LHQ rút nhân viên khỏi vùng bất ổn Myanmar

Điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc ở Yangon, Ashok Nigam cho biết tổ chức này tạm thời rút nhân viên khỏi khu vực miền Tây vì lý do an toàn. Các nhân viên của Liên Hiệp Quốc cho biết họ không thể tiếp tục làm nhiệm vụ ở đây vì bất ổn lan rộng.

 LHQ rút nhân viên khỏi vùng bất ổn Myanmar

Ngày 11-6, Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu rút nhân viên khỏi bang Rakhine, Tây Myanmar, nơi chính phủ nước này đã ban hành lệnh giới nghiêm sau hàng loạt vụ đụng độ giữa người Hồi giáo và Phật giáo.


Cảnh sát Myanmar đang vãn hồi trật tự ở khu vực bạo động -  Ảnh:AFP

 

Chỉ trong một tuần, các cuộc bạo động ở bang Rakhine đã làm 7 người thiệt mạng và 17 người bị thương.

Ngày 10-6, văn phòng Tổng thống Thein Sein đã ra lệnh giới nghiêm ở bang này do tình hình bạo động dâng cao.

Điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc ở Yangon, Ashok Nigam cho biết tổ chức này tạm thời rút nhân viên khỏi khu vực miền Tây vì lý do an toàn. Các nhân viên của Liên Hiệp Quốc cho biết họ không thể tiếp tục làm nhiệm vụ ở đây vì bất ổn lan rộng.

Bạo động nổ ra ở thị trấn Maungdaw và một số khu vực ở vùng duyên hải miền Tây Myanmar, giáp với biên giới Bangladesh sau khi cảnh sát bắt giữ ba người đàn ông Hồi giáo trong vụ hiếp dâm và sát hại một phụ nữ theo đạo Phật tháng 5-2012.

Đến ngày 3-6, khoảng 300 người dân địa phương đã trút giận vào một chiếc xe buýt ở vùng Taugup, làm 10 hành khách Hồi giáo thiệt mạng. Cuộc tấn công trên đã thổi bùng lên xung đột giữa hai tôn giáo ở khu vực này. Đã có 494 ngôi nhà, 19 cửa hàng và một khách sạn bị đập phá và đốt rụi trong các cuộc bạo động suốt tuần qua.

Rakhine là nơi có nhiều người  Rohingya sinh sống, đây là một dân tộc Hồi giáo thiểu số luôn cho rằng họ bị chính quyền quân đội cầm quyền ở Myanmar ngược đãi và họ đã tìm cách tị nạn chính trị ở nhiều nơi khác. 

Trong nhiều năm qua, hàng ngàn người Rohingya đã vượt biển trốn sang Thái Lan và Myanmar.

Trong khi đó, chính phủ Myanmar cho rằng khoảng 800.000 người Rohingya sống ở bang Rakhine là dân nhập cư trái phép từ Bangladesh và Myanmar từ chối thừa nhận họ là công dân của nước này.