức giống như bị nhấn chìm trong trách nhiệm thì kiệt sức nghề nghiệp lại giống như tình trạng cạn kiệt. Điểm khác biệt nữa giữa căng thẳng và kiệt sức nghề nghiệp là khi một người bị căng thẳng thì họ luôn lưu tâm rằng họ đang rất căng thẳng nhưng khi bị biệt kiệt quệ nghề nghiệp thì họ sẽ không thường đề cập đến nó.
Căng thẳng
Kiệt sức nghề nghiệp
Đặc trưng là có liên quan quá mức
Đặc trưng là không liên quan
Xúc cảm quá mức
Xúc cảm tê liệt
Tạo nên sự cấp bách và quá hiếu động
Tạo nên sự vô dụng và vô vọng
Mất năng lực
Mất động cơ, lý tưởng, và hy vọng
Dẫn đến rối nhiễu lo âu
Dẫn đến sự thờ ơ và trầm cảm
Thiệt hại trước hết về thể lý
Thiệt hại trước tiên về cảm xúc
Có thể kết kiễu cuộc đời quá sớm
Có thể làm cho đời dường như vô giá trị
2. Những biểu hiện, quy trình và nguyên nhân của chứng kiệt sức nghề nghiệp
2.1. Những biểu hiện
Kiệt sức nghề nghiệp là một tiến trình tiệm tiến trong thời gian dài. Nó không diễn ra một sớm một chiều mà áp đảo chủ thể nếu như họ không nhận ra những dấu hiệu báo động về chứng kiệt sức này. Những dấu hiệu và triệu chứng của chứng kiệt sức nghề nghiệp mới đầu không rõ ràng nhưng ngày càng tệ hại hơn.
Những biểu hiện thể lý
        Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và kiệt quệ.
        Sức đề kháng giảm và cảm thấy đau ốm thường xuyên hơn.
        Thường nhức đầu, đau lưng, đau toàn thân.
        Thay đổi khẩu vị, trọng lượng hoặc cả hai.
        Thay đổi giờ ngủ.
Những biểu hiện cảm xúc
        Mặc cảm thất vọng, nghi ngờ bản thân.
        Cảm thấy vô dụng, chôn chặt, và vỡ mộng.
        Thờ ơ mọi sự, cảm giác lạc lõng.
        Không còn động cơ, luôn hoài nghi yếm thế, nhìn mọi sự cách tiêu cực.
        Niềm vui thích và ước muốn thành toàn giảm dần và tan biến.
        Dễ cáu kỉnh, bẳn gắt.
        Mất hết hứng thú đối với công việc mình đã từng yêu thích và gắn bó đeo đuổi trong sự nghiệp.
Những biểu hiệnhành vi
        Trốn tránh trách nhiệm.
        Tự cô lập mình.
        Trì hoãn hoặc kéo dài thời hạn làm việc.
        Tìm hướng giải quyết bằng việc ăn uống, hút sách, nhậu nhẹt.
        Chểnh mảng đối với công việc, đi trễ về sớm.
        Xa lánh bạn bè, gia đình và những người thân.
2.2. Quy trình diễn tiến
Có 2 yếu tố góp phần vào chứng kiệt sức nghề nghiệp là nhân cách của một người và sự kiềm chế của môi trường làm việc. Môi trường ở đây bao gồm con người và những gì liên quan đến công việc dịch vụ trợ giúp người. Chứng kiệt sức nghề nghiệp xuất hiện khi tương quan giữa 2 yếu tố đó hoạt động bất nhất, mâu thuẫn nhau. Kiệt sức nghề nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng, niềm vui thích công việc, sự tác nghiệp và quy trình tiếp diễn qua việc phản ứng, lún sâu hơn đến những giai đoạn cuối của chứng kiệt sức nghề nghiệp nếu họ không can thiệp phá vỡ quy trình. Chìa khóa để hiểu được chứng kiệt sức nghề nghiệp dựa trên sự thật này là thời điểm một người kết thúc tình trạng kiệt sức nghề nghiệp của mình tùy thuộc vào chính bản thân họ. Chứng kiệt sức nghề nghiệp là hiện tượng của cá nhân mang tính chủ thể. Vì mỗi chúng ta phản ứng khác nhau đối với cùng một tác nhân nghề nghiệp kích thích, do đó dù là người rất thành đạt cũng có thể rơi vào chứng kiệt sức nghề nghiệp.
Tiến trình kiệt sức nghề nghiệp diễn ra nơi một người như sau:
Ø Tự tạo áp lực phải tự khẳng định mình.
Ø Tăng tốc lực làm việc để khẳng định mình.
Ø Lãnh đạm trước những nhu cầu của người khác.
Ø Chuyển đổi những mâu thuẫn.
Ø Đặt lại vấn đề với các giá trị.
Ø Phủ nhận những vấn đề cấp thiết.
Ø Thoái lui, cô lập.
Ø Thay đổi hành vi rõ rệt (theo hướng tiêu cực).
Ø Đánh mất nhân cách- vong thân.
