Đi trọn đường tình

Con đường tình kéo dài trong suốt đời người là một con đường khó đi vì có nhiều đoạn bằng phẳng, trơn tru, đầy cây cao, bóng mát; nhưng cũng có những đoạn gập ghềnh, khúc khuỷu, đầy những ổ gà, sỏi đá lởm chởm, dưới ánh nắng chói chang hay mưa bão dầm dề, khiến cả hai người bước đi khó nhọc đến nỗi quỵ ngã trên đường.

 Đi trọn đường tình


Lời mở

Hôm nay chúng ta họp mặt nhân kỷ niệm 25 năm ngày cưới của các anh chị Bùi Lương-Thanh Vân và Hoàng-Hường. 25 năm là 1 đoạn đường tương đối khá dài trong đời người và hai người đã đi chung với nhau, trung thành với nhau, chia sẻ cho nhau những vui buồn trong đời sống. Đó là 1 sự thành công nhờ biết bao ơn lành của Chúa. Vì thế, chúng ta cùng dâng lễ để tạ ơn Ngài và chúc mừng cho nhau.

Tuy nhiên, con đường tình yêu này còn mở rộng tới vô biên và kéo dài tới vĩnh cửu vì mỗi người chúng ta, nhờ tinh thần thiêng liêng của mình, luôn mở ra cho Thiên Chúa Tình Yêu vĩnh hằng và vô tận. Các bài Thánh Kinh và nhất là bài Tin Mừng về tiệc cưới Cana như muốn gợi ý cho chúng ta điều đó để giúp chúng ta đi trọn đường tình.

1. Con đường tình ta đi

Nếu ví đời sống vợ chồng như một con đường để 2 người đi chung với nhau trong suốt cuộc đời thì có nhiều người không đi trọn được đường đời. Theo thống kê xã hội hiện nay, ở Hoa Kỳ và châu Âu có khoảng 50% hôn nhân tan vỡ, ở Việt Nam có khoảng trên 15%. Nhiều người còn cho những cuộc tình dang dở như vậy là tốt đẹp, như nhà thơ Hồ Dzếnh từng viết: “Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở, tình hết vui khi đã vẹn câu thề”. Họ lập luận rằng: nếu không thể sống trọn vẹn hạnh phúc bên nhau thì thà ly dị còn hơn là trở nên gánh nặng mãi mãi cho nhau trong suốt cuộc đời. Ngay cả trong Giáo hội Công giáo, một số tín hữu vẫn nghĩ như thế và người ta tìm mọi lý do, thậm chí gian dối trong toà án hôn phối, để cắt đứt sợi dây tơ hồng Trời đã ràng buộc!

Họ chưa hiểu được rằng con đường tình yêu này đã gắn chặt vào xương thịt để cả hai người nên một thân thể (x. St 2,18-24), người này là nửa của người kia, nên cuộc chia cắt nào cũng tàn phá, làm thương tổn nặng nề con người. Rồi dù vết thương có lành, nó vẫn để lại các vết sẹo khó coi, làm xấu đi khuôn mặt tinh thần xinh đẹp của con người.

Quả thật, con đường tình kéo dài trong suốt đời người là một con đường khó đi vì có nhiều đoạn bằng phẳng, trơn tru, đầy cây cao, bóng mát; nhưng cũng có những đoạn gập ghềnh, khúc khuỷu, đầy những ổ gà, sỏi đá lởm chởm, dưới ánh nắng chói chang hay mưa bão dầm dề, khiến cả hai người bước đi khó nhọc đến nỗi quỵ ngã trên đường. Cuối cùng, người này bỏ mặc người kia để đi một mình cho nhẹ nhàng. Quả thật “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai!” (Nguyễn Bá Học).

