Nguy cơ bùng nổ xung đột ở châu Á

Các quan chức quốc phòng, chuyên gia quân sự và ngoại giao của 28 quốc gia đã chỉ ra nhiều nguy cơ có thể gây bất ổn cho khu vực. Nổi bật hơn cả là nguy cơ tấn công mạng và xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự thiếu lành mạnh ở một số quốc gia.

 

Nguy cơ bùng nổ xung đột ở châu Á

Ngoài một số tín hiệu lạc quan, Diễn đàn an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Singapore cũng chỉ ra nhiều mối lo cho an ninh khu vực.

Kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương đã không gây quá nhiều quan ngại về viễn cảnh gia tăng mâu thuẫn giữa nước này và Trung Quốc, sau những giải thích của người đứng đầu Lầu Năm Góc Leon Panetta tại hội nghị. Đại biểu Trung Quốc đã nói: “Chúng tôi hoan nghênh việc Mỹ đóng một vai trò giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Trong khi đó, Hoàng thân Norodom Sirivudh, Chủ tịch Viện Hoà bình và hợp tác Campuchia, nhìn nhận: “Tôi cho rằng chúng ta được động viên trước quan hệ hoà bình giữa Trung Quốc và Mỹ”. Cũng tại diễn đàn thường niên mang tên Đối thoại Shangri-La (SLD) này, Myanmar khẳng định đã từ bỏ việc “nghiên cứu mang tính học thuật” về sức mạnh hạt nhân do chính quyền quân sự trước đây tiến hành.

 Nguy cơ bùng nổ xung đột ở châu Á - Hải quân Trung Quốc - nd
Nhiều bên liên tục bày tỏ quan ngại về quân sự Trung Quốc – Ảnh: Reuters

Dù vậy, trong 3 ngày thảo luận (1 – 3.6), quan chức quốc phòng, chuyên gia quân sự và ngoại giao từ 28 quốc gia cũng đã chỉ ra nhiều nguy cơ có thể gây bất ổn cho khu vực. Nổi bật hơn cả là nguy cơ tấn công mạng và xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự thiếu lành mạnh ở một số quốc gia.

Phương thức “tấn công phủ đầu” bằng cách dùng vi rút máy tính đánh sập các hệ thống kinh tế, an ninh đang khiến nhiều nước lo ngại. Sự kiện mới nhất là cáo buộc Mỹ dùng mã độc tấn công chương trình hạt nhân của Iran. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi còn quan ngại các tổ chức và cá nhân lợi dụng phương thức tấn công này để chống lại chính phủ. Vì vậy, ông kêu gọi ASEAN hợp tác nguồn lực để chuẩn bị đối phó nguy cơ các cuộc tấn công phức tạp hơn, có thể làm tê liệt cả hệ thống công nghệ thông tin một quốc gia.

Việc gia tăng ngân sách và chi tiêu quốc phòng trong thời gian gần đây ở một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, cũng khiến nhiều bên “nhíu mày”. Bắc Kinh loan báo gia tăng ngân sách quốc phòng lên đến 106 tỉ USD cho năm 2012, tăng hơn 11%. Nhưng nhiều chuyên gia quân sự vẫn tỏ ra nghi ngờ con số này. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói: “Trung Quốc cần minh bạch hơn về số tiền họ thực sự chi tiêu, vào việc gì, và mục đích là gì”. Trong khi đó, hai nước láng giềng và đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc là Ấn Độ và Nhật Bản tỏ ra quan ngại sâu sắc. “Việc gia tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là thiếu minh bạch và vì thế nó là một nguy cơ”, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shu Watanabe nói. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.Antony phát biểu: “Mặc dù không tin rằng đang có một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng vì Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự và tăng chi tiêu quốc phòng, nên theo cách của chúng tôi, để bảo vệ lợi ích quốc gia, chúng tôi cũng buộc phải tăng cường năng lực của mình ở vùng biên giới”.

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng cho rằng đây là những dấu hiệu đáng quan ngại. Trao đổi với Thanh Niên bên lề hội nghị, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói khi các nước đều gia tăng năng lực quân sự thì nguy cơ bùng nổ xung đột sẽ cao hơn.

 

Bên lề diễn đàn, hôm qua, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã gặp gỡ song phương với Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey, các Bộ trưởng Quốc phòng của New Zealand và Pháp cũng như Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản.