Sự cần thiết của nước sạch với cuộc sống con người

Nước rất cần thiết cho chúng ta mà nước sạch lại là nguồn tài nguyên quý giá nhưng không phải là tài nguyên vô tận. Vì vậy, mọi người dân phải có ý thức bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch

 

Sự cần thiết của nước sạch với cuộc sống con người

Gần đây khi theo dõi trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta nghe nói nhiều đến tình trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và ngay cả trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta cũng đã vô tình đưa những chất độc hại ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới thì có tới 80% các loại bệnh tật liên quan đến việc sử dụng nước bị ô nhiễm. Các loại bệnh phổ biến thường gặp ở nông thôn là bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, th­ương hàn, giun sán, phụ khoa… Đôi khi chúng còn lây lan nhanh thành dịch, gây thiệt hại lớn về sức khoẻ, tiền bạc và thậm chí sinh mạng con ngư­ời. Nh­ưng cũng có nhiều ng­ười lại không biết tại sao họ lại mắc phải các loại này, nguyên nhân chính gây ra các loại bệnh, dịch này là do bà con sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm như:

 Nước ao tù bị nhiễm chất thải từ các chuồng gia súc hoặc rác r­ưởi – nước ở các ao có cầu tiêu ao cá. Trong các loại nước đó có hàng triệu vi trùng, ký sinh trùng gây ra bệnh tật cho con ng­ười.

 Nước bị nhiễm độc bởi phân bón, thuốc trừ sâu.

 Nước sông, rạch bị ô nhiễm từ các chất độc hại từ nhà máy thải ra và vô số rải rư­ởi, súc vật chết.

 Thậm chí còn sử dụng như­ng nguồn nước bị ô nhiễm bởi vật chứa không hợp vệ sinh, do tiếp súc với tay chân dơ bẩn. Mặt khác, nhiều ngư­ời lại có thói quen uống nước sống, không nấu chín nên cũng dễ mắc dịch bệnh.

Những tác hại này đã và đang ảnh hưởng đến sức khoẻ của từng gia đình và cộng đồng của chúng ta, vì vậy chúng ta nên tìm hiểu xem chất lượng nước như thế nào được gọi là nước sạch và sự cần thiết của nó đối với đời sống con người.

 

Như chúng ta đã biết:

– Nước chiếm hơn 70 – 75% trọng lượng cơ thể con người. Nếu thiếu nước sẽ gây rối loạn chuyển hóa các chất dẫn đến khát nước, rối loạn nhiệt độ cơ thể, rối loạn tâm thần.

– Mỗi người chúng ta cần có ít nhất là 1,5 lít nước uống mỗi ngày.

Ngoài ra con người còn cần nước trong sinh hoạt, sản xuất hằng ngày như: tắm, giặt, vệ sinh nhà cửa, bảo quản và chế biến thực phẩm, cứu hoả và các nhu cầu trong sản xuất khác.

Việc sử dụng nước sạch còn giúp cho chúng ta phòng được cá loại bệnh qua đường tiêu hoá như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A và các loại bệnh ngoài da, bệnh về mắt, bệnh phụ khoa….

Vậy, nước rất cần thiết cho chúng ta mà nước sạch lại là nguồn tài nguyên quý giá nhưng nó không phải là vô tận. Vì vậy, mọi người dân phải có ý thức bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch.

Nước như thế nào được coi là hợp vệ sinh và sạch?

– Nước được coi là nước sạch phải trong, không có màu, không có mùi vị lạ gây khó chịu cho người sử dụng, không chứa các mầm bệnh và các chất độc hại.

– Nước sạch phải đạt các chỉ tiêu theo QCVN 02-BYT.

– Các nguồn nước sạch thông thường gồm:

+ Hệ thống cung cấp nước tập trung (nước máy): nước lấy từ giếng khoan hay sông, hồ được đưa qua hệ thống xử lý dàn mưa, bể lắng, bể lọc… rồi vào bể chứa lớn từ đó theo đường ống dẫn về cho các hộ gia đình sử dụng.

+ Nước mưa.

+ Nước giếng khơi.