Ø Suy nhược, trầm cảm, vô vọng, lập dị.
Ø Kiệt sức nghề nghiệp.
2.3. Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến chứng kiệt sức nghề nghiệp là do chủ thể bận rộn với công việc lo cho người khác rồi sao nhãng sức khỏe tinh thần, thể lý và xúc cảm của mình. Ngoài ra còn có những yếu tố khác như lối sống, những điểm đặc trưng của nhân cách, nhân sinh quan và thế giới quan của mỗi người cũng là những yếu tố ảnh hưởng hay trực tiếp gây ra chứng kiệt sức nghề nghiệp
Nguyên nhân dẫn đến chứng kiệt sức nghề nghiệp của một người trợ giúp người khác cụ thể là :
Môi trường làm việc
        Cảm giác công việc vượt quá khả năng và không làm chủ được tình thế.
        Thiếu sự quan tâm hay khen thưởng cho những thành công.
        Mong ước, đòi hỏi không thực tế, không khả thi hay vượt quá thực lực.
        Những đòi hỏi không rõ ràng hoặc vô lý.
        Làm mãi công việc nhàm chán, không có thách thức.
        Làm trong môi trường lộn xộn hoặc áp lực quá cao.
Lối sống
        Làm việc quá sức, không có thời gian để thư giãn và tương quan xã hội.
        Bị kỳ vọng quá nhiều – làm mọi sự cho nhiều người.
        Không đóng đúng vài trò của mình .
        Quá nhiều bổn phận và trách nhiệm nhưng không được sự trợ giúp của người khác.
        Thiếu thời gian ngủ nghỉ.
        Thiếu tương quan thân thiết và thiếu sự tương trợ.
Đặc điểm nhân cách
        Khuynh hướng hoàn hảo hóa – không thấy gì tốt đủ.
        Có cái nhìn tiêu cực về bản thân và thế giới.
        Thiếu sự kiểm soát, miễn cưỡng ủy quyền cho người khác.
        Đặt mục tiêu quá cao.
        Tự bắt mình phải thực hiện những điều vô lý.
3. Những yếu tố liên quan đến chứng kiệt sức nghề nghiệp
Trong phần này chúng ta sẽ đề cập đến những nơi nào chứng kiệt sức nghề nghiệp xuất hiện và sau đó là chủ thể của chứng kiệt sức này là ai. Câu hỏi thứ nhất được trả lời trong phần yếu tố hoàn cảnh và câu hỏi sau được bàn đến trong phần yếu tố cá nhân.
Yếu tố hoàn cảnh
Chứng kiệt sức nghề nghiệp là một kinh nghiệm cá nhân nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với yếu tố hoàn cảnh, cụ thể là bối cảnh công việc của chủ thể. Những yếu tố đó là những đặc tính của nghề nghiệp và công việc.
Những đặc tính của công việc
Những đòi hỏi về số lượng hay thời lượng của công việc sẽ dẫn đến tình trạng quá tải của chủ thể là yếu tố liên quan đến chứng kiệt sức nghề nghiệp. Công việc quá tải cộng với áp lực về thời gian của công việc đòi hỏi là sự cộng hưởng có tác động đối với chứng kiệt sức nghề nghiệp. Những đòi hỏi và hiệu quả của công việc chủ yếu tập trung vào sự mâu thuẫn và sự nhập nhằng về vai trò của chủ thể. Sự mâu thuẫn trong vai trò của chủ thể xuất hiện khi những đòi hỏi mâu thuẫn cùng tồn tại trong lúc thực hiện một việc gì đó; sự nhập nhằng trong vai trò của chủ thể xuất hiện khi có sự thiếu hụt về những thông tin cần thiết để tác nghiệp tốt. Ngoài ra sự thiếu hụt về nguồn nhân lực và tài lực cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chứng kiệt sức nghề nghiệp.
Những đặc tính của nghề nghiệp
Những đối tượng rơi vào tình trạng kiệt sức nghề nghiệp trước tiên và chủ yếu là những người làm trong dịch vụ trực tiếp với con người và những nhà giáo dục. Điều cần quan tâm trước tiên là những thay đổi cảm xúc khi một người tác nghiệp trong vai trò của một người chăm sóc hay một người dạy dỗ.
Những đặc tính của tổ chức
Trong hoàn cảnh của những ai làm việc trực tiếp với con người thì bối cảnh của họ có nhiều yếu tố liên quan như thứ bậc trong tổ chức, những luật lệ, nguồn lực, văn hóa và không gian cần thiết. Những yếu tố này ảnh hưởng rất nhiều đến sự thay đổi tình cảm của con người trong môi trường đó.
Yếu tố cá nhân
Những thông tin cá nhân như tuổi tác, giới tính, vùng miền và một vài đặc điểm nhân cách liên quan đến chứng kiệt sức nghề nghiệp như: sức chịu đựng kém, khuynh hướng hướng ngoại, phương cách hóa giải căng thẳng thụ động, tự ti. Các nghiên cứu cũng khẳng định rằng những yếu tố thuộc mẫu nhân cách loại A thường mang liên quan đến chứng kiệt sức nghề nghiệp.