2. Tại sao đường tình dang dở?

Câu trả lời đơn giản là người ta không còn tình yêu làm hành trang giống như những khách bộ hành không còn sức lực để đi trọn con đường. Cuộc hôn nhân dang dở ấy giống như tiệc cưới trong đoạn Tin Mừng (x. Ga 2,1-11) vừa nghe: giữa chừng thì hết rượu. Rượu tượng trưng cho tình yêu.

Khi mới lấy nhau, họ tràn trề hạnh phúc vì còn nhiều tình yêu. Rồi qua những năm tháng sống, tình yêu tiêu hao dần do những hoạt động căng thẳng, những xung đột trong cuộc đời, hạnh phúc từ đó mỗi ngày một phai nhạt. Dù có tinh thần mở ra cho Đấng Vô Biên và muôn loài thụ tạo (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 130), nhưng con người, nếu không biết sử dụng tinh thần này, vẫn bị giới hạn do thể xác, vật chất, không gian, thời gian, nhất là do chính những tham vọng, dục vọng của mình, nên tình yêu của họ không thể vô tận, vô biên để giúp họ đi trọn đường tình. Do đó, nhiều cuộc hôn nhân chỉ kéo dài vài năm, vài tháng vì tình yêu của họ chỉ có thế! Nhiều người cho đến nay cũng chưa hiểu tình yêu là gì và bắt nguồn từ đâu vì họ chỉ biết yêu bằng trái tim nhỏ bé của con người!

Vậy tình yêu là gì? Bộ Bách Khoa Từ Điển Việt Nam 4 cuốn không định nghĩa được từ này vì trong ý thức hệ vô thần, duy vật, đây là một từ không thể giải nghĩa trọn vẹn. Nhà thơ Xuân Diệu diễn tả rất đúng trong bài thơ “Vì sao”:

Bữa trước riêng hai dưới nắng đào, nhìn tôi cô muốn hỏi “vì sao?” Khi tôi đến kiếm trên môi đẹp, một thoáng cười yêu thoả khát khao… Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! Có nghĩa gì đâu một buổi chiều, nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…

Nhà thơ Công giáo Hàn Mặc Tử nói thêm khi diễn tả tình yêu ẩn tàng trong trời đất nước non mây gió qua bài “Đà Lạt trăng mờ” rằng:

Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều! Để nghe dưới đáy nước hồ reo, để nghe tơ liễu run trong gió, và để nghe Trời giải nghĩa yêu”.

Thật vậy, nhiều đôi vợ chồng trung thành với nhau cho đến khi đầu bạc, răng long cũng đồng ý với Hàn Mặc Tử rằng chỉ có Trời mới là nguồn tình yêu, mới giải nghĩa yêu trọn vẹn, mới dạy con người “yêu đến cùng” là như thế nào để giúp họ đi trọn đường tình.

3. Bài học tình yêu từ tiệc cưới Cana

Trong cuộc tình của con người, dù họ là hay không là Công giáo, dù họ tin hay không tin, dù họ thật sự lấy nhau như vợ chồng hay kết ước với nhau như những người bạn tri âm, tri kỷ; dù họ kết ước với con người hay với Đấng Linh Thiêng như các người đi tu của bất cứ tôn giáo nào, họ vẫn cần có đủ tình yêu làm hành trang và cần có Chúa Giêsu và Mẹ Maria như trong tiệc cưới ở Cana.

Tại sao? Tại vì Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để cứu độ muôn người sau khi mọi loài, mọi vật đều được dựng nên nhờ Người và cho Người (x. Ga 1,1-18), nên Người luôn có mặt trong tiệc cưới của ta. Người hiện diện ở đó để đổi mới tình yêu của ta như làm cho nước lã  biến thành rượu ngon, để tăng cường tình yêu như làm cho cả 6 chum nước chứa đầy rượu cho cuộc tình của ta được trọn vẹn tốt đẹp, và để chuẩn bị đưa ta đón nhận tình yêu vĩnh hằng, vô tận của Thiên Chúa vào một thời điểm thích hợp là “giờ của Người’.

Còn Mẹ Maria cũng luôn có mặt trong cuộc tình của con người vì Mẹ đã sinh Chúa Giêsu trọn vẹn, gồm cả đầu và chi thể là chúng ta, nhất là Mẹ đã nhận lãnh sứ mạng làm mẹ khi đứng dưới chân thập giá (x. Ga 19,25-27). Mẹ đã từng yêu, có kinh nghiệm dồi dào về tình yêu nên Mẹ sẽ can thiệp để cuộc tình của con người không rơi vào chỗ bế tắc và đổ vỡ vì thiếu rượu nửa chừng. Chỉ có con người chúng ta hờ hững, xem Mẹ và Chúa Giêsu là những khách mời bình thường như mọi người.

Chính Mẹ báo động cho Chúa Giêsu tình trạng nan giải của con người: “Họ hết rượu rồi” cũng có nghĩa là: “Họ cạn tình rồi”. Mẹ hiểu rõ tình yêu con người và không lạ lùng, vì dù con tim của con người có yêu hết sức thì cũng chỉ được đến thế. Mẹ hiểu chỉ có Giêsu, Con của Mẹ, mới có khả năng cứu giúp việc này vì Người là hiện thân của Thiên Chúa Tình yêu (x. 1Ga 4,16), chỉ có Người mới có đủ quyền năng đổ đầy tình yêu vĩnh hằng, trong sáng vào trái tim con người để giúp họ mạnh mẽ tiến bước trên những đoạn đường đầy cam go, thử thách của tình yêu.

Tuy nhiên, để nước có thể biến thành rượu ngon, Mẹ yêu cầu con người phải tích cực cộng tác với Con của Mẹ. Mẹ dặn dò rất thân tình: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Điều Chúa Giêsu bảo thật đơn giản: chỉ là đổ nước đầy chum, việc thường làm trong đời sống. Trong đời sống hôn nhân giữa con người với con người, Đức Giêsu bảo ta hãy làm những điều mà Thiên Chúa Cha đã ghi khắc trong bản tính tự nhiên hay trong lương tâm ngay chính của con người về sự thật, sự sống, về tình yêu chung thuỷ, về những gì tốt đẹp con người mong làm cho nhau. Đó là những chất liệu cần thiết như nước để Người hành động. Nếu con người không đóng góp phần mình, Người không thể hành động đi ngược với tự do cao quý của họ. Đó cũng là điều được thánh Phaolô nhắc bảo: “Như những người được chọn của Thiên Chúa, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau…” (Cl 3,12).

Cuối cùng, để phát huy trọn vẹn sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa cho những ai muốn yêu đến cùng như Đức Giêsu (Ga 13,1), để đưa cả hai vợ chồng và mọi người liên hệ vào sự hiệp thông trọn vẹn trong tình yêu vĩnh hằng, vô tận, thì đến giờ của Người, Đức Giêsu mới biến rượu thành máu thánh Người. Điều này chỉ người tín hữu Công giáo mới hiểu được trọn vẹn. Máu này tượng trưng cho cái chết, cho sự hy sinh chính mình, cho những đau khổ tủi nhục trong đời sống mà cuộc tình đòi họ vui lòng đón nhận để mang lại ơn cứu độ cho muôn người, muôn vật. Vì thế chúng ta mới hiểu rằng trong hôn nhân Công giáo không thể có sự chia lìa một khi Thiên Chúa đã kết ước, xe duyên vì đường tình ta đi sẽ còn mở rộng tới vô biên để gắn bó mật thiết với Thiên Chúa vĩnh hằng.

Lời kết

Hôm nay, nhìn lại cuộc tình của mỗi người chúng ta với con người và với Thiên Chúa, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành hôn của các anh chị đây, lòng chúng ta tràn ngập niềm vui, bình an và hy vọng vì biết rằng Chúa Giêsu và Mẹ Maria luôn ở bên ta để tăng cường tình yêu cho ta bởi lẽ chúng ta là “những môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11).