+ Nước giếng khoan…

Mỗi gia đình cần có ít nhất một trong các nguồn nước sạch nêu trên. Nếu chưa có, nên hỏi ý kiến của cơ quan y tế hoặc cơ quan chuyên môn để đượcc tư vấn xây dựng cho gia đình một nguồn nước sạch thích hợp.

Một vài điều cần nhớ khi sử dụng các nguồn nuớc:

1. Đối với nguồn nước mưa:

Để có nguồn nước mưa đảm bảo vệ sinh chúng ta cần thực hiện:

– Trước mùa mưa phải vệ sinh sạch sẽ mái hứng, máng dẫn và các dụng cụ chứa nước như: lu, hồ…

– Loại bỏ nước của cơn mưa đầu và 15 phút đầu của các cơn mưa sau.

– Hồ hoặc lu chứa phải có nắp đậy.

– Lắp vòi hoặc dùng dụng cụ lấy nước sạch sẽ.

– Nuôi cá bảy màu trong dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng.

– Không sử dụng nước lấy từ mái bằng Fibro cement.

2. Đối với nguồn nước giếng khơi:

Chúng ta cần thực hiện:

– Giếng khơi phải được đào cách chuồng nuôi gia súc, nhà tiêu ít nhất là 10 mét.

– Thành giếng phải được xây cao khoảng 0,8 mét, trong lòng giếng có thể xây gạch, đá hộc, đá ong… ít nhất 3m.

– Sân giếng được lát cement hoặc lát gạch dốc về phía rãnh thoát nước, rãnh thoát có độ dốc vừa phải và dẫn ra xa hoặc đỗ vào đường thoát nước.

– Miệng giếng phải có nắp đậy và có giá để dụng cụ lấy nước.

– Thường xuyên vệ sinh sân giếng để tránh trơn trượt.

– Có thể lắp đặt bơm tay để lấy nước.

3. Đối với giếng khoan gia đình:

– Nước giếng khoan nên lấy từ các mạch nước ngầm sâu từ 20 mét trở lên.

– Sân giếng được lát cement hoặc lát gạch dốc về phía rãnh thoát nước để tráng gây ô nhiễm cho nguồn nước.

– Phải dùng bể lọc để lọc nước trước khi sử dụng.

– Nên mang nước đi xét nghiệm kể cả xét nghiệm asen (thạch tín) trước khi sử dụng.

– Định kỳ bảo dưỡng máy bơm nước, nếu có hư hỏng phải sửa chữa kịp thời.

Trong các trường hợp khẩn cấp như hạn hán, bão lụt… có thể làm sạch nước bằng một số biện pháp sau:

– Làm trong nước bằng cách đánh phèn:

Dùng phèn chua với liều lượng 1 gram phèn chua (một miếng khoảng ½ đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một ca nước. Cho ca nước đó vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều. Chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết rồi gạn lấy nước trong.

– Làm sạch nước bằng Cloramine

Khử trùng nước bằng viên Cloramine T hoặc B, loại này rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, khạp, xô hay hồ chứa nước nhỏ tại hộ gia đình. Một viên Cloramine T hoặc B hàm luợng 0,25 gram dùng để khử trùng cho 25 lít nước.

 Lưu ý:

– Không nên tiến hành khử trùng đồng thời với việc đánh phèn. Vì phèn sẽ làm mất tác dụng khử trùng của Clo.

– Sau khi khử trùng phải ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mớpi có tác dụng

– Nước đã khử trùng bằng Cloramine vẫn phải đun sôi mới uống được.

 

Năm 2012 với thông điệp “Nước sạch và vệ sinh môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới”, Thành phố đang thực hiện xây dựng 58 xã nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia với 19 tiêu chí. Trong đó có tiêu chí số 17 về nước sạch và vệ sinh môi trường. Việc sử dụng và tiết kiệm nguồn nước sạch cùng với việc bảo đảm vệ sinh môi trường sống: không phát thải rác bừa bãi, không sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các kỹ thuật canh tác sạch và thay đổi hành vi, thái độ đối với ô nhiễm môi trường… sẽ góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã ngoại thành Thành phố./.