4. Cách phòng ngừa và hóa giải chứng kiệt sức nghề nghiệp
4.1. Cách phòng ngừa
Chúng ta có thể phòng ngừa chứng kiệt sức nghề nghiệp khi hiểu biết những triệu chứng của chúng. Sau đây là một và phương thức giúp ngăn chặn chứng kiệt sức ngh nghiệp trong giai đoạn đầu khi những của biểu hiện của chứng kiệt sức nàymới xuất hiện.
Bắt đầu một ngày sống bằng trình tự thoải mái. Thay vì chạy ra khỏi giường và đi làm ngay sau khi thức dậy, chúng ta nên hít thở sâu vài cái trước khi bước xuống giường, dành khoảng 15 phút để nhìn lại lịch sống một ngày với những chương trình và hoạch định, chọn lọc và đọc một ý tưởng gợi hứng cho bạn.
Hình thành thói quen ăn uống, làm việc và ngủ nghỉ lành mạnh. Nên ăn đúng cách, đúng lúc, đủ chất, làm việc và ngủ nghỉ điều độ để có sức thực hiện những kế hoạch dài hơi trong cuộc sống.
Tạo những khoảng thời gian tách biệt khỏi thế giới kỹ thuật. Dành thời gian thích hợp trong ngày để tận hưởng những khoảng thời gian hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới của kỹ thuật như vi tính, internet, điện thoại.
Tạo những khung giới hạn. Không cố gắng quá sức. Học cách nói “không” với những đòi hỏi vượt khả năng và giới hạn của mình.
Nuôi dưỡng khả năng sáng tạo. Sự sáng tạo là liều thuốc hữu hiệu để giải trừ chứng kiệt sức nghề nghiệp. Cố gắng làm những gì mới mẻ, bắt đầu một kế hoạch vui thú, tiếp tục một sở thích thú vị. Chọn những hoạt động tách biệt khỏi công việc của nghề nghiệp.
Học cách điều khiển, kiềm chế stress. Khi một người đang từng bước bị chứng kiệt sức nghề nghiệp khống chế, họ sẽ cảm thấy không tự lực. Nhưng thật ra họ có khả năng làm chủ và kiềm chế stress rất lớn. Khi biết cách điều khiển được sự căng thẳng sẽ giúp họ lấy lại được sự quân bình.
4.2. Cách hóa giải
Áp dụng mô thức trị liệu hiện sinh với 3 bước được khái quát bằng 3X: Xem-Xét-Làm.
Bước 1: Xem: bản thân mình là ai? Mình có gì? Giá trị tự thân? Hiện trạng về bản thân và môi trường?
Bước 2: Xét: Xét mình trong các mối tương quan hiện sinh.
Bước 3: Làm- lên chương trình để thực hiện những việc cụ thể sau đây:
        Tái khám phá và thể hiện khả năng của bản thân.
        Tái khám phá nội lực và các giá trị.
        Giảm căng thẳng và cởi bỏ mặc cảm.
        Thực hiện những điều tích cực.
Kết luận
Trong thời đại công nghiệp và kỹ thuật, xã hội phát triển và không ngừng thay đổi, kéo theo những đòi hỏi liên quan mà mỗi con người phải không ngừng phấn đấu để đáp ứng trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Do đó, hiện nay, chứng kiệt sức nghề nghiệp trở nên phổ biến đối với con người ngày nay, nhất là những người làm trong các dịch vụ có liên quan trực tiếp đến con người. Trên đây là một vài tư tưởng và những đề nghị thực hành cụ thể để giúp cho những người làm phận vụ của mình trong các trung tâm của những người khuyết tật phòng ngừa và hóa giải chứng kiệt sức nghề nghiệp, để chúng ta sống một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn trong công việc đặc trưng của mình.
 
Tài liệu tham khảo
Casserley, T (2009), Learning form Burnout: Developing Sustainable Leaders and Avoiding Career Derailment, Boston: Elsevier/ Butterworth-Heineman.
Joshi, V. V. (2005), Stress: from Burnout to Balance, London: Response Books.
Sherman, J. R. (1994), Preventing Caregiver Burnout, Minnesota: Pathway Books.
Leiter, M. P. (2005), Banishing Burnout: Six Strategies for Improving Your Relationship with Work, San Francisco: Jossey-Bass.
Maslach, C.; Schaufeli, W. B. & Leiter, M. P. (2001), “Job Burnout”, Annual Reviwew Psychology, 52: 397-422.
Maslach, C & Leiter, M. P (2008), “Early Predictors of Jobs Burnout and Engagement”, journal of Applied Psychology, 93: 498-512.
Schaufeli, W. B; Leiter, M. P. & Maslach, C. (2009), “Burnout: 35 Years of Research and Practice”, Career Development International, 14: 204-220.
Villa, I. V. G. (2005), Self-Empowerment through Anger and Burnout Management.
UNAIDS, Preventing Career Burnout: Inter-Mission Care and Rehabilitation Society, Geneva: UNAIDS, 2008.